Đạo diễn Mulan khoe phim “đúng chuẩn Trung Quốc” trong khi phim toàn lỗi, nghe mà muốn xỉu ngang!
Mặc dù phim bị chê “toàn sạn”, đạo diễn của Mulan vẫn hào hứng đăng đàn chia sẻ rằng phim làm rất thực tế, đúng chuẩn văn hóa Trung Quốc.
Ra mắt cách đây không lâu, Mulan (tựa Việt: Hoa Mộc Lan) trở thành tâm điểm của sự chú ý khi là một trong những cái tên duy nhất dám trình chiếu trong thời buổi bệnh dịch vẫn đang hoành hành. Nhiều người kỳ vọng câu chuyện về nữ anh hùng Trung Hoa sẽ có chất lượng xuất sắc, càn quét phòng vé và mang về thành công vang dội. Thế nhưng, thực tế đang nhìn nhận Mulan như một tác phẩm yếu ớt tại rạp chiếu và trên mạng xã hội. Mặc dù được lòng giới phê bình phương Tây, bộ phim lại bị vùi dập không thương tiếc tại các trang mạng châu Á.
Một trong những lý do lớn bên cạnh diễn xuất cứng như khúc gỗ của nữ chính Lưu Diệc Phi chính là việc bộ phim xuyên tạc, sử dụng sai các hình tượng, điển tích trong văn hóa Trung Hoa. Phần đông người dân đại lục coi Mulan giống một tác phẩm giải trí “ăn theo” của Hollywood không hơn không kém, mang mác châu Á nhưng thực chất lại khác xa so với thực tế.
Đạo diễn Niki Caro (phải) của Mulan
Dẫu vậy, đạo diễn Niki Caro của Mulan vẫn hào hứng đăng đàn chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim sao cho “chuẩn Trung Quốc” nhất có thể. Cô chia sẻ bộ phim đã tham vấn rất nhiều chuyên gia sử học Trung Quốc cùng những lĩnh vực khác, đồng thời tìm kiếm nguồn cảm hứng riêng cho bộ phim thay vì trung thành với bản hoạt hình từ năm 1998.
“Tôi đã thực hiện vô vàn những nghiên cứu vì điều tối quan trọng của bộ phim này chính là việc phải trung thành và tôn trọng nền văn hóa Trung Hoa, thể hiện mọi thứ một cách chân thật nhất có thể”, cô nói. Vị đạo diễn còn chia sẻ rằng cô thường xuyên phải kiểm tra lại các sự kiện và chi tiết trong suốt quá trình làm phim để chắc chắn rằng dù chi tiết nhỏ nhất cũng không thể bị bỏ qua hay làm sai lệch.
“Tôi đã phải rất cẩn thận trong việc làm bộ phim trung thực và chi tiết nhất có thể, khi đây không phải là một nền văn hóa mà bản thân tôi đã quen thuộc. Mọi khía cạnh của phim đều được tìm tòi, nghiên cứu tỉ mẩn bởi cả một đội ngũ. Chúng tôi tham khảo điện ảnh Trung, tranh ảnh Trung thời xưa và cả những sự kiện chiến tranh trong lịch sử. Thêm vào đó, chúng tôi còn có cả một chuyên gia quân đội nhà Đường đến tư vấn để thực hiện các phân đoạn trong phim”, bà còn khoe thêm để khẳng định chắc nịch rằng Mulan đang đi đúng hướng.
Thoạt mới nghe qua, có vẻ ai cũng phải gật gù vì sự đầu tư và nghiêm túc của đạo diễn Niki Caro trong việc xây dựng lên một Mulan “đúng chuẩn Trung Quốc”. Thế nhưng, không hiểu đội ngũ chuyên gia của phim đã tìm tòi đến đâu khi Mulan nhanh chóng bị các netizen “lật sổ” điểm danh từng sai lầm một trong văn hóa, hình thức thể hiện.
Gia đình Mulan chắc cũng “không phải dạng vừa đâu” mới dám đem Phượng Hoàng đi canh cửa cạnh chó đá như thế này
Cụ thể, một trong những sai lầm lớn nhất của Mulan chính là việc bộ phim sử dụng hình ảnh Phượng Hoàng – một trong Tứ Linh đi làm vật canh cửa cho nhà nữ chính ở quê (thay vì chó đá như truyền thống). Thực tế tại châu Á, loài chim thần thoại này chỉ được sử dụng cho Hoàng Hậu vì nó đại diện cho sự xa hoa, quyền quý cao sang.
Có lẽ sự dũng cảm của Mộc Lan được di truyền từ nhiều thế hệ trước khi dám lấy Phượng Hoàng làm gia huy riêng cho gia tộc
Hình tượng Phượng Hoàng linh thiêng bay lờ đờ khắp phim cũng kéo theo đó là những sai lầm khác. Gia đình của Mulan chỉ là dòng dõi dân thường nhưng lại dám cả gan lấy hình Phượng Hoàng làm gia huy – một hành động mang tính chất “phạm thượng” chứ chưa cần nói đến giả trai đi đánh giặc. Nhân vật của Củng Lợi – một “phù thủy” thiên biến vạn hóa được đưa vào đầy khiên cưỡng cũng có cái kết nhạt nhẽo không kém. Thực chất, nền văn hóa Á Đông ít khi nào nhắc tới khái niệm phù thủy mà thường coi dòng nhân vật này như “yêu quái”.
Một dòng sông đóng băng nhưng xanh xanh vàng vàng không biết ở nơi nào của Trung Quốc
Đó là còn chưa hề nhắc tới những địa điểm “ảo lòi” Trung Quốc chưa hề có như dòng sông băng giá lại có cây cối mọc sum suê rêu phong bám đầy, hay những vấn đề liên quan tới phục trang, dàn quân đánh trận nhìn đã biết được thực hiện qua loa, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thiếu thuyết phục.
Khán giả Trung Hoa cũng không mặn mà lắm với Mulan
Thật khó có thể phán đoán không biết đội ngũ tư vấn viên hùng hậu của Mulan đã tìm tòi những tài liệu nào để có thể mang đến một bộ phim phá tan logic và thực tế đến như vậy. Sai lệch trong văn hóa của phim có thể không bị để ý bởi khán giả phương Tây nhưng đối với người châu Á, tất cả đều là những hạt sạn to không đỡ nổi, góp phần làm nên sự lai căng kỳ cục của Mulan và khiến bộ phim bị quay lưng bởi người dân đại lục.
Giữa một thế giới loạn lạc và nhiều định kiến, Disney lựa chọn Mulan làm bom tấn có sai lầm?
Mulan - một bộ phim bom tấn với nhân vật chính là nữ gốc Á dường như là tác phẩm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hollywood.
Không hề nói quá khi nhận định rằng Mulan (tựa Việt: Hoa Mộc Lan) chính là bom tấn lớn nhất của Disney vào năm 2020. Giữa thời điểm loạn lạc của dịch bệnh, những phong trào và cuộc vận động liên quan tới nạn phân biệt chủng tộc và bình đẳng giới, sự trở lại của Mulan có thể được xem là một nước đi táo bạo của Disney - một tập đoàn vốn lâu nay bị chỉ trích nhiều vì ít khi đề cập tới những vấn đề trên. Phải chăng sự đầu tư mạnh tay của Nhà Chuột vào Mulan chính là dấu hiệu cho sự thay đổi tích cực khi không còn chạy theo những "công thức" trường tồn của Hollywood?
Một cảnh phim của Mulan
Liệu thế giới đã sẵn sàng cho một anh hùng gốc Á?
Bộ phim Mulan với dàn diễn viên hoàn toàn gốc Á, dẫn đầu bởi Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan và Củng Lợi có thể được coi là một canh bạc đắt tiền của Nhà Chuột. Việc bỏ đi những mô típ "anh hùng da trắng" hay đề cập mạnh mẽ tới vấn đề bình đẳng giới được xem là rất cấp tiến, nhưng cũng quá táo bạo trong một thị trường vốn đặt thị hiếu khán giả lên hàng đầu.
Nếu Mulan chỉ phát hành tại khu vực các nước châu Á thì sẽ chẳng có gì để nói. Tuy nhiên, bộ phim được lên kế hoạch để ra mắt trên toàn thế giới, khi nạn phân biệt chủng tộc còn đang diễn ra mạnh mẽ và rất nhiều người vẫn giữ cái nhìn dè dặt, kì thị với người châu Á. Tại Mỹ - thị trường tiêu thụ điện ảnh lớn nhất nhì thế giới, cộng đồng người gốc Á chỉ chiếm 5.6% dân số. Đây là một tỉ lệ quá nhỏ để Mulan có thể dựa dẫm vào và thành công.
Nên nhớ, những bộ phim nổi bật với vai chính là người châu Á trong những năm gần đây dù nhận được nhiều lời tán tụng và số điểm cao vẫn sở hữu doanh thu khiêm tốn. Điển hình, Crazy Rich Asians dù thành công vang dội vẫn chỉ thu về 239 triệu đô trên toàn thế giới, hay The Farewell được giới hàn lâm yêu thích cũng chỉ nhẹ nhàng nhận về 22,5 triệu đô. Để nói về bom tấn với nhân vật chính gốc Á, có lẽ Mulan sẽ là trường hợp đầu tiên.
Phần lớn thời gian, chúng ta chỉ thấy người Á xuất hiện trên màn ảnh như một nhân vật phụ. Nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran được vinh dự xuất hiện với một vai diễn khá nhạt nhòa trong Star Wars nhưng rồi cũng chỉ nhận về những lời lẽ cay nghiệt và đe dọa từ phía fan của bộ phim, đến mức cô phải xóa luôn tài khoản Instagram.
Đại diện cho nữ quyền cũng là một điều gì đó rủi ro?
Chưa dừng lại ở đó, một rủi ro lớn nữa mà Mulan phải đối mặt là việc nhân vật chính của bộ phim là nữ.
Lội ngược dòng lịch sử Hollywood, hiếm khi nào chúng ta thấy một bộ phim với nhân vật chính là nữ mà thành công nếu họ không phải đứng lùi về đằng sau một nam tài tử nào đó. Thậm chí là với vũ trụ điện ảnh Marvel, fan đã phải đấu tranh quá lâu để nhân vật Black Widow có phim riêng sau bao nhiêu năm "ký sinh" trong những Iron Man hay Captain America.
Nữ diễn viên Brie Larson trong vai Captain Marvel cũng nhận không ít gạch đá từ "fanboy" vì nói về vấn đề bình đẳng giới
Nhìn vào thực tế, việc đầu tư cho một bộ phim có nhân vật chính là nữ dường như là một lựa chọn khiến các công ty phải thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Những cái tên thành công nhất như Captain Marvel phải rất nỗ lực để gom về 1 tỉ đô doanh thu, hay trước đó Wonder Woman mang về cho Warner Bros. 821 triệu đô. Những con số này có vẻ to, nhưng thực chất vẫn bị lấn át khi đặt lên bàn cân so sánh với những tác phẩm có kinh phí tương đương như Aquaman hay Captain America: Civil War.
Sự đổi mới của một "tay chơi an toàn"?
Mặc dù mang danh nghĩa là một trong những công ty sản xuất phim ảnh hàng đầu thế giới, Disney vẫn thường xuyên ăn gạch đá bởi các nhóm thiểu số vì sự lựa chọn làm phim quá an toàn của mình. Chỉ cần nhắc đến những chủ đề như LGBT, phân biệt chủng tộc hay bình đẳng giới, thường chẳng ai nghĩ đến Disney.
Bộ phim Mulan mặc dù được hậu thuẫn bởi danh tiếng lâu đời và thành công của bản hoạt hình, vẫn sở hữu nhiều rủi ro lớn khi nhìn vào những lý do kể trên. Thêm vào đó, những bộ phim live-action của Disney gần đây cũng không hề được đánh giá cao. Mulan chật vật khi phải tìm cách để làm sống dậy hình ảnh một nữ chiến binh không chỉ khiến người Trung Quốc mà phải là cả thế giới cảm động - mặc cho sự trái ngược về văn hóa của các cộng đồng.
Với cái giá 200 triệu đô (cùng rất nhiều tiền quảng bá), rõ ràng Disney phải rất lạc quan với sự thể hiện của bộ phim. Chẳng thể đưa phim ra rạp thời COVID-19, Nhà Chuột không chịu chờ đợi mà sẵn sàng quăng phim lên hệ thống truyền hình trực tuyến Disney với cái giá 30 đô đắt đỏ làm nhiều người la ó, thề rằng sẽ không bao giờ trả ngần ấy tiền cho một bộ phim chưa rõ hay dở. Và đúng là mọi chuyện đang không tốt đẹp lắm với Mulan.
Điểm số của Mulan tại Trung Quốc
Ra mắt không lâu, Mulan đã bị nhận xét như một tác phẩm lai căng kỳ cục giữa Hollywood và Trung Hoa. Bộ phim sở hữu bối cảnh Trung Quốc nhưng các nhân vật lại nói tiếng Anh, những chi tiết văn hóa của Trung Hoa cũng bị nhà sản xuất của Mulan bóp méo và biến đổi để vừa vặn hơn với cái nhìn phương Tây. Về cơ bản, đây rõ ràng là một nỗ lực của Disney để trung hòa mọi thứ và làm bộ phim dễ tiếp cận hơn ở nhiều thị trường cùng một lúc. Kết cục, trong khi Mulan đang được báo chí trời Tây tán thưởng như một thứ vị lạ thì khán giả đại lục lại lặng lẽ chấm cho 3/5 điểm kèm những lời chê bai.
Dù vậy, thế giới vẫn cần Mulan (hoặc một bộ phim tương tự) hơn bao giờ hết!
Đặt vấn đề chất lượng nội dung của Mulan sang một bên, có thể thấy rõ những kỳ vọng và nỗ lực của Disney cho bộ phim mặc dù phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ thất thu. Dẫu sao, trong thời điểm loạn lạc với những vấn đề xã hội đáng quan ngại, sự xuất hiện của Mulan vẫn là cần thiết. Bộ phim đánh dấu sự hiện diện đầy quan trọng của người châu Á trên màn ảnh lớn, đại diện cho sức mạnh của phái nữ trong một xã hội vẫn tràn ngập những định kiến và áp bức.
Có thể Mulan sẽ không đem về hiệu quả kinh tế, hay sẽ nhận về nhiều lời chê bai liên quan tới nội dung, diễn viên hoặc kỹ xảo. Thế nhưng, ít nhất cộng đồng người châu Á cũng có thể nở mày nở mặt khi không còn bị nhìn nhận như những gương mặt, những nhân vật lủi thủi phía sau trong phim ảnh - hay thậm chí là đời thật. Và Disney sẽ được biết đến như kẻ tiên phong sau bao nhiêu ngày tháng tụt lùi, sẵn sàng cho công cuộc thay đổi thị hiếu khán giả.
Lưu Diệc Phi bị đào lại cảnh diễn "giả trân" ngày chưa đóng Mulan: Nhìn không biết chị đang khóc hay cười? Dù có kinh nghiệm 20 năm diễn xuất, Lưu Diệc Phi dường như vẫn không biết điều chỉnh biểu cảm của mình. Được kì vọng là bom tấn của năm 2020 nhưng Mulan (Hoa Mộc Lan) lại đang bị cư dân mạng chê bai hết lời. Bên cạnh nội dung cải biên gây tranh cãi, diễn xuất của nữ chính Lưu Diệc Phi...