Đạo đức học sinh xuống cấp: Chỉ thẳng 6 nguyên nhân
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, một trong những nguyên nhân phải kể đến là trong giáo dục chưa coi trọng tình người, còn nể nang, trù úm học sinh.
Sáng ngày 2/10, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên – Vấn đề và giải pháp”.
Tham dự hội thảo có TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, GS Nguyễn Cương – Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện một số trường và các nhà khoa học, các chuyên gia tâm lý giáo dục.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu cho biết, vấn đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh trường phổ thông nói riêng và vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông, cho sinh viên các trường ĐH, CĐ và học sinh các trường dạy nghề nói chung, là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành giáo dục nước ta.
Những ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Liên hiệp hội đề nghị BCH TƯ Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.
Tại hội thảo, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, giáo dục toàn diện Đức – Trí – Thể – Mỹ là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường Việt Nam, trong đó giáo dục đạo đức có vị trí quan trọng hàng đầu.
Nói về sự tha hóa trong đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên hiện nay, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, có 4 biểu hiện có thể nhận thấy là: Tha hóa về lập trường, quan điểm tư tưởng, lý tưởng sống; tha hóa về phẩm chất đạo đức, nhân cách; tha hóa về trí tiến thủ, lười học, lười lao động, lười suy nghĩ, thích sống dựa dẫm, ăn bám vào người khác, vào bố mẹ; tha hóa về lối sống, cách sống.
Các đại biểu tham dự hội thảo sáng ngày 2/10.
Cũng theo GS Phú, nguyên nhân dẫn đến các sa sút về đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay trước tiên phải khẳng định là do từ chính giới trẻ, chính các em – chủ thể của các hành vi vô đạo đức mà chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách.
Thứ hai là từ phía gia đình các em học sinh, sinh viên như gia đình đã thiếu sự quan tâm đến con cái, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức, con cái mình, phó mặc cho nhà trường.
Thứ 3, nguyên nhân từ tập thể lớp học, nhà trường đã chưa đủ sức trở thành tấm gương, nguồn sức mạnh giáo dục răn đe con trẻ. Nhiều thầy cô đã tạo nên những áp lực học tập quá mức, không cần thiết, thiếu minh bạch, công tâm, đôi lúc chưa thực sự gương mẫu trước các em. Trong giáo dục chưa coi trọng tình người, còn nể nang, trù úm học sinh có những biểu hiện đạo đức yếu kém.
Thứ 4, hành vi đạo đức của một số em có chịu tác động xúi bẩy của một số người hoặc nhóm bạn xấu trong lớp mà nhà trường, thầy cô giáo chưa biết cách ngăn chặn kịp thời.
Thứ 5, tác động của văn hóa đạo đức thiếu lành mạnh từ các Game vô luân đang lan tràn hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân gợi ý các em có những hành vi thiếu chuẩn mực.
Thứ 6, về phía xã hội, phải nhìn nhận thẳng thắn là trong nhiều năm qua, chúng ta đã buông lỏng giáo dục đạo đức cho người dân nói chung và cho con trẻ nói riêng.
Chia sẻ về giải pháp để có thể khắc phục, chấm dứt được hiện trạng tha hóa về đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay, GS Phú cho rằng: Giải pháp quan trọng thứ nhất liên quan đến trách nhiệm của gia đình. Cần phải ý thức rõ, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình không phát triển được thì xã hội cũng không phát triển được. Thất bại của gia đình cũng chính là thất bại của xã hội.
Video đang HOT
Giải pháp quan trọng thứ hai liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường phải tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho các em thông qua các nội dung học tập và sinh hoạt hàng ngày, hướng suy nghĩ và hành động của các em vào các hành vi mẫu mực lành mạnh, tốt đẹp, có đạo đức, có văn hóa.
Cần xây dựng tốt và tổ chức hoạt động có hiệu quả cơ chế phối hợp giáo dục giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Và cuối cùng, xã hội phải là một xã hội kỷ cương, luật pháp phải được thực thi nghiêm minh, cái tốt phải được bảo vệ, tuyên dương, cái xấu phải bị lên án, ngăn chặn và phải được xử lý nghiêm khắc.
Cũng nói về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, chuyện giáo dục đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người.
Theo TS Hòa, nguyên nhân đầu tiên đó là việc giáo dục đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích – thi cử.
Trong khi đó, đã tập trung vào giáo dục chạy theo thành tích – thi cử – điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.
Theo baodatviet
Về việc thực hành đạo đức hành nghề ở Việt Nam*
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay" hôm 28/8. Ảnh: VUSTA
1. Về đạo đức và đạo đức nghề nghiệp
Danh từ đạo đức bắt nguồn từ tiếng La tinh, từ: moralis nghĩa là có liên quan đến lề thói, đạo nghĩa. Còn từ đạo lí thường xem như đồng nghĩa với đạo đức thì gốc ở chữ Hy Lạp là ethicos nghĩa là lề thói, tập tục. Hai danh từ đó chứng tỏ rằng, khi ta nói đến đạo đức, tức là nói đến những lề thói, tập tục và biểu hiện mối quan hệ nhất định giữa người và người trong sự giao tiếp với nhau hàng ngày.
Ở phương đông mà đại diện là Trung Hoa, các học thuyết về đạo đức của người Hán cổ đại bắt nguồn từ cách hiểu về đạo và đức của họ. Đạo có nghĩa là con đường, đường đi, về sau khái niệm đạo được vận dụng trong triết học để chỉ con đường của tự nhiên. Đạo còn có nghĩa là con đường sống của con người trong xã hội. Đức dùng để nói đến nhân đức, đức tính và nhìn chung đức là biểu hiện của đạo, là đạo nghĩa, là nguyên tắc luân lý. Như vậy có thể nói đạo đức của người Hán cổ đại chính là những yêu cầu, những nguyên tắc do cuộc sống đặt ra mà mỗi người phải tuân theo.
Ngày nay, đạo đức được định nghĩa như sau: đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Từ điển tiếng Việt phổ thông của Ts Chu Bích Thu có nêu: " Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, qui định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Những tiêu chuẩn đạo đức được áp dụng cho các hành vi có kết quả hoặc có thể có kết quả rõ ràng trong cuộc sống của con người".
Trong cuộc sống con người phảilàm việc, phải hoạt động để tồn tại. Nghề là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người. Nghề không đơn giản chỉ để kiếm sống mà còn là con đường để cá nhân thể hiện và khẳng định giá trị của bản thân đối với xã hội.
Nghiệp là sự cống hiến hết mình cho nghề. Nghề tạo ra nghiệp, nghề nào thì nghiệp đó. Có chuyên môn thì sẽ có nghề tương xứng, nhưng có nghề chưa hẳn đã có nghiệp và có nghề rồi mà không có nghiệp thì nghề cũng không tồn tại một cách suôn sẻ được.
Nghề nghiệp là việc mà một người sẽ phải cố gắng để làm tốt công việc của mình sao cho phù hợp với khả năng, trình độ, lòng đam mê đối với nghề. Nghề nghiệp là hoạt động lao động trong một lĩnh vực cụ thể mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. ( theo từ điển wikipedia).
Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hoá. Nói đến đạo đức nghề nghiệp là phải nói tới lương tâm nghề nghiệp. Lương tâm nghề nghiệp là ý thức trách nhiệm của chủ thể đối với hành vi của mình trong hoạt động nghề nghiệp, là thái độ và cách ứng xử của người làm nghề trước lợi ích của người khác, của xã hội. Trong hoạt động nghề nghiệp nếu không biết tự phán xét, tự đánh giá sẽ không nâng cao được tay nghề và kết quả của hoạt động nghề nghiệp không những không có tác dụng, mà ngược lại, còn ảnh hưởng xấu đối với xã hội. Lương tâm nghề nghiệp là kết quả của một quá trình nhận thức sâu sắc thông qua hoạt động nghề nghiệp của một con người hoặc của những người có cùng nghề nghiệp đối với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội và sự tồn tại, phát triển của nghề nghiệp.
Đạo đức nghề nghiệp là một khái niệm nhạy cảm đối với bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, Tuy nhiên, để có thể thành công và phát triển trong môi trường xã hội, đạo đức nghề nghiệp lại chính là tài sản vô hình quý giá của người hành nghề, đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi ích cho cả cá nhân người hành nghề, tổ chức mà cá nhân đó hoạt động và cho xã hội.
Từ khái niệm được trình bày ở trên, chúng ta có thể hiểu đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề, gọi là đạo đứchành nghề là một tập hợp những nguyên tắc, qui tắc, chuẩn mực do một tổ chức (như hội, hiệp hội) tập hợp những người cùng hoạt động trong một nghề nào đó thiết kế dựa trên các giá trị cơ bản của xã hội và nghề nghiệp nhằm điều chỉnh hành vi của những người hành nghề trong quan hệ với nhau, với người khác và với xã hội. Những nguyên tắc này phải được cam kết tự nguyện thực hiện với niềm tin của những người trong cùng tổ chức.
Mỗi một nghề nghiệp thường có một chuẩn mực đạo đức riêng biệt. Mỗi một tổ chức lại có một chuẩn mực đạo đức phù hợp với văn hóa của tổ chức đó. Sự tiến bộ của xã hội đòi hỏi người hành nghề trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cơ bản, nhằm đảm bảo cho nghề nghiệp, sản phẩm của ngành nghề và tổ chức được xã hội trọng dụng, tôn vinh. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về cơ bản bao gồm:
Khách quan;Chính trực;Bảo mật;Năng lực chuyên môn và sự tận tâm;Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.
Về thực hành đạo đức hành nghề ở Việt Nam
Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức hành nghề ở Việt Nam cũng đã được đề cập như một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy chưa có đầy đủ các quy định, yêu cầu, quy tắc về đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề nhưng nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề đã có các quy định về chuẩn mực, quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc hành nghề. Một số quy định về đạo đức nghề nghiệp do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành, một số do các hội nghề nghiệp tự ban hành hoặc có hiệp thương với các cơ quan quản lýnhà nướcđể ban hành.
a. Loại do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành
Các quy tắc, quy định về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức hành nghề do các cơ quan quan lý nhà nước ban hành hiện đang là xu hướng chủ đạo ở nước ta. Các cơ quan nhà nước đặt ra các chuẩn mực đạo đức khi hành nghề bắt buộc các đối tượng bị điều chỉnh phải tuân theo, coi đây là quy định pháp lý. Có thể nêu ra một số quy định, quy tắc đã được ban hành và thực hiện như sau:
- Quy định về đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008;
- Chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được quy định tại Luật 67/2011/QH12;
- Các nguyên tắc đạo đức cơ bản nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được quy định tại Phần A Thông tư 70/2015/TT-BTC về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên dự bị đại học được quy định tại Điều 2Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT về Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Quy định có hiệu lực từ ngày 20/01/2018;Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp người hành nghề dược được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành;Quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội nêu tại Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/02/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;Quy tắc đạo đức hành nghè công chứng nêu tại Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
b. Loại hội ban hành sau khi hiệp thương với các cơ quan quản lý nhà nước
Đây là các quy tắc quy định do các hội nghề nghiệp thống nhất ban hành trên cơ sở sự đồng thuận của các hội viên tham gia hội và được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất. Có thể nêu ra một số quy định, quy tắc đã được ban hành và thực hiện như sau:
Hội Điều dưỡng Việt Nam: Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam ban hành theo Quyết định số 20/QĐ-HĐD, ngày 10/09/2012 của Hội Điều dưỡng Việt Nam sau khi có sự hiệp y với Bộ Y tế và Tổng Hội Y học Việt Nam (văn bản hiệp y số 5747/BYT-TCCB ngày 29 tháng 8 năm 2012 của Bộ Y tế và văn bản hiệp y số 282/2012/CV-THYH ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Tổng hội Y học Việt Nam);
- Hội Trang, Thiết bị y tế Việt Nam: Chuẩn đạo đức hành nghề trong lĩnh vực trang thiết bị y tế do Hội ban hành sau khi có sự hiệp y, thống nhất của Bộ Y tế.
c. Loại do hội nghề nghiệp ban hành
Đây là các quy tắc quy định do các hội nghề nghiệp thống nhất ban hành trên cơ sở sự đồng thuận thống nhất của các hội viên tham gia hội. Giá trị đạo đức buộc các hội viên phải tuân thủ nếu muốn thực hiện việc hành nghề và trở thành hội viên của hội.Có thể nêu ra một số quy định, quy tắc đã được ban hành và thực hiện như sau:
- Đối với nhà báo: 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đã được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 5- Khóa X và được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ký quyết định ban hành.
Đối với luật sư: Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam được Hội đồng Luật sư toàn quốc Liên đoàn Luật sư Việt Namban hành theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ,ngày 20/7/2011.
d. Ví dụ nội dung các quy định về đạo đức nghề nghiệp quy định đối với người hành nghề kế toán, kiểm toán
Các nguyên tắc đạo đức cơ bản nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được quy định tại Phần A Thông tư 70/2015/TT-BTC về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
(a) Tính chính trực: Phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh;
(b) Tính khách quan: Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình;
(c) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo rằng khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật và kỹ thuật, đồng thời hành động một cách thận trọng và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng;
(d) Tính bảo mật: Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh, vì vậy, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp, và cũng như không được sử dụng thông tin vì lợi ích cá nhân của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp hoặc của bên thứ ba;
(e) Tư cách nghề nghiệp: Phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.
--------------------------
* Tham luận tại Diễn đàn khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay" ngày 28/8/2019 do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức..
TS. Phạm Văn Tân, Liên hiệp Hội Việt Nam
Theo vanhien
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ : Tham nhũng vặt như tổ mối, có thể làm vỡ cả con đê hùng vĩ "Tham nhũng vặt nhưng tác hại không vặt chút nào, người ta ví con đê rất to cao hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối nhỏ thôi", Phó Thủ tướng nói. Chiều 15/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời...