Đạo luật cho phép Trump điều binh đối phó biểu tình
Đạo luật Chống Nổi loạn cho phép Trump huy động quân đội đối phó biểu tình và bạo loạn, song có thể bị các thống đốc bang phản đối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 đe dọa điều động quân đội ở cấp độ liên bang tới các thành phố lớn để đối phó với tình trạng bạo lực tiếp diễn trên toàn quốc sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da màu ở Minneapolis, bang Minnesota, hồi tuần trước.
Tuyên bố của Trump gây hoài nghi, vì đạo luật Posse Comitatus 1878 cấm quân đội Mỹ triển khai lực lượng trong nước hoặc thực hiện các chức năng hành pháp thay cảnh sát trên lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Trump hoàn toàn có thẩm quyền thực hiện lời đe dọa trên nếu viện dẫn Đạo luật Chống Nổi loạn, được ban hành năm 1807 và cho phép chính phủ liên bang sử dụng lực lượng quân đội để đối phó với tình trạng bất ổn trong nước và một số tình huống khẩn cấp khác.
Khi kích hoạt đạo luật này, tổng thống Mỹ có quyền điều quân để đối phó với “bất cứ cuộc nổi dậy, bạo loạn trong nước, tụ tập bất hợp pháp hoặc âm mưu chống phá hay cản trở thực thi pháp luật của Mỹ”.
Tổng thống Mỹ có thể kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn để triển khai quân đội tới các bang đối phó biểu tình mà không cần xin phê chuẩn từ quốc hội. Tuy nhiên, ông phải làm điều này theo một quy trình tuyên bố chính thức, nhằm cho phép những người trong khu vực ảnh hưởng tự giải tán hoặc trở về nhà.
Mặc dù đe dọa sẽ triển khai quân đội tới các bang nếu thống đốc, thị trưởng khu vực đó không “bảo vệ được tính mạng và tài sản người dân”, Trump tới nay chưa thực hiện quy trình tuyên bố kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn và các nguồn tin cho biết ông chưa điều động bất cứ đơn vị quân đội liên bang nào.
Quân cảnh của Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington D.C. lập hàng rào an ninh bên ngoài Nhà Trắng, ngày 1/6. Ảnh: Reuters.
Trump đang là tư lệnh Vệ binh Quốc gia của Washington D.C. và thực hiện thẩm quyền huy động vệ binh thông qua Bộ trưởng Quốc phòng. Trump đã điều Vệ binh Quốc gia của Washington D.C tới đảm nhận các nhiệm vụ tại thủ đô của Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cũng triển khai thêm nhân viên thực thi pháp luật liên bang tại Washington D.C., nơi cơ quan này có thẩm quyền đáng kể.
Đạo luật Chống Nổi loạn rất ít khi được kích hoạt trong hơn hai thế kỷ từ khi được ban hành. George H.W. Bush là tổng thống Mỹ cuối cùng kích hoạt đạo luật để đối phó với cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992, sau khi các cảnh sát liên quan đến vụ đánh đập công nhân da màu Rodney King được tha bổng.
Video đang HOT
Quốc hội Mỹ từng sửa đổi Đạo luật Chống Nổi loạn sau trận bão Katrina năm 2006, nhằm quy định rõ hơn về các tình huống Tổng thống có thể kích hoạt đạo luật. Tuy nhiên, một số điều khoản sửa đổi bị hủy bỏ một năm sau đó, do vấp phải sự phản đối từ nhiều thống đốc bang, những người không muốn để quyền triển khai lực lượng quân sự của mình rơi vào tay chính quyền liên bang.
Trump được cho là đã dành cả ngày để nghiên cứu về các điều kiện kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn. Dù Trump mô tả mối đe dọa của mình thế nào, ông vẫn có thể đối mặt với thách thức đáng kể khi kích hoạt đạo luật mà không có sự tán thành của các thống đốc bang.
Trump cầm kinh thánh đứng trước Nhà thờ St. John, Washington D.C., ngày 1/6. Ảnh: Reuters.
Đạo luật Chống Nổi loạn quy định tổng thống Mỹ có quyền điều động lực lượng liên bang, trong đó có dân quân từ bang khác, tới một bang cụ thể nếu được cơ quan lập pháp hoặc thống đốc bang này yêu cầu. Tổng thống Mỹ cũng có quyền sử dụng lực lượng vũ trang này để trấn áp cuộc nổi dậy nếu cần.
Tuy nhiên, đạo luật cũng lại quy định tổng thống Mỹ có thẩm quyền triển khai lực lượng quân đội tới các bang nếu tình trạng bạo lực “cản trở việc thực thi pháp luật của bang lẫn của chính quyền liên bang” và quyền cơ bản của người dân tại đó không được bảo vệ.
Việc tổng thống Mỹ đơn phương kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn có thể là bất hợp pháp và vấp phải thách thức pháp lý từ giới chức các bang, khi họ không đồng ý rằng mình đã “thất bại hoặc từ chối bảo vệ” quyền cơ bản của người dân. Các bang cũng có thể khởi kiện nhằm chống lại việc điều động quân đội tới các thành phố trên khắp nước Mỹ.
Lời đe dọa “động binh” được Trump đưa ra sau cuộc thảo luận căng thẳng với các thống đốc ngày 1/6, trong đó Tổng thống Mỹ đề xuất loạt chiến thuật mạnh tay để ngăn người biểu tình và những kẻ nổi loạn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói các thành phố Mỹ đã trở thành “bãi chiến trường”, kêu gọi chính quyền các bang và địa phương “chế ngự” tình hình, thuật ngữ thường được sử dụng trong hoạt động quân sự.
Cái chết của George Floyd làm bùng lên các cuộc biểu tình và bạo động tại ít nhất 140 thành phố khắp nước Mỹ, khiến ít nhất 40 thành phố áp lệnh giới nghiêm để đối phó. Nhiều cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực, trong khi một số người lợi dụng tình hình hỗn loạn để cướp bóc, đốt phá. Khoảng 17.000 Vệ binh Quốc gia được huy động tại thủ đô Washington D.C. và 26 bang để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật địa phương.
Người dân nhiều nước ủng hộ biểu tình ở Mỹ
Tuần hành phản đối vụ người da màu bị ghì chết ở Mỹ xuất hiện ở nhiều nước, hàng loạt quốc gia lên án hành động của cảnh sát Mỹ.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5 trên đường phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, đang diễn ra ở nhiều quốc gia khắp thế giới.
Hàng nghìn người hôm nay tuần hành một cách ôn hòa ở New Zealand ôn hòa, trái ngược với biểu tình bạo lực tại Mỹ. Khoảng 2.000 người đã đến lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Auckland, hô vang khẩu hiệu "không công bằng, không hòa bình" và "người da màu đáng được sống".
Khoảng 500 người cũng tập trung tại thành phố Christchurch và tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington, cầu nguyện cho những người Mỹ chết vì nạn phân biệt chủng tộc.
Người biểu tình tại thành phố Auckland, New Zealand, hôm 1/6. Ảnh: AP.
Truyền hình nhà nước Iran liên tục phát những hình ảnh biểu tình ở Mỹ, trong khi Tehran kêu gọi Washington chấm dứt tình trạng xung đột.
"Gửi tới các quan chức và cảnh sát Mỹ, hãy dừng hành động bạo lực chống lại người dân và để họ thở. Chúng tôi cảm thấy buồn với tình trạng mà cảnh sát Mỹ khơi mào. Cả thế giới đang đứng bên người dân Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói trong cuộc họp báo ở thủ đô Tehran hôm nay.
Bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người nhằm ngăn Covid-19 lây lan, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Trafalgar ở trung tâm London, Anh, từ 8h ngày 31/5 nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình Mỹ.
Sở cảnh sát London cho hay tổng cộng 23 người đã bị bắt với nhiều cáo buộc khác nhau, trong đó có vi phạm lệnh phong tỏa. Giới chức cho biết phần lớn người tham gia biểu tình đã giải tán, nhưng nhiều cuộc tuần hành dự kiến diễn ra ở thủ đô Anh trong những tuần tới.
Tại một số nước, người biểu tình bày tỏ sự đoàn kết với cộng đồng người da màu tại Mỹ bằng các thông điệp nhắm tới chính quyền.
Hàng trăm người tuần hành tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, để phản đối các hành động bạo lực của cảnh sát nhằm vào người da màu tại các khu ổ chuột. Lực lượng an ninh bắn hơi cay để giải tán đám đông, khiến nhiều người hô lên "tôi không thể thở", tương tự lời Floyd trước khi chết.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở thành phố Montral, Canada, đã biến thành đụng độ. Giới chức tuyên bố việc tụ tập là phi pháp sau khi nhiều vật thể bị ném về phía cảnh sát và buộc họ đáp trả bằng hơi cay. Một số cửa hàng bị đập phá, nhiều đám lửa cũng được đốt trên phố.
Một số quốc gia cũng lên án tình trạng phân biệt chủng tộc và chỉ trích hành động của chính quyền Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là "căn bệnh kinh niên của xã hội Mỹ", đồng thời gọi cách chính phủ Mỹ phản ứng với biểu tình trong nước là "ví dụ về tiêu chuẩn kép nổi tiếng thế giới của họ".
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cuối tuần qua gọi tình hình hỗn loạn trong biểu tình ở các thành phố Mỹ là "cảnh tượng tuyệt vời của Pelosi", ám chỉ bình luận của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi năm ngoái rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong là "cảnh đẹp đáng chiêm ngưỡng".
Chương trình bình luận vào khung giờ vàng tối 30/5 trên kênh CCTV cũng dùng cụm từ "cảnh tượng đẹp đẽ" để mô tả những cuộc biểu tình, thêm rằng "nhân quyền kiểu Mỹ là đạo đức giả và đáng khinh bỉ".
Cảnh sát giám sát biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh hôm 31/5. Ảnh: AP.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay đăng tin về cuộc biểu tình với ba bức ảnh lớn về khung cảnh bạo lực tại thành phố Minnesota. Báo Triều Tiên đề cập thông tin hàng trăm người tập trung trước Nhà Trắng và cho biết biểu tình có thể tiếp tục lan rộng, nhưng không bình luận trực tiếp về chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
George Floyd tử vong tại bệnh viện hôm 25/5 sau khi bị sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy trong hơn 9 phút. Anh này đã liên tục cầu xin và nói "Tôi không thể thở". Hồ sơ khám nghiệm nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. "Những tác động kết hợp của việc bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và chất kích thích tiềm tàng trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong", hồ sơ có đoạn viết.
Biểu tình "Tôi không thể thở" khởi phát từ thành phố Minneapolis hiện lan rộng khắp nước Mỹ, buộc nhiều thành phố phải ban lệnh giới nghiêm. Hơn 5.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai để đảm bảo an ninh và 2.000 binh sĩ đang trong trạng thái sẵn sàng cơ động. Hàng trăm người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị phá hoại.
Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn. Ba cảnh sát liên quan cũng đang bị điều tra và có khả năng bị truy tố.
Nữ phóng viên trúng đạn khi đưa tin biểu tình Mỹ Nữ phóng viên ảnh tự do Linda Tirado ngày 29/5 bị bắn trúng mắt trái trong lúc đang đưa tin về biểu tình ở Minneapolis, bang Minnesota. Sau khi Tirado bị trúng đạn, dường như là đạn cao su từ cảnh sát, một số người biểu tình đã đưa cô tới bệnh viện. Sau phẫu thuật, Tirado được các bác sĩ báo tin...