Đạo diễn tiết lộ chuyện chưa kể về phim đoạt Oscar quay ở VN
Đạo diễn Régis Wargnier tiết lộ đối tác tại Việt Nam đã giúp đỡ ông rất nhiều. Qua đó, ê-kíp bộ phim “ Indochine” không bao giờ bị các chính quyền địa phương gây khó dễ.
Tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) năm nay, đạo diễn Régis Wargnier là trưởng ban giám khảo hạng mục Phim dài. Đồng thời, ông cùng minh tinh Catherine Deneuve đem đến Việt Nam phiên bản phục dựng kỹ thuật số 4K của Indochine – Đông Dương (1992).
Đây là bộ phim Pháp gần nhất thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar, và có bối cảnh quay chủ yếu tại Việt Nam.
Phóng viên Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn phim Đông Dương.
‘Mỗi ngày làm việc ở Việt Nam đều bất ngờ, thú vị’
- Xin chào đạo diễn Regis Wargnier, điều gì khiến ông và ê-kíp quyết định phục dựng bộ phim &’Đông Dương’ sau 24 năm?
- Quyết định phục dựng Đông Dương thành phiên bản kỹ thuật số 4K vốn là ý tưởng của StudioCanal – đơn vị hiện nắm giữ bản quyền tác phẩm. Tôi rất vui với điều đó, bởi đây là cách mà các studio lớn trên toàn thế giới lưu giữ các tác phẩm điện ảnh kinh điển cho thế hệ khán giả về sau.
Đã 24 năm trôi qua, khó còn bản phim nhựa 35 mm nào giữ được nguyên chất lượng như ngày xưa.
- Theo ông, tại sao kể từ sau &’Đông Dương’, vẫn chưa có một phim Pháp nào khác thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar?
- Oscar hay bất cứ giải thưởng điện ảnh nào khác không chỉ phụ thuộc vào mỗi mình chất lượng tác phẩm. Chúng ta phải đặt giải thưởng vào bối cảnh lịch sử, bối cảnh chính trị, những câu chuyện hậu trường xảy ra xung quanh giải thưởng…
Tôi nghĩ là nước Pháp đã có nhiều lần suýt chạm đến chiến thắng trong 24 năm qua, như với Amélie (2001) hay Mustang (2014). Nhưng để giành thắng lợi, các nhà sản xuất còn phải tìm cách quảng bá phim tại Mỹ để thu hút sự chú ý. Chuyện giải thưởng thường nằm ngoài tầm với của những người làm công tác đạo diễn.
Đạo diễn Régis Wargnier bên cạnh minh tinh Catherine Deneuve và đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary trong buổi họp báo ra mắt phiên bản 4K của Đông Dương. Ảnh: Việt Hùng.
- Đâu là điều mà đến giờ ông vẫn còn nhớ về quá trình ghi hình phim &’Đông Dương’ tại Việt Nam?
- Mỗi ngày ghi hình Đông Dương tại đây đều có chuyện hay để kể. Nhưng tôi nhớ nhất có một hôm ở vịnh Hạ Long, đoàn phim gặp cơn mưa nhiệt đới trái mùa rất lớn. Nhiều người lập tức tìm chỗ để trú mưa, nhưng tôi bèn ra lệnh đưa Vincent Pérez và Phạm Linh Đan lên con thuyền nhỏ, đẩy họ ra giữa mặt nước.
Quang cảnh lúc ấy rất đẹp và tôi nghĩ mình không thể bỏ qua điều đó. Trong phim, cơn mưa ấy giống như đã cứu Jean-Baptiste và Camille khỏi tình cảnh khó khăn mà hai nhân vật đang phải đối mặt. Điều tôi muốn nói ở đây là mỗi ngày làm việc ở Việt Nam đều có thể mang đến những bất ngờ thú vị.
Video đang HOT
‘Bị cuốn hút bởi phần trình diễn tuồng của ông Lê Tiến Thọ’
- Ông làm thế nào để tìm ra Phạm Linh Đan cho vai Camille?
- Chúng tôi đã tổ chức một cuộc tìm kiếm diễn viên trên quy mô rộng khắp tại Pháp. Vòng sơ loại thì tôi chỉ theo dõi qua các đoạn băng mà đồng nghiệp ghi lại, rồi cùng họ chọn ra 30 cô gái lọt vào vòng tiếp theo.
Lần đầu tiên gặp Phạm Linh Đan ngoài đời, tôi nhớ cô ấy mặc một chiếc váy trắng. Gương mặt của Linh Đan khiến tôi rất có cảm tình, nhưng cô ấy vẫn phải tham gia thêm nhiều vòng thử thách nữa, cho đến khi chỉ còn lại ba ứng viên. Cuối cùng, tôi chọn Linh Đan bởi tin tưởng khả năng diễn xuất và gương mặt sáng của cô ấy.
Một cảnh quay tại Việt Nam của phim Đông Dương. Ảnh: StudioCanal.
- Ông có gặp khó khăn nào từ phía chính quyền Việt Nam khi quay &’Đông Dương’ vào những năm đầu thập niên 1990 hay không?
- Trước khi quay phim, tôi đã tìm được đối tác từ phía Việt Nam để họ chuyên lo liệu công tác hậu cần với chính quyền các địa phương như Hạ Long, Nam Định, Huế… Đi đến đâu, tôi cũng bị đe trước rằng sẽ gặp khó khăn đấy, sẽ phải mất nhiều thủ tục đấy. Nhưng rốt cuộc, chẳng có điều gì xảy ra cả.
Tôi cho rằng chính quyền hiểu rằng bộ phim Đông Dương giống như món quà tôi muốn dành tặng mảnh đất này. Tôi sinh ra vào những năm 1940, khi cụm từ “Đông Dương” luôn gợi lên vẻ huyền bí cho nhiều người Pháp. Đam mê lịch sử và địa lý từ nhỏ đã thôi thúc tôi làm nên bộ phim.
Đến Việt Nam vào năm 1989 để khảo sát địa hình, tôi thấy đất nước các bạn hoàn toàn vắng bóng khách du lịch, dù đó là Hà Nội, TP.HCM hay những vùng biên giới. Tôi nghĩ Đông Dương đã giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và chính quyền nhìn thấy cơ hội ấy từ bộ phim ngay từ khi nó chưa hoàn thành.
Cá nhân tôi quen rất nhiều người Pháp, hay thậm chí cả cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, từng xem phim Đông Dương. Họ bảo bộ phim đã góp phần xóa tan những định kiến không hay về mảnh đất và thôi thúc họ đến đây để tìm tòi, khám phá.
- Ông nhớ ai nhất trong số những con người Việt Nam từng tham gia phim &’Đông Dương’?
- 9 năm trước, tôi có trở lại Việt Nam và gặp Lê Tiến Thọ, một trong những diễn viên Việt Nam tham gia phim Đông Dương. Khi đó, ông ấy đã là Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Còn lần đầu chúng tôi gặp nhau, Lê Tiến Thọ là một nghệ sĩ tuồng và tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi màn trình diễn của ông ấy.
Như Quỳnh là một diễn viên có thực lực tại Việt Nam. Bà ấy rất tử tế khi chấp nhận một vai nhỏ trong bộ phim của tôi. Có một chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi về Như Quỳnh.
Ngày mà bà ấy đã diễn xong vai của mình, tôi bèn gửi lời cảm ơn và chào tạm biệt. Nhưng sáng hôm sau, Như Quỳnh cùng một vài người khác vẫn quay lại. Họ muốn giúp đỡ ê-kíp hóa trang, phục trang…, tức từ diễn viên trở thành nhân viên hậu trường.
Đoàn phim Đông Dương của tôi trở thành một tập thể độc đáo chính vì những con người Việt Nam ấy.
NSƯT Tất Bình kể chuyện đoàn phim ‘Đông Dương’ tại Việt Nam: NSƯT Tất Bình từng sắm một vai nhỏ trong bộ phim thắng giải Oscar của điện ảnh Pháp, và từng giúp đỡ rất nhiều cho ê-kíp làm phim có cơ hội làm việc tại Việt Nam.
‘Hãy cho tôi một kịch bản hay, tôi sẽ trở lại Việt Nam làm phim’
- Sau thành công của &’Đông Dương’ và giải thưởng Oscar, tại sao ông không tới Hollywood làm việc như nhiều đạo diễn khác?
- Tại Mỹ, cơ hội để những đạo diễn như tôi sáng tạo nghệ thuật là không nhiều, và bản thân tôi cũng không cảm thấy hứng thú lắm với hàng loạt kịch bản mà họ từng đề nghị mình thực hiện. Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood giống như một cỗ máy, và người đạo diễn nhiều khi chỉ là một mắt xích nhỏ.
Làm phim tại đó chưa chắc đã được lựa chọn diễn viên theo ý muốn, chỉnh sửa hoặc sáng tạo kịch bản theo cảm quan cá nhân. Như thế, người đạo diễn sẽ chỉ giống như những “kẻ đánh thuê”, và tôi hoàn toàn không thích thú gì điều đó.
- Sau 25 năm, ông thấy Việt Nam thay đổi như thế nào?
- Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 25 năm qua, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Giờ là thời đại của Internet, tôi có thể thường xuyên cập nhật thông tin về đất nước và con người các bạn. Tại Pháp, tôi cũng được gặp nhiều người Việt Nam hơn, hay thậm chí xem một số phim của nền điện ảnh các bạn.
Tôi tin rằng Pháp và Việt Nam giờ rất gần gũi, và giờ nếu muốn làm phim tại đây cũng chẳng gặp phải khó khăn gì quá lớn. Hãy cho tôi một kịch bản hay, chắc chắn tôi sẽ quay lại Việt Nam để làm phim.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Zig
'Đông Dương': Tuyệt phẩm Oscar được quay tại Việt Nam
Nước Pháp đã không biết đến mùi chiến thắng tại Oscar kể từ sau "Indochine" (1992). Năm nay, phim được phục dựng với phiên bản kỹ thuật số và có mặt tại HANIFF.
Trailer bộ phim 'Đông Dương': "Indochine" từng thắng giải Oscar cho "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" hồi 1993 và năm nay được phục dựng thành phiên bản kỹ thuật số 4K.
Pháp là quốc gia sở hữu tới 12 tượng vàng Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, tức chỉ kém kỷ lục của Italy đúng hai lần, nhưng lần cuối nước Pháp lên ngôi đã là cách đây gần 1/4 thế kỷ. Đó chính là bộ phim Indochine (Đông Dương) của đạo diễn Régis Wargnier với ngôi sao Catherine Deneuve trong vai chính.
Có bối cảnh thời gian trải dài từ thập niên 1930 khi mầm mống cách mạng bắt đầu sục sôi trong tâm trí mỗi người dân Việt bị áp bức và kết thúc vào năm 1954 khi người Pháp thực dân cuối cùng phải rời khỏi vùng Đông Nam Á, Đông Dương là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Éliane Devries (Catherine Deneuve).
Bộ phim đề cập tới những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước ta vào những năm cuối cùng nằm dưới ách đô hộ: từ cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản, mâu thuẫn giữa chính những người Pháp về việc nên cố níu kéo quyền lợi thực dân thông qua súng ống và ngục tù Côn Đảo hay sẽ dần dần trao lại cho người Việt quyền tự chủ, rồi khép lại bằng Hiệp định Genève giúp đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của người Pháp tại Việt Nam.
Năm nay, Đông Dương được phục dựng với phiên bản kỹ thuật số 4K. Phim là một trong những tiêu điểm tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ IV.
Ngôi sao lớn nhất của Đông Dương là Catherine Deneuve - một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất nước Pháp. Việc bà được đạo diễn Wargnier chọn vào vai Éliane Devries cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của nhân vật đối với ý nghĩa chung của toàn bộ phim.
Xuất thân từ một gia đình điển hình của chủ nghĩa thực dân là chủ đồn điền cao su, nhưng Éliane lại rất yêu quý cái xứ sở mà nhiều người Pháp chỉ coi như vựa cao su, vựa lúa và vựa than của họ.
Sự mạnh mẽ, tự lập và tình yêu vô bờ bến với những con người bị coi là "hạ đẳng" đến từ Éliane có lẽ sẽ khiến nhiều người yêu phim ảnh liên tưởng tới vai diễn nổi tiếng nữ tước Karen von Blixen của Meryl Streep trong Out of Africa (1985).
Bộ phim thắng giải Oscar năm 1986 được đánh giá là một trong những tác phẩm sử thi hay nhất về vùng châu Phi, và nó cũng xoay quanh những mối tình của kẻ đi cai trị xứ thuộc địa giữa bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Nhưng nếu Out of Africa chủ yếu tập trung mô tả cuộc đời Karen von Blixen, thì Đông Dương lại chân thực và ý nghĩa hơn rất nhiều khi đạo diễn Régis Wargnier không dừng lại ở việc khắc hoạ những tâm tư, suy nghĩ của Éliane hay những người Pháp thực dân như bà, mà còn dành thời lượng đáng kể để mô tả chủ nhân thực sự của xứ thuộc địa: những con người Việt Nam.
Bộ phim không hoàn toàn tập trung vào nhân vật chính của Catherine Deneuve, mà thực tế dành khá nhiều thời lượng cho các nhân vật Việt Nam.
Người xem có thể cảm nhận được sự cân bằng của bộ phim thông qua nhân vật Camille do Phạm Linh Đan thể hiện. Đôi mắt sáng, tinh thần kiên cường và giọng nói rắn rỏi của Camille cho thấy chính những con người bản địa bé nhỏ như cô, chứ không phải những người "khách vãng lai" như Éliane, mới nắm quyền quyết định số phận của mảnh đất đẹp đẽ nhưng nhiều đau thương.
Riêng khán giả Việt Nam, hẳn nhiều người sẽ thấy cảm động khi thông qua Đông Dương, họ được chứng kiến trăn trở của cả người Pháp lẫn người Việt, thuộc đủ mọi tầng lớp trước sự hưng vong của một quốc gia đang sống dở, chết dở vì tình cảnh nửa thuộc địa.
Cái nhìn công bằng và cách quan tâm, đầu tư cho Đông Dương còn được thể hiện qua cả phần nội dung lẫn bối cảnh, cho thấy sự thấu hiểu, trân trọng lịch sử và văn hóa Việt Nam của ê-kíp làm phim nước Pháp.
Chỉ có chút đáng tiếc rằng nhóm diễn viên phụ người Việt chưa thực sự xuất sắc, ngoại trừ Như Quỳnh trong vai cô Sao. Điểm yếu đó của Đông Dương phần nào xuất phát từ những đoạn thoại tiếng Việt còn gượng, thiếu chất điện ảnh. Đây cũng là nhược điểm của nhiều phim Pháp khác có sự xuất hiện của người Việt.
Một cảnh quay được thực hiện ở Hạ Long.
Không chỉ xuất sắc về phần nội dung, Đông Dương còn là tuyệt phẩm về mặt hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Khán giả Việt chắc chắn thấy cảm động khi chứng kiến hàng loạt cảnh đẹp quê hương thông qua ống kính của người Pháp. Còn với những người nước ngoài chưa từng đặt chân tới Việt Nam, bộ phim chắc chắn là lời mời gọi không thể tốt hơn.
Hầu hết các cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, rồi Đình Bảng, Huế, Phát Diệm... Người Việt trong phim cũng hết sức đa dạng về bề ngoài và tính cách: từ những thanh niên Tây học mạnh mẽ, đến những ông già răng đen cười đẹp như trên các tấm bưu thiếp Pháp đầu thế kỷ.
Sự đa dạng đó giúp đạo diễn Régis Wargnier đưa vị trí người Việt trong phim lên cao hơn và giúp khán giả không "lầm tưởng" rằng ở xứ thuộc địa, người Pháp mới là chủ nhân thực sự.
Được thực hiện bởi những tấm lòng yêu nước Việt Nam, Đông Dươnghoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Oscar cách đây 24 năm. Bộ phim thực sự là tác phẩm đáng xem, đáng trân trọng dành cho bất cứ ai đã, đang, hoặc muốn yêu đất nước Việt.
Minh tinh phim 'Đông Dương' đoạt 'Nobel điện ảnh' Catherine Deneuve, ngôi sao của bộ phim "Indochine", là người phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng Lumière cho những đóng góp của bà cho nền công nghiệp điện ảnh. Tại Pháp, báo chí thường so sánh Lumière là "giải thưởng Nobel dành cho điện ảnh thế giới". Năm nay, vinh dự được trao cho Catherine Deneuve, minh tinh của bộ phim...