Đảo nhân tạo trên biển Đông: Mũi tên nhắm nhiều đích
Những gì mà Bắc Kinh thể hiện gần đây qua chiến dịch cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa cho thấy một bức tranh với nhiều điểm tiến công. Trong đó cả quân sự lẫn dân sự và mục tiêu chính trị trong nước đang đồng hành nối bước.
Lịch sử cho thấy tiên đoán ý định của Trung Quốc (TQ) chưa bao giờ là một điều dễ dàng.
Mục tiêu song trùng
Tại sao TQ đẩy mạnh các dự án xây dựng quy mô lớn trên các hòn đảo mà nước này chiếm giữ? Có ít nhất bốn lý do đang được các nhà quan sát và phân tích chiến lược nhắc đến.
Thứ nhất, TQ muốn từ từ củng cố tính chính danh của tuyên bố chủ quyền với 80% biển Đông. Như những gì nước này đã làm tại Hoàng Sa, các đảo nhân tạo sẽ giúp TQ xây dựng hàng loạt tiền đồn trên Trường Sa. Với diện tích hàng trăm hecta sau khi cải tạo hạ tầng, TQ sẽ có thể xây dựng các văn phòng hành chính, trại lính, cầu tàu, sân bay, cơ sở du lịch và khu dân cư. Vốn là chỉ dấu truyền thống cho quyền quản lý của nhà nước, các cơ sở hạ tầng này sẽ tăng cường cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của TQ.
Philippines công bố hình ảnh quá trình Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma
Thứ hai, TQ đang nhắm tới việc ngăn cản khả năng tiếp cận khu vực từ các cường quốc khác (đặc biệt là Mỹ). Ngoài ra, theo góc nhìn của Bắc Kinh, các nước có tranh chấp với TQ đều là bình phong của Mỹ và là các con cờ để kiềm chế TQ.
Thứ ba, các cơ sở hạ tầng này sẽ giúp đơn giản hóa hoạt động và giảm chi phí cho các lực lượng của TQ trong chiến lược “cắt lát xúc xích”. Theo đó, việc triển khai lực lượng để quấy phá liên tục, ngăn cản khả năng hiện diện của các nước khác, hỗ trợ bào mòn chủ quyền từng phần và gia tăng hiện diện kinh tế của TQ sẽ trở nên thuận lợi hơn. Nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay đối với Philippines và Việt Nam là tăng cường hiện diện của ngư dân, các lực lượng tuần tra và thực thi luật pháp để tránh việc từ bỏ chủ quyền trên biển Đông cho TQ.
Và cuối cùng là mục tiêu duy trì toàn vẹn lãnh thổ và ngăn chặn các thế lực nước ngoài vẽ lại biên giới TQ. Các tuyên bố chính thức của TQ từ năm 2009 đã liên tục lặp lại tầm quan trọng của việc duy trì chủ quyền đối với các hòn đảo tại biển Đông. Dưới góc nhìn này, việc thúc đẩy hình thành thành phố cấp địa khu Tam Sa với quân đội riêng cũng thể hiện mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của biển Đông như một phần không thể tách rời. Với sức mạnh gia tăng, TQ không còn muốn hòa hoãn trong các tuyên bố chủ quyền, dù là đối với Đài Loan, Ấn Độ hay các hòn đảo xa ngoài biển Đông.
Video đang HOT
Mỹ ngăn cản TQ: Thất bại
Chuyên gia Zack Cooper tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản TQ tiến hành các hoạt động khiêu khích, nhất là đối với các đồng minh như Nhật và Philippines. Ông này mạnh dạn kêu gọi một sự hiện diện và phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Cái gọi là “vùng xám” (hiểu nôm na như một vùng đệm bảo vệ TQ) đã và đang được TQ tích cực mở rộng và củng cố, trong đó bao gồm cả khu vực biển Đông. Những quốc gia trong khu vực lại không đủ sức để đương đầu, tạo ra thế cân bằng với TQ. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ thực sự nghiêm túc chống lại sức ép của TQ, Washington phải chấp nhận thực tế rằng có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn trong “vùng xám”. Tuy nhiên, nếu được tính toán cẩn thận, nâng cao rủi ro có thể là một công cụ ngăn chặn hiệu quả. Zack Cooper đề nghị: Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng những ưu thế của Mỹ và đồng minh như quân sự, chính trị, pháp lý, kinh tế, tài chính hay thậm chí là ngoại giao để ngăn chặn TQ. Mặc dù Bắc Kinh nỗ lực hiện đại hóa quân đội, năng lực quân sự của Mỹ vẫn vượt trội hơn rất nhiều. Trong trường hợp thật sự muốn chặn đứng TQ, Mỹ cần phải xem xét đến khả năng triển khai tàu chiến ngay tại “vùng xám”.
Một luồng ý kiến khác thì thận trọng hơn khi cho rằng Mỹ cần phải xem xét và tính toán từng bước đi cụ thể trước khi hành động. Ông Ely Ratner, Phó Giám đốc chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại CNAS, thận trọng khi cho rằng các nhà phân tích nên tìm hiểu kỹ những tác động trong trung và dài hạn của các đảo nhân tạo TQ. Khi đã đánh giá được những tác động đó, Washington cần phải bắt tay vào việc tìm ra những chiến lược để chống lại một cách hiệu quả.
“Những hòn đảo nhân tạo mới có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong nhiều trường hợp, bao gồm cả tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở biển Đông. Thêm vào đó, các hành động này còn được xem như là một công cụ gây sức ép lên các quốc gia khác trong khu vực” – bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến minh bạch châu Á, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Theo Vũ Thành Công
Pháp luật TPHCM
Dậy sóng phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa
Trung Quốc giờ đây không còn âm thầm bồi đắp trái phép đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Bắc Kinh đã ngang nhiên thừa nhận việc làm trên qua báo chí chính thống và trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Động thái này của Trung Quốc lập tức vấp phải sự phản đối dồn dập, mạnh mẽ từ phía các nước hữu quan và quan ngại từ cộng đồng quốc tế.
Sự mở rộng Đá Ga Ven trong quá trình bồi đắp, cải tạo trái phép của Trung Quốc qua các thời điểm: tháng 3/2014, tháng 8/2014 và tháng 1/2015 (Ảnh: IHS Janes's)
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động cải tạo đảo ở Trường Sa
Chiều 5/3/2015, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trước câu hỏi về việc Trung Quốc xây, bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho phép hoạt động đồn trú và sân bay quân sự, Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng khẳng định quan điểm của Việt Nam về việc này là rõ ràng và nhất quán.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Trung Quốc xây dựng mở rộng trái phép công trình trên các bãi đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiệm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN.
Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó.
Philippines tố cáo Trung Quốc ngay tại Liên Hiệp Quốc
Ngày 3/3/2015, Manila đã công bố nội dung lời tố cáo của bà Irene Natividad Susan, Phó Đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc ngay tại một cuộc họp mở của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 23/2/2015 tại New York. Theo đại diện của Manila, các công trình bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành tại vùng Trường Sa trực tiếp đe dọa an ninh trong khu vực.
Nhà ngoại giao Philippines nêu rõ: Việc Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo trên các bãi đá tại vùng quần đảo Trường Sa là "một mối đe dọa trực tiếp đến Philippines và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và cần được coi là một mối quan ngại lớn cho tất cả các nước vì đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực".
Không chỉ là một nguy cơ đối với lĩnh vực an ninh, các hành động nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh còn bị Manila tố cáo là tàn hại môi trường, vừa "phá hủy trên bình diện rộng tính chất đa dạng sinh học của khu vực", vừa "làm mất đi vĩnh viễn thế cân bằng sinh thái ở Biển Đông".
Phó Đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: "Các tổn thất không thể đảo ngược đó sẽ tác hại lâu dài đối với ngư dân trong vùng Biển Đông - những người đã phải dựa vào biển để mưu sinh qua nhiều thế hệ".
Cần phải nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên mà Philippines nêu bật vấn đề Trung Quốc bồi đắp lấn biển, xây đảo nhân tạo trên Biển Đông trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - định chế có chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Và điều đáng nói là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phải trực tiếp nghe những lời tố cáo của Manila, bởi đó là cuộc họp mở do chính Bắc Kinh đề nghị trong vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an vào tháng 2/2015.
Trước đó, cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, ASEAN đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Giới chuyên gia quân sự cũng nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh đang xây dựng một mạng lưới các pháo đài đảo để kiểm soát hầu hết Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, và có khả năng kiểm soát cả vùng trời trên Biển Đông.
Gần đây nhất, tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 27/2/2015, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đất để xây đảo nhân tạo trên Biển Đông là nhằm tạo các cảng và sân bay để phục vụ chiến lược "hiếu chiến", hiện thực hóa tham vọng chiếm Biển Đông. Giám đốc tình báo Mỹ cũng thẳng thừng vạch rõ việc Trung Quốc đòi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông là "đòi hỏi quá đáng".
Trong khi đó, Bắc Kinh từ chỗ phớt lờ mọi cảnh báo, phản đối và âm thầm "việc ta ta cứ làm", đã bắt đầu làm một việc hiếm thấy là thừa nhận việc làm phi pháp trên qua truyền thông và bằng phát ngôn chính thức.
Ngày 26/2/2015, tờ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là tờ báo chính thống đầu tiên thừa nhận Bắc Kinh đang cải tạo đất đai và xây cất trên diện rộng tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Sau đó 1 ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại ngang nhiên nói rằng, những gì Trung Quốc đã và đang làm trên các đảo, đá mà họ đã chiếm trái phép của Việt Nam là "hợp pháp, chính đáng và hợp lý", đồng thời lên giọng yêu cầu các nước khác không thực hiện những cáo buộc "vô căn cứ".
Ngày 3/3/2015, trang mạng Đông Phương của Trung Quốc đã đăng tải hàng loạt ảnh về quá trình cải tạo đất đá, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông tại 6 bãi đá Chữ Thập, Subi, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên của Việt Nam, với diện tích tăng lên chóng mặt.
Theo Linh Phương (tổng hợp)
PetroTimes
Báo giới quốc tế lên án tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc Trước hành vi ồ ạt xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo, bãi đá tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, báo giới Mỹ và quốc tế đã có nhiều bài viết vạch trần âm mưu, ý đồ của Bắc Kinh. Trung Quốc...