Đảo Đá Nam (Trường Sa): Sống, gìn giữ đảo như thế nào?
Cách bán đảo Cam Ranh 299 hải lý, đảo Đá Nam nằm ở 11023′15″ vĩ độ Bắc; 114017′54″ kinh độ Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 2,6 hải lý về phía Đông Bắc.
Đảo Đá Nam qua ống kính phóng viên.
Đá Nam khá bằng phẳng có hình elíp chạy dài từ Bắc xuống Nam, chiều dài khoảng 2 hải lý, chiều rộng khoảng 1,5 hải lý. Khi thủy triều xuống thấp, bãi san hô nổi lên khỏi mặt nước từ 0,5- 0,7m. Đây là đảo chìm nên công tác tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sỹ gặp rất nhiều khó khăn. Khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa.
Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm, khoa học và phù hợp trong sinh hoạt, cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam đã thực hiện tốt công tác trồng rau xanh và chăn nuôi. Năm 2012, chiến sĩ trên Đảo Đá Nam sản xuất được hàng trăm kilogam rau xanh và hàng trăm kilogam thịt, cá các loại.
PV Văn Giang – Báo Khánh Hòa ngỡ ngàng trước vạt rau xanh mướt trên đảo chìm Đá Nam.
Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thực hiện nhiệm vụ CQ88 sau sự kiện 14/3/1988 ở Gạc Ma, đề phòng địch đóng xen kẽ với các đảo của ta, chủ trương của cấp trên là gia cố thêm một số điểm, trong đó có đảo Đá Nam.
Ngày 15/3/1988 tàu 16, tàu 11 và tàu 05 của Quân khu 5 đưa lực lượng ra làm nhà ở đảo Đá Nam. Với tinh thần xây dựng khẩn trương, đến ngày 7/4/1988, việc làm nhà trên đảo đã hoàn thành và bàn giao lại cho lực lượng bảo vệ đảo.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt và phòng ngự lâu dài, theo đề nghị trực tiếp của Quân chủng Hải quân, bằng tình cảm và trách nhiệm “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã giúp đỡ cho bộ đội chiến sỹ đảo Đá Nam xây dựng nhà cấp 1- một công trình mang đậm tình đoàn kết quân dân.
Video đang HOT
Đến năm 1995, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, đảo Đá Nam đã được thiết kế, xây dựng vững chắc, khang trang hơn. Hiện nay đảo được đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt giúp cán bộ, chiến sỹ trên đảo “về gần” đất liền thân yêu hơn nữa.
Khi màn đêm xuống, nhìn từ xa đảo Đá Nam như ngọn Hải Đăng lung linh, huyền diệu, tràn đầy sức sống giữa biển nước bao la Trường Sa.
Đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam từng bước được cải thiện. Đảo được trang bị tivi, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Trên các điểm đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật… Qua đó nâng cao nhận thức niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Theo Infonet
Xây dựng đảo Gạc Ma: Trung Quốc đang mưu tính điều gì?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định, hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, là nhằm mục tiêu quân sự, đặt nền móng để nước này thực hiện hóa "Giấc mơ Trung Hoa".
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (Nguyên Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng): "Mục đích chính của Trung Quốc vẫn là nhằm mục đích quân sự"
Trung Quốc đang có những hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực bãi Gạc Ma và một số khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông đánh giá, bình luận như thế nào về những động thái mới này từ phía Trung Quốc?
Bãi đá Gạc Ma thực chất là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một rạn đá màu nâu, được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn đa phần đảo Gạc Ma chìm dưới nước. Bãi đá Gạc Ma này nằm cách đá Cô Lin hơn 3km về phía đông nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh tồn. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm trái phép Gạc Ma của Việt Nam.
Việc Trung Quốc tuyên bố có ý định cải tạo bãi đá ngầm này để phục vụ đời sống nhân dân là vô lý vì đây là những đảo mới, đang xây dựng thì không thể có các hoạt động dân sự. Theo các ảnh vệ tinh chụp được, cho thấy việc xây dựng trên các bãi đá này rất quy mô bao gồm các hoạt động hút cát, đắp đá và hiện nay cũng đã hình thành một đảo nổi. Theo tôi, mục đích chính của Trung Quốc vẫn là nhằm mục đích quân sự.
Điều này nằm trong chiến lược lâu dài là tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc. Thứ 2, đặt nền móng cho các bước đi tiếp theo, cực kỳ nguy hiểm là hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" và yêu sách đường lưỡi bò như nước này vẫn thường rêu rao.
Theo ông, tại sao Trung Quốc lại lựa chọn bãi Gạc Ma để xây dựng đảo nổi và điều này sẽ gây ra những mối đe dọa nào?
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) quy định các nước không thể đòi chủ quyền các bãi đá ngầm và "bãi đá không duy trì sự định cư của con người hay không có đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa". Điểm này rất đáng lưu ý khi Trung Quốc tiến hành động thái mới tại Biển Đông, họ muốn tạo căn cứ, có người dân sinh sống để tuyên bố chủ quyền.
"Có thể Trung Quốc sẽ còn những hành động phiêu lưu hơn nữa"
Mặt khác, vị trí của Gạc Ma thì ai cũng biết đó là một vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng, quân sự. Nếu một căn cứ quân sự được xây dựng tại đây sẽ khống chế toàn bộ mọi hoạt động quân sự trong toàn khu vực đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt nó cũng ẩn chứa mối đại họa, đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ ở biển Đông mà toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Phải nhấn mạnh rằng, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các đảo ở Biển Đông là liều lĩnh, trắng trợn đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển đông (DOC).
Nhiều người cho rằng Gạc Ma có vị trí chiến lược, góp phần quyết định thành bại "giấc mơ Trung Hoa" trên Biển Đông. Chính vì thế, để thực hiện được tham vọng của mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm mọi cách để thực hiện việc xây dựng trái phép, bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới, thưa ông?
Đúng. Chúng ta phải nên nhớ rằng, tham vọng của Trung Quốc đã có từ lâu rồi. Trung Quốc cố tình cải tạo các đảo ngầm để từ đó họ thực hiện các yêu sách đường lưỡi bò của mình, dù yêu sách này không nằm trong bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào.
Đây là âm mưu, tính toán lâu dài của Trung Quốc, và chắc chắn nước này sẽ tìm mọi cách để thực hiện hóa điều này. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, hiện nay Việt Nam cần kiên trì, liên tục đấu tranh để bảo về quyền lợi của đất nước.
TS Trần Công Trục (nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ): "Xây dựng đảo Gạc Ma chính là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc"
Thứ nhất cần phải nhấn mạnh rằng các hành động của Trung Quốc trên các bãi đá Gạc Ma mà dư luận quốc tế lên tiếng trong thời gian gần đây không phải là những hành động gây hấn mới của Trung Quốc mà nó đã có từ lâu và nằm trong chuỗi tính toán của nước này. Trước đây, năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng 6 vị trí gồm các bãi cạn, bãi đá của phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, ngay sau đó nước này liên tục triển khai các hoạt động, chiến dịch biến các đảo chìm thành các đảo nổi, biến khu vực này thành một nhịp cầu mới, xa về phía Nam để chuẩn bị một hoạt động mạnh mẽ hơn là biến yêu sách "đường lưỡi bò" thành hiện thực.
Vị trí này rất hiểm yếu, nó gần bờ biển và thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Việt Nam khai thác dầu khí và tiến hành các hoạt động kinh tế của mình. Việc Trung Quốc muốn xây dựng các "đảo nổi" nhân tạo nhằm mục tiêu pháp lý là muốn mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đặc biệt, Trung Quốc muốn mở rộng tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ra tới những vị trí xa nhất, thậm chí có những bãi cạn không nằm trong phạm vi quần đảo đó, Trung Quốc vẫn muốn xây dựng để sử dụng vạch đường cơ sở bao bọc toàn bộ theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo. Chính vì thế, nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ hàng hải đi qua khu vực này.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế lo ngại rằng Gạc Ma được xây dựng là nằm trong dự án của Trung Quốc biến đảo Gạc Ma thành một tiền đồn không quân trên biển Đông. Trung Quốc có thể dùng quần đảo này làm căn cứ cho các hoạt động bán quân sự như áp dụng lệnh đánh bắt do họ đơn phương áp đặt hoặc cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Mục đích của Trung Quốc là muốn xây dựng đường bay, xác lập các căn cứ quân sự và sử dụng nơi đây như một nhịp cầu khống chế toàn bộ phía Nam, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc phòng của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trước đây, Trung Quốc đã từng tiến hành hàng loạt các hành động gây hấn như hạ đặt trái phép gian khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và giờ họ xúc tiến việc xây dựng trên đảo Gạc Ma. Các hành động này có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng theo tôi, việc cải tạo, xây dựng trên đảo Gạc Ma của Trung Quốc mới là mục tiêu chính, trọng tâm nằm trong chiến lược "độc chiếm Biển Đông" của nước này. Điều này ẩn chứa những mối đại họa rất nguy hiểm. Vị trí của Gạc Ma thì ai cũng biết đó là một vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng, quân sự. Nếu có một căn cứ quân sự được xây dựng trên đảo Gạc Ma nó sẽ khống chế toàn bộ mọi hoạt động quân sự trong toàn khu vực Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông, những ý đồ, âm mưu của Trung Quốc liệu có dễ dàng để hiện thực hóa? Việt Nam và dư luận thế giới cần phải làm gì để đối phó với những âm mưu này thưa ông?
Tôi cho rằng, lịch sử đã chứng minh rất nhiều yêu sách, tham vọng vô lý đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng và luật pháp quốc tế thì trước sau nó cũng không thể nào thực hiện và chắc chắn là phải gánh chịu thất bại nhục nhã. Chúng ta hiểu rằng, sự quyết tâm, đoàn kết của các quốc gia, đồng tình ủng hộ của chân lý, lẽ phải mới là sức mạnh vô địch, có thể chiến thắng bất cứ âm mưu nào muốn chà đạp lên công lý. Cho dù trước mắt, việc đấu tranh đòi công lý có thể khó khăn nhưng về lâu dài những hành động phi pháp sẽ không thể tồn tại.
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn cố gắng giữ vững tình hình ổn định và không để cho tình hình phức tạp thêm. Chúng ta phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc và không chấp nhận những hành động gây hấn của nước này.
Hiện nay dựa trên lẽ phải quốc tế, chúng ta đã có những biện pháp đấu tranh hợp lý, song tôi cho rằng với Trung Quốc chúng ta phải có những đấu tranh liên tục. Đồng thời, chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của dư luận quốc tế, của các nước trong khu vực có chung lợi ích. Những gì thuộc về chủ quyền Việt Nam đã quá rõ ràng và không thể thay đổi.
Hà Trang
Theo dantri
TS Trần Công Trục: Cảnh giác với trò "giả thân thiện" của Trung Quốc Ở thực địa thì họ như vậy, nhưng trên mặt trận ngoại giao họ vẫn tỏ ra "mềm mỏng", "thiện chí". Việc làm này thực chất chỉ là tấm bình phong làm cho dư luận không chú ý đến hoạt động phi pháp của họ. Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc chưa bao giờ dừng các hoạt động phi...