Đạo đức giáo viên đang bị chi phối?
Sau “án” kỷ luật hiệu trưởng và hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ ra gấp chỉ thị chấn chỉnh đạo đức nghề giáo
“Siết” vi phạm đạo đức nhà giáo
Trong chỉ thị mới nhất về việc đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục ngày 21.2, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích, bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần học sinh trong trường học, trong đó có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. “Các vụ việc trên đã ảnh hưởng không tốt đến an toàn tính mạng học sinh, uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo và gây bức xúc trong xã hội” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GDĐT vừa ra chỉ thị về chấn chỉnh đạo đức giáo viên trong các cơ sở giáo dục (Ảnh minh họa: N.T)
Video đang HOT
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện nghiêm túc về tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo.
Ông Nhạ cũng nhấn mạnh: “Thủ trưởng các cơ sở giáo dục sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học”. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 12.2016 đến nay, đã có hàng loạt vụ việc liên quan đến đạo đức giáo viên bị lên án. Cuối tháng 12, một học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bị bỏng nặng trong phòng thí nghiệm nhưng hiệu trưởng bưng bít, chậm xử lý. Cô hiệu trưởng sau đó cũng phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Đầu tháng 2, clip giáo viên Trường Mầm non Sen Vàng (Hà Nội) dùng dép tát học sinh bị phát giác. Cô giáo sau đó bị thôi việc, trường học phải giải thể. Mới đây nhất là vụ học sinh Trường Nam Trung Yên bị xe đâm trong sân trường. Sau gần 3 tháng, hiệu trưởng và hiệu phó trường này cũng phải nhận án kỷ luật cao nhất: Cách chức vì gian dối, cố tình che giấu sự thật…
Điều đáng nói, vụ việc tại Trường THPT Phan Đình Phùng sẽ được “xử êm” nếu em học sinh bị nạn không tâm sự trên facebook; học sinh Trường Sen Vàng vẫn phải chịu những bài học… bằng dép nếu như nội bộ giáo viên trong trường không có mâu thuẫn, tố nhau. Tương tự, nếu không có người cha kiên trì đi tìm sự thật, sự việc học sinh gãy chân ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên không biết sẽ kéo dài đến bao giờ; Đồng thời nếu 18 cô giáo Trường Tiểu học Nam Trung Yên không lên tiếng, nhiều sự thật vẫn chưa sáng tỏ.
Tuy vậy, những người đưa sự việc ra ánh sáng vẫn phải chịu không ít “búa rìu” dư luận. Cô giáo tung clip bạo hành bị “chửi rủa” là vì thù hằn cá nhân mà “chơi xấu” đồng nghiệp. Người ta đặt câu hỏi tại sao khi đồng nghiệp ra tay với trẻ không can ngăn mà quay clip? 18 giáo viên của Trường Tiểu học Nam Trung Yên bị nghi ngờ tại sao không lên tiếng khi cô hiệu trưởng lấy phiếu khảo sát mà phải đợi đến khi báo chí vào cuộc mới… “mượn gió, bẻ măng”?
Nhà giáo có tâm… khó sống?
Nói chuyện với giáo viên trong nghẹn ngào, cô Trần Thị Thu Nhung – giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 Trường Tiểu học Nam Trung Yên chia sẻ, rất nhiều giáo viên trong trường không đồng tình với cách xử lý của hiệu trưởng, biết hiệu trưởng sai trái nhưng không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mình. “Bản thân tôi sau khi lên tiếng phản đối về kết quả khảo sát 100%, cô hiệu trưởng cũng “nhắc nhở” rằng, cô ấy sẽ đến để “nói chuyện” với bố mẹ chồng tôi về những phát ngôn của tôi trên báo chí” – cô Nhung nói.
Cô Vũ Thị Mừng – giáo viên lớp 3 Trường Tiểu học Nam Trung Yên thì cho biết, trong trường giáo viên chịu rất nhiều áp lực từ cấp trên, tiếng nói của họ không có trọng lượng trong trường học. Khi có việc gì xảy ra, hầu hết giáo viên đều chọn cách im lặng nếu việc đó không liên quan đến mình. Những giáo viên dám thể hiện thái độ, chắc chắn sẽ bị cho vào “danh sách đen” bị trù dập.
“Chỉ vì một vài con sâu làm rầu nồi canh mà giáo viên bị lên án, chửi rủa là không có đạo đức, hèn nhát, a dua với hiệu trưởng, “mớm lời” cho học sinh nói sai sự thật. Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm về nhân phẩm và đạo đức nghề nghiệp. Dám đứng ra đối diện với sự thật tức là chúng tôi đã xác định: hoặc là danh dự hoặc là nghề” – cô Mừng nói.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa – người từng tích cực đấu tranh với những sai trái trong ngành giáo dục, cũng là người đã khá “thấm thía” với việc bị “cô lập”, bị “đì” vì dám nói ra sự thật cũng cho rằng, hiện tượng cấp dưới bị “trên đe, dưới búa” không riêng gì ở một trường mà còn xuất hiện ở rất nhiều cơ quan. “Chính cơ chế quản lý của chúng ta đã biến các hiệu trưởng trở thành những ông vua của một xứ. Họ nắm trong tay quyết định về thi đua, nâng lương, thưởng hàng tháng, quyết định giờ giấc lên lớp giáo viên… Giáo viên không nghe lời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo. Vì vậy, nếu tố cáo người đứng đầu, các thầy cô thường phải trả giá rất đắt. Phải có một bản lĩnh rất rắn rỏi mới dám đối đầu” – thầy Khoa nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, nguyên nhân lớn nhất từ việc khó khăn trong chống tiêu cực, tố cáo ở môi trường giáo dục chính là do cơ chế quản lý.
Một chuyên gia giáo dục khác cho rằng, hiệu trưởng các trường là do cấp trên điều về chứ không phải do giáo viên bầu ra. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng cũng không rõ ràng, một người về làm hiệu trưởng một trường có thể làm đến khi… về hưu. Chính điều này đã khiến hiệu trưởng trở thành “vua” trong trường. Thậm chí, khi sai phạm ở trường này vẫn được điều chuyển sang trường khác làm hiệu trưởng.
“Nếu ngành giáo dục không thay đổi cơ chế này, việc chấn chỉnh đạo đức thầy cô sẽ rất khó khăn. Không thể nói các thầy cô thiếu đạo đức, mà đạo đức thầy cô đang bị kìm nén, chi phối bởi nhiều thế lực” – chuyên gia này nói.
Vẫn còn rất nhiều cá nhân, tập thể hiện đang có những hành xử theo lối thâm căn, cố đế “trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh” gây bức xúc cho dư luận. Đặc biệt trong môi trường giáo dục, hiện tượng này cần phải nhanh chóng được xóa bỏ, trả lại môi trường trong sạch cho cho thầy, trò, lấy lại niềm tin của phụ huynh, xã hội”. Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt
Theo Danviet