Dạo chơi trên hồ Hàm Thuận
Lên Đa Mi thường xuyên nhưng chỉ đi những vườn cây ăn trái, đi dạo vòng vòng xung quanh hồ Hàm Thuận – Đa Mi.
Lần này được thổ địa ở đó biệt danh là Chung Đa Mi dẫn đi khám phá lòng hồ mới thấy thật tuyệt.
Từ Phan Thiết lên theo đường Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ đi thẳng là đến Đa Mi thuộc huyện Hàm Thuận Bắc. Con đường được trải nhựa rất dễ đi, uốn lượn 2 bên là những nương bắp, vườn trái cây, rừng núi xanh rờn…
Video đang HOT
Chạy ô tô tầm gần 2 tiếng là đến hồ Hàm Thuận. Khu hồ trên bắt nguồn từ sông La Ngà với chiều dài khoảng 25km, có nhiệm vụ cấp nước tưới tiêu… cho khu vực dân cư sống trên địa bàn. Cả hồ Hàm Thuận và Đa Mi được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ bởi những đảo nhỏ trong lòng hồ. Trên đảo được người dân trồng khá nhiều cây ăn trái. Chung Đa Mi thuê giúp chúng tôi một thuyền du lịch khá đẹp sức chứa có thể lên đến 40 người, có phao bài bản. Thuyền có 2 tầng, phía dưới có quầy nước nhỏ cho ai thích uống cafe hay giải khát. Giá cả theo em Thu Hồng – con gái chủ thuyền cho biết: “Dưới 10 người thì 150.000 đồng/người, còn trên 10 người tầm 1,5 – 3 triệu đồng tùy vào lượng khách bao thuyền”. Gia đình em từ Lâm Đồng xuống mua đất dưới đây trồng trọt, thấy nhu cầu du lịch dạo hồ bắt đầu phát triển nên nhà đã đầu tư làm thuyền này phục vụ cho khách. Tuy nhiên, đây đang là giai đoạn chạy thử nghiệm và chờ cơ quan chức năng cấp phép, nên việc cho du khách thuê thuyền chưa được phổ biến nhiều. Nếu dịch vụ thuê thuyền được bài bản, hy vọng sẽ thút hút du khách đến đây ngày càng nhiều.
Thuyền chạy khá chậm để chúng tôi ngắm cảnh hồ. Đẹp thật! Gió lộng mát, mặt hồ trong vắt như gương. Từng ốc đảo hiện dần lên xanh mướt. Sau khi đi dạo hồ cả tiếng đồng hồ, thuyền tấp vào bờ hồ nơi nhà em làm sẵn chòi, cả võng cho khách dừng chân ăn trưa. Lên Đa Mi là phải ăn lẩu cá tầm, gỏi cá khô đánh bắt từ hồ lên bằm xoài hay chiên giòn bén mồi cơm… Ăn xong ai thích nghỉ thì có võng, ai thích vườn thì đi lượm sầu riêng rụng. Vườn nhà đủ thứ cây trái, bơ, sầu riêng…
“Đa Mi còn nhiều cảnh đẹp lắm, có vườn trái cây nếu khách thích khám phá, có chùa, có thác… Nếu chị em nghỉ đêm lại thì tha hồ khám phá”, em Chung nói thêm. Đi trên cung đường La Dạ – Đa Mi giờ đã có nhiều quán xá, trạm dừng chân đông vui hơn ngày trước… Để du lịch phát triển nhanh cần có những người đánh thức nó bài bản hơn để hút du khách đến khám phá…
Đường đến Đa Mi đệ nhất thác
Tranh thủ những ngày nắng, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình xuyên rừng để đến với Đa Mi đệ nhất thác.
Sở dĩ gọi thác Sương mù là Đa Mi đệ nhất thác vì ở vùng rừng núi này không có ngọn thác nào hùng vĩ và đẹp hơn nó.
Thác Sương mù còn có các tên gọi khác như thác Mưa bay hay thác Mây. Sở dĩ có các tên gọi như thế là vì vào những ngày nước lớn, ngọn thác đổ xuống hơi nước bốc lên khiến quang cảnh xung quanh thác mù sương, hình thành những đám mây nhiều hình thù đẹp mắt. Vùng rừng núi nên Đa Mi có khá nhiều thác như: thác Đaguri, thác 3 tầng, thác 9 tầng, thác Gấu và thác sương mù thì đường đến thác Sương Mù là xa, nguy hiểm và khó đi nhất. Vì vậy muốn đến thác phải cần có người dẫn đường.
Để đến được thác Sương mù, chúng ta phải đi ngang qua thác 9 tầng nên chúng tôi ghé qua để thưởng ngoạn cảnh thác trong mùa nắng. Đến thác 9 tầng bây giờ dễ đi hơn nhiều so với 10 năm trước. Xe chạy tới chân núi, chỉ cần qua 2 vườn cà phê của người dân là vào tới thác. Gọi thác 9 tầng vì thác này nằm sâu trong núi, có 9 tầng như ruộng bậc thang. Thác không cao lắm, đổ dài theo từng bậc ở triền núi và chảy ra suối, mùa này ít nước nên dòng thác hiền hòa uốn lượn. Theo từng tầng thác thường có dãy đá bàn khá lớn để người xem có thể nghỉ ngơi ngắm thác và ăn uống. Muốn thưởng ngoạn thác 9 tầng thì phải lên cao, vì càng lên cao thì thác càng đẹp và thơ mộng. Chia tay thác 9 tầng, chúng tôi lên những chiếc xe máy chuyên dụng của vùng đất này để đến với thác Sương Mù. Những con đường khúc khuỷu và dựng đứng khiến tiếng nổ của những chiếc xe máy vang cả núi rừng. Hơn 30 phút ngồi xe, chúng tôi đến được dòng suối có tên suối Gấu, tại đây chúng tôi để lại xe máy và bắt đầu đi bộ xuyên rừng. Suối Gấu khá đẹp, nước trong vắt chảy hiền hòa qua từng bờ đá rêu phong.
Qua khỏi suối Gấu, chúng tôi men theo đường mòn của những người ăn của rừng. Hành trình lên xuống những con dốc làm bước chân chúng tôi cảm thấy nặng nề hơn. Đường đến thác Sương Mù không hề dễ đi mà còn có chút nguy hiểm và rất dễ lạc đường.
Hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi gặp lại dòng chảy của suối Gấu và suối 9 tầng hợp lại. Suối khá nhiều nước nên chúng tôi phải nắm tay và cẩn thận lội qua những đoạn nước sâu. Hai bên bờ suối có khá nhiều loại cây thân gỗ có hình dáng và rất đẹp. Gần tới thác, dòng nước càng lớn và chảy nhanh lượn qua những tảng đá bàn khá rộng. Chúng tôi men theo triền núi để bắt đầu đến thác. Đường xuống khá nguy hiểm, chỉ có đá và tre.
Cuối cùng ngọn thác Sương Mù cũng xuất hiện với dòng nước uốn lượn qua 2 khe đá cao hơn 100 m đổ xuống 1 hồ nước sâu. Xung quanh thác là những dòng suối nhỏ chảy về hạ nguồn và nhiều hố nước lớn nhỏ và độ sâu, cạn khác nhau. Theo những người dẫn đường thì hạ lưu của thác Sương Mù chính là dòng suối đôi ở khu vực Hồng Châu chảy ra hồ Đa Mi. Mùa này ít nước nên thác không có sương mù bay lên bao phủ cả 1 vùng như những ngày mưa mà chỉ đơn thuần là ngọn thác có nhiều tầng, mỗi tầng có những độ cao khác nhau với dòng nước đổ xuống. Có lẽ là mùa khô nên thảm thực vật ở thác không phong phú lắm nên nếu so với thác 9 tầng thì thác Sương Mù vào mùa này cũng không đẹp hơn là bao nhiêu. Có chăng là sự hùng vĩ và độ cao lớn của dòng thác. Người dân địa phương cho biết, muốn thấy được vẻ đẹp của thác thì nên đi vào cuối mùa mưa vì lúc này nước lớn, dòng thác cao hàng trăm mét đổ mạnh, tiếng thác vang cả núi rừng. Xung quanh thác hơi nước bốc lên mù mịt tạo nên những đám mây rất đẹp.
Hành trình đến thác Sương Mù không chỉ đơn thuần là đi tìm để thưởng ngoạn dòng thác, tận hưởng không khí trong lành, khám phá những tuyệt cảnh thiên nhiên mà còn là hành trình để tìm sự giới hạn của bản thân và chiến thắng bản thân. Đó thật sự là chuyến hành trình đầy thú vị, ý nghĩa và đem lại cho chúng tôi nhiều cảm giác và cảm xúc khó quên.
Du lịch xanh với Đắk Lông Thượng Lặng lẽ yên ả với những sắc xanh hòa cùng nền trời, đập Đắk Lông Thượng mang đến cho Bảo Lâm một nét đằm thắm vùng cao nguyên. Và, Đắk Lông Thượng đang trở thành điểm đến yêu thích của người dân địa phương cũng như bắt đầu thu hút du khách tới từ phương xa. Một góc ngắm nhìn Đắk Lông Thượng...