Danh sách mất tích kéo dài của nhiều sếp lớn công ty Trung Quốc
Có đến 36 công ty Trung Quốc báo cáo cho biết giám đốc điều hành hoặc các sếp cấp cao trong doanh nghiệp họ biến mất từ tháng 1 đến tháng 9.2015.
Ảnh: Reuters
Theo trang Business Insider, hôm 30.12, CEO Chang Xiaobing của tập đoàn viễn thông nhà nước Trung Quốc Telecom, vừa từ chức sau khi là giám đốc điều hành gần đây nhất của nước này biến mất giữa đợt điều tra tham nhũng có quy mô trên toàn quốc của chính phủ.
Những tháng gần đây, nhiều sếp lớn trong các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang biến mất sau đợt lao dốc của thị trường chứng khoán nước này. Có đến 36 công ty báo cáo cho biết giám đốc, những người giữ chức vụ lớn trong doanh nghiệp họ đã biến mất từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, theo Bloomberg.
Tạp chí tài chính Kinh Tài hôm 27.12 cho hay Xiaobing đã “mất tích” và không thể liên lạc với CEO này qua điện thoại di động. Bài báo cho biết ông đã bị tạm giữ để được xem xét vấn đề kỷ luật nghiêm trọng”, đính kèm bức ảnh cho thấy văn phòng của ông đã bị niêm phong.
Ông Xiaobing không phải là người duy nhất gặp phải tình huống này. Dưới đây là danh sách những nhà quản lý cấp cao của các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang biến mất:
Tháng 12.2015, ông Guo Guangchang, 48 tuổi, người đứng đầu Fosun Group và được biết đến như là “Warren Buffett của Trung Quốc”, đã được thông báo là biến mất. Ông Guo có tài sản ước khoảng 6,9 tỉ USD. Doanh nghiệp đầu tư của ông, Fosun Group, sở hữu công ty nghỉ mát Club Med và hãng giải trí Cirque du Soleil. Guo Guangchang xuất hiện lại tại Mỹ một tuần sau khi được thông báo là biến mất.
Video đang HOT
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Guotai Junan International, ông Yim Fung, từng biến mất hồi tháng 11 năm ngoái. Cổ phiếu hãng Guotai lao dốc 12% khi thông tin này được công bố.
Hai giám đốc điều hành cấp cao, Chen Jun và Yan Jianlin của hãng môi giới chứng khoán Citic Securities, công ty đang ở trung tâm của cuộc điều tra về đợt lao dốc trong mùa hè năm qua của thị trường chứng khoán Trung Quốc, biến mất hồi tháng 11. Việc Chen Jun và Yan Jianlin dính líu vào cuộc điều tra này cũng kéo theo ít nhất 10 sếp trong hãng Citic Securities vào quá trình điều tra nhằm xác định nguyên nhân đợt sụt giảm thổi bay 5.000 tỉ USD giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Zhang Yun, một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn ở nước này, đã bị bắt giữ vào tháng 10.2015 trong một đợt điều tra tham nhũng. Ngân hàng trên được xếp hạng là ngân hàng lớn thứ ba thế giới, với 2.700 tỉ USD tài sản, theo số liệu từ hãng SNL Financial.
Giám đốc điều hành Poon Ho Man của China Aircraft Leasing Group, hãng cho thuê máy bay lớn nhất hoạt động tại Trung Quốc, đột ngột từ chức bằng đơn khi đang trong kỳ nghỉ vào tháng 6 năm ngoái, và không ai liên lạc được với ông kể từ thời điểm đó.
Xu Jun, trưởng bộ phận điều hành cửa hàng của hãng Ningbo Zhongbai cũng biến mất và không thể trả lời các câu hỏi đặt ra thông qua kết nối cá nhân của ông và nhà quản lý quỹ đầu tư Xu Xiang, người đang bị điều tra vì nghi ngờ giao dịch nội gián, theo Tân Hoa xã.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Cơn ác mộng mang tên "chứng khoán Trung Quốc"
Ở Trung Quốc, bàn tay vô hình của thị trường đôi khi cũng cần sự trợ giúp từ những bàn tay sắt của Nhà nước. Điều đó đặc biệt đúng trong cơn "khủng hoảng" khi giá trị cổ phiếu trên sàn giao dịch Trung Quốc "bốc hơi" hơn 3.500 tỷ USD trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Chính phủ Trung Quốc không hề giấu mặt trong chiến dịch phục hồi thị trường chứng khoán với việc tung ra hàng loạt các biện pháp mạnh chưa từng có trong tiền lệ.
"Bàn tay sắt" của thị trường
Chính phủ Trung Quốc không hề giấu mặt trong chiến dịch phục hồi thị trường chứng khoán với việc tung ra hàng loạt các biện pháp mạnh chưa từng có trong tiền lệ.
Chính phủ Trung Quốc đã ra chỉ thị đình chỉ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nới lỏng các quy định về cho vay margin và thậm chí cho các nhà đầu tư sử dụng nhà để thế chấp vay tiền mua cổ phiếu.
Ngày 27/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoc) cắt giảm lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại một số ngân hàng thương mại. Vài ngày sau đó, PBoC đưa ra các khoản hỗ trợ tài chính dành cho 21 công ty môi giới đã cam kết mua 120 tỷ nhân dân tệ (19,3 tỷ USD) cổ phiếu và giữ trong một năm không bán.
Ngày 8/7, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc hôm nay 8/7 công bố quy định cấm các chủ doanh nghiệp, quản lý cấp cao và nhà đầu tư nắm hơn 5% cổ phiếu doanh nghiệp bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp trong vòng 6 tháng.
Cho đến nay, động thái từ phía cơ quan điều hành Trung Quốc đã có tác động không đáng kể. Kể từ mức đỉnh thiết lập vào ngày 12/6, chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 32%, thậm chí để mất 5%/ngày trong một số phiên. Áp lực bán ra rất nghiêm trọng, trong phiên ngày 8/7, cổ phiếu của khoảng 1.300 công ty tạm dừng giao dịch trên các sàn chứng khoán đại lục, khiến 2,6 nghìn tỷ USD cổ phiếu bị đóng băng, tương đương 40% tổng mức vốn hoá thị trường.
Đây là đợt sụt giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán đại lục kể từ năm 1992. Điều này có thể sẽ khiến cho các nhà điều hành Trung Quốc bối rối trong bối cảnh nước này đang đặt mục tiêu cải cách nhằm giảm sự can thiệp của nhà nước và để cho các lực lượng thị trường giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Nguồn cơn của "bong bóng"?
Chứng khoán Trung Quốc tăng 150% trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến ngày 12/6/2015. Truyền thông nước này đã liên tục kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân bỏ tiền vào thị trường chứng khoán và coi sự bùng nổ của thị trường như một lời khẳng định tính đúng đắn cho các đường lối chính sách của Nhà nước.
Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển nằm trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, việc phát triển thị trường tài chính đa dạng cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nỗ lực này cũng đạt một phần kết quả. Lãi suất của Trung Quốc, trừ lãi suất cơ bản, hiện do thị trường quyết định. Trung Quốc hiện có tới hơn 90 triệu nhà đầu tư chứng khoán cá nhân, nhiều hơn cả số đảng viên của nước này.
Hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tăng điểm cũng được coi là "phao cứu sinh" để giúp các công ty vốn đang ngập ngụa trong nợ nần thêm kênh huy động vốn. Riêng trong năm 2014, các công ty Trung Quốc đã huy động được 72 tỷ USD từ IPO và phát hành thêm. Vào thời điểm đỉnh cao hồi trung tuần tháng 6, giá cổ phiếu thuộc chỉ số Shanghai Composite đắt gấp 3 lần tại bất kỳ thị trường nào trong số 10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khị trường chứng khoán sụp đổ có thể sẽ còn làm phức tạp thêm các nỗ lực giải cứu các khoản nợ của các công ty bất động sản, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Nhờ tăng trưởng tín dụng nóng và đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng và các dự án nhà ở, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng GDP 10% mỗi năm trong giai đoạn 1980 - 2012. Tuy nhiên, giờ kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7% mỗi năm và ngập trong nợ nần.
Theo ước tính của của hãng tư vấn McKinsey, mức vay nợ của chính quyền, doanh nghiệp và các hộ gia đình ở Trung Quốc đã lên tới 28 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2014, tương đương 282% GDP của nước này.
Việc Chính phủ Trung Quốc tung hô quá đà khi thị trường tăng điểm và phản ứng mạnh tay khi thị trường lao dốc được cho là đã ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin nhà đầu tư. "Càng nhiều nguồn lực đổ vào cứu thị trường thì rủi ro lại càng lớn nếu thị trường vẫn tiếp tục lao dốc", chuyên gia phân tích Andrew Wood thuộc BMI Research nhận xét.
Theo nhà kinh tế học Liu Li-Gang thuộc Ngân hàng ANZ: "Câu chuyện cho thấy đến nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa xử lý tốt các vấn đề cải cách và tự do tài chính".
Phương Dung
Theo Dantri/Bloomberg
Tỉ phú Trung Quốc bán cổ phiếu 'rẻ như cho' Lý Hà Quân, Chủ tịch Công ty sản xuất pin điện mặt trời Hanergy của Trung Quốc, đồng ý bán 2,5 tỉ cổ phiếu, chiếm khoảng 6% tổng số cổ phiếu đã phát hành của công ty, với mức giá chỉ 0,03 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của Hanergy mất giá đến 47%, 19 tỉ USD giá trị thị trường bị "thổi bay" và...