Đào tạo giáo viên: Kinh nghiệm từ các nước
Đào tạo GV đáp ứng yêu cầu đổi mới GD là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Từ kinh nghiệm đào tạo GV của các nước trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo và vận dụng linh hoạt để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trong đào tạo giáo viên. Ảnh: IT
Đào tạo GV ở các nước phương Tây
Theo PGS.TS Lê Đình Sơn – Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), ở nhiều quốc gia, đào tạo GV ban đầu chủ yếu được thực hiện trong các cơ sở GD ĐH và được tổ chức theo hai mô hình cơ bản: Mô hình liên tục hay còn gọi là mô hình song song và mô hình nối tiếp. Theo mô hình nối tiếp, sinh viên sau khi có được bằng cấp về một hoặc nhiều môn khoa học (thường là bằng cử nhân) sẽ học thêm một thời gian để đạt được trình độ bổ sung cho việc giảng dạy (có thể là hình thức cử nhân ĐH hoặc bằng thạc sĩ). Đối với mô hình song song, học viên đồng thời học một hoặc nhiều môn học và cách giảng dạy các môn học đó, dẫn đến bằng cử nhân kết hợp và chứng chỉ giảng dạy để đủ điều kiện làm GV của môn học đó.
Cũng theo PGS Lê Đình Sơn, một số quốc gia còn có cách làm khác. GV có thể được đào tạo bằng cách kết hợp giữa đào tạo của trường ĐH và làm việc trong một trường học dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia có kinh nghiệm. Thời gian này được xem là một giai đoạn đào tạo. PGS Lê Đình Sơn dẫn giải: Tại Hoa Kỳ, trong hai thập niên gần đây có một bộ phận không nhỏ GV mới được đào tạo theo cách thứ ba này. Ở đây, các ứng viên ghi danh vào các môn khoa học ở trường ĐH.
Phần bổ sung các môn khoa học nghiệp vụ và sư phạm sẽ được đào tạo ở cộng đồng, nơi họ sẽ làm việc. Điều này cho phép họ áp dụng hiệu quả lý thuyết giảng dạy vào thực tiễn. Đào tạo GV dựa vào cộng đồng, đáp ứng được những thách thức về các vấn đề giới tính, chủng tộc và đa dạng văn hóa. Hiện nay, những chương trình đào tạo như vậy trở nên phổ biến trong bối cảnh gia tăng quyền tự chủ của các trường phổ thông.
Những tranh luận vềchất lượng đào tạo GV trở nên sôi động ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 2000. Nhiều ý kiến chỉ trích chất lượng đầu vào thấp, phê phán chương trình đào tạo GV theo kiểu truyền thống đã không chuẩn bị tốt nội dung kiến thức, học thuật cho GV. Các ý kiến cũng cho rằng, chương trình đào tạo GV có tính chắp vá, rời rạc, xa rời thực tế. Từ năm 2008, các nhà GD thống nhất xác định mục tiêu đào tạo GV theo yêu cầu phát triển năng lực và rèn luyện kỹ năng của học sinh phổ thông trong kỷ nguyên mới.
Tại Cộng hòa Liên bang Đức, PGS Lê Đình Sơn cho biết: Để trở thành GV, người học phải trải qua 5 năm học ĐH và từ 1 – 2 năm tập sự tại cơ sở đào tạo tập sự của các bang. Ở trường ĐH: Giai đoạn đào tạo cử nhân kéo dài 3 năm, sinh viên học trong 6 học kỳ với 180 tín chỉ; giai đoạn đào tạo thạc sĩ kéo dài 2 năm, sinh viên học 4 học kỳ với 120 tín chỉ. Ở trình độ thạc sĩ ứng viên mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo GV tập sự.
Còn ở Phần Lan, có hai cách chủ yếu để trở thành GV. Thứ nhất, đa số sinh viên lấy bằng thạc sĩ ở một chuyên ngành chính và một hoặc hai ngành học phụ. Sau đó sinh viên nộp hồ sơ vào các khoa sư phạm để học thêm một năm về nghiệp vụ sư phạm, chủ yếu tập trung vào các chiến lược, phương pháp giảng dạy bộ môn. Cách thứ hai là đăng ký học thẳng chương trình đào tạo GV. Sau hai năm học kiến thức môn học, sinh viên bắt đầu học nghiệp vụ sư phạm tại các khoa sư phạm. GV được đào tạo kỹ cả về nội dung giảng dạy lẫn nghiệp vụ sư phạm; cả kiến thức và kỹ năng, về lý thuyết và thực hành. Thời gian đào tạo là 3 năm ĐH và 2 năm cao học.
Video đang HOT
Nhìn từ các nước châu Á
Qua nghiên cứu ở một số nước, TS Hồ Xuân Hồng – Trung tâm GD nghề nghiệp – GD thường xuyên (Chư Sê, Gia Lai) chia sẻ: Ở Nhật Bản, hệ thống GD tương đồng với hệ thống GD Hoa Kỳ nhưng cũng có nét riêng. Mô hình đào tạo GV theo tín chỉ về: Đại cương, chuyên ngành, sư phạm và mô hình song song với 4 năm học.
GV ở Nhật Bản đều có bằng cử nhân trở lên thông qua chương trình đào tạo gồm: GD chung, chuyên môn, sư phạm, thực tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp và chương trình chứng nhận GV, sinh viên tốt nghiệp phải qua kỳ kiểm tra của hội đồng cấp tỉnh để được cấp chứng chỉ GV. Việc mở khóa đào tạo sư phạm phải có sự chấp thuận của Bộ GD thông qua kiểm định đào tạo. Kiểm định ở Nhật Bản là 7 năm một lần và phải qua 3 cơ quan: Hiệp hội Đại học Nhật Bản, Viện đánh giá GD Nhật Bản, Tổ chức GD quốc gia về đánh giá và văn bằng ĐH.
Tại Hàn Quốc, hệ thống đào tạo GV cũng theo tín chỉ (khoảng 140 tín chỉ), thời lượng đào tạo GV phổ thông THCS, THPT là 4 năm (trước là 2 năm). Chương trình đào tạo GV: Các môn chính giai đoạn cơ bản phải đạt 42 điểm và phần nghiệp vụ sư phạm (phải đạt 20 điểm). Sau khi học tập đạt yêu cầu 140 tín chỉ trên, để được cấp bằng, GV phải tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận hành nghề bằng hai cách: Thi hoặc không thi cấp giấy phép. Bên cạnh đó, khoa tiểu học các trường đại học tổng hợp quốc gia Hàn Quốc và các trường cao đẳng GD là nơi đào tạo và cấp bằng cho GV tiểu học, THCS. Đáng chú ý là trong môi trường đại học GD đều có trường tiểu học để sinh viên trực tiếp dự giờ, thực tập giảng dạy.
Ở Malaysia, đào tạo GV được quan tâm đặc biệt, với điểm nhấn trong mục tiêu của phương pháp đào tạo GV là “Đào tạo GV sáng tạo để đào tạo ra học sinh sáng tạo”. Thời gian đào tạo GV từ 3 – 4 năm, trong đó có thực hành nghiệp vụ ở trường phổ thông. Hình thức đào tạo đa dạng, với nhiều cải cách nội dung đào tạo, đó là: Sinh viên học theo module thay đổi từng năm, chú trọng khả năng sư phạm, coi trọng cung cấp tri thức mới cho sinh viên. Theo đánh giá của các nhà quản lý GD, chất lượng đào tạo GV của viện, trường đại học tương đối tốt, GV có khả năng xử lý linh hoạt các tình huống trong dạy học, có năng lực chuyên môn, có khả năng thực hành tốt và học tập suốt đời.
Hải Minh
Theo GDTĐ
Khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn: Gánh nặng trên vai các trường sư phạm
Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng GV hướng tới dạy học phát triển năng lực là xu thế tất yếu của quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể.
Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là một vấn đề không ít thách thức, khó khăn, đặc biệt đối với GV môn Ngữ văn.
Sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội học tập trên thư viện. Ảnh: Hữu Cường
Những điểm bứt phá mới
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên CTGDPT môn Ngữ văn mới cho biết: CT Ngữ văn 2018 kế thừa CT hiện hành và phát triển với một bứt phá mới, thiết kế theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học với một số tư tưởng cốt lõi như chú ý tới yêu cầu vận dụng những điều đã học vào thực hành và giải quyết các vấn đề gắn với cuộc sống. Các nội dung cần dạy và học được xác định, lựa chọn dựa trên các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực.
Chương trình theo hướng mở, chỉ quy định một số kiến thức Tiếng Việt, Văn học cốt lõi bắt buộc, còn lại để các tác giả SGK và GV chọn, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn văn bản (VB) đọc hiểu cho phù hợp với đối tượng. Tất nhiên, việc lựa chọn VB phải dựa theo tiêu chí của CT.
Dạy học theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi GV cần thay đổi, từ bỏ một số thói quen quá lâu ngày dạy theo cách cũ ở tất cả các phương diện (phân môn). Trước hết là dạy đọc hiểu văn bản, GV phải chuyển từ cách dạy giảng văn sang dạy đọc hiểu văn bản; chuyển từ việc nói cho HS nghe những gì thầy cô hiểu, yêu thích về văn bản - tác phẩm sang hướng dẫn để các em tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm theo cách nhìn và suy nghĩ cảm nhận của chính HS.
Sách giáo khoa Ngữ văn mới được biên soạn theo hướng tinh giản, không chạy theo số lượng, hiện đại và thiết thực giúp học sinh đạt được yêu cầu về năng lực. Sách được triển khai theo hướng tích hợp và có sự phân hóa. Đó là tích hợp liên môn và nội môn, tích hợp xuyên suốt và đồng bộ tạo ra hiệu quả nền tảng kiến thức sâu rộng cho người học. Đồng thời có sự phân hóa để phù hợp với đối tượng và sở thích của học sinh...
Trên cơ sở những điểm mới căn bản của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, vấn đề hết sức cấp thiết là giúp GV chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Dạy học phát triển năng lực không hướng nhiều đến việc cung cấp thật nhiều kiến thức ngôn ngữ và văn học mà quan tâm đến việc vận dụng những kiến thức ấy, quan tâm đến năng lực giao tiếp của người học, cụ thể là HS cần có năng lực ngôn ngữ và năng lực tự học.
Ảnh minh họa/ Internet
Thách thức lớn với giáo viên
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dạy học Ngữ văn theo hướng phát huy năng lực là thách thức lớn đối với thực trạng dạy học Ngữ văn ở nước ta. Trước hết do thói quen, quán tính của lối dạy cũ. GV chỉ thích nói những gì mình thích cho HS nghe; đọc cho HS chép và đánh giá cao những gì HS nói, viết đúng ý mình. Tiếp đến là cách thức đào tạo trong các trường sư phạm.
CT Ngữ văn ở trường PT đã chủ trương dạy đọc hiểu từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay hầu như chưa có một giáo trình nào về phương pháp dạy học (PPDH) đọc hiểu cho SV các trường sư phạm. Các tổ PPDH tại các nhà trường SP vẫn mò mẫm tự tìm lối đi, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu sự thống nhất trong quan niệm và lý thuyết dạy học đọc hiểu. Hầu hết các tài liệu hiện nay đều nặng về lý thuyết đọc hiểu, trong khi vấn đề đặt ra với công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phải là cách đọc hiểu (PPDH đọc hiểu), tức là dạy đọc hiểu như thế nào chứ không chỉ đọc hiểu là gì?
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có giáo trình về dạy viết (PPDH tạo lập văn bản); cách dạy nghe và nói theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho HS. Việc bồi dưỡng GV vẫn chú trọng những chuyên đề bổ sung kiến thức, ít chú ý tới PPDH theo yêu cầu mới.
Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT khởi động tạo sự chuyển biến trong dạy học theo hướng phát triển năng lực cả về PPDH và kiểm tra, đánh giá nhưng vẫn chưa có tài liệu nào giải quyết đúng mực và thỏa đáng về PPDH đọc hiểu về đánh giá năng lực trong môn Ngữ văn. Việc chỉ đạo dạy học Ngữ văn từ Trung ương đến địa phương hầu như buông thả, không có tư tưởng, thiếu định hướng rõ ràng, thống nhất...
"Trong chương trình Ngữ văn trung học hiện hành, những vấn đề văn bản và đời sống đều gợi mở rất nhiều cách cảm nhận, đánh giá khác nhau. HS có thể tiếp nhận nhiều luồng thông tin, nhiều nguồn tri thức. Vì thế, kích thích khả năng phản biện phải đi đôi với sự định hướng tư duy và nhận thức. Những gì các em tiếp thu hôm nay trong nhà trường sẽ được kiểm chứng gắt gao và rất nhanh ở đời sống xã hội cũng như ở các bậc học kế tiếp. Đây là những thách thức không nhỏ đối với trình độ và bản lĩnh của người GV Ngữ văn."
TS Đặng Lưu, Viện SP xã hội, Trường ĐH Vinh
Khoảng trống trong đào tạo và bồi dưỡng
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực là một xu thế tất yếu không chỉ trong dạy học Ngữ văn. CT 2018 được xây dựng theo hướng đó. Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là một vấn đề không ít thách thức, khó khăn.
"Đọc hiểu là gì đã khó, đọc hiểu như thế nào lại còn khó hơn, khó nhất là thực hành đọc hiểu trên lớp. Để có kết quả, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo GV. Gánh nặng này đang đè lên vai các trường SP, nhà nghiên cứu Ngữ văn, chuyên gia về PPDH môn học này. Một khoảng trống mênh mông cần san lấp về dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn vẫn còn đó", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định.
Muốn lấp đầy khoảng trống đó, theo TS Đặng Lưu, Viện Sư phạm xã hội, Trường ĐH Vinh cho rằng, cần một chính sách đồng bộ, sự phối hợp của nhiều lực lượng, nỗ lực của đội ngũ GV, sự cộng hưởng của toàn xã hội. Lời cảnh báo ấy không nhằm gây hoang mang mà chủ yếu nêu lên một đòi hỏi tất yếu khách quan về đội ngũ - nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo cho sự nghiệp đổi mới GD thành công.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Thầy Bùi Văn Quân đề xuất hướng phát triển trường đào tạo giáo viên địa phương Để tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục cần đẩy nhanh việc phân loại, đặc biệt là phân tầng các cơ sở này. Hệ thống đào tạo giáo viên của nước ta hiện nay đã có cống hiến vô cùng to lớn với sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà, nhất là...