Đảo Bé (Lý Sơn) – một địa chỉ du lịch hấp dẫn
Đảo Bé, còn gọi là xã An Bình, là một trong 3 xã của huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nằm cách đảo Lý Sơn khoảng 3,5 hải lý.
Đảo Bé chỉ có diện tích khoảng 69ha, có 112 hộ với 502 nhân khẩu hiện đang sinh sống. Người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, sản xuất chủ yếu là hành tỏi, một số làm nghề biển.
Mở tuyến giao thông với đảo Lớn
Một vài năm gần đây, đảo Bé đã trở thành địa chỉ hấp dẫn của du khách mỗi khi đến với huyện đảo Lý Sơn. Trung bình mỗi năm, đảo Bé đón cả ngàn lượt khách đến thăm. Ttrước đây để đến với đảo Bé, du khách phải thuê thuyền nhỏ của ngư dân chạy từ đảo Lớn qua.
Tuy nhiên, phương tiện thuyền của ngư dân nhỏ, hệ thống phao cứu sinh hầu như không có, nên tính an toàn không cao. Trước thực trạng trên, lãnh đạo huyện Lý Sơn đã kiến nghị mở tuyến giao thông từ đảo Lớn qua đảo Bé, nhằm phát triển tuyến du lịch hấp dẫn này.
Và rồi cuối cùng, tuyến giao thông thủy nội địa nối giữa đảo Lớn với đảo Bé đã chính thức được đưa vào khai thác vào tháng 3 vừa qua với tổng chiều dài hơn 3 hải lý và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi. Tuyến giao thông thủy nội địa nối đảo Lớn với đảo Bé không chỉ tạo điều kiện cho người dân qua lại đảo Bé được thuận tiện, mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của xã đảo, đặc biệt là phát triển du lịch.
Video đang HOT
Ông Phan Đình Phương – Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, từ ngày tuyến giao thông nội địa giữa đảo Lớn với đảo Bé chính thức được đưa vào khai thác, người dân trên đảo rất phấn khởi, bởi việc đi lại của người dân với đảo Lớn được thuận lợi, mà lượng du khách đến với đảo Bé ngày càng đông.
“Ngoài sự cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, khi đến với đảo Bé, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản biển mà chỉ ở đảo mới có, do chính tay người dân chế biến. Đêm đến, du khách có thể đi soi và bắt cá với người dân, thậm chí có thể ăn ở cùng với người dân trên đảo. Đây là đều mà nhiều du khách rất thích khi đến với đảo Bé” – Ông Phan Đình Phương nói.
Hiện trung bình mỗi ngày, trên tuyến giao thông giữa đảo Lớn với đảo Bé, có từ 1-2 chuyến tàu chở khách qua lại. Tuy nhiên, theo nhiều du khách thì hiện phương tiện vận chuyển tuyến nội địa này vẫn còn nhỏ, nên ngoài việc khó đáp ứng nhu cầu chở một lượng khách lớn thì tính an toàn của phương tiện cũng chưa cao, nhất là những khi trời hơi có gió. Vì vậy, người dân trên đảo cũng như du khách mong muốn tỉnh đầu tư một phương tiện vận chuyển đạt tiêu chuẩn cho tuyến giao thông nội địa này, không những để việc đi lại của du khách và người dân địa phương được an toàn và thuận lợi, qua đó góp phần phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng cho xã đảo.
Hạ tầng được đầu tư
Trước đây, khi nói đến đảo Bé nhiều người liên tưởng đến một đảo khó khăn thiếu thốn, hạ tầng hầu như không có gì… Thế nhưng, hiện nay đảo Bé đã khác rất nhiều. Hệ thống đường giao thông trong xã cơ bản đã được bê tông hóa.
Cái khó nhất của đảo bao đời nay là nước sinh hoạt thì nay, thực trạng này đã không còn. Nước sinh hoạt của người dân trên đảo đã được đưa tới tận nhà, điều mà trước đây, người dân trên đảo không thể nào nghĩ đến. Đó là nhờ vào dự án Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt do Doosan Vina tài trợ không hoàn lại cho đảo Bé, chính thức đi vào hoạt động ngày 31.8.2012, có công suất thiết kế 200m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngọt cho hơn 500 người trên đảo. Đơn vị này cũng tài trợ không hoàn lại 2 máy phát điện, đáp ứng nhu cầu vận hành hệ thống xử lý nước và thắp sáng cho hơn 12 hộ dân ở địa phương.
Ông Phan Đình Phương – Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, nước ngọt và điện là điều người dân luôn mơ ước bao đời nay, giờ đây, ước mơ đã thành hiện thực. Có điện, có nước, đời sống người dân trên đảo được nâng lên, không chỉ vậy, đây là điều kiện để xã đảo phát triển mạnh du lịch. Hiện người dân trên đảo cũng đã đầu tư xây dựng một nhà nghỉ, tạo điều kiện cho du khách tham quan có nơi ăn nghỉ khi đến với đảo.
Không chỉ vậy, thời gian gần đây, hạ tầng giao thông trên xã đảo cũng được đầu tư mạnh. Phần lớn các tuyến đường giao thông trong xã đã được bê tông. Hiện tại, huyện Lý Sơn cũng đang có văn bản đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ để xây hồ chứa nước có dung tích 3.000 mét khối tại đảo Bé để phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương.
Theo lamdeponline
Phát hiện vòm đá nham thạch dưới đáy biển Lý Sơn
"Hàng chục năm tiến hành khảo sát nhiều vùng biển đảo trong cả nước, chưa bao giờ chúng tôi thấy vòm đá nào kỳ vĩ và đẹp như vậy"
Sau khi lặn khảo sát đáy biển tại đảo Bé (xã đảo An Bình), các chuyên gia khảo cổ và tốp thợ lặn đã phát hiện vòm đá này có hình dạng uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20 m. Tính từ đáy biển lên, nơi cao nhất của mái vòm khoảng 5m.
"Đây là kiệt tác hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển Lý Sơn. Vòm đá này giống hệt di tích Cổng Tò vò trên cạn ở thôn Tây, xã An Vĩnh (đảo Lớn) nhưng chiều dài và kích cỡ của vòm đá này thì lớn gấp nhiều lần", ông Đoàn Xum, Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương, xác nhận ngày 13/10.
Vách núi đá và Cổng Tò vò được hình thành bằng đá nham thạch trên đảo Lý Sơn.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, nhiều khả năng đây là dấu tích từ hoạt động phun trào núi lửa hàng triệu năm trước. Khi nham thạch gặp nước biển thì nó đông cứng lại, tạo nên vòm đá kỳ vĩ như Cổng Tò vò hiện có trên đảo Lý Sơn.
Trao đổi với phóng viên Zing.vn, ngày 13/10, ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, việc phát hiện vòm đá khổng lồ là cơ hội lớn để Lý Sơn phát triển du lịch sinh thái gắn với lặn biển, khám phá lòng đại dương.
"Lý Sơn có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú gồm những dấu tích như lòng chảo núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền cùng hệ thống hang động, các vách đá hình thành từ nham thạch núi lửa cả trên bờ lẫn dưới nước tạo thành chuỗi di sản thiên nhiên hiếm có. Vòm đá này sẽ được bảo tồn để phục vụ phát triển du lịch vùng biển đảo Lý Sơn trong thời gian tới", ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ, đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay từ 250 đến 300 triệu năm. Ngoài di sản thiên nhiên trên bờ và dưới nước, vùng biển đảo Lý Sơn có hệ sinh thái phong phú gồm 700 loài động, thực vật với gần 140 loài rong biển,160 loài san hô, hơn 300 loài cá rạn, 100 loài giáp xác và một số loài khác phong phú, đa dạng về chủng loại.
Theo Zing
Vẻ đẹp lãng mạn tại biển đảo Lý Sơn Được ví như "đảo tiên" giữa biển, bao la với làn nước xanh màu ngọc bích, đảo Lý Sơn không chỉ làm mê đắm lòng người mà còn thích hợp cho những ai yêu thích lặn biển. Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gồm 3 hòn đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù...