Danh sách các doanh nhân muốn mua lại TikTok tại Mỹ dài thêm
Doanh nhân tỷ phú và ông trùm bất động sản Frank McCourt ngày 15/5 cho biết ông đang thành lập một liên danh để mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ.
Biểu tượng của TikTok trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo trên đã làm dài thêm danh sách các nhà đầu tư hy vọng mua lại nền tảng ứng dụng này, sau khi Chính phủ Mỹ ra luật yêu cầu ByteDance – công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc phải bán nền tảng này hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Ông McCourt đang tổ chức đấu thầu với tư vấn của ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities. Theo một thông báo trên trang web về sáng kiến Project Liberty của ông, mục tiêu của nỗ lực này là “đặt việc trao quyền cho người dùng và dữ liệu thành trung tâm trong thiết kế và mục đích của nền tảng”.
Nếu một cuộc mua bán diễn ra, chủ sở hữu cũ của đội bóng chày chuyên nghiệp Los Angeles Dodgers cho biết ông sẽ lên kế hoạch tái cơ cấu TikTok. Ông muốn trao cho người dùng “nhiều quyền tự quyết hơn về danh tính và dữ liệu kỹ thuật số của họ” bằng cách chuyển nền tảng sang giao thức mã nguồn mở để tăng tính minh bạch.
Tỷ phú McCourt cho biết cá nhân ông không sử dụng TikTok, nhưng hoạt động kinh doanh và sáng kiến tập trung vào Internet của ông thì có. Nỗ lực lần này là sự mở rộng mối quan tâm lâu dài của ông trong việc xây dựng môi trường Internet tốt hơn thông qua cải thiện các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu.
Video đang HOT
Cho đến nay, tầm nhìn làm lại TikTok của ông đã nhận được sự ủng hộ của ông Jonathan Haidt, một nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng với cuốn sách “Thế hệ lo lắng”. Cuốn sách tập trung vào việc điện thoại thông minh và mạng xã hội đã góp phần như thế nào vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ.
Ngoài liên danh của tỷ phú McCourt, nhiều nhà đầu tư khác – bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin – đã bày tỏ mong muốn mua TikTok.
Tuy nhiên, công ty mẹ ByteDance đã cho biết họ không có kế hoạch bán nền tảng này. Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng Chính phủ Trung Quốc cũng khó có thể chấp thuận một thương vụ như vậy – đặc biệt là khi thương vụ cũng bao gồm công cụ thuật toán đề xuất video cho người dùng rất nổi tiếng của nền tảng này.
Ông McCourt cho biết mình không quan tâm đến thuật toán hiện tại của TikTok. Vì các công cụ đề xuất theo dang “từ trên ép xuống” mâu thuẫn với quan điểm của ông về cách quản lý các nền tảng đó. Vị tỷ phú cũng nghĩ rằng ByteDance sẽ bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ vào một thời điểm nào đó.
Hiện công ty vẫn đang nỗ lực đấu tranh chống lại đạo luật được Chính phủ Mỹ thông qua vào tháng trước. Nếu thành công, đạo luật sẽ phá vỡ một trong những thị trường sinh lợi nhất của ByteDance.
Tuần trước, ByteDance và TikTok đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ để ngăn chặn đạo luật này có hiệu lực. Vào thứ Ba tuần này (14/5), tám nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đã đệ đơn kiện riêng, cho rằng đạo luật đã vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của họ.
TikTok 'đáp trả' lệnh cấm tại EU và Mỹ
Ngày 24/4, TikTok đã thông báo tạm dừng tính năng phụ Tiktok Lite tại Pháp và Tây Ban Nha, sau khi Liên minh châu Âu (EU) tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề an toàn đối với người dùng, nhất là trẻ em.
Biểu tượng ứng dụng TikTok trên màn hình điện thoại và quốc kỳ Mỹ (phía sau). Ảnh: AFP/TTXVN
TikTok Lite đã được ra mắt tại hai quốc gia châu Âu trong tháng 3/2024, cho phép người dùng từ 18 tuổi tích điểm và có thể đổi lấy thẻ giảm giá hoặc thẻ quà tặng thông qua các chương trình tặng thưởng của ứng dụng.
Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại nền tảng mới có thể chứa những "rủi ro hệ thống tiềm ẩn", chẳng hạn như các tính năng thiết kế gây nghiện độc hại cho trẻ em, đặc biệt là việc thiếu các biện pháp xác minh độ tuổi người dùng khi truy cập ứng dụng, gây lo ngại về sự an toàn của trẻ em trên mạng xã hội này.
Hôm 22/4, EC đã mở cuộc điều tra về TikTok Lite do nghi ngờ vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU). Đây không phải là lần đầu tiên TikTok phải đối mặt với sự giám sát theo quy định từ EU. Tháng 2 vừa qua, EU thông báo điều tra các vi phạm tiềm ẩn liên quan đến bảo vệ trẻ vị thành niên, tính minh bạch trong quảng cáo và quản lý thiết kế gây nghiện cũng như nội dung có hại.
Không chỉ ở EU, TikTok cũng đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý ở Mỹ, nơi quốc hội hôm 23/4 đã thông qua luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Dự luật đã được chuyển đến Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành thành luật chỉ 1 ngày sau đó.
Đạo luật của Mỹ cho TikTok thời hạn 9 tháng để tách khỏi công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ.
Theo đạo luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng hoặc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.
Giám đốc điều hành của TikTok, ông Shou Zi Chew, đã tuyên bố sẽ đấu tranh trước các tòa án tại Mỹ với hy vọng lật ngược đạo luật này.
TikTok trong nhiều năm đã nằm trong "tầm ngắm" của chính quyền Mỹ. Các quan chức cáo buộc TikTok đã cho phép thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. Hiện nay, có khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ, trong đó đa số là người trẻ.
Cả TikTok và ByteDance đều đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nêu trên.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ép buộc TikTok Ngày 20/4 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ, nơi có khoảng 170 triệu người sử dụng. Biểu tượng mạng xã hội TikTok trên màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN...