Đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng, đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, từ đó ông nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp…
Ông Thuận Hữu phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và tập huấn công tác kiểm tra năm 2017 diễn ra sáng 21/4 tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Tuy nhiên, theo ông Thuận Hữu, bên cạnh những đóng góp to lớn và những tấm gương đáng tự hào đó, thực tế còn có những vấn đề rất đáng lo ngại. Đó là: việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa có xu hướng nghiêm trọng hơn. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi… ngày càng gia tăng.
Tình hình này cho thấy sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội… Đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Từ đó, ông Thuận Hữu đề cập việc Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí 2016 vào ngày 4/5/2016. Luật Báo chí 2016 là sự kế thừa, phát triển Luật báo chí 1989 và 1999. Điều 8 Luật Báo chí 2016 xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng, ban hành và thực hiện quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Sau khi luật được ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp thu, chọn lọc ý kiến góp ý và tham khảo quy ước đạo đức nghề nghiệp của một số nước để xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 10 điều, Ban Chấp hành Hội NBVN khóa X đã thông qua tại kỳ họp thứ 5 (15/12/2016), thực hiện cùng với Luật báo chí từ 1/1/2017.
Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chỉ thị thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng…
Video đang HOT
Ông Thuận Hữu nhấn mạnh, Hội nghị Học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và tập huấn công tác kiểm tra các cấp Hội phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ quan trọng.
Cụ thể, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó chú trọng phân tích, thảo luận làm rõ những điểm mới, những nội dung thường gặp, những nội dung dễ mắc sai phạm trong tác nghiệp báo chí.
Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cấp tỉnh và tương đương, đồng thời phổ biến Quy chế làm việc của Hội đồng, hoàn thành trong quý 2/2017.
Từng cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện Nội quy, Quy chế, Quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp.
Tổ chức Hội cần chú ý kiện toàn và đưa công tác kiểm tra của Hội vào nền nếp, đạt hiệu quả, chất lượng; tiến hành tập huấn nghiệp vụ thường xuyên và nắm vững 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để hướng dẫn, ngăn chặn và xử lý sai phạm nghiêm túc, chính xác.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác 2017 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Kim Tân
Theo Dantri
Nhà báo cần nâng cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên mạng xã hội
Ông Trịnh Quốc Dũng, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn "Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số", đây là một trong những sự kiện tại Hội báo Toàn quốc 2017, diễn ra vào chiều 17/3.
Quang cảnh diễn đàn...
Tại Hội báo Toàn quốc năm nay, Diễn đàn "Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số" là một điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, người làm báo và công chúng báo chí.
Ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong khuôn khổ của Hội báo Toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số" có ý thu hẹp phạm vi trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp, cũng là mạch chảy của việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam hiện nay.
Một năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam, báo giới Việt Nam đã tích cực hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị hướng vào xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp. Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, là diễn đàn để chúng ta tham gia góp ý kiến. Chúng tôi thấy đã đến lúc chuyên mục và diễn đàn này cần mở rộng đối tượng quán triệt, có như thế cùng với luật pháp, không vi phạm đạo đức của người tham gia truyền thông ở thời đại số hóa mới hiệu quả.
Ông Mai Đức Lộc (bìa phải) phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tham luận tại diễn đàn trên, ông Trịnh Quốc Dũng, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Với sự xuất hiện của truyền thông xã hội, mỗi cá nhân tham gia có thể đóng vai trò của người cung cấp thông tin cho công chúng hay nói cách khác, việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo trên môi trường này. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.
Theo ông Trịnh Quốc Dũng, sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm của nhà báo là hai yếu tố quyết định sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng không tách rời nhau.
Người bình thường khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội không yêu cầu sự chuyên nghiệp khi đưa thông tin như nhà báo (kiểm chứng, xác minh, đánh giá hệ quả...) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Trái lại, một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn trau dồi nâng cao nghiệp vụ trong quá trình hoạt động báo chí cần đề cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội.
Mạng xã hội có thay thế được báo chí?
Tại diễn đàn trên, Nhà báo Minh Nam đến từ Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) - chia sẻ: Không phủ nhận mạng xã hội (MXH) có nguồn thông tin rộng khắp, có mạng lưới cộng tác viên lên đến hàng tỷ người, do đó MXH là công cụ để báo chí khai thác thông tin, liên lạc nguồn tin nhanh nhất. Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ MXH hoàn toàn không phải là việc xấu, thậm chí là cần thiết và MXH thực sự sẽ là nơi mỗi người cầm bút có thể thu thập, phát hiện những vấn đề, phát hiện nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất. Chính từ thông tin trên mạng, nhiều nhà báo đã phát hiện ra những đề tài nóng được dư luận quan tâm chú ý, từ đó nhà báo khai thác, chọn lọc và triển khai đề tài thích hợp, đáp ứng nhu cầu độc giả.
Tuy nhiên, Nhà báo Minh Nam đã bày tỏ lo ngại, trên thực tế những thông tin không đúng sự thật, có động cơ, mục đích xấu trên MXH trong những năm vừa qua đã và đang để lại những hậu quả khôn lường. Hậu quả tiêu cực từ việc khai thác thông tin bừa bãi, thiếu kiểm soát từ MXH đang trở thành nỗi quan ngại lớn của làng báo Việt Nam. Áp lực cạnh tranh thông tin, sự dễ dãi về nghiệp vụ, thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để câu khách, đã dẫn đến tình trạng lạm dụng MXH, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng.
Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện xu hướng làm báo hành xử như một cá nhân trên mạng xã hội, thay vì thực hiện chức năng của báo chí là phát hiện, xử lý thông tin, thông tin khách quan, định hướng dư luận... Những bài báo kiểu này có thể thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của một số độc giả nào đó, song rõ ràng sẽ làm dài thêm danh sách những sản phẩm báo chí kém chất lượng, làm giảm sút lòng tin của bạn đọc, tự đánh mất vai trò định hướng dư luận của báo chí trước công luận.
"Trong cuộc chạy đua thông tin gay gắt giữa báo chí và MXH, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Bởi vì, dẫu thế nào thì công chúng vẫn luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thói hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nếu chúng ta nỗ lực hơn đem lại thông tin hữu ích nhiều chiều thì không lo ngại quyền năng báo chí bị lấn lướt. Công chúng chắc chắn không quay lưng với những thông tin chuẩn xác mà báo chí đem lại" - Nhà báo Minh Nam chia sẻ.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Sẽ xử nghiêm tình trạng câu kết "ăn tiền" để thông tin sai sự thật Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt, nhắc nhở, một số tổng biên tập bị tạm đình chỉ chức vụ do có sai phạm. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi với báo chí về việc các cơ quan báo chí cần hoạt động đúng...