Đánh giá tai nghe true wireless Skullcandy Push – Bước đi đầu đúng hướng nhưng chưa thực sự ấn tượng
Chấm điểm ‘A ‘ cho nỗ lực, nhưng chỉ dừng lại ở điểm ‘B’ cho trải nghiệm thực tế.
Sau một thời gian dài đồn đoán, lộ ảnh thiết kế và tính năng thì cuối cùng cặp tai nghe không dây hoàn toàn đầu tay của hãng âm thanh Mỹ Skullcandy cũng được ra mắt, và đúng như dự tính thì được đặt tên là Skullcandy Push.
Giống như Sennheiser với cặp Momentum True Wireless, Skullcandy đã đợi một thời gian khá dài trước khi ra mắt cặp tai nghe này, khiến các fan của hãng ‘đứng ngồi không yên’. Sự mong chờ này có được đền đáp xứng đáng hay không?
Sản phẩm được đóng hộp khá cầu kì, với một chiếc hộp rất lớn được chia ra làm 2 nửa.
Một nửa dùng để quảng cáo các tính năng chính, còn bên kia có nhựa trong suốt để ta thấy được tai nghe bên trong. Phiên bản mình có ngày hôm nay có màu xanh lá khá là khác biệt với các cặp tai nghe trên thị trường.
Bộ phụ kiện gồm có một sợi dây sạc USB Type-C cùng 2 bộ đệm tai cao su. Thông thường mình sẽ chê đây là một bộ phụ kiện không phong phú, nhưng đến cặp Sennheiser Momentum True Wireless cũng chỉ có nhiêu đó nên có lẽ ta cũng khó có thể đòi hỏi thêm ở Skullcandy Push!
Hộp sạc được làm đồng màu với tai nghe, và tất nhiên là có logo đầu lâu đã rất đặc trưng của Skullcandy. Nhược điểm lớn của hộp này đó là được làm khá lớn, nên không thể cho vào túi quần được!
Cổng sạc được đặt ở cạnh bên. Push khi sử dụng độc lập cho thời lượng 6 tiếng (rất tốt so với mặt bằng chung), và hộp sạc này cung cấp thêm 1 lần sạc nữa – phần này thì lại là nhược điểm, khi hộp của các hãng khác thường có thể sạc được từ 3 – 4 lần.
Skullcandy có thiết kế hình viên thuốc rất lớn, nhưng phần này không trực tiếp tiếp xúc với tai người nghe. Thay vào đó, người dùng sẽ đeo vào tai bằng đệm cao su và cánh vành tai, nên cảm giác không bị cấn. Đây chắc chắn là một trong những cặp tai nghe True wireless đeo thoải mái nhất mình được thử từ trước đến nay.
Mặt trong ta có các chân kết nối kết hợp nam châm để cho vào hộp sạc.
Để điều khiển tai nghe chuyển bài, chỉnh âm lượng, gọi trợ lý ảo người dùng sẽ nhấn hoặc giữ 2 nút bấm mặt ngoài. Các nút này có lực nhấn rất nhẹ, nên người dùng cũng không lo nhấn sâu tai vào mỗi lần sử dụng.
Skullcandy Push trước khi ra mắt đã lộ những bản đăng ký với FCC, nên ta có thể biết được rằng nó đã được thiết kế từ khá lâu rồi. Đây cũng là lý do tại sao cặp tai nghe này vẫn đang sử dụng chuẩn Bluetooth 4.2 thay vì chuyển sang Bluetooth 5.0 mới nhất.
Về độ ổn định kết nối, Push vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ khi không làm ngắt nhạc trong điều kiện thông thường, trừ khi đặt cách quá xa nguồn phát hoặc bị chắn bởi nhiều thứ.
Video đang HOT
Độ trễ với nguồn cũng được giữ ở mức chấp nhận được, mình vẫn nhận ra là có chậm hơn đôi chút so với những cặp tai nghe dùng chuẩn 5.0 mới, nhưng chưa tới mức tạo cảm giác khó chịu khi xem phim hoặc chơi game. Dù gì đi chăng nữa thì cũng mong Skullcandy sẽ nâng cấp mảng này trong sản phẩm tiếp theo.
Skullcandy là một hãng dành cho giới trẻ, nhưng người mê Hip Hop. Điều này được thể hiện rất rõ trong cách thiết kế vỏ ngoài, và cũng ‘ngấm’ luôn cả vào chất âm. Push có chất âm hơi tối, và thiên nhiều về âm trầm (bass) nên đặc biệt thích hợp với những ai nghe nhạc Hip Hop và Dance.
Trong bản mashup Daft Punk của nhóm Pentatonix, âm beat-box của Kevin Olusola được nhấn rất mạnh, đầy đủ cả sự rung động của sub-bass và âm nhấn punchy của trầm trung (mid-bass). Âm trầm này kéo đuôi hơi dài nên tạo được không khí mạnh mẽ của các bài nhạc mạnh, nhưng ngược lại thì cũng hơi ‘lạc điệu’ với những bài cần sự nhẹ nhàng, trống tốc độ cao.
Âm trung là thành phần chứng kiến nhiều sự thay đổi nhất trong các thế hệ tai nghe của Skullcandy. Trong các sản phẩm thế hệ đầu tiên như Skullcandy Titan hay 50/50, giọng ca sĩ được làm mỏng và nhấn hơi mạnh vào trung cao (high-mid) nên thường xảy ra chói rít, sibalance khó chịu. Đến các sản phẩm mới thì hãng lại đi theo hướng ngược lại hoàn toàn, đẩy giọng ca sĩ lùi về phía sau, tối và cắt gọt nhiều khi lên cao.
Đây là con dao 2 lưỡi, khi chơi bài nhạc nào cũng ‘êm’ và không bị mỏi tai. Nhưng ngược lại, giọng ca sĩ và đặc biệt là các giọng ca sĩ nữ như Rebecca Pidgeon trong Spanish Harlem bị ‘hiền’, thiếu độ nổi bật và không ‘cắt’ qua được lớp trầm dày nếu chúng xuất hiện trong bài.
Dải âm cuối cùng là âm cao cũng gặp hiện tượng tương tự như giọng ca sĩ: bị yếu và hơi thiếu về độ sáng. Lượng âm cao trong bản Take Five của Dave Brubeck vẫn rất đầy đủ, ta có thể nghe được thấy hết từng tiếng rung động của nhạc cụ, nhưng để nói là tạo được sự ấn tượng khi nghe thì chưa đạt.
Lời kết
Qua từng năm, Skullcandy đã thể hiện được sự tiến bộ của mình trong việc thiết kế tai nghe, cả về chất lượng hoàn thiện bên ngoài lẫn chất âm bên trong. Từ những cặp tai nghe rất dễ hỏng, với kiểu âm mất cân bằng và có phần khó nghe thì các sản phẩm thế hệ mới của hãng này đều có độ bền tốt và âm thanh ‘hợp lý’ hơn.
Skullcandy Push thuộc thế hệ mới này, có thể làm được ổn tất cả những tiêu chí mà người dùng đặt ra. Nhưng với giá bán 3.6 triệu đồng thì ‘ổn’ thôi là chưa đủ, vì ở mức giá này người dùng cần một sản phẩm toàn diện hơn, vượt trội so với tầm giá thấp. Đây là một bước đi đầu rất đúng hướng của Skullcandy vào thị trường True wireless, nhưng bước đi này đáng ra phải dài hơn nữa!
Ưu điểm
- Thiết kế mạnh mẽ, trẻ trung
- Điều khiển đầy đủ chức năng
- Đeo thoải mái, không gây cấn kể cả trong thời gian dài
- Thời lượng sử dụng độc lập tốt (6 tiếng)
- Chất âm thiên trầm rõ rệt, dành cho những bass-head
Nhược điểm
- Vẫn đang sử dụng chuẩn Bluetooth 4.2 cũ
- Hộp sạc lớn và chỉ sạc cho tai nghe được 1 lần
- Giọng ca sĩ lùi và yếu ở các bài vocal, ballad
- Âm cao nhẹ và không mấy ấn tượng
Theo GenK
Mạnh dạn mua tai nghe True Wireless giá chỉ 290k trên mạng: Toàn đánh giá 5 sao, dùng rồi mới thấy cứ "sao sao"
Lý do khiến cặp tai nghe không dây dạng True Wireless này đang ồ ạt nhận đánh giá 5 sao trên trang bán hàng online vẫn là câu trả lời chưa được giải đáp.
Các cụ hay nói "tiền nào của nấy" kể cũng đúng. Cứ cái gì rẻ rẻ thì gần như không bao giờ tốt được. Trước đây, WeBuy từng đánh giá vài sản phẩm như vậy, điển hình như chiếc ốp lưng nam châm cho Galaxy Note9 giá 250k, smartband giá 99k hay "cú lừa" kính phóng đại màn hình smartphone giá hơn 100k.
Nối tiếp những sản phẩm đó, WeBuy mang đến cho các bạn cặp tai nghe True Wireless K2 giá chỉ 290k đang được bán rộng rãi trên các trang web thương mại điện tử. Nhìn thoáng qua thiết kế và mức giá, hẳn ai cũng phải trầm trồ vì quá rẻ mà trông không đến nỗi nào. So với các sản phẩm True Wireless khác, mẫu tai nghe K2 này chỉ có giá bằng 1 góc nhưng vẫn được hứa hẹn cho chất lượng tuyệt vời. Thậm chí, một shop trên mạng đã bán được tới hơn 1000 đơn và nhận về gần 300 lượt chấm 4 - 5 sao trên tổng số 330 đánh giá.
Một shop online đang "ăn nên làm gia" vì đã bán được hơn 1000 sản phẩm, đi kèm là đánh giá 4.6 sao từ 330 người dùng.
Quảng cáo hay là thế nên WeBuy đã quyết định mua về dùng thử ngay để xem nó có tốt thật không. Kết quả ra sao, mời bạn đọc nhé!
Thiết kế đúng chuẩn True Wireless, có kèm hộp sạc nam châm "xịn xò"
Khá khen cho các nhà sản xuất Trung Quốc khi nhanh chóng tung ra hàng loạt tai nghe không dây dạng True Wireless với đầy đủ mẫu mã tính năng không thua gì Apple hay Samsung.
Cả hộp sạc và hai tai đều được thiết kế khá tử tế, lạ mắt.
Thiết kế của tai nghe K2 và hộp sạc của nó đều trông như giọt nước. Kích thước đủ nhỏ và trọng lượng rất nhẹ là hai điểm cộng lớn. Tuy nhiên, chất liệu vỏ thì khá xấu. WeBuy thậm chí còn mua phải hàng đã sử dụng vì một bên tai vừa lấy ra khỏi hộp đã thấy bị xước.
Một bên tai đã bị xước vỏ, WeBuy nghi rằng đã mua phải hàng qua sử dụng hoặc đổi trả.
Ống dẫn âm quá dài và to nên không vừa khít tai được, ngoài ra còn giảm khả năng chống ồn.
Trên mỗi bên tai nghe có một nút bấm cứng, đèn LED báo trạng thái, micro thu âm và hai chân pin. Hộp sạc thì có đèn chỉ báo, công tắc ON/OFF và cổng sạc Micro USB. Đi kèm theo hộp máy có thêm cáp sạc, sách HDSD và 3 bộ nút tai thay thế.
Bạn có thể sạc cho hộp qua mọi củ sạc và dây cáp Micro USB.
Bên trong tai nghe có sẵn nam châm...
... hút dính vào hộp sạc và cố định hai chân pin.
Cảm giác đeo tai nghe K2 khá khó chịu vì kích thước quá lớn và không ôm sát vào vành tai như các dòng sản phẩm cao cấp hẳn. Hai bên tai thậm chí còn không đánh dấu LR nên chúng ta không thể phân biệt cái nào đeo bên trái cái nào đeo bên phải. Dù có thay đổi các kích cỡ nút tai thì vẫn không tạo cảm giác thoải mái được. Nếu bạn vừa đeo tai nghe vừa tập thể dục, chạy bộ hay tập nhảy thì chắc chắn chỉ vài phút là nó sẽ rụng ra luôn.
Nam châm của tai nghe này rất chắc, có lộn ngược hay lắc thì còn lâu mới rới...
...nhưng khi đeo lên tai thì ngược lại...
Chất lượng kết nối: Tốt mà chưa đủ tốt
Để bắt đầu sử dụng, bạn chỉ cần bấm giữ nút trên 2 tai và chọn kết nối với thiết bị có tên K2 là được. Cái hay của các loại tai nghe True Wireless từ Trung Quốc là việc chúng hoạt động độc lập được, phù hợp với các bác tài xế xe ôm công nghệ hay shipper, đồng thời còn kéo dài thời lượng pin.
Trong 1 tuần sử dụng, WeBuy nhận thấy cặp tai nghe này chất lượng đường truyền rất kém, thường xuyên tậm tạch, lệch âm lượng, đồng bộ kém khiến trải nghiệm trở nên tệ hại. Cứ nghe được độ 15 - 20 phút, có khi còn ít hơn, là âm thanh có vấn đề gì đó phải ngừng nhạc hoặc tắt đi bật lại.
Ngoài ra, với những ai thích xem phim thì đây là một lựa chọn cực kì tệ hại vì độ trễ âm thanh quá lớn, lên tới gần 1 giây. Hiện tượng "hình trước tiếng theo sau" là không thể tránh khỏi và bạn chắc chắn sẽ muốn tháo ra dùng tai nghe dây kiểu cũ còn hơn.
Chất lượng âm thanh: Dở chưa từng thấy
Đừng mong chờ gì vào chất lượng âm thanh từ bộ tai nghe K2 này. Theo đánh giá của WeBuy, nó dở hơn tất cả các loại tai nghe Bluetooth giá siêu rẻ mà chúng tôi từng trải nghiệm, kể cả cặp tai nghe nhái Apple AirPods giá chỉ 135k này.
Âm thanh phát ra từ K2 thiên nhiều về dải trung và cao, dễ gây chói, còn bass thì yếu về cả lực và chất. Dù có thay đổi các tùy chỉnh Equalizer trong điện thoại đến thế nào đi nữa thì chất âm vẫn không thể tốt hẳn, chỉ dừng ở mức nghe được.
Không chỉ vậy, không rõ vì sao mà cặp tai nghe này luôn "khuyến mãi" thêm lớp tạp âm xì xèo ở nền. Thứ âm thanh rè rè lạo xạo khiến WeBuy cảm thấy như đang phải nghe những bản nhạc MP3 32kbps từ thời xa xưa năm 2005 khi điện thoại mới chỉ có vài chục MB bộ nhớ.
Thời lượng pin: Quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo
Theo giới thiệu của bên bán hàng, mỗi tai nghe khi đầy pin sẽ dùng được tới 3 giờ và hộp sạc 450mAh sạc được thêm tới 4 lần, nâng tổng thời gian nghe lên 12 giờ, không hề tồi so với giá tiền.
Tuy nhiên, sử dụng thực tế ở mức âm lượng chỉ 60%, đủ nghe trong nhà thì dùng được khoảng 2 giờ là tự động tắt mà không báo trước. Hộp sạc có tốc độ nạp pin khá nhanh, chỉ khoảng 1 giờ 40 phút, sạc đầy tai nghe trong 1 giờ nhưng chỉ được 3 lần là đã cạn sạch.
Kết
Quả thực, muốn mua tai nghe không dây "xịn" giá rẻ chẳng hề dễ dàng. Dù có nhận đánh giá tốt đến mấy, nhiều đến mấy thì sử dụng thực tế cũng không hề như mơ. Đôi khi, chờ đợi để săn hàng sale như chiếc tai nghe Sony SBH24 hay Defunc Go này lại là lựa chọn tốt hơn cả, có thể đắt hơn nhưng ít ra cũng là các sản phẩm đến từ thương hiệu chính thống chứ không phải hàng trôi nổi kém chất lượng.
Theo GenK
Tháo tung AirPods 2: Nhiều keo, có thể thay pin, bản lề chắc chắn AirPods 2 là phiên bản tai nghe không dây mới nhất vừa được Apple ra mắt cách đây không lâu. Và để thỏa trí tò mò, ngay bây giờ mình sẽ gửi đến bạn những hình ảnh bên trong chiếc tai nghe này, để xem có gì thú vị không nhé! AirPods 2 có trọng lượng 4 g mỗi tai nghe, và hộp...