Đạo diễn Lê Hoàng bất ngờ khi biết thu nhập của ca sĩ phòng trà bằng 2-3 giáo viên cộng lại
Với hơn 20 năm trong nghề, ca sĩ Yến Xuân khẳng định bản thân có thể sống “rất được” với mức thu nhập từ việc hát phòng trà.
Theo chia sẻ của ca sĩ Yến Xuân, nếu lương giáo viên khoảng 10 triệu một tháng thì ca sĩ phòng trà vào mùa mưa bão có thể kiếm ngang mức thu nhập của một giáo viên, còn mùa nắng ráo thì có thể bằng tiền lương của 2 đến 3 giáo viên cộng lại. Nhưng điều này chỉ đảm bảo với một ca sĩ “chạy” nhiều phòng trà.
Yến Xuân chia sẻ, ca sĩ phòng trà có nhiều xuất phát điểm khác nhau. Cũng có những người không có chuyên môn về nhạc nhưng có chất giọng tốt vẫn được ủng hộ. Cũng có những người yêu nhạc Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Hà rồi hát giống như các nghệ sĩ này cũng được khán giả phòng trà chấp nhận và yêu quý.
Với một môi trường biểu diễn nhẹ nhàng, ít khán giả như vậy, nên ca sĩ tại đây không có nhiều cơ hội tiếp cận với số đông, không có độ phủ sóng với công chúng. Nhưng với Yến Xuân, sân khấu tại phòng trà là một cái nôi rất tốt dành cho các ca sĩ trẻ. Họ được tập luyện và biểu diễn hằng đêm, họ có cơ hội trau dồi khả năng qua từng bài hát, vì vậy có thể nói ca sĩ phòng trà là những người rất dày dặn kinh nghiệm. Và có rất nhiều ngôi sao ca nhạc đi lên từ xuất thân ca sĩ hát phòng trà như Lệ Quyên.
Nhưng bên cạnh đó, phần đông ca sĩ phòng trà lại nghĩ rằng sân khấu lớn hay không không quan trọng bằng việc họ có khán giả của riêng và được hát những loại nhạc mà họ yêu thích. Hay theo cách nói thẳng thắn của Yến Xuân là ca sĩ phòng trà có suy nghĩ an phận, “lười” bon chen, họ hạnh phúc với những gì mình đang có.
Song song với đó cũng có rất nhiều ngôi sao sân khấu tiến vào hát ở phòng trà như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Tuấn Hưng và nhiều ca sĩ nổi tiếng khác. Yến Xuân nhận định, không nên nói vào hát phòng trà là một sự đi xuống của các ca sĩ, vì sự thật đôi khi ca sĩ sân khấu được mời vào hát phòng trà là một niềm hãnh diện.
Cũng theo chị, điều khiến phòng trà trở nên đặc biệt hơn là vì sân khấu lớn một năm cũng chỉ có vài chương trình, nhưng phòng trà mở hằng đêm, nơi ca sĩ có thể tiếp cận gần nhất với những khán giả yêu mến họ. Một thứ tình cảm nồng nhiệt và đặc biệt đến mức mà theo Yến Xuân, nếu không làm ca sĩ, chị sẽ không bao giờ cảm nhận được một tình cảm dễ thương đến như vậy.
Chị hy vọng những ca sĩ phòng trà sẽ luôn yêu công việc mình làm vì một khi có tình yêu thì họ có thể làm được những gì mà họ muốn, và chị mong các khán giả sẽ dành nhiều tình yêu thương để sân khấu phòng trà sẽ luôn sáng đèn như vậy.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng khẳng định, giữa cuộc sống xô bồ và bon chen của giới showbiz, tâm thế an yên của những ca sĩ phòng trà là một điều rất đáng quý. Anh mong rằng thông qua cuộc trò chuyện cùng ca sĩ Yến Xuân, chương trình sẽ mang đến khán giả một cái nhìn mới về những ca sĩ phòng trà cũng như giá trị âm nhạc phòng trà mang lại.
Ca sĩ Yến Xuân khẳng định ca sĩ phòng trà suy nghĩ an phận, "lười" bon chen
Chuyện cuối tuần với cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và ca sĩ Yến Xuân sẽ mang đến những góc nhìn đa chiều xoay quanh cuộc đời của những ca sĩ phòng trà.
Ca sĩ Yến Xuân sinh năm 1975, là vợ cũ của danh ca Duy Quang. Chị được biết đến là một trong những giọng ca nổi tiếng tại các phòng trà ở TP.HCM với hơn 20 năm kinh nghiệm.
Trước khi đến với ca hát, Yến Xuân vốn là một diễn viên múa. Sau 7 năm hoạt động, chị chuyển hướng sang làm ca sĩ. Những năm đầu tiên đi hát, Yến Xuân cũng tham gia biểu diễn trên các sân khấu ca nhạc. Theo lời chị kể, thời đó các ca sĩ trẻ phải đi hát lót cho ca sĩ ngôi sao, có những đêm diễn phải chờ 5-6 tiếng mới được hát. Lên sân khấu nhiều khi còn bị khán giả đuổi thẳng mặt vì họ chỉ đến để xem ca sĩ ngôi sao diễn.
Chứng kiến những cảnh như vậy khiến Yến Xuân rất áp lực. Trong một lần được mời đi hát tại phòng trà, chị nhận ra đây chính là nơi dành cho mình.
"Phòng trà hợp với tính cách của tôi, mọi thứ đều nhẹ nhàng và không ai đuổi tôi xuống cả. Nếu khán giả không thích tôi hát, họ vẫn lắng nghe và lịch sự vỗ tay", Yến Xuân bộc bạch.
Và như cái duyên, sau đó chị được rất nhiều phòng trà mời và hát đến tận bây giờ. Nếu như giới ca sĩ phòng trà lúc bấy giờ có ca sĩ Tuyết Loan được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc Jazz" thì khán giả cũng ưu ái gọi Yến Xuân là "công chúa nhạc Jazz". Cái danh hiệu gắn liền với Yến Xuân khi ấy khiến chị mắc cỡ khi nhắc lại, nhưng nó cũng là điều khiến chị rất tự hào và biết ơn các khán giả.
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng dù là sân khấu phòng trà hay bất cứ sân khấu nào cũng đều đáng được trân trọng, và cho dù âm nhạc Việt Nam trải qua không ít thăng trầm nhưng phòng trà vẫn luôn có được vị trí ổn định trong suốt nhiều năm qua. Điều này nhận được sự đồng tình của ca sĩ Yến Xuân. Chị còn cho rằng phòng trà giống như một đặc sản của Sài Gòn, dù ở thời điểm hiện tại, số lượng phòng trà không còn nhiều như trước đây, nhưng vẫn còn không ít phòng trà nổi tiếng và tồn tại từ rất lâu đến tận bây giờ.
Không giống như những sân khấu ca nhạc khác, phân biệt rất rõ ràng giữa ca sĩ hát "lót" và ca sĩ ngôi sao, khi ngôi sao tới thì phải nhường cho ngôi sao hát. Còn ca sĩ hát phòng trà coi nhau giống như gia đình, không cạnh tranh, không bon chen khốc liệt như vậy. Theo Yến Xuân, tất cả các ca sĩ biểu diễn tại phòng trà đều có những khung giờ nhất định và không ai "lấn" hay tranh giành của ai. Kể cả các ca sĩ ngôi sao khi hát ở phòng trà cũng chỉ có thể biểu diễn trong một khung giờ nhất định như vậy.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày Yến Xuân đều có suất diễn riêng. Tại một phòng trà chị thường hát khoảng 4 bài và khoảng 10 đến 12 bài cho những đêm diễn minishow. Thời hoàng kim, mỗi đêm chị có thể chạy từ 7 đến 9 phòng trà liên tục. Nghe lịch diễn đều đặn vào mỗi tối của Yến Xuân khiến đạo diễn Lê Hoàng hơi bất ngờ, anh đùa rằng lịch diễn cố định của chị giống như công nhân viên chức làm việc.
Chuyện cuối tuần chủ đề Đời ca sĩ phòng trà với cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và ca sĩ Yến Xuân sẽ được phát sóng vào 21h35 thứ Bảy ngày 21/11 trên kênh VTV9.
Hoa hậu Đỗ Nhật Hà thừa nhận bị tình đầu bỏ rơi ngay khi biết cô là người chuyển giới Nói về chuyện tình cảm, Nhật Hà khẳng định người chuyển giới luôn chịu rất nhiều thiệt thòi và chính cô cũng từng bị nhiều vết thương lòng. Để chuẩn bị sang Thái làm phẫu thuật, Nhật Hà đã sống với hình ảnh như một cô gái thực sự trong một năm. Trở về sau khi chuyển giới không một ai biết chuyện...