Danh thắng Tràng An – Nơi di sản hội tụ và tỏa sáng
Không những nổi bật bởi vẻ đẹp kỳ diệu, hùng vĩ của thiên nhiên, quần thể danh thắng Tràng An còn là nơi hội tụ những giá trị đặc biệt nhất mà không phải nơi nào cũng có được.
Thiên nhiên thật ưu ái khi ban tặng cho Ninh Bình một khu danh thắng tuyệt đẹp như Khu du lịch sinh thái Tràng An – nơi được ví như một Vịnh Hạ Long trên cạn, một bảo tàng địa chất ngoài trời với hệ thống hang động hết sức phong phú. Tháng 6/2014 Tràng An đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam.
Cảnh quan Tràng An có vẻ đẹp đặc biệt với từng dãy núi đá vôi hùng vĩ có góc thẳng đứng bao phủ bởi rừng cây uốn lượn, xung quanh là các thung lũng hẹp và những hẻm núi tạo thành một mạng lưới đường thủy kéo dài và vùng đồng bằng ngập nước.
Tràng An xưa kia là kinh đô của nhà nước phong kiến đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây được đánh giá là khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo vào loại quý hiếm trên thế giới. Với lối xây thành tận dụng lợi thế của thiên nhiên, lấy núi làm thành, lấy sông làm hào, nối những dãy đá vôi với nhau bằng các tường thành nhân tạo dựng nên một kinh đô, kinh thành vững chãi, một kinh đô đá độc đáo hiếm hoi khiến nhân loại phải thán phục. Hiện tại, tuy kinh thành Hoa Lư xưa không còn nữa, nhưng sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh, Lê và Lý như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, những dấu tích của thành Đông, thành Bắc, thành Dền, thành Nam… vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại.
Video đang HOT
Không chỉ có vậy, với hệ thống 48 hang động cùng nhiều tên gọi gắn với các câu chuyện như Hang Sinh, Hang Địa Linh, Hang Ba Giọt, Hang Nấu Rượu, Hang Quy Hậu… Tràng An hiện là danh thắng duy nhất của Việt Nam có nhiều hang động xuyên thủy… Cùng với hệ thống hang động là hơn 30 thung ngập nước. Mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, hữu tình.
Một điều thú vị khi du khách đặt chân tới nơi đây là sẽ được chiêm ngưỡng cây thị độc đáo mọc ở Phủ Khống thiêng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau 1.000 năm, cây thị khép tán giống hình con voi soi bóng xuống mặt hồ và bao trùm Phủ Khống cổ kính. Đặc biệt, trên cây thị này cho ra hai loại quả: quả tròn và quả dẹt trên cùng một cây. Cứ mỗi chớm thu, hương thị khi chín thơm nức cả một không gian rộng lớn.
Môi trường thiên nhiên nơi đây cũng rất đa dạng và hài hòa. Giữa phong cảnh núi non sông nước, rừng rậm bao phủ còn có khu vườn nhiều chim muông và thú quý. Đó chính là vườn chim Thung Nham với hệ sinh thái rừng ngập nước tự nhiên trên diện tích khoảng 334,2 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh và khoảng 46 loài chim, trong đó có một số loài được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ… Đây là vườn chim duy nhất tại Việt Nam “sở hữu” cây duối nghìn năm tuổi. Cây duối mọc ngay chính tại phiến đá vôi đồ sộ với nhiều tầng, tán lá. Du khách nào cũng phải trầm trồ về độ cổ kính và độc đáo của cây duối mọc giữa khu rừng này.
Trong quần thể danh thắng Tràng An còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ…các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng với thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. Đặc biệt là khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, đậm chất Á Đông. Chùa Bái Đính cũng là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và giữ nhiều kỷ lục Việt Nam.
Tham quan Hành cung Vũ Lâm Ninh Bình
Nằm trong khu vực Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình), di tích Hành cung Vũ Lâm là một điểm đến du lịch về nguồn hấp dẫn.
Đây là nơi các vua nhà Trần lập căn cứ địa để củng cố lực lượng, tích trữ lương thảo, rèn luyện binh khí và chờ cơ hội phản công chống giặc Nguyên Mông thế kỷ 13.
Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất, năm 1258, Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của Vương triều Trần đã nhường ngôi cho con và lui về làm Thượng Hoàng khi tuổi vừa tròn 40, một độ tuổi sung mãn nhất của cuộc đời. Ngài là người ưa Thần Phật, sùng Tiên Thánh, thích đi vân du để tìm vẻ đẹp của giang sơn đất nước, tìm nơi tĩnh lặng để tu thiền. Trên con đường phi mã thiên lý bắc - nam, khi đi qua đất Tràng An - Ninh Bình, nhìn về phía tây, ngài thấy dải Phi Vân Sơn hùng vĩ, núi đẹp tựa như những áng mây bay, ngọn nối ngọn trùng ngôi, phía dưới là sông ngòi uốn khúc, có nước bạc lấp lánh, phía trong có nham động, lại có các hang xuyên thủy nối liền. Thượng Hoàng đã cùng các thị thần xuống thuyền, lênh đênh trên sông nước thưởng ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình. Say đắm cảnh nước lạ, núi đẹp, ngài đã sai người đẵn gỗ, dựng am, tô tượng thờ Phật để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng Hành cung Vũ Lâm.
Cũng ngay thời điểm đó, Thượng Hoàng Trần Thái Tông đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực rừng núi Ninh Bình với hệ thống sông ngòi dày đặc liên thông với khu vực hành cung Thiên Trường - Nam Định. Hơn thế, với hệ thống núi đá vôi dày đặc, rừng cây rậm rạp dễ phòng thủ, khó tiến công, nơi này rõ ràng là một nơi đắc địa để xây dựng một căn cứ phòng thủ lâu dài, có thể dễ dàng rút quân từ Thăng Long và Thiên Trường về đây theo đường sông trong trường hợp bị truy kích. Địa thế hiểm trở với sông nước có thể dễ dàng khóa chân vó ngựa quân Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến trên những vùng thảo nguyên rộng lớn. Với tầm nhìn ấy của Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông, Hành cung Vũ Lâm đã không chỉ là nơi tu thiền mà còn là căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần, có thể tiến hành chiến đấu trong thời gian dài.
Theo lời tấu trình của danh sĩ Trương Hán Siêu, một môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là người Ninh Bình và có học vấn uyên thâm thời đó, các vua triều Trần đã cho chiêu mộ dân lưu tán, lập ấp, khai khẩn ruộng hoang và tiến hành sản xuất nông nghiệp, tích trữ lương thực, tôn tạo những nơi xung yếu của khu căn cứ dự bị chiến lược này, góp phần làm nên chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, quét sạch bóng dáng quân giặc ra khỏi bờ cõi Đại Việt.
Cũng trong thời gian này, các vua triều Trần còn cho xây dựng nhiều các công trình tôn giáo tại đây như chùa A Nậu, chùa Khai Phúc... Hành cung Vũ Lâm cũng là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thời gian vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294, trước khi ngài lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam.
Ngày nay, đến với Quần thể danh thắng Tràng An, du khách sẽ được ngồi trên các con thuyền truyền thống do chính người dân địa phương chèo lái, trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết, lộng lẫy của hang kỳ, đá lạ và trở về nét vàng son của lịch sử dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Sắc thu Tràng An (Ninh Bình) Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 100 km, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, là một điểm đến được nhiều người ưa thích. Tràng An trong tiết xuân có lễ hội tưng bừng, vào hạ có lúa chín rực rỡ, còn mùa thu lại mang đến những...