Đạo diễn gặp ma khi quay ‘Ngôi nhà trong hẻm’
“Phòng ngủ mở máy lạnh nên phải chốt cửa kỹ, vậy mà chốt lại tự bật ra và xuất hiện một cô gái tóc dài đứng nép bên cửa”, đạo diễn Lê Văn Kiệt kể lại.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt.
- Khi anh vắng mặt tại buổi chiếu phim họp báo “ Ngôi nhà trong hẻm”, có ý kiến cho rằng anh chạy trốn và không dám nhận “đứa con” của mình, anh thấy sao?
- Không, không phải thế. Do ngày hôm đó có trục trặc về việc in ấn nên tôi phải giải quyết với bên rạp phim. Và khi tôi quay trở lại thì mọi người đã xem xong phim và ra về nên tôi không có dịp gặp gỡ truyền thông trong nước. Hơn nữa, bản thân tôi lại là người kín tiếng, thậm chí là nhút nhát, khả năng tiếng Việt của tôi cũng không được tốt lắm nên tôi mất tự tin.
Tôi rất tự tin về bộ phim của mình và thực tế là ở rạp đã phản ánh điều đó. Tôi không việc gì phải trốn tránh hay xấu hổ vì “đứa con” của mình. Đó là nói về mức độ thành công của phim, còn đứng về góc độ cá nhân thì một bộ phim do mình làm ra, dù tốt dù dở cũng là sản phẩm của mình mà, làm sao mình trốn tránh được mãi.
- Sau ngày phim ra mắt có những phản hồi trái chiều, người khen hay những cũng không ít người chê phim còn nhiều sạn, kịch bản hỏng. Anh thấy sao?
- Tôi cũng đã đọc và nghĩ đó là những phản hồi đúng, đặc biệt là phim kinh dị thì càng có những phản ứng khen chê lẫn lộn. Tôi cũng không bao giờ muốn mọi người phải phải khen.
Tôi nghĩ mọi người nói kịch bản có nhiều sạn bởi vì góc nhìn của đạo diễn, người viết kịch bản không có sự trùng khớp theo phong cách chung của phim kinh dị trên thế giới rất đơn giản. Thứ hai là phim kinh dị chủ yếu khai thác yếu tố âm thanh, hình ảnh – hai cái này thì đều được khen rồi. Tôi muốn dùng những chi tiết trong kịch bản để đẩy mạnh yếu tố kịch bản chứ không phải dùng một kịch bản hoàn hảo, logic, bởi vì cái này không phải là style của phim kinh dị.
Tôi không muốn tranh luận kịch bản phải thế này thế kia, mà tôi muốn nói rằng mình đang đi đúng theo hướng phim kinh dị của thế giới. Chúng tôi làm phim Ngôi nhà trong hẻm với mục tiêu không chỉ chiếu ở Việt Nam mà còn chiếu ở nước ngoài. Chúng tôi chỉ cần làm phụ đề ngôn ngữ để trình chiếu ở bất cứ nước nào như Nhật, Anh, Mỹ… mà không cần phải sửa bất kỳ cảnh nào trong phim.
Mọi người đều cho rằng kịch bản có lỗ hổng nhưng phim kinh dị thì cần một kịch bản đơn giản như vậy thôi, cần âm thanh rùng rợn.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt tự tin chia sẻ khi bộ phim đặt trên 2 tỷ ngày ra mắt đầu tiên
- Còn về kết thúc của bộ phim bị chê là nhanh, tạo cảm giác hụt hẫng, anh giải thích ra sao?
- Tôi thích một kết thúc mở để tạo bàn luận từ phía người xem. Tôi vui và hào hứng khi mọi người bình luận về phim của mình chứ không hề bị áp lực về điều đó. Với cá nhân tôi, khi khán giả xem xong mà đặt ra nhiều câu hỏi thì đó là một bộ phim hay.
- Cách giải thích của anh mang tính chủ quan và bảo thủ, và mọi người sẽ nghĩ anh đang biện hộ cho mình?
- Cuộc gặp này có mục đích nghe mọi người hỏi tại sao tôi làm như thế, chứ không hề có ý định giải thích hay biện hộ gì hết.
Mọi người có thể nói và có thể nghĩ rằng khán giả không đón nhận hay chê nọ kia, nhưng thực tế lại khác. Doanh thu của phim thể hiện cho khán giả rất thích, khiến tôi cũng như ekip làm phim rất vui. Vậy nên không có gì phải biện hộ gì ở đây.
- Cứ coi như anh không chú trọng đến kịch bản thì yếu tố kinh dị trong phim cũng chưa tới. Anh lý giải sao?
- Đó cũng là cái tôi muốn nói. Nếu như tôi làm phim kinh dị này ở nước ngoài thì tôi cũng không phải suy nghĩ rằng mình làm cái cảnh này có bị cắt hay không? Nhưng khi về Việt Nam thì tôi phải kiểm soát, ý tôi nói về khâu kiểm duyệt đấy. Vậy nên nói tới hay không tới thì mọi người đang muốn so sánh Ngôi nhà trong hẻm với một phim nước ngoài trong một hoàn cảnh của nước ngoài. Còn xét về văn hóa của nước ta cho phép tới đường biên như thế này là hết rồi. Và rất nhiều cảnh đã bị cắt trước khi ra rạp.
Video đang HOT
- Những cảnh kinh dị, ma quái hay cảnh nóng bị cắt?
- Tất cả. Những cảnh nóng trong phim tôi làm không phải là cố tình để thu hút khán giả đến rạp, mà tôi nghĩ cũng không hề “nóng”. Cảnh nóng giữa hai vợ chồng tưởng như đã trở lại bình thường như xưa sau những ngày tháng nặng nề nhưng vẫn hiện lên cái tiểu sành, tôi muốn nhấn mạnh rằng chưa thể trở lại như cũ, vẫn còn bị ám ảnh.
- Anh nghĩ sao trước ý kiến Ngô Thanh Vân ưu ái đặc biệt danh cho anh nên đã nhận cảnh tắm nude trong phim mà không cần diễn viên đóng thế?
- Cảnh đó chỉ có tôi và người quay phim. Tôi nghĩ Ngô Thanh Vân là diễn viên chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng đã nói chuyện với nhau nhiều lần và cô ấy bảo đây là lần đầu tiên cô nhận một cảnh nude như thế thì phải làm cho đúng. Tôi nghĩ sự tin tưởng giữa diễn viên với đạo diễn là rất quan trọng. Nếu mình làm không khéo, không nghệ thuật thì lên hình ảnh sẽ bị lỗi ngay.
Nội dung cảnh đó là nhân vật hơi điên điên, thấy mưa là cởi hết quần áo ra tắm mưa như một đứa trẻ con.
- Sự ăn ý trong công việc của anh và Ngô Thanh Vân khiến rộ tin đồn hai người nảy sinh mối quan hệ tình cảm trong quá trình quay phim. Anh giải thích sao?
- Tôi không muốn trả lời những câu hỏi không liên quan đến công việc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong công việc thì diễn viên và đạo diễn cần tin tưởng nhau. Mối quan hệ giữa tôi và Vân cũng như Vân và Trần Bảo Sơn.
- Làm nghệ thuật không tránh được những cám dỗ. Anh đã khi nào bị cám dỗ bởi những người đẹp hay diễn viên tham gia phim của mình?
- Đây là phim thứ tư của tôi rồi, nếu mình yếu đuối thì hông thể làm những phim tiếp theo. Tôi cũng không đến nỗi phải gồng lên để kìm nén cảm xúc. Tôi phải là người để diễn viên tin tưởng. Nếu không làm được điều đó thì con đường sự nghiệp sẽ rất ngắn và không thể trở thành đạo diễn. Ai đã từng làm việc với tôi sẽ biết rằng tôi là người hiểu vai trò của mình và họ cảm thấy an toàn.
- Tại sao anh lại quyết định làm phim kinh dị thay vì lãng mạn tình cảm hay hài hước sẽ hấp dẫn hơn?
- Tôi muốn làm một bộ phim kinh dị để mang đi chiếu ở các nước trên thế giới. Nếu như Việt Nam làm phim hành động thì không thể so sánh với phim Mỹ, làm phim hài thì sẽ bị cản trở về ngôn ngữ, ví như mình nghe Hoài Linh nói thì mình thấy mắc cười, nhưng qua đến Mỹ thì dịch ra tiếng khác thì người ta không cười. Vì sao mà Mr. Bean hay Charlie Chaplin làm cả thế giới cười? Vì họ không nói. Nếu làm phim kiếm hiệp thì cũng sẽ không bằng Hong Kong hay Đài Loan. Nếu phim kinh dị, thì ma của các nước khác sẽ khác nhau, và ma của Việt Nam khác, và họ sẽ đón nhận. Đó là lý do tôi làm phim kinh dị Ngôi nhà trong hẻm.
- Vậy đặc trưng phim kinh dị kiểu Việt Nam mà anh muốn làm là gì?
- Đặc trưng chung của phim kinh dị thường giống nhau, còn yếu tố Việt Nam trong Ngôi nhà trong hẻm rất nhiều như: ngôi nhà đó là của Việt Nam, mối quan hệ mẹ chồng con dâu là kiểu VN, bà ve chai là của VN…
Đến thời điểm này trên thế giới không có gì là mới cả. Dựa trên những cái cũ đó tôi luôn muốn thể hiện cho mới. Chính bởi vậy tôi không muốn để khán giả thấy Ngô Thanh Vân bị ma ám. Cô ấy phải nghe thấy những tiếng gõ cửa, tiếng trẻ em cười hay trèo lên mái nhà mà tất cả đều thể hiện qua người chồng.
- Vậy anh có tự tin mình sẽ nâng khả năng làm phim kinh dị cho Việt Nam?
- Tôi nghĩ đó là công việc của mình thôi. Tôi luôn đổ hết sức lựa của mình cho mỗi dự án và mong khán giả đón nhận.
- Anh hài lòng như thế nào về diễn xuất của Thanh Vân và Bảo Sơn trong phim?
- Tôi thấy hai diễn viên thực sự bỏ hết công sức để đảm nhận vai diễn của mình. Bảo Sơn đã phải bò trên máu, Vân thì khóc lóc, hét lên và làm như những động tác rất khó. Tôi nghĩ đó là thành công rồi.
- Anh có vẻ bề ngoài thư sinh, hiền lành thậm chí nhút nhát nhưng lại thích mạo hiểm và thích làm phim kinh dị. Đây có phải là sự mâu thuẫn ở anh?
- Thường thì những gì khác xa với mình thì mình sẽ làm hay hơn. Nếu tôi có vẻ ngoài cá tính hay hung dữ thì có lẽ phim của tôi sẽ khác với Ngôi nhà trong hẻm. Tôi sợ ma nhưng vẫn làm phim ma đấy thôi.
- Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn chia sẻ đã bị ám ảnh nặng vì yếu tố ma khi quay phim xong. Còn anh thì sao?
- Tôi nhớ trong quá trình chuẩn bị quay có chuyện lạ lắm. Ban đầu chúng tôi định làm hoành tráng cho nhân vật của Vân. Tôi để make up hóa trang cho Vân và quay thử, thấy không sao nhưng khi coi lại thì có những ánh đèn cứ nhập nhằng. Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ về ánh sáng ở ngoài và đến bây giờ cũng không thể lý giải được.
- Anh có tin là có ma thật trong ngôi nhà đó?
- Có một hôm, sau khi đóng máy thì tôi và anh Dần – người sản xuất phải dọn dẹp nhà để trả cho người ta. Đêm đó chỉ có tôi và anh Dần ngủ lại, mỗi người một lầu, nhưng anh Dần thì ngủ ở căn phòng mà Vân với Sơn quay phim. Bỗng tôi thấy anh Dần hét lên, và hỏi “ai vậy, ai vậy”. Tôi chạy lên thì anh Dần bảo chốt cửa lại. Trước đó thì phòng lạnh, mở mắt ra thì thấy một cô gái tóc dài buông xõa ngang lưng đứng nép ở cửa và cái cửa đang chốt bỗng dưng hé ra. Anh Dần khẳng định rằng chốt cửa chắc chắn vì phòng bật máy lạnh, hơn nữa đằng trước ngôi nhà đó có rất nhiều khóm tre lớn rất nhiều muỗi. Anh chết trân trong khoảng một giây, rồi chạy ra cửa thì cô gái đó lẳng lặng bước xuống cầu thang và biến mất. Hai anh em cũng hoảng lắm vì lúc đó là nửa đêm mà chỉ có hai người.
Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Trần Trọng Dần.
- Nhưng khi đến ngôi nhà này thăm dò và quyết chọn nó làm bối cảnh quay, anh có cảm nhận được ám khí nặng nề từ nó?
- Có, tôi thấy cái nhà này khó hiểu lắm. Tôi có nói chuyện với người hàng xóm cạnh đó và biết rằng ngôi nhà này từng xảy ra án mạng. Có một người taxi đã giết một cô gái và bỏ vào xe rác. Chuyện này lâu rồi nhưng căn nhà đó cũng bỏ trống và không có ai ở. Thật sự tôi thấy căn nhà đó cũng hơi lạ, nằm ngay giữa trung tâm (đường Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM) mà rất đìu hiu, xác xơ.
THANH NGỌC
Theo Infonet
Bốn 'chàng ngự lâm' Việt Kiều phong độ nhất điện ảnh Việt
Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Trọng Khoa và Lê Văn Kiệt là 4 đạo diễn Việt kiều đã gây tiếng vang cũng như tạo nên cái nhìn mới mẻ về cách làm phim Việt không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Họ đều mang đến hơi thở của những công nghệ cũng như tư duy làm phim Việt hòa vào xu hướng chung của thế giới. Họ đã có những tác phẩm điện ảnh mang tính cá nhân rất cao và được đón nhận nồng nhiệt mấy năm trở lại đây.
Victor Vũ và giá trị "thực dụng"
Đạo diễn Victor Vũ còn rất trẻ, sinh năm 1975, tốt nghiệp trường đại học Loyola Marymount (California, Mỹ). Chuyện tình xa xứ (Untitled Love Story) là bộ phim đầu tiên anh thực hiện tại Việt Nam. Chuyện tình xa xứ được khán giả trong nước ủng hộ nồng nhiệt, không phải bộ phim quá tuyệt vời mà là cách làm phim lạ từ cấu trúc nội dung kịch bản cho đến hình ảnh, cách diễn xuất của các diễn viên... Khán giả lần đầu thấy một phim Việt có hơi thở như những bộ phim tình cảm hài nhẹ nhàng của thế giới.
Victor Vũ phong trần và đào hoa
Sau đó, đạo diễn Victor Vũ lại thực hiện hai bộ phim cũng gây ấn tượng là Giao lộ định mệnh và Cô đâu đại chiến. Sự đa dạng về thể loại và lối tư duy hình ảnh tự do, phá cách theo phong cách phim Mỹ giúp cho Victor Vũ gặt hái được nhiều thành công. Hay gần đây nhất là bộ phim Thiên mệnh anh hùng được đánh giá là phim "bom tấn" Việt trong dịp Tết. Nhiều người còn cho rằng bộ phim là bước ngoặt của điện ảnh Việt. Không ít khán giả đã chi vài lần mua vé để xem đi xem lại. Ở tất cả những bộ phim của anh, dễ nhận thấy giá trị "thực dụng" gắn chặt với nhu cầu thực tế trong cuộc sống. Khi khán giả thích phim hài tình cảm thì có ngay Cô dâu đại chiến giữa Tết, hay thiếu vắng thể loại võ hiệp anh hùng thì anh lại đưa ra tác phẩm Thiên mệnh anh hùng.
Hơn nữa ở trong tất cả những bộ phim anh thực hiện đều có pha một chút huyền bí, kinh dị, hành động và có tính "thắt nút, mở nút" rất kịch tính khiến cho phim có sự lôi cuốn nhất định. Câu chuyện hiện đại, lối dàn dựng công phu và đầu tư về mặt hình ảnh kĩ lưỡng, cùng với sự bắt nhịp xu thế xã hội giúp cho các bộ phim của Victor Vũ rất dễ thành công.
Charlie Nguyễn và câu chuyện ước mơ
"Đạo diễn triệu đô" sinh năm 1968 tại Việt Nam, sang Mỹ khi mới 12 tuổi, tên thật là Nguyễn Chánh Trực, hiện nay chủ yếu sống tại TP.HCM dù vợ con anh vẫn sống ở Mỹ. Charlie thích xem phim từ nhỏ nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn. Nhưng ước mơ đã thôi thúc anh để học tập và cống hiến cho lĩnh vực nghệ thuật có ma lực ghê gớm này.
Khán giả Việt Nam biết đến Charlie Nguyễn qua bộ phim võ thuật hành động Dòng máu anh hùng. Phim đã tạo ra một "cú hích" lớn. Khán giả vô cùng ngạc nhiên về một bộ phim điện ảnh Việt lại có những cảnh võ thuật đẹp và hoành tráng, hơn nữa sự kết hợp giữa hai yếu tố Đông và Tây đã giúp cho bộ phim có sức hấp dẫn lạ thường. Như sở nguyện ban đầu của anh là làm "phim nghệ thuật", Dòng máu anh hùng có tính chất như một tuyên ngôn về phong cách làm phim của đạo diễn Charlie Nguyễn. Bộ phim đã đoạt giải thưởng của Ban giám khảo thể loại phim truyện tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương - Los Angeles lần 23, giải Bông sen Bạc Liên hoan Phim lần thứ 15, giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Ngô Thanh Vân.
Sau đó, một Charlie Nguyễn thật sự khác biệt xuất hiện trong bộ phim Để Mai tính và Long ruồi. Cả hai bộ phim này đã mang đến thành công lớn cho anh với thể loại phim hài tình cảm có pha chút trinh thám, hành động. Sự đan xen tinh tế giữa những yếu tố bi - hài, vô tình - hữu ý và thật - giả... giúp chính là điểm thu hút đầy mới mẻ mà anh tạo ra trong phim Long ruồi. Qua những tác phẩm có sự khác biệt rõ nét như vậy cho thấy Charlie Nguyễn là một đạo diễn luôn đi theo những sáng tạo có giá trị nghệ thuật.
Sắp tới đây đạo diễn điển trai này sẽ đổ bộ màn ảnh Việt với hàng loạt dự án, trước mắt là bộ phim Cưới ngay kẻo lỡ của anh sẽ ra rạp vào tháng 4 tới với sự tham gia của dàn diễn viên hút khách như: Thái Hòa, Đinh Ngọc Diệp, Johnny Trí Nguyễn. Cuối năm, anh dàn dựng vở kịch ăn khách Quả tim máu của Thái Hòa thành phim, sau đó là một bộ phim hành động Lửa phật.
Đạo diễn Charlie Nguyễn và con gái Jamine Nguyễn.
Charlie Nguyễn còn được khán giả yêu quý và trân trọng bởi anh là người sống khép kín, có một gia đình hạnh phúc bên Mỹ cùng vợ đẹp con khôn.
Lê Văn Kiệt: Chàng "bụi đời" thích làm phim
Tốt nghiệp khoa điện ảnh truyền hình đại học UCLA, Lê Văn Kiệt đã thực hiện được hai tác phẩm Bụi Đời (Dust of Life) và Sầu Ngư (Sad Fish). B ụi đời nói về thực tế cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ những năm 1990, đã mang lại cho anh những ấn tượng đầu tiên trong làng điện ảnh và khán giả ghi nhớ anh như một hiện tượng mới đầy triển vọng. Lê Văn Kiệt từng là sinh viên Việt Nam duy nhất được cấp học bổng toàn phần của UCLA. Sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Kiệt đã đoạt giải phim ngắn xuất sắc với The Silence (Sự Im Lặng). Trong phim của anh, yếu tố thực của cuộc sống được mô tả nhiều hơn thông qua ánh nhìn điện ảnh một cách tinh tế.
Đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt với diện mạo điển trai
Và hiện nay, bộ phim Ngôi nhà trong hẻm - một bộ phim kinh dị đầu tiên của anh làm tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của khán giả đến rạp. Ngay trong ngày công chiếu đầu tiên, bộ phim đã vượt doanh thu của Long Ruồi, Để Mai tính... với doanh thu lên tới trên 2 tỷ đồng, và đang là bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam ngày ra mắt.
Khi chưa ra rạp, bộ phim của đạo diễn trẻ và đẹp trai này cũng đã được mời đi tham dự bốn liên hoan phim quốc tế như Tribecca (New York), Seattle International Film Festival (Washington) và Fantastic Festival (Houston). Tribecca là một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới được tổ chức tại New York hàng năm kể từ sau vụ khủng bố ngày 9/11. Seattle International Film Festival cũng là một trong những liên hoan phim lớn nhất ở Bắc Mỹ. Còn Fantastic Festival Houston là liên hoan phim quan trọng đối với thể loại phim kinh dị trên khắp thế giới.
Bộ phim tuy còn nhiều hạn chế nhưng được đánh giá là khá thành công đối với một đạo diễn trẻ như Lê Văn Kiệt. Anh cũng đang hoàn thành bộ phim Bẫy cấp 3 để ra rạp sớm nhất. Với sự thành công này, Lê Văn Kiệt và ekip đang bí mật lên kế hoạch cho những dự án điện ảnh sắp tới của mình.
Đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa: Mỗi bộ phim là một ẩn chứa
Sau 31 năm xa quê để đi học thạc sĩ ngành làm phim và truyền hình tại đại học USC tại Mỹ, Nguyễn Trọng Khoa trở về nước, cùng với các đạo diễn Việt Kiều khác góp phần không nhỏ mang cơn gió lạ vào nền điện ảnh nước nhà.
Nguyễn Trọng Khoa từng được ghi danh trong làng phim ảnh khi anh thực hiện phim tài liệu Đua về miền Tây, đoạt giải ba tại Liên hoan phim Thể thao FICTS châu Á năm 2006. Thời gian gần đây, anh được khán giả biết đến với tư cách là nhà biên kịch kiêm đạo diễn của bộ phim 14 ngày phép với sự tham gia của MC Trịnh Hội cùng các diễn viên như Ngọc Lan, Bình Minh, Thái Hòa. Bộ phim này đã mang đến giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho Trịnh Hội tại giải Cánh diều vàng.
Vợ chồng đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa và diễn viên Kim Phượng.
Nguyễn Trọng Khoa làm phim không những vì đam mê, mà có thể nhận thấy mỗi bộ phim của anh đều gửi gắm một thông điệp tâm huyết của mình. Với Vũ điệu đường cong, anh lên án, phê phán cách làm phim thị trường theo kiểu "mì ăn liền" kém chất lượng của hàng loạt phim điện ảnh và truyền hình hiện nay. Đây là bộ phim được hai vợ chồng Trọng Khoa và Kim Phương nung nấu viết kịch bản và đổ nhiều tiền để làm nên bộ phim này.
Nguyễn Trọng Khoa đã "ẩn mình" rất lặng lẽ giữa khoảng thời gian làm hai phim 14 ngày phép và Vũ điệu đường cong. Anh đào tạo nhiều lứa sinh viên điện ảnh tại Đại học RMIT (TP.HCM) và tìm kiếm cơ hội làm những bộ phim mà anh thực sự tâm huyết.
Chúng ta hy vọng và chờ đợi những đứa con sắp tới của họ sẽ ngày càng được công chúng đón nhận và ủng hộ hơn nữa.
THANH NGỌC
Theo Infonet
Đạo diễn Lê Văn Kiệt: 'Phim kinh dị Hollywood cũng đơn giản' Là phim Việt duy nhất ra mắt đúng vào ngày lễ Tình nhân, bộ phim Ngôi nhà trong hẻm đã "hốt bạc" khi thu về 2,4 tỉ đồng chỉ trong một ngày. Dù rất vui đón nhận thông tin này, nhưng đạo diễn Lê Văn Kiệt tiết lộ chỉ hài lòng khoảng 60%, như đa số các đạo diễn khác. - Có phải...