Đào Việt giữa xứ bạch dương
Thấy tôi lỉnh kỉnh vác cành cây giữa trời tuyết về chuẩn bị đón Tết, Huấn, cậu em khóa dự bị, tỏ vẻ thắc mắc. Nhìn ánh mắt ngơ ngác của Huấn tôi hiểu những khúc mắc của cậu em mới lần đầu đón Tết ở Nga. (Quang Tuyến, Nga)
“Thực tế đào chỉ phổ biến ở Việt Nam, các quốc gia thuộc khu vực Đông Á hay Địa Trung Hải. Ở Nga không có những giống đào đặc chủng như thế nhưng anh có cành đào đặc biệt cho riêng mình” – tôi nói. Sau vài ba câu hỏi thăm qua loa tôi chia tay Huấn và hứa hôm sau sẽ mời cậu ta sang phòng để xem cành đào hoàn thiện của tôi.
Mùa đông nước Nga thường lạnh nhất vào tầm cuối tháng 1, đầu tháng 2 hàng năm. Nhiệt độ trung bình ở khu vực miền Trung dao động từ -30 đến -20 độ C. Vào giai đoạn này, các thân cây chỉ còn trơ xương cành, không chút sắc màu của hoa lá để báo hiệu sự sống vẫn đang ẩn mình và tiếp diễn.
Những nhánh cây đã được tập kết tại hành lang của kí túc xá để chuẩn bị cho những công đoạn tiếp theo. Ảnh do tác giả cung cấp
Như một thói quen của một lưu học sinh đã đón 7-8 cái Tết xa nhà, tôi tiến hành công việc một cách thuần thục và nhanh chóng: Gốc cây được nướng kĩ càng trên ngọn lửa để giữ cho cành được tươi lâu Tôi gọt tỉa những chỗ chưa ưng ý, cho cành cây vào bình nước ấm và đặt ở một vị trí trang trọng nhất trong phòng. Cành đào của tôi thực chất là những thân táo, mận mọc hoang dại gần khu vực kí túc xá, nhìn thoáng qua thế cành không khác những cành đào thực thụ là mấy, chỉ có điều không có những nụ hay cánh hoa phô sắc hồng rực rỡ, nhưng không sao, tôi đã có giải pháp cho riêng mình.
Tôi lôi bộ “đồ nghề” đã thủ sẵn trong ngăn kéo bao gồm giấy màu, bìa các tông, dao, kéo, hồ dán, dây buộc và các loại màu vẽ. Hoa đào được cắt bằng giấy hồng và gắn khéo léo lên các mắt cành giống như hoa thật. Tôi làm thêm đôi câu đối, tràng pháo tô điểm thêm cho cành cây thêm sinh động và không quên cặp bánh chưng cùng với mâm ngũ quả đặt cạnh đó.
Video đang HOT
Cành cây sau khi được trang trí không khác gì cành đào thật. Ảnh do tác giả cung cấp
Tôi say sưa ngắm nhìn thành quả của mình, chụp một số bức ảnh ở những góc đẹp nhất để khoe với gia đình, bạn bè gần xa và không quên gửi cho Huấn. Ngắm những bức hình, tôi cảm thấy vui vui, phảng phất đâu đó chút hương vị Tết của quê nhà. Tôi thấy cạnh cành đào bao nhiêu là món ăn ngon của ngày Tết, mẹ đang chuẩn bị mâm cỗ, bố dọn dẹp lại bàn thờ, các anh đang nói chuyện với khách hay lì xì cho các em nhỏ đến chơi… Còn tôi thì tung tăng chạy nhảy như một đứa trẻ, chợt khói nhang làm tôi cay khóe mắt.
Gửi bài dự thi “ Xuân Quê hương” của bạn
Gần hai tuần sau hôm gặp Huấn, tôi mời cậu ấy đến phòng như đã hứa. Vừa mới bước vào cửa cậu ta đã sững sờ trước cành đào của tôi. Không còn những sắc hồng như trong các bức hình mà tôi đã gửi. Cành cây đã khoác lên cho mình một bộ váy áo mới hết sức lộng lẫy. Những chồi non và nụ đua nhau đâm ra tua tủa, hoa nở trắng buốt, thơm ngần phủ kín cả cành cây.
Huấn đặc biệt thích thú với cành đào của tôi, cậu ta hỏi tôi cặn kẽ việc lựa chọn cũng như cách chăm sóc, ươm làm sao cho cành ra hoa đúng dịp Tết để năm sau sẽ tự làm cho mình một cành đào riêng. Hai anh em kể chuyện cành đào, chuyện Tết ngày nay, ngày xưa, Tết ở Việt Nam và những cái Tết xa nhà… cảm giác thật gần gũi, ấm cúng biết bao.
Ngoài trời tuyết vẫn rơi, màu trắng của hoa hoàn lẫn vào màu trắng của tuyết, nhớ ngày Tết quê nhà, yêu quê hương Việt Nam với những tình cảm mãnh liệt, chất chứa và không bao giờ vụt tắt.
Sau khoảng thời gian ngủ im lìm giữa mùa đông buốt giá, sắc xuân chợt trỗi dậy để kịp đón cái Tết đang về. Ảnh do tác giả cung cấp
Theo VNE
Tết trong lòng cô gái Việt ở Mỹ
Tết đến, những tâm hồn Việt xa xứ có cơ hội bộc bạch nỗi lòng và cho thế giới biết dù ở nơi đâu trên trái đất bao la này, người Việt vẫn luôn chung tình với quê hương, đất nước. Vẫn tiếng Việt, vẫn "nước mắm", và vẫn "Tết". (Nhi Na, Mỹ)
Một người Việt xa xứ mong một ngày được "Tết" với quê hương. Ảnh do độc giả cung cấp.
Tết! Là lời chào của chúa xuân
Khi ông hoàng mùa đông ngập ngừng trao trả bầu không khí long lanh, mát dịu.
Tết! Là tiếng reo trong trẻo vui mừng của em bé xúng xính nựng đầm áo mới.
Là tiếng ai như tiếng nhân tình ước hẹn đầu năm.
Tết! Là đâu? Là Việt Nam yêu thương hình chữ S,
Nơi Bắc bán cầu, bên biển Thái Bình Dương.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn
Sao ta nghe ở đây...Hương vị Tết nồng nàn?
Nào bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu...
Nào mứt, bao lì xì, nào mai vàng, ngũ quả...
Ồ, đúng rồi! Tết là Việt Nam!
Hơn nửa vòng trái đất, đến với Hoa Kỳ làm kiếp tha hương.
Vẫn còn một Việt Nam trong sáng, đậm đà.
Vẫn da vàng...vẫn tiếng nói...
Vẫn tình người chân quê...
Và vẫn Tết!!!
Dù không phải Hoa Kỳ quốc lễ, nhưng tết đã theo chân người Việt bước vào công sở, tiệm ăn. Tết đi mua quà, đi shopping, đi chợ. Tết đi xem nhạc, đi hội chợ. Và chúc tết nhau. Người lớn, trẻ nhỏ, gương mặt nào cũng "Tết", cũng vui.
Bữa cơm tối quây quần bên bánh mứt, nào phở, nào mỳ, hủ tiếu, bò kho...
Bỗng lòng chợt nhớ tết quê nhà. Da diết nhớ những ngày yêu dấu cũ. Mồng 1 tết cha, mồng 3 tết thầy. Nhớ ngày tảo mộ. Nhớ ngày đoàn viên. Nhớ bạn bè. Nhớ trường xưa. Nhớ cây phượng vĩ. Nhớ đường phố quen. Nhớ chợ. Nhớ hoa. Nhớ trời se lạnh. Nhớ mưa phùn. Nhớ nắng. Nhớ tóc mây bay!..
Tết! Mong cho đất nước trọn niềm vui, trọn tiếng hát, trọn nụ cười, trọn những ước mơ.
Và Tết! Mong một ngày được "Tết" với quê hương!...
Theo VNE
Đào, mai, quất rực rỡ chợ hoa xuân Mỹ Chợ hoa Phước Lộc Thọ của người Việt tại Little Saigon, bang California, Mỹ những ngày giáp Tết này tưng bừng với mai vàng, hoa lan, hoa đào và những chậu quất cảnh. (Tuy Can, Mỹ) Chợ hoa xuân Tết Quý Tỵ tại thương xá Phước Lộc Thọ, khu Little Saigon, khai mạc hôm 26/1, thu hút rất nhiều bà con Việt kiều...