Đập thủy lợi ở Quảng Trị vẫn gia cố bằng cọc tre sau nửa năm ban bố khẩn cấp
Sau nửa năm ban bố khẩn cấp, đập 4,3 triệu m3 ở Quảng Trị vẫn gia cố bằng cọc tre vì phải chờ điều chỉnh phương án xử lý nền.
Ngày 19/7, ông Nguyễn Sinh Công, Tổng giám đốc công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Trị cho hay, đơn vị thi công gia cố thân đập Triệu Thượng 2 đặt tại xã Triệu Thượng ( huyện Triệu Phong, Quảng Trị), đang vận chuyển máy móc vào công trường để thi công; dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2018 để đón mùa mưa lũ.
Trước mùa mưa lũ 2016, công trình trên bị phát hiện trượt sạt thân đập chính 75 mét. Đến cuối tháng 1/2018, Công ty thủy lợi ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu thi công, dự kiến hoàn thành trong 145 ngày. Đơn vị này đã đóng hai cọc thí nghiệm nhưng kết quả chưa đạt cường độ, buộc phải thay đổi phương án xử lý nền công trình.
Đập Triệu Thượng 2 bị phát hiện trượt sạt trước mùa mưa lũ năm 2016 và được gia cố cọc tre trong hai năm qua. Ảnh: Hoàng Táo
Ông Công lý giải, do thời gian họp bàn điều chỉnh phương án xử lý nền kéo dài nên tiến độ công trình bị chậm. Sau ba tháng, với tư vấn của Viện Thuỷ công (thuộc Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam), đơn vị này đề xuất xử lý nền bằng công nghệ cọc xi măng đất và đắp phản áp hạ lưu. “Đây là công nghệ mới áp dụng ở Quảng Trị. Việc bơm phụt cao áp sẽ làm nền đập cứng lại triệt để”, ông Công nói.
Với giải pháp thi công mới, chủ đầu tư xin điều chỉnh tiến độ, bổ sung thêm 135 ngày, đảm bảo hoàn thành trước 1/12/2018. Trong đó, hạng mục gia cố nền thi công cọc xi măng đất dự kiến hoàn thành trước tháng 8, thi công xử lý mái trong thời gian còn lại.
Đơn vị thi công hai cọc thử nghiệm nhưng chưa đạt cường độ nên chờ họp bàn phương án xử lý. Ảnh: Hoàng Táo
Theo tiến độ mới, dự kiến ngày 18/7, nhà thầu sẽ thi công hai cọc thử nghiệm. Dù vậy, hiện tại công trường vẫn chưa có máy móc, công nhân của nhà thầu.
Trong khi đó, ông Lê Đức Lộc (thôn Kinh Tế Mới, xã Triệu Thượng) cho hay gia đình có 5.000 m2 ruộng ở hạ lưu đập. “Tôi thấy đập vẫn đóng cọc tre thì rất lo lắng vì mùa mưa sắp đến”, ông Lộc chia sẻ.
Chủ đầu tư cho hay hạng mục gia cố nền dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2018. Ảnh: Hoàng Táo
Tháng 12/2017, Quảng Trị công bố tình trạng khẩn cấp với hồ thuỷ lợi Triệu Thượng 2, do phát hiện trượt sạt hạ lưu thân đập chính dài 75 m, từ độ cao hai đến 10 m theo cung tròn; chiều sâu các vết trượt sạt khoảng 60 cm. Tỉnh chi hơn 3,1 tỷ đồng để lựa chọn nhà thầu khắc phục sự cố, thời gian thi công dự kiến trong ba tháng.
Dù vậy, sau hơn nửa năm thi công, thân đập Triệu Thượng 2 vẫn đang gia cố bằng cọc tre và bao tải cát. Nhiều bao tải cát bị vỡ, cọc tre mục nát, nghiêng đổ.
Đập trượt sạt do được thi công, gia cố bằng tay vào những năm 1980, qua thời gian bị mưa bão tác động.
Hoàng Táo
Theo VNE
Vụ bò giống cấp phát được bán cho lò mổ: Người sai phải trả lại tiền cho nhà nước
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, và xác nhận có 5 con bò đực giống bị bán đi. Việc nhận bò giống về rồi bán giết thịt để hưởng tiền chênh lệch là sai quy định...
Một con bò đực giống do nhà nước cấp trị giá 18 triệu đồng, trong đó người dân đối ứng 4 triệu đồng. Ảnh: Hưng Thơ.
Sáng 27.3, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Độ liên quan đến việc 10 con bò đực giống được cấp cho địa phương trong thời gian cuối năm 2017.
Theo đó, trong năm 2017, riêng xã Triệu Độ được cấp lần một 3 con bò và lần hai là 10 con bò. Đợt 1 có kế hoạch từ trước, 10 con bò của đợt 2 là của địa phương khác đăng ký, nhưng đến lúc giao bò lại không nhận. Sau đó, Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong đã ngỏ ý với lãnh đạo UBND xã Triệu Độ, nếu có vốn đối ứng và nhu cầu thì nhận 10 con bò đực giống. Sau khi nhận bò giống về, lãnh đạo xã Triệu Độ cấp cho người nhà cán bộ và cán bộ công tác tại xã.
Ông Lê Quang Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Trị (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị) nói rằng, quá trình về xã Triệu Độ kiểm tra, xác định 5 con bò đực giống đã cấp không còn nữa.
"Mục đích cấp bò đực giống là để phát triển đàn bò lai, vì vậy mới có cam kết thời gian nuôi. Nhưng ở đây, anh nhận bò đực giống về mà đem bán giết thịt, bỏ túi tiền chênh lệch là sai rồi" - ông Ánh, nói.
Về đối tượng nhận bò trong đợt cấp 10 con, chủ yếu là cán bộ và người nhà cán bộ, ông Ánh nói vấn đề này chưa bàn tới. "Vì trong QĐ27 của UBND tỉnh Quảng Trị nêu đối tượng là người chăn nuôi, mà người chăn nuôi không loại trừ cán bộ hay người nhà cán bộ, cũng không phải chỉ tập trung cho hộ chính sách. Tuy nhiên, vấn đề cấp sai hay đúng sẽ được làm rõ khi các đơn vị liên quan có báo cáo" - ông Ánh giải thích.
Ông Ánh nói thêm, là cơ quan chuyên môn, đơn vị sẽ đề xuất xử lý nghiêm vụ việc, người sai phải trả lại tiền cho nhà nước, cán bộ sai thì xử lý cán bộ, Đảng viên sai thì xử lý về mặt Đảng...
Được biết, hiện Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Triệu Phong, Thanh tra và Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong đang xác minh vụ việc. Trước lùm xùm về việc cấp bò giống này, Sở NN&PTNT Quảng Trị đang yêu cầu các đơn vị rà soát lại việc hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước đó, LĐO ngày 25.3 có bài viết "Cấp bò giống cho cán bộ và người nhà cán bộ rồi bán giết thịt", thông tin về phản ánh của người dân xã Triệu Độ việc chính quyền cấp 10 con bò đực giống cho cán bộ và người nhà cán bộ, trong lúc người có nhu cầu chăn nuôi thì không được quan tâm. Bên cạnh đó, việc phát hiện bò đực sau khi được cấp phát đã đi thẳng đến lò mổ bán với giá 10 triệu đồng/con để giết thịt, càng làm người dân bức xúc hơn.
HƯNG THƠ
Theo Dantri
Quảng Trị: Muốn chỉ định thầu để sửa đập nước khẩn cấp Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, việc đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp hồ Triệu Thượng 2 (Triệu Phong) là để nhanh chóng được chỉ định thầu nhằm sửa chữa công trình đang hư hỏng. Ngày 7.12, ông Hồ Xuân Hòe - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, ngành nông nghiệp nhận thấy việc khắc phục...