Đạo diễn Bong Joon Ho tiết lộ chi phí nội thất đắt đỏ được sử dụng trong Parasite
Bong Joon Ho chia sẻ rằng món đạo cụ “gây sốc” nhất là chiếc thùng rác với giá 2.300 USD.
Bộ phim gần đây của đạo diễn Bong Joon Ho – Parasite ( Ký sinh trùng) đã đạt được vô số giải thưởng danh giá, trong đó có giải Phim hay nhất tại Oscar 2020. Hiện tại, bộ phim tiếp tục nhận được vô số lời khen từ khán giả và các nhà phê bình khắp thế giới.
Parasite xoay quanh câu chuyện về gia đình Kim nghèo khổ, cố gắng thoát khỏi cảnh túng thiếu bằng cách lên một kế hoạch để làm việc cho nhà giám đốc Park giàu có. Hầu hết cảnh phim đều quay trong căn biệt thự của nhà Park, vì thế, căn nhà này có vai trò rất quan trọng đối với những sự kiện xảy ra trong phim.
Đạo diễn Bong Joon Ho, trong một buổi phỏng vấn với Vulture, đã tiết lộ số tiền “khủng” họ chi ra chỉ để dựng cảnh căn biệt thự. Ông chia sẻ rằng, các đạo cụ trong phim đều đã được chuẩn bị trước, mỗi đạo cụ đều được tạo dựng tỉ mỉ. Với góc quay trải rộng từ nhiều hướng khác nhau, tất cả các đạo cụ sẽ có vai trò tạo ảo giác một căn biệt thự rộng lớn.
Đạo diễn chia sẻ rằng thiết kế sản xuất, Lee Ha Jun, vô cùng căng thẳng vì giá cả đắt đỏ của những món nội thất trong nhà Park. Tất cả nội thất đều được tạo ra bởi Bahk Jong Sun, nổi tiếng với những thiết kế sang trọng, hiện đại, với những góc cạnh đầy thẩm mỹ, vì căn nhà tập trung vào phong cách tối giản.
Bong Joon Ho còn liệt kê một số đồ nội thất họ sử dụng cũng như giá của chúng. Đầu tiên là chiếc bàn làm từ gỗ cherry tại phòng khách, với giá khoảng 19.800 USD.
Những chiếc ghế đặt trong bếp có giá 2.100 USD mỗi cái, còn chiếc đèn tương tương 14.000 USD. Một bức họa làm từ thép không gỉ tại phòng khách có giá 120.000 USD, và một bức tranh khác vẽ những con mèo có giá 50.000 USD.
Bong Joon Ho còn tiết lộ một điều khó tin – họ sử dụng cái thùng rác sản xuất tại Đức với giá 2300 USD:
“Cái thùng rác tốn mất 2.300! Nó là của Đức. Tôi và các thành viên khác trong đoàn làm phim đã rất kinh ngạc. Ai mà lại mua một cái thùng rác mà đằng nào nó cũng sẽ sớm bốc mùi?”
Sau đó, ông phải thừa nhận rằng thiết kế của cái thùng rác có thể là nguyên nhân cho cái giá “cắt cổ” đó, ông muốn có một cái thùng rác có thể mở ra một cách trơn tru để tạo được đầy đủ hiệu ứng cho phim, và vì thế, Bong Joon Ho quyết định sử dụng cái thùng rác này.
Parasite đã thắng lớn với giải Phim hay nhất của Oscars, và tạo ra một ngoại lệ mà trong lịch sử chưa có phim châu Á nào làm được. Có vẻ như, tất cả những suy nghĩ thấu đáo và nỗ lực của đạo diễn Bong Joon Ho đã được đền đáp xứng đáng.
Theo saostar
Vì sao 'Ký sinh trùng' chinh phục được Hollywood, đại thắng tại Oscar?
Ngược lại dự đoán của số đông, "Parasite" vượt qua "1917" ở hai hạng mục Phim truyện và Đạo diễn xuất sắc, qua đó làm nên lịch sử tại giải thưởng Oscar năm nay.
Giây phút 'Ký sinh trùng' được xướng tên Phim hay nhất tại Oscar 2020 Cả khán phòng vỡ òa vì chiến thắng của "Parasite". Đây là tác phẩm không dùng tiếng Anh đầu tiên nhận tượng vàng Oscar hạng mục Phim truyện xuất sắc trong lịch sử.
Một bên là tác phẩm sử thi về "Cuộc chiến vĩ đại" - Thế chiến I - đến từ vị đạo diễn người Anh từng giành giải Oscar cho Phim truyện xuất sắc nhờ ngay tác phẩm đầu tay mang tên American Beauty (1999). Một bên là tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc, lấy bối cảnh Hàn Quốc, sử dụng tiếng Hàn Quốc, đến từ một đạo diễn Hàn Quốc chưa bao giờ nhận đề cử Oscar.
Cuộc đua hạng mục Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2020 quả là "thú vị nhất trong khoảng một thập kỷ qua".
Vượt qua mọi chỉ số bất lợi
Với gu trao giải thường thấy của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS), có lẽ nhiều người sẽ nghiêng về tác phẩm đầu tiên. Thực tế cho thấy rằng 1917 của Sam Mendes đã vượt qua Parasite ở gần như toàn bộ giải thưởng tiền Oscar quan trọng nhất, như Quả cầu vàng, BAFTA của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc, và PGA của Hiệp hội Sản xuất Mỹ.
Cho tới trước buổi sáng 10/2, chính giới cá cược cũng không còn đánh giá cao Parasite như hồi đầu mùa giải trên đường đua tới giải thưởng quan trọng nhất năm của điện ảnh thế giới.
Trong cuộc đua Phim truyện xuất sắc tại Oscar năm nay, Parasite tỏ ra thất thế trước 1917. Nhà cái cũng không tin vào chiến thắng dành cho tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc.
Theo trang tổng hợp cá cược Vegas Insider, nếu đặt cược 100 USD vào việc 1917 giành chiến thắng, bạn sẽ chỉ có thêm 20 USD khi điều đó xảy ra. Còn nếu Parasite là lựa chọn đúng của bạn, 100 USD tiền đặt cược sẽ mang lại tới 300 USD.
Ấy vậy mà bất chấp mọi dự đoán và lịch sử trao giải của Oscar, Parasite của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho đã vượt qua 1917 để trở thành tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải Oscar cho Phim truyện xuất sắc.
Đó là kỳ tích mà 10 tác phẩm nói tiếng nước ngoài khác từng nhận đề cử ở hạng mục này đã không thể làm được, dù cho chúng đều thuộc nhóm kinh điển của điện ảnh thế giới như La Grande Illusion (1938) và Z (1969) của Pháp, Life Is Beautiful (1998) của Italy, Ngọa hổ tàng long (2000) của Đài Loan (Trung Quốc), hay mới nhất là Roma (2018) của Mexico.
Khi AMPAS muốn tìm một luồng gió mới
Trong bốn tượng vàng Oscar mà Parasite giành được, giải Kịch bản gốc xuất sắc và Phim quốc tế xuất sắc thực tế không gây nhiều bất ngờ. Tại giải thưởng tiền Oscar WGA của Hiệp hội Biên kịch, Bong Joon-ho và Han Ji-min đã được vinh danh. Còn với hạng mục dành cho các phim không nói tiếng Anh năm qua, Parasite đã hoàn toàn thống trị các sự kiện từ đầu mùa giải 2019-20.
Còn giải Đạo diễn xuất sắc của Bong Joon-ho và Phim truyện xuất sắc thì nằm ngoài dự đoán của số đông. Tại sự kiện DGA của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ, Sam Mendes đã ra về với chiến thắng. Còn tại một giải thưởng hiếm khi "lệch pha" với Oscar là PGA của Hiệp hội Sản xuất, 1917 đã củng cố vị trí số một của mình trên đường đua.
Hai giải Phim truyện và Đạo diễn xuất sắc dành cho Parasite của Bong Joon-ho thực sự nằm ngoài dự đoán của số đông.
Trước tiên, bất ngờ có lẽ đến từ chính AMPAS - cơ quan chủ quản của giải thưởng Oscar. Sau vài năm liên tục đau đầu vì phải lựa chọn các tác phẩm "vị nghệ thuật" hay "vị nhân sinh" trong bối cảnh xã hội - chính trị nước Mỹ có nhiều biến động và chia rẽ, bản thân các thành viên của Viện Hàn lâm nay muốn tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ từ những cái tên tranh giải.
Đặc biệt, cách đây đúng một năm, Oscar đã gây thất vọng không nhỏ khi trao giải cao nhất cho Green Book (2018) - một tác phẩm không nổi trội nếu so với Roma, nhưng lại rất phù hợp với các trào lưu đòi bình quyền đang diễn ra sôi nổi ở xứ sở cờ hoa.
Nếu so với bộ phim xuất sắc nhưng rất "truyền thống" là 1917, Parasite rõ ràng quá sức mới mẻ với cách tiếp cận thông minh, giàu chất ẩn dụ về một vấn đề xã hội mang tính phổ quát: mâu thuẫn giai cấp trong xã hội tư bản hiện đại và thịnh vượng.
Hơn nữa, nếu chưa từng theo dõi các tác phẩm tiêu biểu của dòng phim trinh thám và film noir đến từ Hàn Quốc như The Quiet Family (1998) của Kim Jee-woon hay Memories of Murder (2003) của chính Bong Joon-ho, hẳn nhiều thành viên AMPAS sẽ thấy bất ngờ trước cách xây dựng nhân vật và tạo dựng kịch tính thông qua vô số nút thắt mở không ai có thể lường trước của vị đạo diễn 50 tuổi.
Viện hàn lâm có lẽ muốn tìm một làn gió mới khi các thành viên đồng lòng bỏ phiếu cho bộ phim Hàn Quốc.
Tính mới mẻ chính là thế mạnh vượt trội của Parasite nếu so với cả 8 tác phẩm nghiêm cẩn nhưng không quá đột phá của hạng mục Phim truyện xuất sắc năm nay. Chính điều này dường như đã đẩy cán cân ủng hộ của AMPAS nghiêng về phía tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho trong những phút cuối cùng.
Ở đây, khán giả cũng có thể phỏng đoán rằng việc trao giải thưởng lớn nhất cho một tác phẩm phần nào đó đại diện cho cộng đồng thiểu số trong xã hội Mỹ - những người gốc Á - như Parasite cũng là một quyết định hợp lòng đến từ AMPAS trong bối cảnh tuy đã rất cố gắng nhưng đến tận lễ trao giải năm nay vẫn bị chỉ trích là "toàn da trắng", "toàn nam giới".
Đó là những "thương hiệu" mà không thành viên nào của Viện Hàn lâm còn muốn dính dáng tới trong bối cảnh Hollywood muốn trở thành lá cờ đi đầu trong các phong trào xã hội hiện đại của nước Mỹ.
Sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc
Lời giải thích thứ hai cho chiến thắng đầy ngạc nhiên của Parasite có lẽ nằm ở ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới nói chung và trong chính lòng nước Mỹ nói riêng.
Trên mặt trận điện ảnh, Hàn Quốc là một trong những quốc gia "xuất khẩu" đạo diễn hàng đầu. Bộ ba kỳ cựu Park Chan-wook, Bong Joon-ho, và Kim Jee-won - những đạo diễn có cách làm phim hết sức hiện đại - sau khi gây dựng sự nghiệp ở quê hương đã dần tạo nên tên tuổi ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương nhờ thành công nhất định cả về mặt nghệ thuật và doanh thu.
Sau khi thắng Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Liên hoan phim Cannes với Oldboy (2003), Park Chan-wook lấn sân sang Hollywood với tác phẩm nói tiếng Anh, sử dụng các ngôi sao Hollywood là Stoker (2013), rồi trở về Hàn Quốc thực hiện bộ phim đậm chất Hàn The Handmaiden mà vẫn được công chúng Mỹ hết sức yêu thích.
Bong Joon-ho cùng hai người bạn Park Chan-wook và Kim Jee-woon đều đã được trao cơ hội làm phim tại Mỹ.
Bậc thầy phim xã hội đen Hàn Quốc Kim Jee-woon sau khi cho ra đời một loạt tác phẩm "toàn Hàn Quốc" được người yêu điện ảnh hành động ca ngợi như A Bittersweet Life (2005) hay I Saw the Devil (2010) đã được hãng Lionsgate tín nhiệm giao cho dự án The Last Stand (2013) với ngôi sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger đóng chính.
Sau nhiều năm được coi là ông vua phòng vé Hàn Quốc với Memories of Murder (2003) và The Host (2006), Bong Joon-ho mới bắt đầu tạo dựng tên tuổi tại các liên hoan phim quốc tế với Mother (2009), và sau đó 10 năm là Parasite - tác phẩm mang về cho xứ kim chi giải Cành cọ vàng đầu tiên tại Liên hoan phim Cannes.
Sau khi hợp tác với Park Chan-wook trong tác phẩm hành động lấy bối cảnh thời hậu tận thế Snowpiercer (2012) - bộ phim tương đối thành công về doanh thu và gây ảnh hưởng tới mức một loạt phim truyền hình cùng tên lấy cảm hứng từ tác phẩm sắp sửa lên sóng trong năm 2020, Bong Joon-ho được hãng Netflix trao cơ hội thực hiện dự án giả tưởng Okja (2017).
Khác với những cái tên gốc Hàn nhưng tạo dựng tên tuổi hoàn toàn tại Mỹ như Jennifer Yuh (đạo diễn của Kung Fu Panda 2, 3), Steven Yeun (ngôi sao gắn liền với thành công của The Walking Dead), hay Sandra Oh (tên tuổi lớn của loạt phim truyền hình Grey's Anatomy và Killing Eve), Park Chan-wook, Bong Joon-ho, hay Kim Jee-won theo thời gian đã tạo nên kỳ tích theo một cách khác.
The Handmaiden là một tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc khác gây tiếng vang khác trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, bộ phim của Park Chan-wook đã bị Oscar ngó lơ một cách đáng tiếc.
Đó là giúp công chúng Mỹ - những người vốn không thực sự cởi mở với các tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính địa phương của các quốc gia khác - dần cảm nhận và thấu hiểu chất Hàn Quốc qua những dự án của họ, dù là sản xuất ở Hàn Quốc hay Mỹ.
Thất bại toàn diện năm 2013 của đạo diễn tên tuổi Spike Lee khi cố làm lại Oldboy càng cho người Mỹ thấy rằng cái chất Hàn Quốc, cái chất Á đông không phải là thứ dễ dàng remake hay mô phỏng nếu thiếu sự thấu hiểu, sự tinh tế vốn đã ăn vào máu của những người Hàn 100% như Park, như Bong, như Kim.
Bởi vậy, sẽ không ngoa khi đưa ra nhận xét rằng thành công hiện tại của Parasite chính là đỉnh điểm thăng hoa của quá trình tích lũy lâu dài đến từ bộ ba Park Chan-wook, Bong Joon-ho, và Kim Jee-won, tương tự như cái cách "ba người bạn Mexico" Alfonso Cuarón, Alejandro González Iárritu và Guillermo del Toro đã khuynh đảo Hollywood trong hơn 20 năm qua.
Tuy tương đối khác nhau, nhưng sự trùng lặp giữa việc Parasite gây tiếng vang tại cả phòng vé (doanh thu toàn cầu hiện là 160 triệu USD, với riêng 35 triệu USD từ Bắc Mỹ) lẫn trên đường đua giải thưởng, với sự lên ngôi của các ban nhạc K-pop thuộc Làn sóng văn hóa Hàn (Hallyu) trên thế giới mà tiêu biểu là BTS, là điều không thể chối cãi.
Sau quãng thời gian làm mưa làm gió tại thị trường châu Á, nhóm BTS gần đây đã mở ra cánh cửa cho các ban nhạc K-pop chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ Âu - Mỹ nhờ những giai điệu bắt mắt và kỹ năng vũ đạo tuyệt hảo.
Thời gian qua, K-pop cũng đang dần khẳng định vị thế của mình ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
Dẫu các thành viên của AMPAS có lẽ không còn ở độ tuổi khán giả của BTS hay Black Pink, gương mặt đẹp và tên tuổi của những RM, Jungkook (thành viên BTS), Jennie (thành viên Blackpink), hay Taeyong (thành viên NCT 127) liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình và phát thanh Mỹ cũng phần nào đó tạo ra thiện cảm nhất định trong lòng công chúng Mỹ - trong đó có Viện hàn lâm - đối với văn hóa đại chúng Hàn Quốc.
Vì AMPAS không công khai lý do hay số lượng phiếu bầu cho từng ứng cử viên của hạng mục Phim truyện xuất sắc, công chúng sẽ không bao giờ thực sự giải thích chính xác được tại sao Parasite lại có thể lập nên kỳ tích lớn đến như vậy tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng chiến thắng của bộ phim và đạo diễn Bong Joon-ho sẽ tạo ra cơ hội cho giới làm điện ảnh châu Á tiếp tục tiếp cận Hollywood và công chúng Mỹ bằng chính phong cách đậm đặc chất địa phương của họ, thay vì phải Mỹ hóa hoàn toàn như Lý An hồi thập niên 1990.
Người châu Á hoàn toàn có quyền hy vọng rằng trong thời gian tới, Hollywood sẽ giới thiệu thêm cho công chúng Mỹ các tác phẩm thực sự mang phẩm chất Á đông, nhưng vẫn kể được những câu chuyện mang tính phổ quát, như cách Parasite đã làm nên lịch sử
Theo zing
Chuỗi kỷ lục của 'Ký sinh trùng' và những điều lý thú tại Oscar 2020 Chiến thắng lịch sử của "Parasite" giúp xác lập nhiều kỷ lục mới cho Oscar. Ngoài ra, đằng sau kết quả giải thưởng năm nay còn chứa đựng rất nhiều điều thú vị. Giây phút 'Ký sinh trùng' được xướng tên Phim hay nhất tại Oscar 2020 Cả khán phòng vỡ òa vì chiến thắng của "Parasite". Đây là tác phẩm không dùng...