Đào cổ thụ ‘độc nhất vô nhị’ ở thủ đô
Bên cạnh những gốc đào 50 – 60 tuổi mục ruỗng, mọc đầy rêu, có gốc đào gần trăm tuổi to tới mức một người ôm không xuể. Tuy nhiên, giá đào năm nay được cho là rẻ hơn nhiều so với năm ngoái.
Cận Tết, nhiều tuyến phố của thủ đô, như Lạc Long Quân, Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt, Yên Phụ… bày la liệt gốc đào, cành đào trồng ở Nhật Tân và các tỉnh lân cận.
Rất nhiều gốc đào có dáng đẹp và độc đáo.
Gốc đào Phú Thượng (Tây Hồ) trên 60 tuổi được rao bán giá 15 triệu đồng.
Trên đường Lạc Long Quân cũng xuất hiện những cây đào rêu phủ quanh gốc.
Có cả gốc đào to vừa một người ôm. Theo anh Hoàng Quân, chủ những gốc đào độc đáo trên phố Hoàng Hoa Thám, để có được gốc đào ‘khủng’, đẹp, phải chăm bón rất mất thời gian. “Trước đó cả năm phải cưa bớt những cành lớn để cho cây đâm chồi nảy lộc và phải hãm cho đến đúng dịp tết nở hoa”, anh Quân nói.
Một gốc đào độc đáo, đến gần trăm năm tuổi, thân cây tưởng chừng như mục ruỗng nhưng vẫn đâm chồi nảy lộc, hoa nở đỏ.
Video đang HOT
Nhiều người bán đào cho hay, đào năm nay đẹp và nở đều, nhưng bán chậm và giá không quá cao. Những cây độc đáo, gốc to, hoa nở đẹp cũng chỉ có giá trên chục triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng.
“Giờ này năm ngoái, người mua nhộn nhịp nên nhiều gốc bán tới vài chục triệu đồng, có cơ quan chỉ thuê gốc đào cổ hơn chục ngày Tết cũng có giá gần bằng mua cả một gốc đào năm nay”, một chủ đào chia sẻ.
Những gốc đào hơn 20 năm tuổi…
… có thế khá đẹp được bày trên đường Lạc Long Quân nhưng cả buổi chẳng ai tới xem.
Nhiều người qua đường dừng lại ngắm rồi đứng tạo dáng, chụp ảnh.
Theo VNE
Săn đào "khủng" giá gần trăm triệu
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến dịp Tết Nguyên Đán nhưng tại các vườn đào ở Nhật Tân (Hà Nội), nhiều cây đào cổ thụ đẹp đã được thương gia đến ngã giá thuê từ 20 đến 70 triệu đồng/1 cây.
Trong thời tiết se lạnh, cùng với hạt mưa xuân lất phất, chúng tôi tìm về làng đào Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) để tận mắt mục sở thị cây đào cổ thụ được nhiều người đồn đoán.
Đào "khủng" giá gần trăm triệu
Tìm đến cụm 4 làng đào Nhật Tân, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Hà (59 tuổi) khi ông đang chăm sóc đào bên vườn nhà. Dáng người mỏng manh, tóc lốm đốm ngả màu bạc trắng, ông Hà chỉ tay về phía hàng trăm gốc đào đang nhú nụ trong vườn cho biết, gia đình ông làm nghề trồng đào đã gần 40 năm nay, trong vườn có hơn 100 gốc, phần lớn đều là cây đào thế có tuổi đời từ 2 đến 40 năm tuổi.
Gốc đào 40 năm tuổi, dáng Long được nhiều thương gia ngã giá thuê chơi dịp Tết khoảng 70 triệu đồng
Dẫn chúng tôi ra thăm gốc đào 40 năm tuổi, dáng sù sì, rêu xanh phủ dày trên bề mặt thân cây, ông Hà nói: "Đây là cây đào ghép giáng Long có tuổi đời cao nhất trong làng trồng đào ở Nhật Tân. Năm 2011 đã có một thương gia đến trả tôi 100 triệu đồng để mua đứt cây đào mang đi triển lãm ở hội hoa Đà Nẵng nhưng tôi không bán. Năm nay, một thương gia trong làng đã đến đặt vấn đề thuê gốc đào này chơi Tết với giá 70 triệu đồng".
Ông Hà cho biết, năm 2008, ông đã lặn lội lên Lạng Sơn mua gốc cây đào với giá 3 triệu đồng đem về trồng. Sau khi gốc đào được đưa về vườn, ông lấy mầm đào truyền thống Nhật Tân ghép vào thân cây đào để tạo tán. Qua bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của ông Hà, những nụ hoa đào đầu tiên đã bung nở vào đúng dịp tết Nguyên Đán năm 2009.
Ông Hà tỉ mỉ chăm sóc bên gốc đào cổ thụ
Đến nay, cây đào đạt chiều cao 4m, tán rộng 3m, đường kính 60 cm. Vào mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán, có rất nhiều thương gia từ các tỉnh lân cận đến xem và kì kèo hỏi mua đứt cây đào này nhưng gia đình ông đều từ chối không bán. "Những cây đào có độ tuổi cao và thế đẹp còn lại rất ít trong làng đào Nhật Tân, nếu tôi đem bán cây đào này đi thì sẽ không còn cây thứ hai. Do vậy, nếu khách hàng đến vườn mà say mê cây đào, tôi cũng chỉ có ý định cho thuê chơi dịp Tết chứ nhất quyết không bán", ông Hà cho biết.
Theo ông Hà, với những gốc đào có tuổi đời đến vài chục năm, ngoài vẻ đẹp ở hoa thì thân cây sù sì cũng đem lại cho người chơi cảm giác cổ kính, gần gũi. Đặc biệt khi cây đào bung nở hoa khoe sắc đỏ rực lại càng làm cho không khí Tết mỗi ở gia đình thêm ấm áp hơn.
Ngoài cây đào cổ thụ ở vườn gia đình ông Hà, vườn đào của gia đình ông Đỗ Quý Mão 50 tuổi ở cụm 4, làng Nhật Tân cũng được nhiều người dân trong làng kể đến với hàng chục gốc đào cổ thụ có giá trị cao.
Gốc đào truyền thống Nhật Tân, dáng thông được cho thuê chơi tết với giá 20 triệu đồng
Có mặt tại vườn đào của gia đình ông Mão, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hơn 500 gốc đào dáng khúc khuỷu của gia đình ông Mão đang chớm nụ, khoe sắc. Chỉ tay về phía cây đào cao vút phía xa ông Mão nói: "Đấy chính là gốc đào ghép dáng trực, có tuổi đời gần 30 năm. Tuần trước, cây đào này được một doanh nghiệp ở Bắc Ninh xuống xem và đặt mua chơi dịp Tết với giá 30 triệu đồng".
Năm 2009, ông Mão mua một gốc đào từ Lạng Sơn về vườn nhà, đem ghép nụ đào truyền thống ở Nhật Tân vào thân cây. Sau một thời gian chăm sóc, cây đào này đã được ông tạo thế giáng, cho ra những nụ hoa rực rỡ vào dịp tết năm 2010. Đến nay, nó đã đạt chiều cao 3m, tán rộng 2,5 m.
Trong vườn nhà ông Mão ngoài cây đào ghép dáng trực, cây đào truyền thống Nhật Tân có dáng thông 20 năm tuổi, cao hơn 3m cũng được một doanh nghiệp ở Quảng Ninh đến đặt thuê chơi dịp Tết Nguyên Đán năm nay với giá 20 triệu đồng.
Thân cây đào truyền thống Nhật Tân, dáng thông 20 năm tuổi
Những cây đào lâu năm thường được khách hàng tìm thuê chơi dịp Tết và đa số họ là doanh nghiệp, quan chức. Những người trồng đào khủng thường chỉ cho thuê chơi dịp Tết, rất ít khi bán bởi họ quan niệm rằng bán cây, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc mất đi một vật báu trong gia đình.
Chăm đào như con đẻ của mình
Với người trồng đào, việc chăm sóc cây đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Để có được những gốc đào có giáng, thế đẹp thường tốn nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, đối với những cây đào cổ thụ, có giá trị, chủ nhân thường coi đào như đứa con đẻ trong gia đình.
"Gia đình tôi coi cây đào dáng Long trong vườn như đứa con của gia đình mình, do vậy mà mỗi ngày mà không ra thăm vườn đào một lần là tôi cứ thơ thẩn, đến bữa ăn cơm cũng không ngon miệng", ông Hà nói.
Những người trồng đào như ông Hà coi việc chăm sóc vườn đào là một niềm say mê, cũng vì vậy mà những cây cổ thụ có giá trị trong vườn được ông Hà ghi vào danh sách cây cần được chăm sóc đặc biệt. Ngoài việc chọn đất tốt, hàng tháng cắt tỉa, phun thuốc trừ sâu, uốn dáng thế, ông Hà còn dựng cả những khung lều bạt, sưởi ấm cho cây khi trời lạnh.
Khung bạt được dành để che lạnh cho đào khi nhiệt độ xuống thấp
"Tôi quan niệm rằng cây đào cũng như con người, khi trời lạnh đào cũng cần mặc thêm chiếc áo ấm. Thế nên đến dịp giáp Tết mỗi năm, nếu trời quá lạnh, tôi che kín bạt, thắp điện sưởi ấm cho đào để tránh được rét và giúp đào sớm bung hoa", ông Hà chia sẻ.
Ông Mão bên gốc đào dáng Trực có tuổi đời 30 năm
Ông Mão, chủ nhân của cây đào dáng Trực cho hay, việc chăm sóc những cây đào cổ thụ trong vườn nhà cũng được gia đình ông đưa vào chế độ đặc biệt so với những cây đào khác.
"Trồng được những gốc đào cổ thụ đẹp, có giá trị phải mất vài chục năm nên mỗi ngày tôi phải đi lại ngó nghiêng đến từng chiếc lá, nụ, lộc non của cây để xem trình trạng sức khỏe. Khi thấy cây có những biểu hiện khác, tôi phải chạy đôn đáo tìm ra bệnh và chữa trị ngay, không để ảnh hưởng tới sức sống của cây".
Hệ thống bóng điện dùng sưởi ấm cho đào
Với nhiều người trồng đào ở Nhật Tân, họ quan niệm rằng làm bất cứ một nghề nào cũng cần phải có niềm yêu thích và đặc biệt đối với nghề trồng đào thì yếu tố này càng phải cần hơn. Bởi khi những người trồng đào đã có niềm đam mê, họ sẽ dành nhiều thời gian để uốn nắn, chăm sóc đứa con của mình trong từng giai đoạn phát triển. Và đến dịp Tết, cây đào khi đưa lên chậu sẽ khỏe khoắn và nụ hồng cũng rực rỡ hơn.
Theo 24h
Nên hay không nên đốt gốc đào để hoa tươi lâu? Lâu nay, nhiều người tiêu dùng và nông dân vẫn giữ cho cành đào tươi lâu bằng cách đốt gốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này là phản tác dụng. Một người bán đào đang đốt gốc cành Anh Nguyễn Văn Minh - nông dân đang sở hữu 3 sào đào với gần 300 gốc ở bãi sông Hồng,...