Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Mọi trang phục phim ‘Cám’ đều phải qua 3 bước thiết kế
Sau khi tung teaser trailer và poster, ngày 20/8, phim điện ảnh Cám chính thức công bố tập phim hậu trường (BTS) kể về quá trình thực hiện phục trang của phim. Cám là bộ phim hư cấu lấy bối cảnh làng quê thời phong kiến.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn nhấn mạnh tiêu chí: Hay dở tính sau, phục trang phải đúng trước
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Bộ phim là dị bản kinh dị từ truyện Tấm Cám, thế nên chúng tôi phải làm sao để phần phục trang gần với hình dung của mọi người về câu chuyện này, nhưng đồng thời cũng phải mới lạ và sáng tạo. Những bộ trang phục trong phim lấy cảm hứng từ phục trang ở giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn”. Phần phục trang của phim do chuyên gia phục trang Nabongchua thực hiện, với thiết kế của họa sĩ Duy Văn và tư vấn từ nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam (Ấm Chè).
Ở góc độ tổ chức sản xuất, nhà sản xuất Hoàng Quân tiết lộ thách thức lớn với phim mới là số lượng diễn viên quần chúng đông đảo, có những đại cảnh đến 200 – 300 người. Chính vì thế, nhu cầu cho phần phục trang cũng cao hơn dự án trước là Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn. “Phim Cám có nhiều nhân vật, từ người dân quê đơn sơ đến những người giàu có hơn như gia đình lý trưởng; rồi cả Thái tử, Thái tử phi, các quan, thái giám, cung nữ, cận vệ, thị vệ… Chính vì thế, độ đa dạng trong trang phục là rất lớn”.
Bàn sâu hơn về quá trình làm phục trang, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Quá trình làm phục trang gồm 3 bước. Đầu tiên, tôi và họa sĩ Duy Văn tạo ra bản phác thảo từ những nghiên cứu và ảnh tham khảo cổ phục. Sau đó, hình ảnh phác thảo đó sẽ được đưa qua nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam để có những nhận xét, góp ý. Cuối cùng, trang phục sẽ được đưa qua anh Nabongchua (Giám đốc phục trang của phim) để thực hiện”. Yếu tố màu sắc cũng được đạo diễn tính toán sao cho phù hợp khi lên hình với máy quay, ánh sáng, cũng như phản ánh tính cách của nhân vật.
Video đang HOT
Lần thứ hai hợp tác cùng đạo diễn Trần Hữu Tấn sau Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam chia sẻ: “Nói về truyện Tấm Cám, người ta chưa xác định rõ được niên đại của nó. Khi thực hiện phim Cám, tôi cũng lưu tâm cố ý lựa chọn những chất liệu văn hóa đậm nét Việt Nam. Chúng tôi khai thác phục trang, đạo cụ, cũng như những nét văn hóa đặc sắc mang tính chất bản địa của Việt Nam”.
Hành trình sáng tạo toàn bộ phục trang từ khảo cứu sử liệu
Toàn bộ trang phục trong dự án được nhận dạng là trang phục trong dòng văn hóa dân gian Việt Nam xưa như áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm… Không chỉ dừng lại ở kiểu dáng của cổ phục, tổ phục trang còn chú ý vào các chi tiết như cách mặc sao cho đúng; như cách đắp vạt áo theo cách của người Việt, các chất liệu, màu sắc phù hợp từng giai cấp cụ thể và tiệm cận với thời kỳ mà bộ phim lựa chọn, các phụ kiện hài, guốc hay việc các tầng lớp nào thì phải mang chân không trong phim.
Một số cảnh trong phim cần những bộ trang phục đặc biệt, ví dụ như phân đoạn Thái tử rước Tấm về cung. Nhà sản xuất chia sẻ: “Ở cảnh này, trang phục của Thái tử và Tấm phải thể hiện được không khí trang trọng của buổi lễ cũng như địa vị hoàng tộc. Đây là hai bộ trang phục khiến chúng tôi tốn nhiều thời gian và công sức để thực hiện nhất, vì độ công phu và chi tiết của nó từ những thứ nhỏ nhất như họa tiết thêu trên áo vừa phải mang dấu ấn nhân vật, nhưng cũng phải đáp ứng các tiêu chí về địa vị người mặc”.
Bộ trang phục Thái tử phi mà Rima Thanh Vy khoác lên lấy cảm hứng từ bộ trang phục của một vị Hoàng hậu thời Lê Trung Hưng, với tổng quan kín đáo cùng nhiều lớp áo, bên trong là áo Giao lĩnh, khoác ngoài Đối khâm, trên vai là Vân kiên và phần dưới là Tế tất với Thường. Ngoài ra, trang sức của nàng Tấm gồm nhiều trâm cài và kim hoa chạm khắc công phu bằng vàng, khăn Nhiễu với Ngọc bội tượng trưng cho sự uy quyền của phụ nữ quý tộc xưa.
Bên cạnh đó, bộ trang phục Lý trưởng của Hai Hoàng ( Quốc Cường) được lấy cảm hứng từ hình ảnh được lưu lại trong sử liệu về một hương lão thời Nguyễn, với các chi tiết nón, chiếc gậy, đôi dép cùng thời kỳ. Ngoài ra, các trang phục khác trong phim còn được lấy cảm hứng từ cách phối màu đặc trưng trong một số tranh dân gian tiêu biểu như tranh Đông Hồ, tranh Làng Sình của người Việt.
Cám là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kip Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, từ đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân. Cám là dị bản kinh dị đẫm máu từ câu truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám, dự kiến khởi chiếu ngày 27/9/2024.
'Cám' có nhiều bối cảnh đậm nét dân gian chưa bao giờ xuất hiện trên phim
Vừa mới chinh phục cái lạnh 0 độ ở Hà Giang trong Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân tiếp tục "chơi lớn", chọn ghi hình cho phim điện ảnh Cám vào tháng nóng đỉnh điểm của Quảng Trị và Huế.
Sau khi phim điện ảnh Cám chính thức ấn định ngày khởi chiếu 27/9/2024 cùng video hậu trường hé lộ hành trình sáng tạo một câu chuyện dị bản mới mới lạ vừa gần gũi, khán giả đã được chiêm ngưỡng loạt đại cảnh gây hiếu kỳ trong dự án kinh dị được đầu tư nhất từ trước đến nay của ProductionQ, hé lộ một phần tạo hình đáng kinh ngạc của nữ chính Lâm Thanh Mỹ trong vai Cám, cũng như cảm nhận một phần cái nóng gắt gao hơn 42 độ C mà ê-kíp phim điện ảnh Cám đã trải qua trong hơn một tháng ghi hình tại Quảng Trị và Huế - hai tỉnh thành có khí hậu vô cùng khắc nghiệt tại Việt Nam.
Trong bối cảnh điện ảnh Việt đang ngày được đón nhận tại thị trường nội địa, bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đang là một cái tên được biết đến mỗi khi nhắc đến dòng phim kinh dị Việt với đề tài mới lạ, câu chuyện sản xuất gây ấn tượng với khán giả khi luôn có những lựa chọn thử thách như bối cảnh, chất liệu văn hóa dân gian hay các cốt truyện mới mẻ. Yếu tố bối cảnh cũng từng khiến câu chuyện sản xuất của dự án Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn từng gây ấn tượng mạnh mẽ khi ekip tìm ra được ngôi làng Sảo Há còn đầy nét hoang sơ giữa rừng núi hiểm trở và nhiệt độ giá buốt dưới 4-5 độ C (có lúc giảm sâu xuống 0 độ C) kèm theo mưa to gió lớn. Hay trước đó là bối cảnh Tà Năng - Phan Dũng trong dự án Rừng thế mạng, một trong những cung đường trekking khó nhất Việt Nam với địa hình hiểm trở và thời tiết thay đổi thất thường.
Đến khi bắt tay vào dự án, bộ đôi này quyết định chọn bối cảnh phim điện ảnh Cám tại Quảng Trị và Huế - hai tỉnh thành nổi tiếng với nhiều địa điểm lịch sử ấn tượng và cái nóng mùa hè gay gắt nhất miền Trung Việt Nam.
Nói về bối cảnh đẹp và phù hợp là vậy tuy nhiên việc ghi hình tại hai tỉnh thành trên không hề dễ dàng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt: "Cái nóng 42 độ ở Quảng Trị và Huế là thử thách tiếp theo của tôi sau cái lạnh 0 độ ở Hà Giang. Tôi nhớ mãi những ngày quay ở đình làng Hà Trung, trên ứng dụng hiển thị nhiệt độ là 42, tuy nhiên thực tế đo được là 44 độ. Việc nhiệt độ quá cao khiến cho công tác ghi hình gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả nhân vật đều mặc rất nhiều lớp áo, thời tiết oi bức ảnh hưởng rất nhiều đến việc di chuyển và diễn xuất của các diễn viên. Do đó rất nhiều bạn diễn viên đã ngất xỉu trong những ngày quay ở bối cảnh đình làng Hà Trung", đạo diễn Trần Hữu Tấn bộc bạch về những khó khăn trong quá trình ghi hình cho Cám.
Chia sẻ về lý do khiến cho bộ đôi liên tục chọn ghi hình ở những bối cảnh khó, đạo diễn Trần Hữu Tấn nói: "Tôi nghĩ rằng bản thân mình có duyên với các kịch bản có bối cảnh gai góc. Theo cá nhân tôi, không đoàn phim nào thích quay ở bối cảnh khó khăn vì vừa tốn kém vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng kịch bản, câu chuyện của chúng tôi buộc phải quay ở những bối cảnh như vậy mới có thể mang đến hình ảnh, cảm xúc chân thật cho khán giả. Chúng tôi không ngại khó, miễn đạt được hiệu quả cho bộ phim thì bối cảnh khó khăn đến mấy chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng khảo sát và ghi hình".
Đối với dàn diễn viên Cám, hầu hết các bộ phục trang được thiết kế sáng tạo trên nền cổ phục đều sở hữu nhiều lớp áo, dưới tiết trời oi bức của Quảng Trị tháng 3, tháng 4, có những ngày, tất cả diễn viên vài trăm con người phải thể hiện diễn xuất trong cái nóng đỉnh điểm ngoài trời. Thử thách của tất cả là làm sao vừa tập trung cho tâm lý nhân vật, vừa giữ nguyên tạo hình, makeup, độ tươi tắn cần thiết cho cảnh quay. Đặc biệt trong số đó chính là vai Cám của Lâm Thanh Mỹ khi đây là vai diễn đòi hỏi rất nhiều thử thách lần đầu: lần đầu đóng vai chính với ngũ quan dị dạng như hội chứng Quasimodo, lần đầu phải đeo lớp hóa trang đặc biệt che nửa gương mặt và phải diễn những phân đoạn tâm lý nặng, lại gặp cái nóng thách thức của miền Trung - riêng việc giữ lớp hóa trang cố định đã là một thử thách.
Đi từ những cánh rừng nguyên sinh ở Tà Năng - Phan Dũng đến cái rét cóng người ở Hà Giang và giờ đây là cái nóng cháy da ở Quảng Trị - Huế, các dự án của bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân không chỉ là những cuộc phiêu lưu, tham vọng chinh phục thử thách của người làm phim mà còn mong mỏi được quảng bá cảnh đẹp của các địa phương nơi đoàn phim dừng chân đồng thời mang đến những hình ảnh mới mẻ cho khán giả trong và ngoài nước.
Cám là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kíp Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, từ đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân. Cám là dị bản kinh dị đẫm máu từ câu truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám, dự kiến khởi chiếu ngày 27/9/2024.
Phim cổ trang Việt được mong chờ nhất 2024 khoe trang phục đẹp mãn nhãn, visual dàn cast khiến khán giả trầm trồ Các nhân vật trong phim sở hữu nhiều bộ phục trang đẹp mắt và cầu kỳ, được lấy cảm hứng từ Việt phục cổ. Sáng 5/8, ekip phim điện ảnh Cám tung loạt video hé lộ tạo hình 5 nhân vật chủ chốt trong phim bao gồm gia đình Tấm Cám và Thái tử. Với câu chuyện thuộc thể loại kinh dị kỳ...