Dạo chơi Phú Quý
Được xem như “viên ngọc” của vùng biển Nam Trung Bộ, đảo Phú Quý (cũng là một huyện, thuộc tỉnh Bình Thuận) nay đã trở thành điểm đến tuyệt vời của đối với du khách trong và ngoài nước.
Bãi Nhỏ với làn nước biển trong vắt.
Từ Hà Nội, chúng tôi bắt chuyến xe khách giường nằm để thực hiện chuyến đi tới cảng Phan Thiết, Bình Thuận. Từ đây chúng tôi bắt chuyến tàu cao tốc, khởi hành vào đầu giờ chiều để rẽ sóng tiến ra vùng biển khơi. Sau hơn hai giờ lênh đênh trên biển, mọi người đến được cầu cảng Phú Quý, bắt đầu những ngày rong ruổi, khám phá hòn đảo xinh đẹp.
Khung cảnh bình yên, trong lành với những bãi biển hoang sơ, trong vắt là những gì chúng tôi nhận thấy khi dạo bước trên đảo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phú Quý còn có tên gọi là Cù Lao Thu, với diện tích khoảng 16,5 km2 và hơn 30.000 cư dân sinh sống. Người dân đã ra Phú Quý khai hoang, định cư từ cách đây vài trăm năm.
Chợ hải sản trên đảo Phú Quý lúc bình minh.
Hiện nay, dịch vụ du lịch trên đảo Phú Quý khá phát triển. Mọi người có thể thuê xe ôm, xe lam để di chuyển từ cầu cảng về cách khu nhà nghỉ, khách sạn. Tùy theo nhu cầu của từng người mà ở Phú Quý có các loại nhà nghỉ từ bình dân (kiểu homestay) đến hạng sang. Thậm chí, với mức kinh phí eo hẹp, bạn hoàn toàn có thể xin ở nhờ miễn phí tại nhà dân một vài đêm.
Sau một đêm nghỉ ngơi trên đảo, sáng hôm sau, nhóm quyết định thuê xe máy để bắt đầu chuyến trải nghiệm, khám phá các thắng cảnh nơi đây. Theo bản đồ được tìm hiểu trước đó, chúng tôi quyết định thẳng tiến đến xã Long Hải và Tam Thanh. Ở địa điểm giáp ranh giữa hai xã có một vách núi đá bazan hùng vĩ, mà rất nhiều người ra đảo Phú Quý đều tìm đến check-in, chụp ảnh. Từ phía sau chùa Linh Sơn, du khách có thể quan sát thấy những khối đá bazan đen nhám khổng lồ xếp thành từng tầng, từng tầng từ chân sóng lên cao vút. Trên thảm đá là những loài cỏ dại, cây thân leo đua nhau mọc khiến cho cảnh sắc càng trở nên cuốn hút.
Du khách chụp ảnh ở khu núi đá bazan, phía sau chùa Linh Sơn.
Sau khi ngắm cảnh biển và bờ đá đen nhám, mọi người lại cùng nhau vào chùa Linh Sơn tĩnh tâm bái phật. Đến đảo Phú Quý mới biết có rất nhiều công trình tâm linh, tôn giáo xuất hiện từ lâu đời gắn liên với đời sống tín ngưỡng của cư dân. Ngoài chùa Linh Sơn, bạn có thể đến tham quan các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác như: Chùa Linh Bửu, chùa Linh Quang, Mộ Thầy, Tòa Thánh Tây Ninh, Vạn An Thạnh…
Chúng tôi quyết định đi tới núi Cấm để ngắm ngọn hải đăng cao 126 m, thuộc xã Ngũ Phụng. Điểm ngắm cảnh trên đỉnh núi Cấm thật tuyệt vời, với tầm quan sát rộng bao la. Chúng tôi thấy những cột điện gió – tạo ra năng lượng từ thiên nhiên hết sức ấn tượng. Từ đỉnh núi, bạn có thể quan sát được toàn cảnh đảo Phú Quý tươi đẹp, trù phú đến nhường nào.
Video đang HOT
Hải đăng trên đỉnh núi Cấm.
Chiều đến, khi ánh nắng bắt đầu chói chang, chúng tôi đi “giải nhiệt” ở khu vịnh Triều Dương, rồi Bãi Nhỏ – ghềnh Hang. Đây là những bãi tắm tuyệt vời với làn nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy. Nếu thuê được dụng cụ lặn biển, bạn hoàn toàn có thể ngắm những rặng san hô đẹp mê hồn.
Ghềnh Hang – nơi du khách có thể ngắm cảnh biển lúc bình minh và hoang hôn tuyệt đẹp.
Nếu du khách lưu lại vài ngày trên đảo thì có thể đến tham quan làng chài Long Hải, Ngũ Phụng và trải nghiệm ở cảng cá Phú Quý tấp nập vào mỗi sáng. Vài loại hài sản như mực nang, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, bạch tuộc… là những món ăn đặc sản nên thưởng thức khi ghé thăm Phú Quý.
Chùa Linh Bửu – công trình tôn giáo tiêu biểu trên đảo.
Khung cảnh hoang sơ, thanh bình cùng với vẻ hồn hậu, hiếu khách của cư dân trên đảo là những nét thú vị, tuyệt vời khiến chúng ta muốn lưu lại lâu hơn hoặc sẽ trở lại đảo Phú Quý nhiều lần trong tương lai.
NGUYỄN HƯỜNG
Theo nhandan.com.vn
Phú Quý - Hòn ngọc hiếm cần lưu giữ
Phú Quý được xem là "đảo ngọc" của tỉnh Bình Thuận trong chiến lược phát triển du lịch dài hơi.
Bãi biển Phú Quý hoang sơ, rất phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng
Nhưng nếu không có một chiến lược phát triển du lịch bền vững, Phú Quý sẽ nối gót nhiều khu du lịch biển đảo khác bị phá vỡ cảnh quan, đưa đến thảm họa về môi trường.
Đảo ngọc bắt đầu được mài
Chúng tôi đến với Phú Quý dịp cuối tháng 7 trên chuyến tàu cao tốc Phú Quý Express với gần 600 hành khách. Hành trình ra đảo cũng chỉ còn 2 giờ 30 phút thay vì 8 giờ như trước. Phú Quý chưa có những khách sạn được gắn sao, chủ yếu là homestay, nhà nghỉ. Thuê một chiếc xe máy 150.000 đồng, đổ thêm 50.000 tiền xăng là có thể vi vu 2 ngày mệt nghỉ.
Phú Quý có nhiều điểm du lịch mà những ai đã đặt chân đến đều phải đi qua như: Vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang... Bãi biển với làn nước trong xanh, cát trắng mịn trải dài là điểm hút khách nhất. Khi hoàng hôn xuống, tứ bề là biển lấp lánh ánh chiều khiến du khách nao lòng bởi cảnh tượng đầy lãng mạn, yên ả.
Ngoài biển, Phú Quý còn nhiều điểm để khám phá. Đèo nhau bằng xe máy bon bon trên những tuyến đường quanh biển trước làn gió mát rượi quả thực khó tả. Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý có 70 loài thực vật trên cạn, 72 loài tảo biển, 134 loài san hô cứng, 15 loài nhuyễn thể. Ngoài ra, trên đảo còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề truyền thống như nuôi hải sản lồng bè ở Lạch Dù; đan gùi, đan võng ở Ngũ Phụng, lặn ốc ở Long Hải... Nếu du khách thích các hoạt động khám phá biển có thể thuê ghe đi quanh 10 hòn đảo nhỏ như: Hòn Trứng, Hòn Đỏ, Hòn Đen... chiêm ngưỡng cảnh đẹp mang đậm nét hoang sơ. Ngọn Hải Đăng, cột cờ Phú Quý, khu vực phong điện, núi Cấm... cũng là những nơi thích hợp cho các bạn trẻ muốn khám phá, thích độ cao.
Ẩm thực nơi đây cũng mang hương vị đậm đà của những món ăn đặc sản vùng biển như: Hải sâm, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, tôm hùm, gỏi ốc, rau câu... Nhưng thích nhất là sáng sớm ra biển, có nhiều tàu cá về bờ, khách tha hồ lựa chọn hải sản tươi ngon mua về tự nấu nướng hoặc đưa về đất liền làm quà.
Khách đông, rác cũng nhiều
Với những điểm hấp dẫn về du lịch, Phú Quý giờ càng được biết đến nhiều hơn. Những DN cũng đã thấy được tiềm năng và đầu tư thêm nhiều tàu cao tốc ra đảo. Hiện nay ngoài các tàu Quê Hương, Phú Quý 07 (tàu vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ chậm), đã có thêm các tàu cao tốc như: Hưng Phát, SuperDong, Phú Quý Express.
Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết, có thêm tàu cao tốc, khách ra đảo tăng gấp 3 lần. Cả năm 2018 có gần 20.000 lượt khách trong, ngoài nước ra đảo nhưng chỉ riêng dịp lễ 30/4 vừa qua, Phú Quý đã đón hơn 5.000 lượt khách. Tiềm năng trời cho, nhưng hạ tầng chưa được đầu tư, nên khi khách tăng đột biến lãnh đạo địa phương vừa mừng, vừa lo.
Hiện tất cả các cơ sở du lịch, lưu trú cũng như hạ tầng dịch vụ thương mại của Phú Quý chưa phát triển kịp để phục vụ du khách. Người dân cũng như chính quyền chỉ mới bước đầu làm quen với các loại hình dịch vụ du lịch. Trên đảo chưa có một khách sạn nào đạt chuẩn có sao. Đó là lý do vì sao vừa qua lãnh đạo huyện Phú Quý lo ngại khi có thêm DN muốn đưa thêm tàu cao tốc ra hoạt động.
Và điều ái ngại nữa là Phú Quý bắt đầu có quá nhiều rác. Những chai nhựa, túi nylon, ống hút... nhiều vô kể. Rác từ ngay bến tàu đến các bãi biển, rác từ ngoài biển trôi dạt vào và từ người dân, du khách thải ra. Trên đảo chưa có hệ thống xử lý nước thải mà chủ yếu thoát nước tự nhiên đổ ra biển khiến môi trường chịu tác động lớn. Đây là vấn đề đã và đang khiến những vùng biển đảo như Phú Quốc, Côn Đảo gánh chịu.
Để dân Phú Quý ngày càng giàu có hơn
Cua Huỳnh Đế, món ăn đặc sản của Phú Quý khiến ai cũng phải tấm tắc
Ông Bùi Thế Nhân cho biết, Bình Thuận đã có chiến lược quy hoạch phát triển du lịch đảo Phú Quý đến năm 2030, theo hướng trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo. Dự kiến, đến năm 2030, Phú Quý sẽ đón 74.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 6.000 lượt. Phấn đấu nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 380 tỷ đồng/năm, giúp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông marketing TST Tourist đã nhiều lần đến Phú Quý nhận định, Phú Quý có lợi thế phát triển sau nên sẽ rút ra được nhiều bài học quý. Trong chiến lược phát triển du lịch, Phú Quý cần kêu gọi và lựa chọn một nhà đầu tư tầm cỡ, thực sự có tiềm lực để xây dựng những mô hình đạt chuẩn, làm đầu tàu, trên cơ sở kinh nghiệm mà họ đã thực hiện ở những nơi khác để tạo sức lan tỏa, thu hút khách.
"
Phú Quý sẽ có sân bay
Nằm cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, huyện đảo Phú Quý được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Tháng 6/2019, tỉnh Bình Thuận thông qua quy hoạch phát triển Khu du lịch đảo Phú Quý đến năm 2030 với việc đầu tư một số dự án quan trọng như: Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hỗ trợ phát triển du lịch tại làng chài, nuôi hải sản lồng bè Lạch Dù (xã Tam Thanh); nâng cấp các tuyến đường ven biển đạt tiêu chuẩn cấp IV; nâng cấp các tuyến đường từ các khu di tích, các điểm tham quan đến khu trung tâm đảo và cảng Phú Quý; nâng cấp công suất cảng Phú Quý có thể tiếp nhận tàu 5.000 tấn; đầu tư mới 2 tàu cao tốc 200 chỗ ngồi; đầu tư sân bay Phú Quý; triển khai dự án nhà máy lọc nước biển...
"
Cùng với đó xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững và bài bản, làm sao để ngư dân bám biển nhưng vẫn phát triển được du lịch, du khách cũng trải nghiệm được các sản phẩm du lịch đặc trưng. Chẳng hạn hộ dân này có thế mạnh nuôi thủy sản, nhà khác trồng các loại cây trái hay có những món ăn đặc trưng rất ngon... Tiếp đó là có người kết nối các điểm này để tạo nên một tour du lịch mang đặc trưng địa phương. Bằng cách này, người dân vẫn có thể sống được bằng các vụ du lịch dù mùa cao điểm hay thấp điểm. "Phải có một người cầm trịch để tạo sự kết nối cùng phát triển, tránh tình trạng nhà nào cũng làm homestay rồi cũng không ra ngô ra khoai gì", ông Mẫn nói.
Quan trọng hơn cả phải xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong chính người dân địa phương, để họ thấy rằng đảo Phú Quý trước hết là của chính người dân Phú Quý. Người dân sau này có được "phú quý" hay không là từ những hành động nhỏ hôm nay của họ, "không xả rác".
Khi cộng đồng đã có ý thức bảo vệ môi trường của chính họ, những du khách đến đây cũng sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. "Thậm chí có thể thu phí môi trường đối với du khách, lấy kinh phí đó để thu gom rác, trang bị thùng rác, thực hiện truyền thông bảo vệ môi trường. Đây là cách mà tỉnh Ô Vân Nam của Trung Quốc đã áp dụng khi thu mỗi du khách 60 nhân dân tệ phí bảo vệ môi trường mà du khách cảm thấy hài lòng vì đến đó không thấy rác", ông Mẫn nói.
Phan Tư - Mai Huyên
Theo baogiaothong.vn
10 hòn đảo ở Việt Nam được du khách nước ngoài yêu thích Dưới đây là 10 hòn đảo ở Việt Nam được trang du lịch nổi tiếng Culture Trip bình chọn là những điểm đến được du khách nước ngoài yêu thích và dành nhiều lời khen ngợi 'có cánh'. Phú Quốc Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ lâu đã luôn nằm trong danh sách những hòn đảo đẹp nhất tại Việt Nam nhờ cảnh...