Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1
Sau một đêm dầm mưa xếp hàng, sáng 12/5 hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào trong sân trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1. Trường Thực nghiệm là nơi nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học, trong đó có GS Ngô Bảo Châu.
21h đêm 11/5, rất đông phụ huynh xếp hàng dầm mưa trước cổng trường PTCS Thực nghiệm (Ba Đình) chờ đến 6h sáng hôm sau được vào mua hồ sơ xin học lớp 1 cho con. Khoảng 22h30, trời bắt đầu đổ mưa nhưng nhiều người vẫn quyết tâm mặc áo mưa, che ô ngồi chờ trước cổng.
Một số phụ huynh cho hay, do người nhà có con từng học trường này cho biết, trường học rất tốt nhưng học phí lại “bình dân”. Nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học ở đây, trong đó có GS Ngô Bảo Châu.
5h sáng 12/5, lượng người chen lấn xếp hàng lên đến hàng trăm.
Sốt ruột chờ đợi, nhiều người định trèo vào trong. Một số phụ huynh đã ném ghế và vật dụng khác vào bên trong cổng trường.
Video đang HOT
6h, nhân viên bảo vệ mở cửa, nhiều người sốt ruột muốn chạy vào trong đứng hàng đầu nên đã xô đổ cửa sắt.
Nhiều người nhảy lên cánh cổng sắt vừa bị đổ để xông vào. Một phụ nữ bị tụt chân xuống khe cửa.
PTCS Thực nghiệm đã lập sẵn hàng rào bên trong trường để phát tích kê. Bảo vệ bắc loa kêu gọi mọi người không chen lấn xô đẩy nhưng bất thành.
Người xếp hàng phía sau đục hàng rào bằng cây để vòng lên chặn đầu.
Bị bảo vệ doạ không phát tích kê mua hồ sơ, những người này đành quay lại chui qua hàng rào len vào giữa.
Không ai chịu nhường ai, người xếp hàng phía trước phát cáu vì bị đẩy từ sau lưng. Một phụ nữ bị chen lấn đứng lọt thỏm trong đám đông.
Lãnh đạo trường không bằng lòng với sự mất trật tự của hàng trăm phụ huynh nên đã bắc loa thông báo huỷ buổi bán hồ sơ.
Nhiều người chỉ còn biết đứng ngao ngán, thẫn thờ tiếc nuối và chờ buổi bán hồ sơ sắp tới.
PTCS Thực nghiệm ở phố Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) trực thuộc Bộ GD&ĐT, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tôn trọng tính sáng tạo, tự chủ của học sinh. Nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học ở đây, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Hàng năm lượng hồ sơ đăng ký vào trường rất đông. Năm nay theo kế hoạch, 7h sáng 12/5, trường sẽ bán hồ sơ dự thi vào lớp 1. Số đơn bán ra là 200, chỉ tiêu là 140.
Theo VNExpress
Đến 2015, tất cả các trường ĐH phải chuyển sang đào tạo tín chỉ
Ngày 7/5, Bộ GD-ĐT công bố chương trình hành động giai đoạn 2011 - 2016. Theo đó, Bộ yêu cầu đến năm 2015, tất cả các trường ĐH chuyển hoàn toàn sang đào tạo theo học chế tín chỉ.
Với mục tiêu chung của giai đoạn 2011 - 2016 là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, Bộ GD-ĐT tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; Tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên; Công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực về CNTT; Tăng cường hỗ trợ giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và người học được ưu tiên; Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.
Các mục tiêu cụ thể cần đạt vào năm 2015: Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 10%, phấn đấu có 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 90% số người trong độ tuổi được học THCS, nâng số sinh viên trên một vạn dân lên mức 300; phát triển giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%...
Về đổi mới chương trình giáo dục ĐH sẽ thực hiện theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc xây dựng chương trình.
Đặc biệt, đến năm 2015, tất cả các trường ĐH chuyển hoàn toàn sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Bộ chủ trương phát triển các chương trình đào tạo trình độ ĐH theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng; vận dụng có chọn lọc một số chương trình đào tạo tiên tiến của các ĐH có uy tín trên thế giới vào đào tạo của một số trường ở Việt Nam; thực hiện phân tầng ĐH, đến năm 2015 hình thành nhóm các trường ĐH định hướng nghiên cứu, ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng, các trường CĐ cộng đồng.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Học phổ thông 10, 11 hay 12 năm? Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo T.Ư, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới đây bàn thảo vấn đề giáo dục phổ thông 10, 11 hoặc 12 năm, tiểu học 5 năm như hiện nay cần thay đổi. 11 hay 12 năm không quyết định chất lượng, vấn đề quan trọng là hệ thống mở để học sinh chọn...