Đạo diễn Lương Mạnh Hải: Ai cũng chúc Hoa Hậu Giang Hồ được 200 tỉ, tôi bảo 190 cũng OK!
Sát thềm “Hoa Hậu Giang Hồ” ra mắt khán giả, đạo diễn trẻ Lương Mạnh Hải đã có những chia sẻ thú vị về dự án phim đầu tay của mình cũng như những trải nghiệm trong quá trình làm nghệ thuật.
Hoa Hậu Giang Hồ là dấu mốc đánh dấu sự lấn sân của Lương Mạnh Hải từ vai trò diễn viên sang vị trí biên kịch, đạo diễn phim điện ảnh. Thử sức trong một lĩnh vực mới, Lương Mạnh Hải đã mạnh dạn khai thác một chủ đề nóng trong thực tế cuộc sống được nhiều người quan tâm, đó là cuộc đua tranh cho ngôi vị hoa hậu giữa các người đẹp.
Đến với buổi phỏng vấn của chúng tôi, Lương Mạnh Hải đã có những chia sẻ thú vị về quan điểm của mình đối với mối quan hệ “chị chị em em” trong showbiz nói chung và các cuộc thi người đẹp, người mẫu nói riêng. Trong mắt một số diễn viên của bộ phim Hoa Hậu Giang Hồ, Lương Mạnh Hải nổi tiếng là một đạo diễn khó tính. Anh đề cao vấn đề thời gian, kỉ luật của đoàn làm phim. Những chia sẻ thú vị dưới đây sẽ phần nào lý giải lí do tại sao Lương Mạnh Hải lại có phần “hà khắc” như vậy đối với các “đàn em” trong nghề.
Lương Mạnh Hải
Lý do gì khiến anh quyết định chuyển hướng từ diễn viên sang làm đạo diễn?
Làm diễn viên là công việc rất bị động. Mặc thế nào, đóng với ai, kịch bản ra sao, diễn viên không được quyền quyết định, tất nhiên ngoại trừ việc bạn là một ngôi sao. Còn khi cầm trịch vị trí đạo diễn, quá trình sáng tạo sẽ được chủ động hơn. Đó là lí do Lương Mạnh Hải chuyển hướng với phim điện ảnh đầu tay Hoa Hậu Giang Hồ. Ở đây, tôi tìm được sự chủ động cả về kịch bản, công việc đạo diễn và sản xuất.
Người ta nói Lương Mạnh Hải thân với giới người mẫu lắm, tin đồn này có đúng không?
Nói tôi thân với giới người mẫu thì không đúng rồi. Tôi may mắn khi mới vào nghề đã được làm việc chung với nhiều người mẫu như Anh Thư, Thanh Hằng, Đức Nghĩa, Duy Tân. Năm đó chúng tôi đều kí hợp đồng với HK Film để đóng phim truyền hình dài tập đầu tiên trong sự nghiệp, đó là Tuyết Nhiệt Đới (2006).
Từ sau Những Cô Gái Chân Dài, Anh Thư là người mẫu nổi tiếng nhất. Còn Thanh Hằng đã được biết là người mẫu cá tính, có đôi chân dài nhất Việt Nam. Vì sao Lương Mạnh Hải được làm việc cùng với những người đó? Là bởi tôi được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chọn. Thế hệ chúng tôi làm việc và cùng nhau trưởng thành. Ngoài diễn xuất, họ còn là những siêu mẫu, tôi cũng được thơm lây. Còn làm nghề này tôi đâu có biết rồi mình sẽ quen ai hạng A, hạng B hay hạng C đâu.
Anh Đãng giống như “Star Maker” (Người tạo ra ngôi sao) vậy đó. Mặc dù Tăng Thanh Hà hồi đó đã nổi tiếng với Hương Phù Sa rồi nhưng rõ ràng, Bỗng Dưng Muốn Khóc mới là bộ phim thực sự khiến Hà trở thành một ngôi sao. Tôi cảm thấy rất may mắn vì được chọn vào những dự án phim tốt của anh Đãng.
Tại sao lại là đề tài hoa hậu – chân dài ngay dự án đạo diễn đầu tay này? Với anh đây là lựa chọn an toàn hay mạo hiểm?
3 năm trở lại đây, báo chí cũng như dân tình đều thấy rằng ở Việt Nam có sự bùng nổ về hoa hậu. Tại sao lại có nhiều cuộc thi hoa hậu đến thế? Công chúng miệng thì nói ghét, không thích hay phê phán nhiều cuộc thi Hoa Hậu nhưng rõ ràng là mọi người lại rất tò mò và quan tâm. Tôi nhận ra chưa ai làm phim đề tài này. Nếu có ai làm rồi chắc chắn tôi sẽ không làm nữa. Không phải sợ gì đâu, chỉ là nó không thú vị nữa, phải tìm đề tài trước rồi mới đi tìm câu chuyện.
Anh là người có nền tảng tốt về truyền thông, là gương mặt điện ảnh, nay lấn sân thêm làm đạo diễn, có hơi ôm đồm không khi có nhiều cách kiếm tiền dễ dàng hơn mà?
Cuộc sống luôn có nhiều lựa chọn nhưng quan trọng là mình chọn cái gì. Tôi là đứa thích gì thì quyết làm cho bằng được. Từ nhà báo chuyển qua làm diễn viên, tôi còn không thấy là mạo hiểm lắm. Vậy thì từ diễn viên chuyển qua làm đạo diễn, sự mạo hiểm ấy đối với tôi ít hơn nhiều. Chuyển từ diễn viên sang đạo diễn không thể gọi là ôm đồm mà là bước thử lửa cho sự gan lì của tôi.
Khi quyết định làm đạo diễn cho bộ phim đầu tay của mình, tôi thấy may mắn, thuận lợi về nhiều thứ. Hai điều tôi sợ nhất với dự án Hoa Hậu Giang Hồ là kịch bản có thể không thuyết phục được nhà đầu tư hoặc có thể thuyết phục rồi nhưng uy tín của mình chưa đủ lớn để cạnh tranh với các kịch bản khác của các đạo diễn nổi tiếng khác. Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, hơn nhau ở chỗ ai hiểu luật chơi hơn mà thôi, nên tôi không than thở. Khi mình được các nhà đầu tư tin tưởng, tức là họ đã nhìn ra được tiềm năng của dự án và bản thân mình.
Chọn Minh Tú làm diễn viên chính có phải là lựa chọn quá an toàn đối với anh?
Không, đó còn là sự lựa chọn cực kì mạo hiểm là đằng khác. Bộ phim có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nên tôi phải thuyết phục được họ để chọn một gương mặt hoàn toàn mới đảm nhận 2 vai diễn khó. Kể cả việc chọn Minh Tú vì những sự việc “ồn ào” của cô ấy trên mạng xã hội để gây chú ý cho phim thì đấy là mạo hiểm, chứ không an toàn. Tại sao bạn lại nghĩ chọn Minh Tú là an toàn. Có phải vì cô ấy là một người mẫu không? Tôi lại không nghĩ vậy. Là người mẫu chuyên nghiệp nhưng Minh Tú chưa phải là diễn viên chuyên nghiệp. Bạn xem phim sẽ hiểu, phim này diễn viên không thể bê nguyên xi công việc người mẫu vào là xong. Đóng phim này Tú bị stress đến mất ăn mất ngủ luôn. Kể cả khi ngồi tập thoại với tôi mà Tú còn căng thẳng vì quá lo cho vai diễn. Mà cũng nói thật, nếu tôi không chọn Minh Tú thì tôi cũng không biết chọn ai để đóng vai này.
Còn chọn dàn diễn viên không chuyên cho tác phẩm đầu tay là làm liều?
Không phải đâu, cũng không phải là họ không có năng khiếu, đây là phim đầu tiên họ đóng mà thôi. Tôi cũng cast nhiều diễn viên chuyên nghiệp nhưng không được vì Hoa Hậu Giang Hồ hết sức đặc thù. Khi casting, giữa một người không phải người mẫu và chưa đóng phim bao giờ với một người mẫu cũng chưa diễn xuất bao giờ, tôi cho rằng cơ hội của hai đối tượng này với bộ phim của tôi là ngang nhau. Nếu Minh Tú hay Cao Thiên Trang… đẹp hơn thì tôi chọn họ là bình thường.
Trong phim có 1 số màn catwalk, nhảy múa hay chụp hình nên nếu chọn một người từng làm người mẫu hay thi hoa hậu thì sẽ tiết kiệm thời gian vì họ hòa nhập và hiểu biên đạo múa rất nhanh. Đó là lí do mà tôi cast rất nhiều người mẫu cho những nhân vật trong phim của mình.
Lứa người mẫu trẻ hiện nay như Minh Tú, Cao Thiên Trang có khác gì với thế hệ Thanh Hằng, Anh Thư trước đây?
Tôi không thấy họ khác nhau nhiều về đam mê nghề nghiệp. Thế hệ Thanh Hằng hay Minh Tú đều rất hồi hộp khi bước sang một lĩnh vực mới thôi.
Điểm chung của họ là có rất nhiều “lửa”. Khi làm việc với họ, tôi mới hiểu tại sao có rất nhiều người mẫu nhưng lại chỉ nổi lên một vài gương mặt.
“Siêu mẫu chỉ là hạng hai, hoa hậu thì mới đổi đời” – Anh thật sự nghĩ vậy?
Nó do quan sát của tôi mà có thôi. Ở Việt Nam, hoa hậu là một “nghề”. Còn ở những nước phát triển, hoa hậu chỉ là một danh hiệu thôi. Ở nước ta, chẳng thể kể tên một cô hoa hậu nào mà nghèo cả. Hoa hậu là một nghề giúp cho nhiều người thay đổi cuộc sống tốt hơn hẳn trước đó. Từ những năm 90, danh hiệu hoa hậu đã luôn đi kèm một suất học bổng đi du học rồi.
Nỗi lo “ải” kiểm duyệt đối với Hoa Hậu Giang Hồ của anh?
Không, bởi tôi đã từng làm qua nhiều bộ phim khó khăn về vấn đề kiểm duyệt rồi. Ví dụ như bộ phim Hotboy Nổi Loạn phần 1, nó còn bị kiểm duyệt 3 lần. Sang đến Hotboy Nổi Loạn 2, đây là bộ phim đầu tiên của Việt Nam dán nhãn 18 . Không có cảm giác lo lắng nào về kiểm duyệt là tôi chưa trải qua nên đến bộ phim này, tôi không quá áp lực về vấn đề đó.
Hiện tại, quá trình kiểm duyệt phim đã đến đâu rồi?
Tôi cứ nghĩ phim sẽ bị dán nhãn 18 nhưng cuối cùng phim chỉ dán nhãn 16 và không phải chỉnh sửa gì.
Người ta đang nói vui là xưa làm phim chỉ lo phim lỗ giờ lại chỉ lo chuyện kiểm duyệt, anh nghĩ sao?
Không, tôi lại chỉ lo phim lỗ chứ không lo chuyện kiểm duyệt. Thực ra, cái mọi người đang quan tâm ở Hoa Hậu Giang Hồ là các chi tiết giật gân trong trailer có diễn ra như ở ngoài đời thật không. Nhưng nói luôn đời thật có khi còn kinh khủng hơn rất nhiều là đằng khác. Nếu làm truyền hình, tôi sẽ làm nhiều thứ hơn, nhưng với điện ảnh tôi phải lọc chi tiết nào phù hợp với câu chuyện tôi muốn kể. Trailer cần phải làm tốt nhiệm vụ của nó là thu hút sự chú ý mà thôi.
Anh có nghĩ vấn đề kiểm duyệt trên phim Việt hiện nay là kìm kẹp phim Việt phát ?
Khi cục điện ảnh phân ra 13 , 16 , 18 là một bước tiến văn minh, tiến bộ. Còn những câu chuyện khác về kiểm duyệt thì tôi nghĩ sự thay đổi nào cũng cần thời gian. Không thể so sánh nước mình với nước khác. Tôi nghĩ kiểm duyệt có thể khắt khe nhưng cần phải rõ ràng, vậy sẽ không ai còn thắc mắc nữa. Ví dụ như đã dán nhãn 18 rồi thì không nên cắt đi chi tiết nào hết để cho tác phẩm có sự toàn vẹn.
Ở LHP Busan có thành lập Hội xúc tiến điện ảnh Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì với anh?
Không cần nói về phim, tôi không có niềm tin mãnh liệt vào các Hội ở Việt Nam nói chung. Ví dụ các Hội Phụ Nữ và trẻ em, khi phụ nữ và trẻ em bị bạo hành thì chẳng có mấy ai bảo vệ họ tới cùng. Hội không thể tạo niềm tin cho các thành viên tham gia. Cho nên, hội gì thì hội, quan trọng là mình có tạo được niềm tin cho nhau hay không thôi. Tôi không nói riêng về hội gì cả mà đó là cái nhìn chung của tôi.
Ngay cả vấn đề kiểm duyệt, để Việt Nam muốn có ngành công nghiệp điện ảnh thì còn mất nhiều năm nữa. Nó phải song hành với công nghiệp thời trang, âm nhạc, dịch vụ du lịch… không thể so sánh với các nước phát triển khác được. Ở Hàn, công nghiệp điện ảnh còn là chính sách định hướng của chính phủ nước họ. Chứ không đơn giản là một nhóm nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất ngồi lại với nhau là có thể xây dựng được một ngành công nghiệp điện ảnh. Sự cố gắng của tất cả mọi người ở nước ta hiện nay vẫn chỉ là sự dò đường thôi, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không thể bê nguyên công thức của nước khác sang áp dụng với nước mình là có thể thành công.
Gắn bó như hình với bóng bên cạnh đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, anh có nhận hỗ trợ giúp của anh Đãng ở dự án này không?
Sự giúp đỡ của anh Đãng đối với tôi là lớn nhất. Tôi làm diễn viên là do anh Đãng “xúi”, làm sản xuất cũng vậy. Rồi sau này tôi làm đạo diễn cũng do anh Đãng động viên. Sự ảnh hưởng của anh Đãng đối với sự nghiệp của tôi là rất lớn. Anh Đãng đã đọc và sửa từng chi tiết trong kịch bản của tôi, dạy tôi cách phát triển kịch bản.
Tôi quen anh Đãng 15 năm rồi, mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi sẽ như vậy hoài. Chúng tôi khắc khẩu về quan điểm, phong cách sống, chỉ tương đồng ở quan điểm làm nghề. Đó cũng là lí do chúng tôi chơi thân với nhau đến tận bây giờ. Có những điều mình không cần thanh minh hay giải thích. Có lẽ rất hiếm cặp diễn viên – đạo diễn nào chơi với nhau đến tận 15 năm. Bởi lẽ quan điểm về bạn bè của tôi và anh Đãng chính là đề cao sự chân thành và tin tưởng, đó là điều quan trọng nhất. Anh Đãng không chỉ là người bạn tri kỉ mà còn là người thầy tạo dựng cho tôi được như ngày hôm nay.
Điều anh thích nhất và ghét nhất ở anh Vũ Ngọc Đãng là gì?
Tôi thích ở anh Đãng nhất là sự chân thành, còn không thích nhất ở sự xuề xòa. Tôi khó tính, anh Đãng dễ tính. Tôi cầu kỳ trong ăn uống, còn anh Đãng thì sao cũng được. Tôi thích thời trang, còn anh cực kì giản dị. Bạn bè là mỗi người một tính, chơi với nhau là sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau thôi.
Ngoài tình bạn lâu năm với anh Vũ Ngọc Đãng, anh còn có tình bạn nào trong showbiz nữa không?
Tôi có ít bạn thân trong showbiz nhưng toàn bạn chất lượng thôi. Trước giờ, tôi toàn chơi thân với các anh chị lớn tuổi, thậm chí lớn hơn mình cả một con giáp. Đối với công chúng, những anh chị đó có thể không nổi tiếng vì họ không còn làm nghề nữa hoặc đứng đằng sau thành công của các bộ phim, các show ca nhạc, chương trình giải trí. Nhưng họ tham gia showbiz từ lúc tôi còn vắt mũi chưa sạch, ví dụ như chị Bích Hiền, chị Lê Hoá, chị Minh Anh, chị Mộng Thuý, chị Huyền Thanh.
Anh có nghĩ rất khó để có tình bạn đối với những người đẹp với nhau bên ngoài đời thật?
Có rất nhiều đấy chứ, chẳng qua mình không biết thôi. Không phải những gì mình không nhìn thấy nghĩa là nó không xảy ra. Những gì mình không nhìn tận mắt thì mình cũng không thể trả lời một cách khẳng định được. Trong cuộc đời này không có gì là chắc chắn, điều mình biết là hữu hạn.
Nếu ai đó nói rằng không thể có tình bạn hay tình yêu bền vững thì tôi không đồng tình. Có lẽ họ đã dùng trải nghiệm nhất thời của mình để chia sẻ như vậy. Còn tôi đủ già để nghĩ rằng không thể chắc chắn bất cứ điều gì về các mối quan hệ trong cuộc sống, chứ không riêng gì showbiz. Những cặp đôi tan vỡ trong showbiz mà bạn thấy chỉ là một phần vì họ là những người nổi tiếng hay đứng trước sân khấu hoặc màn ảnh. Còn bao nhiêu mối quan hệ đẹp đẽ khác sau sân khấu của các nghệ sĩ, nhạc công, các nhà sản xuất,…. mà bạn không nhìn thấy được. Cho nên đừng vội nhận định bất cứ điều gì khi mình chưa nhìn nó một cách toàn diện. Tôi cực kì ghét việc mọi người lấy một nhóm nhỏ để đại diện cho cả một giới hoặc một ngành.
Hôm nay, tôi thấy anh vẫn còn trẻ trung lắm, nhưng một Lương Mạnh Hải hiện tại tự nhận diện tâm hồn mình thế nào?
Sáng nào tôi cũng dậy từ 5h30, chuẩn bị đồ ăn sáng, đi tập thể dục. Tôi cố tập thói quen ăn uống rất healthy. Tôi lắng nghe cơ thể của mình và ý thức gìn giữ sức khỏe đã có với tôi từ khi tôi bắt đầu làm diễn viên rồi. Chứ thực ra tôi không có bí quyết gì cả, có chăng là do lối sống kỉ luật. Lúc viết kịch bản, tôi cũng như vậy.
Nhiều nghệ sĩ làm việc theo cảm hứng, anh thì sao? Cảm hứng đó có ảnh hưởng đến một đạo diễn được đồn là tỉ mẩn và cầu toàn như anh không?
Nghệ sĩ hay người thường đều cần cảm hứng để làm việc. Vì chúng ta cần phải có cảm xúc để thăng hoa nhưng không có nghĩa bạn dùng cảm hứng một cách vô tổ chức. Bạn phải là người tự tìm nguồn cảm hứng cho mình. Một vài người bạn của tôi bị trầm cảm do bế tắc khi không tìm được niềm vui trong cuộc sống và công việc. Còn khi bế tắc, tôi lại xách xe ra ngoài hoặc đi bơi, đi gym. Tôi không ngồi ở nhà ủ rũ và để mình rơi vào trạng thái đó. Tôi còn nhiều mục tiêu hướng đến cho nên tôi không cho phép mình yếu đuối và rơi tự do.
Thật tình, tôi không thích làm việc theo cảm hứng. Khi làm việc với tôi, nhiều bạn người mẫu hơi sợ vì tôi khó tính quá so với tưởng tượng của các bạn. Nếu như các bạn đứng ở tâm thế của đạo diễn hay nhà sản xuất, các bạn sẽ hiểu tại sao tôi có những nguyên tắc làm việc như vậy. Điều khiến tôi phát điên nhất khi làm việc là sự đi trễ. Nếu 1 người trễ thì thường sẽ kéo theo cả 1 dây chuyền. Nói đi cũng phải nói lại, phim quay dài ngày, lại thức khuya dậy sớm nên nhiều bạn có thể chưa quen với guồng quay như vậy.
Tôi tự nhủ sau Hoa Hậu Giang Hồ sẽ không làm phim nào nhiều diễn viên nữ như vậy nữa. Vì việc lo phục trang, makeup, làm tóc, thay đồ,… chiếm nhiều thời gian kinh khủng khiếp.
Kì vọng con số nhất định nào đó với doanh thu Hoa Hậu Giang Hồ?
Hôm sinh nhật tôi, ai cũng chúc Hoa Hậu Giang Hồ được doanh thu 200 tỉ. Tôi bảo 190 cũng ok mà 201 cũng được. Thị trường bây giờ quá bất ngờ, bạn cũng không thể tính toán được điều gì sẽ xảy ra. Phim có ngôi sao, thậm chí phim được khen hay lại thua. Còn phim bị chê dở vẫn thắng vang dội. Cùng là rủi ro, nếu đánh bài ít ra cũng có thể tính toán thì làm phim lại không thể. Nếu biết trước doanh thu bao nhiêu thì ai cũng giàu hết. Nói chung với bộ phim này, tôi đã có hết sức rồi. Kết quả có thế nào thì tôi vẫn cứ yêu và tự hào về nó.
Anh nghĩ sao về việc các nhà sản xuất lên tiếng kêu cứu về các bộ phim không ăn khách? Đó có phải là việc làm kém văn minh?
Vấn đề này văn minh hay không là nằm ở góc độ của người đánh giá thôi. Nếu bạn nhìn bộ phim giống như đứa con của đạo diễn, của nhà sản xuất thì bạn sẽ hiểu và thông cảm cho việc làm của họ. Tuy nhiên, có chơi thì phải có chịu. Khi bị mọi người quay lưng thì phải chấp nhận. Còn đứng về quan điểm của khán giả, họ bỏ tiền và thời gian ra thì họ có quyền lựa chọn phim để xem và có quyền khen chê.
Sự hay hay dở của một bộ phim còn phụ thuộc vào gu của người xem. Có những người xem phim chỉ cần cười thôi, có người lại hóng cảnh kinh dị, có người lại xúc động vì bắt gặp câu chuyện của chính bản thân mình trong đó. Mình bảo phim này hay nhưng nó có thể là dở với người khác và ngược lại. Tương tự câu chuyện văn minh hay không trong việc kêu cứu phim cũng thế.
Việc kêu cứu không phạm pháp, họ đã đầu tư rất nhiều công sức, họ làm như vậy vẫn có thể hiểu và thông cảm được. Mình không nên nhìn mọi thứ phiến diện. Là một nhà làm phim, cũng là một khán giả, tôi muốn nhìn vấn đề một cách công tâm hơn để những vấn đề tiêu cực không ảnh hưởng nhiều đến mình. Làm phim là để chính mình sướng trước đã, nếu lo quá nhiều thứ về sự thất bại, về kiểm duyệt thì lúc nào trong đầu mình cũng có sự tiêu cực, như vậy không thể làm được phim đâu.
Nếu kiểm duyệt bị dán mác 18 thì tôi cũng chấp nhận luôn, có gì phải sợ. Nếu phim không có ngôi sao, cũng không phải lo lắng quá. Làm thì cứ làm thôi, chứ không thể vì phim không có ngôi sao mà cứ lo nó thất bại mãi được. Ở Việt Nam hay thế giới cũng vậy, nhiều phim có ngôi sao tưởng là an toàn để bảo chứng phòng vé nhưng vẫn chết. Cho nên thành công không có công thức có sẵn, một cuộc chơi mình phải chơi hết mình thì mới không phải hối hận.
Cảm ơn Lương Mạnh Hải về buổi trò chuyện. Chúc cho Hoa Hậu Giang Hồ sẽ nhận được nhiều sự đón nhận của khán giả.
Hoa Hậu Giang Hồ chính thức khởi chiếu từ 15/11/2019.
Theo trí thức trẻ
Siêu thảm đỏ Hoa Hậu Giang Hồ: Thanh Hằng gặp lại "người tình" Hà Tăng, dàn sao Tuyết Nhiệt Đới hội ngộ đầy xúc động
Những người đẹp hạng A trong showbiz như Hà Tăng, Thanh Hằng, Minh Hằng... đều đến chung vui với Lương Mạnh Hải ở bộ phim điện ảnh đầu tay Hoa Hậu Giang Hồ.
Tối ngày 12/11, dàn sao siêu khủng đã "tấp nập" đổ bộ đến thảm đỏ ra mắt bộ phim Hoa Hậu Giang Hồ, tác phẩm điện ảnh đầu tay của Lương Mạnh Hải ở vai trò đạo diễn kiêm NSX phim. Tất cả những người đẹp lừng danh trong showbiz từng hợp tác với anh và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đều có mặt để chung vui với anh, từ Anh Thư ở Tuyết Nhiệt Đới, Tăng Thanh Hà ở Bỗng Dưng Muốn Khóc - Đẹp Từng Centimet, Thanh Hằng ở Những Cô Gái Chân Dài, Minh Hằng trong Ngôi Nhà Hạnh Phúc... Chưa bao giờ có thảm đỏ của bộ phim nào mà dàn khách mời lại thu hút còn hơn cả dàn diễn viên phim, bình thường Minh Tú, Cao Thiên Trang hay Chế Nguyễn Quỳnh Châu đều không phải "hạng vừa", nhưng đụng đàn chị hạng A thì lép vế cũng là lẽ thường tình.
Hai người đẹp hạng A Thanh Hằng và Hà Tăng cùng đến chung vui với Lương Mạnh Hải ở phim đầu tay.
Chị đại Thanh Hằng diện mốt khoe táo bạo, hoàn toàn phù hợp với concept "giang hồ".
Nhan sắc của Hà Tăng chưa bao giờ làm công chúng thất vọng.
Ekip Tuyết Nhiệt Đới gây sốt năm nào, Vũ Ngọc Đãng - Anh Thư và Lương Mạnh Hải cùng tái ngộ ở thảm đỏ.
Mới vừa "đu đưa" ở đám cưới Đông Nhi - Ông Cao Thắng xong nhưng Minh Hằng vẫn kịp lên đồ chặt chém hội chị em.
Hoa Hậu Giang Hồ là bộ phim đầu tay Lương Mạnh Hải tham gia với vai trò đạo diễn. Phim có nội dung bóc trần những góc khuất của các cuộc thi Hoa Hậu, các chiêu trò hãm hại lẫn nhau căng không khác gì cung đấu. Bên cạnh đó, bộ phim còn có thông điệp về tình cảm gia đình - chị em. Bộ phim quy tụ dàn người mẫu trẻ, ăn khách ở thời điểm hiện tại như Minh Tú, Cao Thiên Trang, Chế Nguyễn Quỳnh Châu... Ngoài ra cũng có sự góp mặt của NSND Hồng Vân, NS Hồng Đào...
Dàn hoa hậu trong phim.
Minh Tú sẽ đóng 1 lần 2 vai.
Cao Thiên Trang sẽ hoá thân thành nhân vật phản diện trong phim.
Chế Nguyễn Quỳnh Châu diện trang phục theo concept "tơi tả" ở buổi ra mắt phim. Liệu cô nàng chỉ là cái "đuôi" trong Hoa Hậu Giang Hồ hay còn cú twist đậm đà nào nữa?
Gây sốc nhất trong buổi họp báo chính là "người đẹp" Hải Triều. Đây là khách mời chặt chém nhất buổi họp báo.
Diễn viên Ngọc Anh.
Diễn viên Quỳnh Anh.
Siêu mẫu Hà Anh.
Nam vương Gia Huy.
Nghệ sĩ Hữu Châu.
Diễn viên Kiều Chinh.
Vợ chồng Jay Quân và Chúng Huyền Thanh.
Diễn viên Tico Tiến Công.
Ca - nhạc sĩ Trang Pháp.
Trailer "Hoa Hậu Giang Hồ"
Hoa Hậu Giang Hồ công chiếu từ ngày 15/11.
Theo trí thức trẻ
"Hoa Hậu Giang Hồ" Minh Tú: Sang hay không nằm ở cốt cách, nhiều người tôi thấy dát cả tỉ cũng có sang đâu? Xây dựng một kênh Youtube riêng, ra mắt với vai trò nữ chính của bộ phim điện ảnh Hoa Hậu Giang Hồ, 2019 lại là một năm "cờ đến tay" Minh Tú lại phất nữa rồi. Nhắc đến người mẫu, công chúng thường nghĩ đến hình ảnh lụa là, bước chân sải dài trên sàn catwalk, diện những bộ trang phục lộng lẫy...