Đánh thuế vì ai?
Với đề xuất đánh thuế ngay từ căn nhà đầu tiên có giá trên 700 triệu đồng, bộ Tài chính đang xây dựng một chính sách thuế vì ai hay chỉ nhằm tận thu sức dân, nhất là những người thu nhập thấp và khoả lấp những yếu kém trong quản lý của mình?
Dự thảo Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính đưa ra với 2 phương án trong đó phương án 1 là thu thuế tài sản đối với nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ và phương án 2 chỉ tính thuế với nhà ở. Dự kiến, mức thuế 0,4% sẽ được áp dụng đối với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng. Với mức thuế này, dự kiến sẽ mang lại cho ngân sách khoảng 31.000 tỷ đồng. Đây quả thực là một con số nhiều ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách đang hụt thu nghiêm trọng do thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng buộc phải về 0% theo cam kết.
Nếu dự luật được thông qua, người sở hữu nhà trị giá 2,4 tỷ đồng sẽ phải đóng tới 6,8 triệu đồng thuế tài sản hàng năm sau khi trừ đi 700 triệu giá trị căn nhà. Còn nếu căn nhà có giá 5 tỷ đồng, số tiền thuế phải đóng sẽ lên tới 17,2 triệu đồng/năm…
Dự án Luật thuế tài sản với đề xuất đánh thuế với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ là kiểu tận thu quá mức chịu đựng của không ít người dân (Ảnh: IT)
Nhiều người đặt giả thiết, nếu chính sách thuế được áp dụng, người dân có thể lách luật bằng cách khai thấp giá trị căn nhà mình sở hữu. Nhưng điều đó là bất khả thi, khi chính ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định “cách đánh thuế này kiểm soát vừa đơn giản, vừa thuận tiện bởi giá trị nhà xác định theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng”.
Ai cũng biết, bất động sản ở Hà Nội và TP. HCM giá cả vô cùng đắt đỏ. Một căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp trung bình giá cũng trên dưới 1 tỷ đồng và thông thường ở rất xa trung tâm, số lượng dự án có hạn. Nếu dự thảo luật thuế tài sản được thông qua, cơ hội có một căn nhà để an cư lạc nghiệp với nhiều người càng trở nên xa vời hơn nữa.
“Tại sao bộ Tài chính lại không bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi” – tôi đã đặt câu hỏi này với một chuyên gia kinh tế và nhận được câu trả lời rằng “đây là việc bất khả thi tại Việt Nam, bởi nếu đánh thuế như vậy, người dân sẽ nhờ vợ, con, họ hàng đứng tên và ngân sách sẽ thất thu”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc đánh thuế từ mức 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng chỉ là kỹ thuật và ủng hộ việc có Luật thuế tài sản để đảm bảo công bằng, người giàu phải nộp thuế nhiều hơn người nghèo.
Nhưng với cách đánh thuế theo dự thảo Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, liệu đã đảm bảo công bằng với người thu nhập thấp? Làm sao để có thể đảm bảo người giàu sẽ phải nộp thuế nhiều hơn người nghèo như chuyên gia kia nói?
Thời gian qua, Bộ tài chính liên tục đề xuất tăng thuế như thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu tăng (mà phần nhiều phần thu được lại không chi cho môi trường), mở ra hàng loạt trạm thu phí, tăng phí trông, giữ xe, thuế sở hữu ô tô có trị giá trên 1 tỷ, rồi đặt vấn đề mở casino, đặt lại vấn đề mại dâm có phải là một nghề để thu thuế… Đương nhiên, phần đa trong số đó mới chỉ là đề xuất và việc có triển khai hay không vẫn sẽ cần thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế không ít khó khăn, tư duy đánh thuế theo kiểu “không chừa thứ gì” thường dễ gây tâm lý hoang mang, tạo ra những phản ứng dây chuyền.
Việc tăng thu là cần thiết, nhưng thu như thế nào, mức thu bao nhiêu lại phải tính toán cho hợp lý, nhất là phải cơ cấu lại nguồn thu, chi của ngân sách sao cho hợp lý, đảm bảo quyền lợi của dân.
Người dân đang cảm thấy bất công khi mình phải còng lưng gánh thuế trong khi hàng loạt dự án nghìn tỷ sử dụng ngân sách để đầu tư đang đắp chiếu cứ mãi loay hoay tìm cách thu hồi; rồi bộ máy hành chính cồng kềnh, thực hiện tinh giảm chưa hiệu quả khiến ngân sách vẫn phải dành hàng nghìn tỷ để trả lương mỗi tháng; Rồi những dự án tượng đài, cổng chào trị giá hàng nghìn tỷ… vẫn được các tỉnh, địa phương triển khai từ nguồn ngân sách một cách lãng phí…
Video đang HOT
Cũng xin nói thêm, người mua nhà hiện nay đa phần đều phải nộp một khoản tiền chênh cho chủ đầu tư hoặc ngân hàng bảo lãnh dự án, ngoài giá trị hợp đồng đã được hai bên ký kết. Mức nộp tuỳ từng quy định của chủ đầu tư, thấp thì 100 triệu, cao có khi lên tới cả vài tỷ đồng.
Đây là khoản tiền mà nhiều chủ đầu tư lách, không hạch toán vào lợi nhuận nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (theo quy định hiện nay là 22%/năm). Bộ tài chính nếu phối hợp tốt với bộ Xây dựng có thể không bị thất thoát một khoản thu lớn cho ngân sách từ hoạt động kinh doanh của nhiều ông chủ bất động sản.
Nói vậy để thấy, không thể cứ thiếu hụt ngân sách lại đè dân ra để đánh thuế. Người dân không thể là đối tượng chịu trách nhiệm, hậu quả của sự quản lý yếu kém của cơ quan quản lý.
Hiến pháp 2013 quy định “công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” và dự án Luật thuế tài sản với đề xuất đánh thuế với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ là kiểu tận thu quá mức chịu đựng của không ít người dân.
Tất nhiên, Luật thuế tài sản vẫn chỉ mới là dự thảo được đưa ra lấy ý kiến và chắc chắn còn nhiều lần điều chỉnh trước khi ban hành. Nhưng dù với lý do gì, chính sách được xây dựng và ban hành cũng phải dựa trên thực tiễn, phải vì lợi ích của nhân dân. Hãy khoan thư sức dân thay vì ban hành một chính sách thuế nhằm triệt tiêu sự phát triển, khỏa lấp phần nào sự yếu kém trong công tác quản lý của mình, thưa Bộ Tài chính.
Theo Danviet
Đánh thuế 45% tài sản "bất minh": Khoác áo "hợp pháp" cho tài sản tham nhũng?
Việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức liệu có khoác cho tài sản tham nhũng một cái áo "hợp pháp"? TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt về vấn đề này.
TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với "Góc nhìn chuyên gia" ung quanh quy định truy thu 45% tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức vừa được bổ sung tại dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Chính phủ vừa đề xuất đưa quy định truy thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Dư luận đang rất băn khoăn về căn cứ để đưa ra đề xuất nói trên. Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về điều này?
- Có thể thấy, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức.
TS. Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: LU)
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cuối năm 2017 vừa qua, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen.
Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn "vướng ngang, vướng dọc". Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện, thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần.
Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có "tài sản khủng" thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể.
Có thể xuất phát từ quan điểm "phải có quy định nào đó để thu hồi được càng nhiều càng tốt" nên đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, với quy định này, việc chống tham nhũng sẽ "nửa vời" khi Luật đã mặc nhiên thừa nhận "tài sản kê khai không trung thực" - tài sản bất minh là hợp pháp, chỉ bị truy thu thuế?
- Tôi cho rằng việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là "đóng dấu" hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu.
Nếu việc đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.
Xét về bản chất, việc kê khai không trung thực có thể có hai khả năng: Khả năng thứ nhất, là người kê khai muốn che dấu thu nhập, tài sản để không làm gia tăng trong hồ sơ của mình, nhằm né tránh sự soi xét khi có cơ hội thăng tiến; hoặc cũng có thể thu nhập, tài sản ấy chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, hay chưa đóng thuế. Khả năng thứ hai là che dấu thu nhập, tài sản ấy vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật mà chưa bị phát hiện.
Rõ ràng, nếu có đủ căn cứ xác định bản chất của việc kê khai như trên, với khả năng thứ nhất thì việc truy thu thuế (chứ không nên đánh thuế như đề xuất 45%) là hoàn toàn đúng và có thể xử lý kỷ luật hành chính vì hành vi thiếu trung thực.
Khả năng thứ hai, việc đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.
Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.
Như vậy quy định truy thu thuế 45% với tài sản, thu nhập bất minh là chưa thấu tình đạt lý, không thực sự hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự gian dối trong kê khai tài sản cán bộ, công chức, thưa ông?
- Việc đánh thuế có thể được coi là một biện pháp khả thi và cũng có thể coi đây là một sắc thuế "đặc biệt". Chúng ta hãy cứ tạm coi đó là khoản thu nhập người ta giấu mà về nguyên tắc là phải kê khai thu nhập, nộp thuế nay phát hiện ra thì phải truy thu.
Biệt phủ xây dựng không phép của Ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái (Ảnh: N.Minh)
Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn về mức thuế suất 45% đánh trên tài sản, bởi chưa biết họ dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức thuế đó. Nếu là thuế suất thì phải có mặt bằng chung, theo luật thuế. Nếu là thuế suất đặc biệt thì phải chỉ rõ cơ sở nào, văn bản nào điều chỉnh. Còn nếu xử phạt thì phải có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Bên cạnh đó cũng cần đặt ra vấn đề: liệu có sự đồng nhất giữa tài sản có được hợp pháp với tài sản tham nhũng hoặc tài sản có được do tham nhũng hay không? Phải chăng tài sản không kê khai, chưa kê khai, không giải trình được đều bị coi là thu nhập bất hợp pháp? Cơ quan nào xác định yếu tố pháp lý của tài sản, do tòa án hay cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng? Và phương pháp nào để xác định đúng bản chất?
- Liệu có thể tịch thu tài sản không giải trình được để nộp vào ngân sách hay không? Ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đi kiện đòi tài sản tham nhũng cho Nhà nước và sử dụng cơ chế nào để xử lý tài sản, thu hồi tài sản? Còn đánh thuế tài sản và mức thuế đó đã phù hợp với bối cảnh phòng chống tham nhũng hay chưa, đều là những vấn đề cần một sự giải thích toàn diện, khoa học và thuyết phục.
Như ông nói, lỗ hổng lớn nhất của Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay vẫn là chưa có được công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, nhất là thu hồi được tài sản của những người tham nhũng. Dưới góc độ của một người làm Luật, ông thấy cần phải bổ sung quy định nào để khắc phục được hạn chế này?
- Đương nhiên chúng ta không nên quá kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng sẽ giải quyết được mọi thứ, vì đây chỉ là luật khung. Bên cạnh đó còn nhiều luật rất quan trọng khác như luật thuế, đề án không sử dụng tiền mặt, các đạo luật liên quan đến cơ chế phát hiện và xử lý như thanh tra, kiểm toán, điều tra, rồi các cơ chế phát huy vai trò giám sát của người dân, cơ quan báo chí và xã hội... Do đó, việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập không kê khai hoặc giải trình không hợp lý cũng chỉ là một biện pháp phòng ngừa, răn đe mà thôi, còn cái gốc của nó là chúng ta phải quản lý được nguồn thu nhập.
Tôi cho rằng, căn bản nhất phải có quy định rõ hơn về kê khai tài sản. Năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là một quy định rất quan trọng, đảm bảo tính công khai minh bạch, là cơ sở để cho dân có thể giám sát được tài sản quan chức.
Mặt khác, không thể không nói đến vai trò của truyền thông và mạng xã hội. Những vụ việc kê khai thu nhập, tài sản bị phát hiện trong thời gian qua chủ yếu được thực hiện ở kênh thông tin này.
Thực tế, để kiểm tra thì một phần dựa trên kê khai của đối tượng chịu sự kiểm tra, nhưng quan trọng hơn là phải dựa vào nhân dân, báo chí để làm rõ.
Có những khối tài sản chuyển dịch sang con cái, bố mẹ, anh em mà không làm rõ nguồn gốc thì làm sao mà xử lý được. Bố làm quan chức, con mới đi học nước ngoài về thời gian ngắn đã sở hữu biệt thự tiền tỉ, xe sang... thì những tài sản ấy ở đâu ra?
- Nếu không có các biện pháp buộc giải trình nguồn gốc tài sản và xử lý tài sản không giải trình rõ được nguồn gốc thì đúng là còn băn khoăn về hiệu quả của việc giám sát, kiểm soát tài sản.
Chính vì vậy, chúng ta vừa trông đợi Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật vừa trông đợi vào tính hiệu quả của các biện pháp mạnh của Đảng.
Tôi ủng hộ việc Đảng ta áp dụng các biện pháp đặc biệt, mạnh tay trừng trị nghiêm khắc quan tham. Trước hết, cần tập trung làm rõ một số vụ việc, một số nhân vật mà dư luận, nhân dân đặt nghi vấn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Tăng thuế VAT: "Ông làm tài chính mà nói vậy nghe buồn cười quá" "Lấy ví dụ một người nghèo mỗi tháng có 3 triệu đồng thì phải bỏ 50% chịu thuế VAT, tức 1,5 triệu đồng mà chỉ cần nhân 2% thì mất thêm 30 nghìn đồng. Đối với một người nghèo như thế là rất đáng kể", chuyên gia kinh tế bình luận. Liên quan tới đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT)...