Danh thắng Hà Giang
Với nhiều người, Hà Giang để lại cảm xúc choáng ngợp bởi vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và những danh thắng nổi tiếng.
Dưới đây là một số điểm đến mà du khách không nên bỏ lỡ khi tới vùng đất địa đầu của Tổ quốc.
Núi đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ (hay núi đôi Cô Tiên, tiếng địa phương là “núm Riến”, nghĩa là “vú Tiên”) là nơi hai ngọn núi thấp đứng cạnh nhau thuộc thôn Nà Khoang (thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ). Ngọn núi này có độ cao 1.000m so với mực nước biển, nằm bên quốc lộ 4C, cách thành phố Hà Giang khoảng 46km.
Vẻ đẹp của núi Đôi gây ấn tượng bởi hai chóp núi hình bát úp, diện tích 3,6ha, chu vi 995,6m, có từ khoảng 1,6 – 2 triệu năm trước. Đây là biểu tượng của huyện Quản Bạ và Cao nguyên đá Đồng Văn, là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất.
Video đang HOT
Năm 2009, núi Đôi Quản Bạ được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia.
Hẻm vực Tu Sản nằm giữa hai vách núi trên sông Nho Quế, khu vực đèo Mã Pì Lèng, giữa hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Để đến được nơi này, du khách phải vượt qua cung đường dài 8km, độ dốc lớn với 47 khúc cua tay áo liên tiếp. Hẻm vực này được kiến tạo từ hàng triệu năm trước, khi Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn chìm dưới mặt biển.
Trong quá trình dịch chuyển của lục địa trên trái đất, cao nguyên này nhô lên hơn 2.000m so với mực nước biển; khi nước rút tạo thành hẻm vực Tu Sản với hai bên là vách núi thẳng đứng, cao tới 1.500m, dài 1,7km, sâu gần 1.000m. Dưới chân núi đá là những hốc đá, nhũ đá nhiều hình thù. Hẻm Tu Sản được xem là “đệ nhất hùng quan” và là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á.
Đèo Mã Pì Lèng
Nằm trên quốc lộ 4C (con đường Hạnh Phúc), thuộc ba xã: Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (huyện Mèo Vạc), đèo Mã Pì Lèng (tiếng Quan Hỏa nghĩa là “sống mũi ngựa”) nằm trong khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, có địa hình hiểm trở, cao khoảng 1.200 – 1.600m so với mực nước biển.
Đèo Mã Pì Lèng được xem là “nóc nhà” của Cao nguyên đá Đồng Văn và là một trong “tứ đại đỉnh đèo” (cùng với đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin) của vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Địa hình Mã Pì Lèng phức tạp, sườn núi dốc, vách dựng đứng được cấu tạo từ đá vôi. Từ đỉnh đèo có thể bao quát toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn với những dãy núi đá vôi trùng điệp dạng núi tháp hiếm gặp cùng hẻm vực Tu Sản và dòng sông Nho Quế uốn lượn qua khe núi hẹp. Trên đỉnh đèo đặt tấm bia tưởng niệm Thanh niên xung phong mở đường và xây dựng con đường Hạnh Phúc.
Đèo Mã Pì Lèng đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 2009.
Chậm trôi cùng Nặm Đăm
Đến thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) như đến với một thế giới khác.
Không gian sinh sống tách biệt, lọt thỏm trong những dãy núi cao. Đến nơi đây, tâm tưởng du khách chậm trôi theo nhịp sống, theo làn mây trong sáng sớm, trong chiều buông từ đỉnh núi tràn xuống bản làng.
Từ thành phố Hà Giang theo Quốc lộ 4C về hướng bắc khoảng 47 km là đến thôn Nặm Đăm. Trên hành trình, du khách khi đến địa điểm UBND xã Quản Bạ thì hỏi đường hoặc nhìn biển chỉ hướng đến thác Nai rồi rẽ vào cung đường này. Trên cung đường đến thác, bạn sẽ đi xuyên qua thôn Nặm Đăm và rồi chính phong cảnh của thôn, ruộng bậc thang, triền núi mướt xanh, ruộng rau cải cùng nhà trình tường của người Dao khiến bạn nảy ra ý định ở lại đây vài đêm để hưởng thụ khung cảnh thanh bình.
Xuất phát từ khung cảnh níu kéo đó cùng nhu cầu của khách muốn ở lại qua đêm, đầu tiên cả thôn chỉ có ba hộ gia đình mở homestay. Rồi với thời gian, khách du lịch đến đông hơn khiến nhiều gia đình khác cũng mở homestay cho khách có chỗ lưu trú.
Nhà trình tường có ưu điểm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Chị Phàn Thị Liên, một chủ homestay kể rằng, cuối năm 2018, UBND tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh du lịch hóa địa phương, khuyến khích sửa chữa lại nhà truyền thống để kinh doanh dịch vụ lưu trú nên chị Liên và chồng con được nhận hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà trình tường. Cứ như vậy, nhiều gia đình trong thôn đã đi theo con đường này, vừa làm ruộng, vừa làm du lịch và giữ gìn những nét văn hóa riêng của đồng bào.
Thôn Nặm Đăm vẫn bờ rào tre nứa xiêu vẹo, vẫn con đường đá sỏi xộc xệch lối đi nhưng đó là những thứ thân thiện, gần gũi. Đến Nặm Đăm, cảm giác như mình bị lọt vào lỗ sâu của trời, bị giới hạn trong không gian vây quanh bởi núi. Trong một ngày, nếu không nhìn thấy mây trôi ở đỉnh núi này thì lại nhìn thấy mây ở đỉnh núi kia. Cảm giác như mây cứ trườn trôi liên tục và "sợ" con người nên cứ "treo" tít trên đỉnh núi. Nhưng thỉnh thoảng mây cũng trườn qua chân người một cách vội vàng như "sợ" bị bắt lấy.
Đêm ở Nặm Đăm mát lạnh khiến khách dễ dàng ngủ quên trong tiếng ru của côn trùng. Đó là một giấc ngủ thật sâu trong bức tường dày, trong chăn nệm thổ cẩm ấm áp.
Ai lên Quản Bạ - Hà Giang? Mới đây, Nam Hưng và Lương Văn Lễ, hai cộng tác viên thân thiết của Bình Thuận cuối tuần đã có mặt tại Hà Giang - vùng địa đầu của Tổ quốc để viết những ký sự dài kỳ dành tặng bạn đọc. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Toàn cảnh thị trấn Tam Sơn.