Đảo chính khiến các nước châu Phi thiệt hại nặng nề về kinh tế
Các quốc gia châu Phi trải qua đảo chính đều chịu thiệt hại lớn về kinh tế, khiến các nhà đầu tư e ngại.
Tướng Brice Oligui Nguema tuyên thệ nhậm chức “Tổng thống chuyển tiếp” ở Gabon. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters ngày 21/9, khi Gabon xảy ra đảo chính vào tháng trước, quốc gia này trở thành nước thứ 8 có lãnh đạo quân sự nắm quyền lực bằng vũ lực ở châu Phi từ năm 2020.
Vụ đảo chính không chỉ khiến trái phiếu của Gabon sụt giảm 10% giá trị mà còn ảnh hưởng đến trái phiếu của một số quốc gia khác như Cameroon, trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng xu hướng này lan rộng ở châu Phi.
Ngoài những thứ đã làm các nhà đầu tư nản lòng như làn sóng khủng hoảng nợ, căng thẳng địa chính trị và tình trạng dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước biến đổi khí hậu, xu hướng đảo chính là một mối quan ngại nữa khiến họ ngại bỏ tiền vào châu Phi.
Ông Sergey Dergachev, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty Union Investment cho biết: “Gần như tất cả các thị trường trong khu vực đó đang phải trả giá khi chi phí nợ gia tăng”.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 7 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy chi phí đã tăng lên như thế nào. Ước tính cuộc đảo chính ở Guinea năm 2008 và cuộc đảo chính ở Mali năm 2012 đã gây thiệt hại tổng cộng 12 – 13,5 tỷ USD cho nền kinh tế của hai nước này trong khoảng thời gian 5 năm. Nghiên cứu cho biết con số này tương đương 76% tổng sản phẩm quốc nội năm 2008 của Guinea và gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội năm 2012 của Mali.
Đã có nhiều cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính trong những thập kỷ gần đây trên khắp thế giới, như ở Thái Lan, Ecuador, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà đầu tư ở những thị trường đó đều phản ứng theo phản xạ: bán trước, nghĩ sau.
Cuộc đảo chính ở Gabon không chỉ làm tổn hại đến trái phiếu của nước này mà còn tăng phí bảo hiểm lãi suất. Đây là là khoản bồi thường mà nhà đầu tư yêu cầu để đổi lấy việc chấp nhận rủi ro lãi suất khi nắm giữ trái phiếu thuộc chỉ số châu Phi Nexgem của ngân hàng JP Morgan.
Video đang HOT
Cameroon đặc biệt nhạy cảm. Trái phiếu của nước này đã mất giá nhiều hơn trái phiếu của Gabon kể từ cuộc đảo chính ở Gabon. Tổng thống Cameroon Paul Biya đã cầm quyền hơn 40 năm.
Senegal cũng trong tình huống tương tự khi mà Tổng thống Macky Sall gần đây đã loại trừ khả năng tranh cử nhiệm kỳ thứ ba sau tình trạng bất ổn bạo lực.
Trong khi đó, Cộng hòa Congo đã phải dập tắt những tin đồn cuối tuần qua về một cuộc lật đổ trong khi Tổng thống cầm quyền 38 năm Denis Sassou Nguesso đang ở New York dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ông Eamon Aghdasi, nhà phân tích tại công ty đầu tư GMO, nhận định: “Chắc chắn hiện có rất nhiều người chú ý về chủ đề đảo chính. Là người nắm giữ trái phiếu, trường hợp xấu nhất với họ là chính phủ mới xuất hiện và từ chối trả khoản nợ của chính phủ trước đó”.
Ông Mohamed Toumba (thứ 3, phải), thành viên chính quyền quân sự Niger tự xưng – Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc (CNSP) – dự cuộc mít tinh của những người ủng hộ tại Niamey ngày 6/8. Ảnh: AA/TTXVN
Không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo mới của Gabon sẽ từ chối thanh toán nợ nần, mặc dù thanh toán trái phiếu đang gặp khó khăn ở những nơi khác, ví dụ như Niger.
Xếp hạng tín nhiệm cũng thường bị ảnh hưởng. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch và Moody’s đã đưa Gabon vào tình trạng cảnh báo hạ mức tín nhiệm sau vụ đảo chính ngày 30/8. Các cơ quan này đã hạ mức xếp hạng của Burkina Faso, Mali và Niger.
Nhà phân tích Ravi Bhatia tại S&P Global cho biết: “Các cuộc đảo chính nói chung ở châu Phi hay ở nơi khác có thể gây ra vấn đề cho quá trình thanh toán nợ nần một phần vì khả năng bị trừng phạt”.
Gabon vẫn chưa phải đối mặt với các loại lệnh trừng phạt mà Mali, Guinea, Burkina Faso và Niger đã phải chịu.
Moody’s nói rằng giá dầu gia tăng nên đã hoãn hạ bậc tín nhiệm của Gabon. Ngoài ra, Gabon là thành viên liên minh tiền tệ Trung Phi (CFA franc) nên nước này được bảo vệ trước biến động tiền tệ.
Một số nhà phân tích cho rằng phí bảo hiểm trái phiếu của Gabon đã giảm bớt phần nào kể từ cơn hoảng loạn ban đầu của các nhà đầu tư và có thể phục hồi hoàn toàn nếu nước này thực hiện đợt thanh toán đúng hạn trái phiếu vào tháng tới.
Tuy nhiên, nhìn chung, mối lo ngại về châu Phi vẫn còn. Chỉ số thành bại của các quốc gia (Fragile States Index) năm nay do Quỹ Hòa bình công bố đã đánh giá 46 quốc gia châu Phi là không ổn định.
Ngay cả ở Kenya, một nền dân chủ vững chắc, các nhà đầu tư cũng cảnh báo rằng tâm lý lo ngại rủi ro chung có thể đẩy chi phí phát hành trái phiếu mới lên cao.
Chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp triển khai lực lượng chuẩn bị 'can thiệp'
Mối quan hệ với Pháp đã xuống cấp sau khi Paris đứng về phía Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum sau cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng 7 vừa qua.
Những người tụ tập ở thủ đô Niamey của Niger xung quanh một căn cứ quân sự có lính Pháp ở để yêu cầu họ rời đi. Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP ngày 10/9, các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đã cáo buộc Pháp đang "tập hợp lực lượng, trang thiết bị quân sự" ở một số quốc gia Tây Phi láng giềng nhằm "can thiệp quân sự".
Mối quan hệ với Pháp đã xuống cấp sau khi Paris đứng về phía Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum sau cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng 7 vừa qua.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự mới ở Niger, Đại tá Amadou Abdramane cho biết: "Pháp tiếp tục triển khai lực lượng của mình tại một số quốc gia ECOWAS (Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi) như một phần của quá trình chuẩn bị cho một cuộc can thiệp vào Niger mà nước này đang lên kế hoạch với sự cộng tác của ECOWAS".
Niger cũng đang rơi vào thế bế tắc với khối Tây Phi ECOWAS, vốn đe dọa can thiệp quân sự nếu áp lực ngoại giao nhằm đưa Tổng thống bị lật đổ Bazoum trở lại vị trí không thành công.
Trong tuyên bố của mình, ông Abdramane lưu ý rằng Pháp đã triển khai máy bay quân sự, trực thăng và 40 xe bọc thép tới Bờ Biển Ngà và Benin.
Ông Abdramane nói thêm: "Một lượng lớn trang thiết bị quân sự đã được bốc dỡ từ máy bay chở hàng quân sự ở Senegal, Bờ Biển Ngà và Benin".
Trước đó ngày 3/8, những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đã từ bỏ một số thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, quốc gia có khoảng 1.500 binh sĩ đồn trú tại nước này như một phần của cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại các chiến binh thánh chiến.
Những người ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger phản đối sự hiện diện quân sự của Pháp tại nước này.
Paris, vốn từ chối công nhận chính quyền quân sự mới ở Niger, không coi những người tiến hành lật đổ tổng thống là một bên tham gia các thỏa thuận hợp tác đó.
Trong khi đó, chính quyền quân sự mới vẫn cho rằng lực lượng của Pháp hiện đang đóng quân "bất hợp pháp" ở Niger.
Hôm 5/9, một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp nói với AFP rằng quân đội Pháp đang đàm phán với chính quyền quân sự về việc rút hiện diện của họ ở Niger, xác nhận những bình luận được đưa ra 1 ngày trước đó bởi Thủ tướng được bổ nhiệm bởi chính phủ mới Niger Ali Mahaman Lamine Zeine.
Mỗi ngày trong hơn một tuần, hàng nghìn người đã tụ tập ở thủ đô Niamey của Niger xung quanh một căn cứ quân sự có lính Pháp ở để yêu cầu họ rời đi.
Lầu Năm Góc cho biết trong tuần này rằng Mỹ, quốc gia có khoảng 1.100 binh sĩ ở Niger, đã bắt đầu di dời lực lượng của mình "để phòng ngừa" từ Niamey đến thành phố miền trung Agadez.
Thực hư thông tin Niger yêu cầu Đại sứ Mỹ rời đi trong 48 giờ Tân Đại sứ Mỹ tại Niger mới đến Niamey hồi đầu tháng, nhưng đã có thông tin nói rằng chính quyền quân sự ở Niger đã yêu cầu bà Kathleen Fitzgibbons rời nước này trong vòng 48 giờ. Tân Đại sứ Mỹ tại Niger, bà Kathleen Fitzgibbons. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Niger Hãng tin Reuters dẫn lời một phát ngôn viên...