Đạo diễn ‘Venom’ thừa nhận kịch bản phim có lỗ hổng lớn
Bom tấn “ Venom” đang gây bão phòng vé toàn cầu dù bị giới phê bình chỉ trích kịch liệt. Đạo diễn Ruben Fleischer mới đây thừa nhận kịch bản phim có chi tiết vô lý.
Trailer bộ phim ‘Venom’ Tác phẩm thuộc Vũ trụ Điện ảnh Người Nhện do Sony xây dựng, xoay quanh nhân vật phản anh hùng lừng danh Venom (Tom Hardy).
Trong Venom, khi loài cộng sinh Symbiote đến Trái đất và quái vật Riot thoát ra môi trường bên ngoài, hắn xâm nhập vào cơ thể một nhân viên cứu hộ khẩn cấp, rồi sau đó chuyển sang một người phụ nữ lớn tuổi.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy loài Symbiote liên tục chuyển từ vật chủ này qua vật chủ khác để tồn tại. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì Riot bám trụ trong cơ thể người phụ nữ lớn tuổi suốt 6 tháng ròng.
Và không rõ trong 6 tháng đó Riot làm gì tại Malaysia trước khi xâm nhập vào cơ thể một cô bé và đến Mỹ. Đây là một trong những điểm vô lý của kịch bản khiến Venom bị giới phê bình chê bai.
Trả lời phỏng vấn trang Gamespot, đạo diễn Ruben Fleischer thừa nhận đây là một lỗ hổng trong kịch bản. “Ý tưởng của chúng tôi là Riot hụt cạn sinh lực của bất kỳ vật chủ nào hắn bám vào, rồi chuyển sang người khác và tiếp tục cuộc hành trình”, Fleischer cho biết.
Venom đang đạt thành công ngoài mong đợi tại phòng vé toàn cầu. Ảnh: Sony Pictures.
“Đó (việc Riot bám trụ trong cơ thể người phụ nữ suốt 6 tháng) là một trong những điểm thiếu logic. Nhưng chúng tôi cần một khoảng thời gian để thể hiện sự sa sút của Eddie Brock (nhân vật chính do Tom Hardy thủ vai), và đó trở thành một điểm thiếu thuyết phục”, đạo diễn Venom xác nhận.
Fleischer đùa anh thích tưởng tượng rằng Riot trong cơ thể người phụ nữ đó đã lang thang tại Malaysia suốt 6 tháng, liên tục sát hại người vô tội cho đến khi sẵn sàng tới San Francisco.
Kể từ khi ra rạp ngày 10/10, Venom với kinh phí sản xuất 100 triệu USD đến nay đã đạt doanh thu 230 triệu USD, vượt ngoài dự đoán của giới chuyên môn tại Hollywood.
Đây là tín hiệu rất khả quan với vụ trụ điện ảnh mới, gồm toàn đối thủ của Người Nhện, do hãng Sony Pictures phát triển.
Theo zing.vn
'Venom': Câu chuyện người - quái hòa nhập đậm tính giải trí
Bất chấp phần kịch bản nhiều lỗ hổng cùng khâu dựng phim lộn xộn, tác phẩm hành động về Venom vẫn hấp dẫn nhờ màn tung hứng đầy ăn ý giữa Tom Hardy và thực thể cộng sinh kỳ quái.
Trailer bộ phim 'Venom' Tác phẩm thuộc Vũ trụ Điện ảnh Người Nhện do Sony xây dựng, xoay quanh nhân vật phản anh hùng lừng danh Venom (Tom Hardy).
Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Ruben Fleischer
Diễn viên chính: Tom Hardy, Riz Ahmed, Michelle Williams
Zing.vn đánh giá: 7/10
Venom là một nhân vật đến từ hãng truyện tranh Marvel. Xuất hiện lần đầu dưới dạng một bộ đồ ngoài hành tinh được nhân vật Người Nhện vô tình tìm thấy vào năm 1984, Venom sau đó tiếp tục được các tác giả phát triển, hoàn thiện hơn về nguồn gốc, tính chất.
Từ một bộ đồ thông thường ban đầu, đây dần trở thành dạng thực thể sống bên ngoài vũ trụ với nhận thức riêng, có khả năng chiếm hữu và cộng sinh với các vật chủ khác để trở thành con quái vật thực thụ với năng lực khủng khiếp.
Là kẻ thù truyền kiếp của Người Nhện, đồng thời thuộc nhóm nhân vật phản diện nổi tiếng bậc nhất của Marvel, Venom từng xuất hiện dưới nhiều nhân dạng khi cộng sinh với các vật chủ khác nhau, và nổi tiếng hơn cả là nhân vật phóng viên Eddie Brock.
Tùy theo từng thời kỳ phát triển, Venom không chỉ là ác nhân đơn thuần, mà có lúc trở thành một nhân vật anh hùng hoặc phản anh hùng, xuất hiện trong các loạt truyện và tham gia nhiều nhóm siêu anh hùng và siêu ác nhân khác nhau.
Nhân vật chính thức ra mắt khán giả điện ảnh trong Spider-Man 3 (2007), với vật chủ Eddie Brock do nam diễn viên Topher Grace thủ vai. Tuy nhiên, bản thân bộ phim không được đánh giá cao về mặt chất lượng. Còn màn trình diễn của Venom trong phim tương đối nhạt nhòa do việc xây dựng Venom chỉ là bộ đồ ngoài hành tinh đơn điệu và thiếu chiều sâu.
Venom từng xuất hiện trong bom tấn Spider-Man 3 (2007) nhưng không thành công.
Sau màn chào sân kém ấn tượng, Sony vẫn tiếp tục tìm cách khai thác nhân vật trên màn ảnh rộng. Venom từng manh nha là một phần của dự án phim riêng tập hợp các ác nhân đối chọi lại Người Nhện được giới thiệu ở The Amazing Spider-Man 2 (2014). Nhưng bộ phim không thành công như mong đợi, khiến toàn bộ loạt phim và kế hoạch về phần ngoại truyện sụp đổ.
Song, dự án phim riêng về Venom vẫn được Sony âm thầm phát triển, và nay dự kiến mở ra một loạt phim riêng tách biệt với Spider-Man do Marvel Studios đồng sản xuất. Ruben Fleischer, đạo diễn từng gặt hái thành công với tác phẩm zombie hài hước Zombieland (2009), được giao chỉ đạo dự án. Còn vai chính Eddie Brock / Venom thuộc về ngôi sao Tom Hardy.
Cốt truyện đơn giản với phần kịch bản còn nhiều lỗ hổng
Nhân vật chính của Venom là Eddie Brock (Tom Hardy), một phóng viên chuyên điều tra các hoạt động phi pháp. Anh tình cờ phát hiện ra Life Foundation - tổ chức nghiên cứu khoa học ứng dụng - đang tiến hành nhiều hoạt động mờ ám liên quan đến thử nghiệm sinh hóa lên cơ thể người một cách bất hợp pháp.
Nóng lòng muốn khám phá những vấn đề của Life Foundation, Eddie mắc sai lầm khi phỏng vấn Carlton Drake (Riz Ahmed) - giám đốc tổ chức. Anh bị sa thải, người yêu từ bỏ, và không còn thiết quan tâm đến mục tiêu ban đầu.
Một ngày nọ, Eddie gặp gỡ tiến sĩ Dora Skirth (Jenny Slate) - người đang làm việc cho Life Foundation. Dora vốn trực tiếp tham gia chuỗi thử nghiệm vô nhân tính của tổ chức, nhưng nay muốn những hoạt động kể trên bị đưa ra ánh sáng mà chẳng biết phải làm thế nào. Cô tin rằng Eddie có thể giúp đỡ mình khi anh từng có lần điều tra Life Foundation.
Nhờ sự trợ giúp của Dora, Eddie Brock thành công đột nhập vào trụ sở tổ chức để tìm kiếm bằng chứng. Nhưng anh không ngờ rằng chuyến đi còn đem đến cho mình một "món quà" khác: thực thể sống ngoài vũ trụ với nhận thức riêng biệt có khả năng cộng sinh, và mang lại cho vật chủ nhiều năng lực siêu phàm.
Kịch bản của bộ phim còn chứa đựng nhiều nhược điểm.
Cốt truyện chính của Venom tương đối đơn giản và khuôn mẫu, đi theo đúng công thức chung của các tác phẩm siêu anh hùng: một người bình thường tình cờ gặp phải tai nạn nên có siêu năng lực. Sau đó, cá nhân phải tập thích nghi và rồi sử dụng siêu năng lực để chống lại kẻ xấu.
Hoàn cảnh của cả tuyến nhân vật chính lẫn tuyến nhân vật phản diện được giới thiệu rất rõ ràng, cụ thể và nhanh gọn từ ban đầu. Thậm chí, cả sự xuất hiện của các thực thể sống ngoài vũ trụ được gọi là Thể cộng sinh (symbiote) cũng xuất hiện từ sớm, và lần lượt được giải thích xuyên suốt bộ phim. Do đó, bất cứ khán giả nào cũng có thể dễ nắm bắt Venom.
Bộ phim cũng cố gắng đưa vào thêm một số chi tiết nhằm tạo nên chiều sâu ý nghĩa như việc điều tra hoạt động thử nghiệm phi pháp của Life Foundation. Tuy nhiên, tất cả còn rất sơ lược, gần như không có chiều sâu. Loạt chi tiết chỉ có tác dụng dẫn dắt cốt truyện cho nhân vật chính.
Venom sở hữu tiết tấu gấp gáp, với các sự kiện và nhân vật xuất hiện liên tục. Tuy nhiên, khán giả có thể dễ dàng nhận ra rằng tiết tấu dồn dập ấy là do phần dựng phim lộn xộn gây ra.
Tổng thể bộ phim bị cắt gọt thành nhiều mảnh ghép nhỏ rời rạc, khiến các sự kiện trong phim diễn ra cụt ngủn, kém mượt mà và thiếu điểm nhấn cần thiết. Các nhân vật cứ thế gặp nhau, cứ thế hành động một cách máy móc và nặng tính sắp đặt. Tác phẩm vì thế thiếu đi sự chuyển biến hợp lý, cần thiết giữa các trường đoạn.
Hậu quả là bản thân các sự kiện và nhân vật trong phim không có đủ thời lượng để phát triển đúng mức. Hoàn cảnh, cá tính và mối quan hệ giữa các nhân vật không được đào sâu miêu tả cụ thể, và tác phẩm thiếu đi điểm nhấn cần thiết.
Tom Hardy ban đầu có thể khó gây thiện cảm cho khán giả, nhưng càng về sau càng tỏ ra hợp vai.
Ngoài ra, phần kịch bản phim còn tồn tại không ít lỗ hổng về mặt logic. Khó có thể tin rằng Eddie Brock lại dễ dàng đột nhập vào cơ sở nghiên cứu được canh gác nghiêm ngặt và lấy đi bằng chứng một cách đơn giản như trong phim; hay kính cường lực có thể bị phá vỡ dễ dàng bằng bình cứu hỏa.
Việc một con quái vật như Venom có thể tự do tung hoành ngoài đường phố mà không gây ra bất cứ sự chú ý cho quân đội, chính quyền hay người dân cũng là điều đáng bàn. Tuy nhiên, tiết tấu gấp gáp rốt cuộc lại có thể phần nào giúp khán giả tạm quên đi những lỗ hổng để tập trung vào khía cạnh giải trí của tác phẩm.
Sự kết hợp ăn ý giữa Tom Hardy và kẻ cộng sinh lắm lời
Điểm sáng lớn nhất của Venom phải kể đến màn trình diễn ấn tượng của nam diễn viên Tom Hardy trong vai chính Eddie Brock, cùng với sự kết hợp ăn ý với người bạn mới đầy phiền phức nhưng không kém phần thú vị.
Nửa đầu phim, nhân vật Eddie Brock hiện lên với ấn tượng không mấy tích cực: có chính kiến, lý tưởng truy cầu sự thật, nhưng cách hành xử lại cứng nhắc, vội vàng, và có phần ích kỷ. Vì sai lầm của bản thân, anh đánh mất sự nghiệp, và khiến người yêu bị liên lụy.
Nét diễn xuất có phần tưng tửng, bất cần và đôi lúc không bình thường Tom Hardy ban đầu có thể khiến khán giả cảm thấy bực bội. Nhân vật của anh không giành nhiều thiện cảm, và hậu quả dành cho Eddie Brock là hoàn toàn xứng đáng.
Venom trở nên khác biệt trong dòng phim siêu anh hùng nhờ mối quan hệ đặc sắc giữa Eddie và Venom.
Nhưng càng về sau, Tom Hardy càng chứng tỏ sự phù hợp của bản thân với hình tượng nhân vật mà anh thủ diễn. Không cần phải gồng mình lên diễn một cách cường điệu, anh vẫn thể hiện đầy tự nhiên sự trì trệ, chai lì khi là con người sa cơ, rồi sự bất thường về mặt tâm thần, có phần điên cuồng và quái dị khi phải cộng sinh với Venom.
Bộ phim cũng đem đến cho khán giả một Venom ấn tượng hơn hẳn so với Spider-Man 3. Thực thể cộng sinh ban đầu có vẻ bí ẩn, khủng bố và đáng sợ. Nhưng nó càng lúc càng trở nên thú vị và dễ gần hơn.
Venom là thực thể có nhận thức và cá tính riêng biệt. Hơn nữa, nhân vật còn sở hữu miệng lưỡi đầy linh hoạt cùng tính cách tưng tửng, tức rất gần với cá tính của Eddie Brock. Venom gặp Eddie lúc đầu giống như một kẻ tìm cách chiếm đoạt và lợi dụng thể xác, nhưng rồi cả hai ngày một tỏ ra gần gũi, thân thiết hơn.
Mối quan hệ giữa hai nhân vật trở thành sợi dây liên kết độc đáo. Không chỉ là mối quan hệ giữa người hùng và cộng sự, hay mối quan hệ theo kiểu "buddy cop" thông thường, cả hai đều không phải người hùng, lúc nào cũng gắn liền với nhau, vừa xung đột, bài xích vừa bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau tùy theo hoàn cảnh thực tế.
Điều đó giúp Venom trở nên mới mẻ và thú vị hơn hẳn các tác phẩm cùng thể loại trong thời gian qua.
Các yếu tố giải trí vừa đủ và hợp lý
Phần hành động của Venom có đầu tư ở mức khá, với điểm nhấn là trường đoạn truy sát Eddie Brock khi anh chạy trốn khỏi đám tay chân của Carlton Drake. Các cảnh quay đua xe motor được sáng tạo thêm phần hiệu ứng đặc biệt nhờ khả năng biến hình siêu đẳng của Venom, qua đó giúp trường đoạn trở nên độc đáo hơn.
Về tổng thể, phần hành động trong phim đủ đảm bảo yếu tố giải trí cho khán giả. Chỉ tiếc rằng các cảnh hành động khác khi Eddie hóa thân thành Venom, cũng như trường đoạn cao trào cuối phim, có thời lượng còn hơi ngắn, với mức độ bạo lực bị hạn chế.
Mảng miếng hài hước trong Venom khá tốt. Các chi tiết hài hước được cài cắm hợp lý, duyên dáng, và không bị lố. Chúng chủ yếu xuất hiện thông qua các màn đối đáp giữa nhóm nhân vật, đặc biệt là Eddie - Venom.
Các yếu tố kỹ thuật trong phim đều nằm ở mức khá. Tuy nhiên, Venom có thể hấp dẫn hơn nếu tăng cường tính bạo lực trong các pha ra đòn.
Phần hình ảnh của Venom có chất lượng ở mức khá, với hiệu ứng kỹ xảo, cháy nổ chấp nhận được. Tạo hình của Venom cùng các thực thể cộng sinh khác tương đối ấn tượng. Song, nhiều cảnh hành động trong phim chủ yếu được thực hiện với góc máy quay cận, lạm dụng việc lia máy nhanh. Hậu quả là phần phô diễn năng lực hành động chưa thực sự rõ ràng.
Bên cạnh hai nhân vật chính, nhóm nhân vật phụ của bộ phim về cơ bản đều thể hiện trọn vẹn vai diễn. Mỗi cá nhân đều có điểm nhấn riêng, dù không quá ấn tượng hay nổi bật. Tiếc rằng vai phản diện tuy có lý tưởng mạnh mẽ, rõ ràng, cùng năng lực tàn bạo và đáng sợ hơn hẳn nhân vật chính, nhưng lại có quá ít đất diễn để thể hiện bản thân.
Ngoài ra, người hâm mộ các tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng của Marvel chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú với một số chi tiết quen thuộc nho nhỏ cài cắm trong phim, cũng như cả nhân vật mới rất quan trọng được hé lộ ở đoạn phim ngắn mid-credits.
Công bằng mà nói, Venom không tệ như những gì bộ phim phải gánh chịu từ giới phê bình quốc tế. Dù còn nhiều vấn đề về kịch bản cùng khâu dựng phim yếu kém, đây vẫn là trải nghiệm điện ảnh thú vị và đậm chất giải trí, với câu chuyện đơn giản, tiết tấu nhanh gọn, cùng phần hành động hấp dẫn, và đặc biệt là màn tung hứng ăn ý giữa một người - một quái.
Venom chính thức khởi chiếu từ 12/10.
Theo Zing.vn
Fan cứng của Venom có nhận ra 10 chi tiết thú vị được cài cắm trong phim không? Như nhiều bộ phim siêu anh hùng khác, "Venom" ẩn chứa nhiều chi tiết thú vị liên kết với nguyên tác truyện tranh cũng như gợi mở các phần phim sau. Venom là một trong những trường hợp thú vị khi các nhà phê bình và khán giả bất đồng ý kiến nghiêm trọng. Trong khi điểm số trên Rotten Tomatoes thấp lè...