Danh lam thắng cảnh hang Khố Mỷ
Hang Khố Mỷ thuộc địa phận thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Nằm ngay bên cạnh con đường vào thôn Khố Mỷ, cách thôn chừng 1km, bao quanh những ngôi nhà trình tường đất truyền thống của đồng bào Mông là những thửa ruộng bậc thang.
Cửa hang quay hướng Nam, nhìn về phía thôn dưới thung lũng hình lòng chảo, toàn bộ ngôi làng được khép kín với các dãy núi đá karst bao quanh. Trên toàn dãy núi Răng Cưa và khu vực hang được bao phủ bởi một rừng cây thứ sinh rậm rạp, cửa hang được che đậy một phần bởi những dây leo rủ xuống. Hang có cấu tạo hoàn toàn từ đá vôi với tổng chiều dài 474m và hai nhánh rẽ có độ dốc lớn, đi sâu xuống lòng đất. Lòng hang được chia làm 4 phân đoạn rõ nét và ở mỗi đoạn lại mang những đặc điểm khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh quan.
Khu vực ngoài nóc hang có dạng mái che nghiêng và gần như không có nhũ đá, nền hang phía bên trái là đất bằng phẳng, ở vách phải nhìn từ cửa vào có hiện tượng sập để lại thềm đá đổ khá rộng. Các dải đá sập đổ này tạo thành nhiều cấp bậc khiến cho khu vực này giống như một nhà thi đấu. Càng vào sâu bên trong nhũ đá xuất hiện càng dày đặc với nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, khơi gợi trí tưởng tượng cho người xem.
Hang Khố Mỷ nằm trên địa phận huyện Quản Bạ (ảnh: Chu Việt Bắc)
Nằm trong khu vực công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hang Khố Mỷ được các nhà địa chất đánh giá là một trong nhưng hang động đẹp nhất Hà Giang, là điểm có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch của huyện Quản Bạ. Nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi với đường trải nhựa vào đến gần cửa hang và chỉ cách trung tâm huyện hơn 20km. Hang Khố Mỷ có một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang sắc thái thơ mộng, huyền ảo. Bước vào trong hang bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa. Với đặc điểm là núi đã vôi, trải qua hàng nghìn năm những dòng chảy đã bào mòn lòng hang nhiều chỗ có độ cao trên 50m, những giọt nước trên trần hang nhỏ xuống đã tạo nên vô vàn nhũ đá đẹp, lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt.
Video đang HOT
Những cột nhũ cao sừng sững như khoe ra dáng vẻ bề thế, những dòng thạch nhũ thấm qua thành hang tạo nên những bức phù điêu với đủ hình dáng, màu sắc càng làm tăng thêm nét huyền bí, lung linh, kỳ ảo của hang. Bên cạnh đó trong hang còn có rất nhiều dạng kiến tạo của nhũ đá với nhiều dạng cột nhũ, măng nhũ với những hình thù độc đáo khơi gợi trí tưởng tượng của du khách khi vào tham quan… Bao quanh hang Khố Mỷ còn có một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, bên những sườn núi là những chân ruộng bậc thang uốn lượn, những nóc nhà ẩn hiện trong sương càng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho danh thắng vùng giáp biên này.
Hang Khố Mỷ từ bao đời đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng người Mông nơi đây. Do bản người Mông nằm gọn trong lòng một thung lũng nhỏ hẹp nên vào những dịp lễ tết dân bản lại tập trung vào bên trong hang tổ chức lễ hội, khoảng nền đất bằng phẳng gần cửa hang với độ cao trên 30m và rộng như một sân bóng đá là nơi hàng năm diễn ra lễ hội Gàu Tào với những trò chơi truyền thống như đánh yến, ném còn, đẩy gậy… đây có lẽ là nơi duy nhất một lễ hội truyền thống được tổ chức trong hang. Cũng chính vì đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây nên nhiều khu vực trong hang và các thạch nhũ thường được đặt những cái tên rất mộc mạc như: Khu ruộng bậc thang, dải lụa, cụm lúa, tượng mẹ bồng con … và thêu dệt nên những câu chuyện, sự tích về hang Khố Mỷ còn truyền lại đến ngày nay.
Hiện nay vẫn còn lưu truyền một số câu chuyện kể liên quan đến hang Khố Mỷ. Chuyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng ở một làng nọ lấy nhau đã lâu mà không có con, mãi tới gần năm mươi tuổi mới sinh được một người con gái, hai vợ chồng rất mừng và đặt tên con là Mỷ, cô gái Mỷ lớn lên xinh đẹp như hoa, mười lăm tuổi đã thông thạo mọi công việc cày cấy, se lanh, dệt vải lại hay giúp đỡ người khác nên được dân làng yêu mến. Làng bên có anh chàng nghèo mồ côi cha tên là Cu Ly, hằng ngày vẫn thường cùng nhau chăn trâu cắt cỏ, cùng lớn lên rồi yêu nhau. Biết tình cảm của hai người nên bố mẹ nàng Mỷ cho họ lấy nhau rồi cho chàng trai về ở rể. Thời ấy có viên quan coi vùng nay chuyên tham lam, bóc lột của cải của dân lành, một hôm viên quan đi tuần cửa ải qua làng gặp Mỷ, thấy Mỷ xinh đẹp liền muốn cướp về làm vợ, nửa tháng sau hắn cho người mang lễ vật đến nhà đòi cưới Mỷ. Dù bố mẹ Mỷ nói nàng đã có chồng nhưng hắn không nghe bèn bắt bố mẹ Mỷ và chồng nàng nhốt vào nhà lao. Còn nàng thì hằng ngày viên quan đem đủ thứ của ngon vật lạ, vàng bạc, gấm lụa đến lấy lòng nhưng nàng một mực từ chối. Rồi chồng nàng bị lính cai ngục đánh chết, bố mẹ nàng vì già yếu, đói rét cũng qua đời trong nhà lao. Biết tin đó nàng Mỷ đau khổ khóc hết nước mắt, nàng quyết tâm trả thù cho chồng và bố mẹ, hàng ngày viên quan vẫn đến ve vãn nàng, nhân lúc hắn sơ xuất nàng dùng dao đâm chết rồi bỏ trốn. Nàng đi qua nhiều làng bản sau cùng thì làng này nhưng không có nhà để ở nàng đành vào sống trong hang. Ban ngày nàng ra khỏi hang, phát rẫy làm nương, trồng lanh, ban đêm lại vào ngủ trong hang.
Vào thời đó người Mông chưa biết trồng lanh dệt vải mà vẫn dùng vỏ cây để che thân. Chính nàng Mỷ là người mang hạt lanh đến trồng và dạy dân bản biết cách se lanh, dệt vải. Dân trong vùng tôn kính gọi nàng là tiên Khử Mỷ. Một ngày nọ dân làng bỗng không thấy nàng xuất hiện, mọi người cùng kéo nhau đi tìm, tìm mãi vẫn không thấy, trong hang chỉ còn lại bộ váy áo của nàng. Để tỏ lòng thương nhớ và tôn kính người có công dạy dân làng biết trồng lanh, dệt vải dân làng đã lập miếu thờ nàng trên một quả đồi nhỏ (miếu hiện nay vẫn còn) và lấy tên nàng đặt làm tên thôn, hang động nơi nàng sống được gọi là động Váy Tiên Nữ hay động Tiên.
Qua khảo sát các nhà khoa học đã phát hiện được một hình vẽ với những hình người có hai chiếc sừng (hoặc có thể là búi tóc) dài trên đầu đang dang tay nhảy múa. Các hình vẽ được thể hiện trên vách đá thẳng đứng nằm sâu cách cửa hang khoảng 30m, trong tầm với của người lớn. Nhận định ban đầu đây là một bức vẽ cổ với chất liệu dùng để vẽ là thổ hoàng nghiền trộn nhựa thực vật và hòa với nước để vẽ. Đây là phát hiện có giá trị khoa học và có ý nghĩa lớn đối với ngành khảo cổ học Việt Nam. Danh lam thắng cảnh hang Khố Mỷ được xếp hạng cấp quốc gia năm 2013.
Lạng Sơn: Khám phá du lịch sinh thái cộng đồng xã Vũ Lăng
Vũ Lăng là xã vùng cao nằm ở phía Tây Nam huyện Bắc Sơn, cách thung lũng Bắc Sơn 20 km, với tổng diện tích tự nhiên là 4.160,29 ha.
Xã Vũ Lăng được công nhận là xã An toàn khu ở tỉnh Lạng Sơn có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời cùng với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh độc đáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc.
Nằm trên mảnh đất có vòng cung núi đá vôi Bắc Sơn - Ngân Sơn chạy qua nên trên địa bàn xã có rất nhiều hang động trong lòng núi, xen kẽ giữa các núi đá vôi đó là các vùng núi đất và các thung lũng bằng phẳng gọi là lân, lũng... Sinh sống trong xã chủ yếu là dân tộc Tày với phong tục tập quán, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cùng danh lam thắng cảnh đẹp và thơ mộng trải dài trên trên khắp các thôn bản.
Với mục tiêu, định hướng đưa nơi đây trở thành một điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn, đầu năm 2018, xã Vũ Lăng đã có những bước khởi đầu để phát triển loại hình du lịch này thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, nhà sàn truyền thống và hoạt động sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc nơi đây. Dựa trên những điều kiện về mặt tự nhiên, Vũ Lăng là địa điểm có nhiều điều kiện thuận lợi hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng.
Hồ Vũ Lăng
Hồ Vũ Lăng là hồ nước ngọt lớn với diện tích trên 30 ha, dung tích 2.100.000m3 là một trong 7 hồ chính và là 1 trong hai hồ lớn nhất của huyện Bắc Sơn, không những có vai trò điều tiết nước, mà còn tác dụng điều hòa khí hậu địa phương, cung cấp thủy sản, giá trị đáng kể về giao thông và thủy lợi. Hồ nằm xen giữa nhiều đồi, rừng tạo không khí trong lành xung quanh các ngôi nhà sàn truyền thống.
Hồ Vũ Lăng trong xanh như một dải lụa vắt giữa rừng, nhấp nhô giữa lòng hồ là một vài gò đất trông chẳng khác gì những hòn đảo. Thêm vào đó khí hậu quanh năm mát mẻ, nhất là khi chuyển sang mùa thu đông thì hơi nước quanh đập bốc lên, khiến cho cả thung lũng càng trở nên hư ảo. Bao quanh hồ Vũ Lăng là đồi núi trùng điệp tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ thích hợp hoạt động câu cá giải trí, đi bè mảng ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực dân tộc... Không khí trong lành, cảnh sắc hoang sơ nơi đây chắc chắn là điểm đến thú vị của du khách cho mỗi dịp nghỉ ngơi.
Hiện nay ở xã Vũ Lăng vẫn duy trì những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày hàng trăm năm tuổi, những ngôi nhà sàn nơi đây được lợp ngói âm dương, mang đậm kiến trúc bản địa truyền thống - vẫn giữ được nét văn hoá sơ khai từ trước đến nay với 3 gian 2 trái, 4 gian 2 trái... được làm bằng gỗ nghiến, rộng rãi, không gian đẹp có vườn tược..., được phân bố gần nhau mang tính chất cộng đồng rõ nét. Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tiêu biểu với các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Phong Slư, hát ví, múa sư tử... tạo nên không gian văn hoá đặc sắc. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mừng nhà mới hoặc trong các dịp lễ hội, mừng khách đến những lời hát Then, hát ví... lại được cất lên giữa núi rừng bao la, bên cạnh dòng suối mát hiền hòa làm say đắm lòng người.
Ẩm thực Vũ Lăng tiêu biểu với các món ăn truyền thống đặc trưng như: bánh chưng đen, xôi cẩm, lạp sườn, thịt tái (ướp đỏ), các loại rau rừng tự nhiên như rau ngót rừng, sau sau..., các sản vật nông nghiệp đặc trưng nổi tiếng khắp vùng như lạc đỏ, ngô, khoai sọ... Ngoài ra còn có măng chua, cá trê nướng, cá suối, các món ăn chế biến từ gà, vịt... tạo nên nét văn hóa ẩm thực riêng biệt khó có thể nơi nào có được.
Xã Vũ Lăng nổi bật với 2 điểm di tích nằm trong Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đó là di tích đèo Thâm Thoông - Dập Dị và Di tích Trường Vũ Lăng. Hai di tíchcó giá trị lịch sử tiêu biểu, quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, ghi dấu hàng loạt những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt .
Là một trong những xã thuộc vùng ATK, xã Vũ Lăng đã tạo dựng nối tiếp các điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn. Với điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội xã Vũ Lăng đã hình thành một khu du lịch sinh thái cộng đồng với sự liên kết của bảy hộ gia đình tại thôn Tràng Sơn 3. Cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch đang được đầu tư như làm đường, bãi đỗ xe và đang tiếp tục nhân rộng hệ thống nhà sàn cùng công trình phụ, tiếp tục tái tạo các khu đồi trong khu sinh thái để bảo tồn các loài hoa như hoa sở, hoa hồi, hoa sim...
Xác định rõ những tiềm năng, nhất là các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, huyện Bắc Sơn chú trọng thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch với định hướng đưa nơi đây trở thành một điểm đến sinh thái, về nguồn hấp dẫn. Bên cạnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn), xã Vũ Lăng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng dựa trên điều kiện riêng biệt của tự nhiên với những nét hoang sơ, mộc mạc, đậm chất bản địa. Đến với Vũ Lăng, ngoài việc tham quan các di tích, tìm hiểu những giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, du khách còn được trải nghiệm, tìm hiểu đời sống của người dân địa phương, khám phá nét đẹp văn hóa đặc trưng và chứng kiến cảnh sắc đổi thay trên mảnh đất Bắc Sơn tươi đẹp.
Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng Mã Pì Lèng nằm trong khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, thuộc địa phận 3 xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vị trí địa lý Mã Pì Lèng nằm trong khu vực có tọa độ từ 23 013 '41" vĩ độ Bắc, 105 024'57" kinh độ Đông đến 23 015'02" vĩ độ Bắc 105 023'24",...