Đánh thức khởi nghiệp tuổi trẻ xứ dừa
Từ chính mảnh đất quê mình, nhiều bạn trẻ xứ dừa Bến Tre đang từng ngày viết nên câu chuyện lập nghiệp và làm giàu cho mình, cho bạn bè và cho quê hương.
Từ niềm đam mê, anh Trần Quyền Vũ đã khởi nghiệp và làm giàu với vườn bonsai – Ảnh: Q.L.
Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp Bến Tre” ra đời như tiếp thêm đôi cánh cho ước mơ đổi đời của bao khát vọng làm giàu, bước ra từ gian khó.
Đứng vững trên đôi chân mình
Chúng tôi men theo con đường tìm về vườn bonsai Út Vũ ở ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách.
Chủ vườn Trần Quyền Vũ (Út Vũ) mấy năm trở lại đây được nhắc đến là tác giả của nhiều chậu bonsai có dáng độc của cây linh sam, loại cây kiểng cho hoa tím phù hợp tạo dáng bonsai và rất được thị trường ưa chuộng.
Khu vườn cả ngàn mét vuông rợp một màu xanh linh sam. Vũ cung cấp cả cây giống, chiết cành lẫn chọn các thế cây lạ để dưỡng, tạo dáng cho khách chơi bonsai không tiếc tiền.
Út Vũ mê cây kiểng từ nhỏ, từng xin theo các nghệ nhân chăm sóc cây kiểng không công để học lóm nghề. Từ chỗ chỉ bưng bê chậu, quan sát thao tác của nghệ nhân, đến khi thành thợ chính được trả công chăm sóc cây 250.000 đồng/ngày thì Vũ quyết định “ra riêng”.
“Mình có làm thêm nữa cũng mãi chỉ làm công, sao không phải tự mình làm chủ. Tôi nghĩ vậy nên quyết định lập nghiệp với bonsai” – Vũ kể.
Từ những gốc linh sam đầu tiên khó lắm mới tìm được, Út Vũ giờ có cả vườn bonsai, không chỉ linh sam mà còn có mai chiếu thủy, kim quýt, thủy tùng… và nhiều loại cây khác.
Còn tại ấp Thanh Xuân 2, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, anh Lê Hoàng Lam được xem như người mát tay với việc chăn nuôi. Bắt đầu từ vài con bò sữa, Lam có cách gầy dựng đàn bò “không giống ai”.
Khi bò cho sữa, do mới nuôi nên lượng sữa luôn dư vì anh không tìm được nơi tiêu thụ. Lam nghĩ ra cách mua heo con thừa từ đàn heo nái đẻ quá nhiều, heo mẹ không đủ sữa.
Cứ vậy, mỗi lứa anh nuôi chừng chục con heo thừa như thế bằng nguồn sữa bò dư mỗi ngày. Số tiền thu được sau khi heo thịt xuất chuồng, Lam mua thêm được một con bò sữa giống.
Video đang HOT
Hiện đàn bò nhà Lam có 17 con, lượng sữa thu được của bảy con mỗi ngày hơn 100 lít. Quy trình nuôi của gia đình Lam được xem là khép kín với thức ăn mua từ công ty, nguồn cỏ xanh tự trồng ở vườn nhà đảm bảo đủ cung cấp cho đàn bò hằng ngày.
Sữa bò thu được ngoài bán sữa tươi Lam còn tự làm yaourt bán tại nhà nên không còn tình trạng sữa bò dư.
“Vừa bán sữa tươi, ngày nào tui cũng làm cả ngàn hũ yaourt, vậy chứ gặp mùa đám tiệc người ta đặt không dám nhận vì không đủ hàng” – Lam khoe.
Anh Lê Hoàng Lam làm giàu cho mình và giúp bạn bè cùng làm giàu bằng khởi nghiệp với việc chăn nuôi bò sữa và dê – Ảnh: Q.L.
Cùng bạn làm giàu
Vài năm trở lại đây, Hoàng Lam còn nuôi thêm dê. Cả chục con dê nái thay phiên nhau đẻ, Lam cung cấp cả dê thịt lẫn dê giống ra thị trường.
Lam tính: “Tui vẫn nuôi bò sữa nhưng nuôi dê thấy ăn hơn. Công chăm sóc đỡ vất vả hơn nuôi bò mà lợi nhuận cao hơn do thời gian thu hồi vốn của dê nhanh hơn nuôi bò”.
Một tổ hợp tác chăn nuôi của xã với 18 thành viên trẻ mà Lam là một trong những người khởi xướng. Tổ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng, chia sẻ với nhau kinh nghiệm chọn con giống, cách chăm sóc, trị bệnh, tìm nguồn thức ăn giá cả hợp lý.
Bí thư Xã đoàn Thanh Tân Phan Chí Công kể: “Mình được anh Lam chỉ cho cách nuôi hơn một năm qua, cung cấp luôn con giống và đàn dê nhà mình hiện được chục con, chăm sóc cũng nhẹ nên vẫn đảm bảo thời gian tham gia hoạt động phong trào”.
Trong khi đó Út Vũ một mình làm không xuể nên phải thuê thêm mấy bạn thanh niên trong xã chăm sóc vườn linh sam để anh có thời gian chăm chút cho những tác phẩm bonsai nghệ thuật của mình.
“Có mấy bạn trẻ thấy tui làm được đến xin theo học nghề, tui sẵn sàng nhận, chỉ là làm việc này phải thiệt đam mê, sáng tạo mới bền được” – Vũ bộc bạch.
Bí thư Tỉnh đoàn – Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ tín hiệu vui khi đã xuất hiện những bạn trẻ quan tâm hơn đến việc tự làm chủ, luôn năng động, nghĩ cách làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho bạn bè.
Theo chị Nhung, hầu như mỗi huyện đều có những nhân tố trẻ dám tiên phong đi tìm cách làm mới từ thực tế cuộc sống đặt ra.
Như ở huyện Giồng Trôm có anh Trần Văn Lên với cơ sở sản xuất giỏ từ cọng dừa lúc cao điểm lên đến cả trăm nhân công cùng làm. Hay cơ sở sản xuất nước đóng chai của anh Long ở Ba Tri kịp thời giải quyết nhu cầu nước sạch cho bà con, nhất là trong đợt hạn, mặn vừa qua.
“Các cơ sở này đang xúc tiến thủ tục hình thành hợp tác xã, đăng ký lập doanh nghiệp để mở rộng quy mô hơn sắp tới” – chị Nhung thông tin.
“Đồng Khởi mới” phát triển kinh tế
Ba nội dung lớn trong chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp Bến Tre” gồm: Đồng Khởi khởi nghiệp, Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Đồng Khởi thoát nghèo.
Qua đó, truyền thông về khởi nghiệp, đào tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp làm giàu, thoát nghèo trong mọi người dân Bến Tre, trong đó thanh niên giữ vai trò tiên phong, không ngại thất bại.
“Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, không muốn chỉ là phong trào mà gầy dựng chương trình lâu dài, phát triển bền vững để mỗi thanh niên dám nghĩ dám làm, thoát nghèo và làm giàu cho mình, cho quê hương” – Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ
Đánh cược cơ nghiệp vào "con đặc sản"
Đến xã Sơn Đông, TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hỏi ông Tiến "con đặc sản" ai cũng biết, bởi lẽ ông đã bạo gan đi tiên phong nuôi con đặc sản ở vùng đất này và giúp đỡ nhiều hộ khác cùng làm giàu.
Khởi nghiệp nơi đất dữ
Thung lũng Quèn Thờ (nay là thôn 12 của xã Đông Sơn), gần 20 năm về trước vốn là vùng khó khăn, nghèo đói bậc nhất của tỉnh Ninh Bình. Hồi đó, nếu ai muốn vào được nơi ông Tiến làm trang trại bây giờ, phải vượt qua 5 - 6 thung lũng núi đá tai mèo sâu hun hút. Ông Tiến bảo: "Vào đến nơi không biết còn giữ nổi mạng không chứ chưa nói gì đến khai hoang phát triển kinh tế".
Đàn hươu của được ông Tiến nuôi trong thung lũng núi đá tai mèo tự nhiên luôn đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon nhất. Ảnh: Trần Quang
Đến giờ tìm vào trang trại của ông Tiến vẫn phải đi qua chừng đó thung lũng nhưng đường xá đã được mở rộng, bê tông hóa. Ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn bảo rằng, đó là cả một cuộc trường chinh gian khổ của chính quyền và người dân trong tỉnh đoàn kết mới giành được thắng lợi, giúp bà con thôn 12 có được "áo mới" như ngày hôm nay.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan trang trại, ông Tiến vừa kể về những gian nan đời mình. Quê ông ở Yên Thái (huyện Yên Mô). Năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê rồi lấy vợ. Ngày cưới, hai bên nội ngoại đều nghèo nên chẳng có gì cho con làm lưng vốn. Không cam chịu cảnh cả ngày vợ chồng làm quần quật vẫn không đủ ăn, ông Tiến quyết chọn hướng đi mới. Một lần về chơi với bạn ở Nghệ An, ông thấy bà con nuôi nhím, nai, hươu cho hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa, trở về ông bàn với vợ hướng đi mới mà quê ông chưa ai làm: Mở trang trại nuôi nhím, nai, hươu...
Được vợ ủng hộ, sau nhiều ngày tìm nơi dựng trang trại, ông quyết định vào Quèn Thờ - nơi núi bao quanh để chăn nuôi gia súc. Năm 1993, gia đình ông chuyển hẳn vào Quèn Thờ để sinh sống và xây dựng kinh tế.
Vào nơi ở mới, vợ chồng ông bắt tay vào khai hoang, trồng sắn. Vụ đầu tiên thu được 5 tấn sắn tươi, ông bán đi lấy tiền mua lợn về nuôi. Cứ thế, "lấy ngắn nuôi dài", có vốn ông về Nghệ An mua giống nhím, hươu... và học hỏi cách nuôi. "Thời gian đầu do chưa nắm được kỹ thuật nuôi, tôi liên tiếp thất bại. Tuy nhiên tôi không chùn bước mà vẫn kiên trì hướng đi đã chọn"- ông Tiến tâm sự.
Gán nhà vì thực phẩm sạch
"Thời buổi này làm ra sản phẩm sạch mới khó chứ làm gian dối, chụp giật thì dễ nhưng sớm muộn cũng bị khách hàng và thị trường sa thải. Trong thời thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, để phát triển chăn nuôi theo quy trình sạch sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi và bà con luôn cam kết, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ làm bằng cái tâm của mình vì cộng đồng". Ông Trịnh Văn Tiến
Hễ có thời gian, ông Tiến lại đi khắp các tỉnh miền Bắc, nơi nào có trang trại nuôi nhím, hươu, nai thành công là ông đến học hỏi, nghiên cứu rồi áp dụng các kiến thức học được vào trang trại của mình. Sau khi nuôi thành công đàn nhím, hươu, hai vợ chồng ông lại lặn lội khắp nơi để tiếp thị, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
"Thời gian đầu tôi cứ tưởng mình chăn nuôi con đặc sản sạch thì dễ bán, nhưng khi đi bán mới biết khổ cực như thế nào. Do là những con vật mới nuôi, chưa ai biết ăn nên mình không thể mang ra chợ bán được mà phải tìm đến các nhà hàng, đánh cược tiền, tài sản họ mới chịu mua. Thậm chí, có lần vợ chồng tôi mang thịt nhím, hươu đến tiếp thị còn bị chủ nhà hàng đuổi vì cho rằng bán thực phẩm lạ. Mỗi lần như thế, vợ tôi lại lo lắng khóc nhiều lắm, nhưng tôi vẫn động viên vợ và cố gắng ngược xuôi khắp nơi đi tìm cơ hội khác..." - ông Tiến ngậm ngùi kể.
Cuối năm 2000, trong một lần tiếp thị sản phẩm ở một nhà hàng trên địa bàn tỉnh, ông Tiến đã mạnh dạn đánh cược cả ngôi nhà đang ở của mình để lấy... lòng tin. Mọi sự cố gắng cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng khi một thời gian sau, nhím, hươi trong trang trại của ông liên tục được một số nhà hàng đón nhận và đặt hàng. Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh, vợ chồng ông Tiến còn nhận làm cỗ đám cưới ở trong và ngoài xã để tiếp thị thêm cho sản phẩm của mình. Biệt danh "Tiến con đặc sản" cũng nổi tiếng từ đó. "Chăn nuôi con đặc sản rất đặc biệt và cầu kỳ hơn nuôi những loài vật bình thường khác, bởi chúng chỉ ăn lá cây, uống nước suối sạch nên thịt rất thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm nên khách hàng rất ưa chuộng" - ông Tiến cho biết.
Kiếm tiền tỷ từ con đặc sản
Từ tay trắng, đến nay vợ chồng ông Tiến đã gây dựng được cơ nghiệp tiền tỷ. Ông cho biết hai vợ chồng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại theo hướng nông - lâm - thủy sản kết hợp kinh doanh. Hiện, vợ chồng ông đang sở hữu trang trại rộng tới 23ha, trong đó 15ha làm nông - lâm -thủy sản và 8ha làm vùng nguyên liệu thức ăn cho vật nuôi. Ông sẽ không dừng lại ở tiêu thụ trong nước mà sẽ xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Ông Tiến cho biết, hiện mỗi năm trang trại của ông bán ra thị trường hàng tạ nhung (giá trên dưới 1,5 triệu đồng/lạng) và hàng trăm con hươu giống, hươu thương phẩm với giá bình quân 200.000 đồng/kg (cân hơi), ngoài ra còn bán nhím, lợn rừng, cá sạch..., thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ sản xuất lớn nên trang trại của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong thôn với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Qua nhiều năm ấp ủ và khảo sát thị trường, hiện ông Tiến đang đầu tư nuôi thêm giống ngựa bạch nhằm cung cấp sản phẩm thịt và cao ngựa bạch cho khách hàng. "Ngựa bạch có thị trường rất tiềm năng, chỉ cần mình chăn nuôi, chế biến đúng kỹ thuật, theo quy trình sạch, an toàn sẽ phát triển rất tốt" - ông Tiến nói. Từ thành công của mình, ông vận động các hộ trong thôn mạnh dạn xây dựng trang trại nuôi con đặc sản và ông nhận bao tiêu thành phẩm. "Ai thiếu vốn, thiếu giống, chưa biết kỹ thuật, tôi sẵn sàng hỗ trợ. Ai nản chí, thất bại, tôi sẽ động viên họ làm thành công" - ông Tiến xởi lởi cho biết.
Theo ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, trang trại của ông Trịnh Văn Tiến đã được xã chọn làm mô hình điểm để nhân rộng, nhiều nông dân đã học theo và áp dụng thành công.
Với sự góp sức của ông Tiến, phong trào làm trang trại ở thôn 12 ngày càng phát triển. Nhờ đó, từ 100% số hộ trong thôn thuộc diện nghèo (năm 2000), nay giảm chỉ còn dưới 10%, nhiều nhà đã có của ăn của để. Với thành tích đặc biệt xuất sắc của mình, năm 2012, ông Tiến được T.Ư Hội ND Việt Nam vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV. Đầu năm 2012, ông Tiến được bà con thôn 12 tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội ND thôn 12 và đến giờ lại được bầu làm Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và tiêu thu cây, con đặc sản của xã.
Theo Danviet
Vua cá giòn thành tỷ phú ở tuổi 27 Sau 4 năm nuôi cá giòn, chàng trai Nguyễn Thế Phước, sinh năm 1989, ở Nam Sách, Hải Dương đã có thu nhập 6 - 7 tỷ đồng/năm. Từ bỏ công việc ổn định với mức lương cao nơi thành thị để về quê nuôi cá, chỉ sau 4 năm, chàng trai Nguyễn Thế Phước, sinh năm 1989 ở xã Nam Tân (Nam...