Đánh giá SSC Tuatara 2020 siêu xe trong mơ mạnh 1.750 mã lực
Sau hơn thập kỷ phát triển với rất nhiều mong chờ và kỳ vọng, cuối cùng siêu xe SSC Tuatara cũng được sản xuất thương mại.
SSC Tuatara 2020 là bản thương mại của siêu xe mà hãng SSC North American đã phát triển từ cuối những năm 2000.
Bản concept được giới thiệu năm 2011, mẫu thử (prototype) ra mắt năm 2019, bản thương mại SSC Tuatara 2020 được sản xuất năm nay.
Nhằm cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ như Bugatti Chiron, Koenigsegg Jesko, và Hennessey Venom F5, SSC Tuatara 2020 sử dụng động cơ V8 cho công suất tới 1.750 mã lực, tốc độ tối đa trên 483 km/h.
SSC Tuatara 2020 có giá trên 2 triệu USD, chỉ sản xuất giới hạn 100 chiếc. Không quá ngạc nhiên khi mọi con mắt đều đổ dồn vào siêu xe này.
Ngoại thất
Cũng như bản concept năm 2011 và mẫu thử (prototype) năm 2019, bản thương mại SSC Tuatara 2020 được thiết kế với sự cộng tác của Jason Castriota.
Jason Castriota là nhà thiết kế siêu xe cách tân. Ông từng chấp bút thiết kế nhiều concept và siêu xe nổi tiếng như Ferrari P4/5, 599, và 612 Kappa, Maserati GranTurismo và Birdcage 75th, Saab PhoeniX, và Rolls-Royce Hyperion.
Câu hỏi ở đây là bản thương mại có khác mẫu cũ không, và thực tế là không khác nhiều. Nhiều nét thiết kế của mẫu thử vẫn hiện diện trên SSC Tuatara 2020.
Mặt trước SSC Tuatara 2020 và prototype năm 2019.
Mặt trước vẫn giữ lại 4 nét chính của mẫu thử: Mũi xe hình chữ V, đèn pha, hình dáng khe gió trung tâm, và phần mở rộng sang hai bên.
Tuy nhiên, các chi tiết được làm mới, sắc nét và ấn tượng hơn. Phía dưới đầu xe được chau chuốt tỉ mỉ, ngoài yếu tố thẩm mĩ còn giúp làm mát và cải thiện khí động học.
SSC Tuatara 2020 sử dụng la-zăng đa chấu, đĩa phanh cỡ lớn và kẹp phanh hiệu suất cao màu đỏ.
SSC Tuatara 2020 và prototype năm 2019.
Phần đuôi xe giống mẫu thử với cánh gió mở rộng sang hai phía, tạo thành một góc 45 độ. Thiết kế này giống Ferrari FXX-K nhưng ấn tượng hơn nhiều.
Phần giữa là cánh gió chủ động được giấu trong thân, chỉ bật ra khi cần để tạo thêm lực ép xuống mặt đường hoặc trợ giúp cho hệ thống phanh.
Đèn hậu giống mẫu thử nhưng dải đèn nối đặt cao hơn. Khe gió trung tâm hình tam giác tạo cảm giác cân bằng hơn.
Mặt sau SSC Tuatara 2020 và prototype năm 2019.
Thân xe được làm hoàn toàn từ sợi carbon, vừa giảm trọng lượng, vừa tăng thêm độ cứng chắc cho siêu xe.
Nói chung, SSC Tuatara 2020 kế thừa nhiều chi tiết của mẫu thử nhưng được hoàn thiện tốt hơn, và có thiết kế khí động học tối ưu.
Nội thất
Trong khi ngoại thất SSC Tuatara 2020 giống bản mẫu, nội thất bản thương mại gần như khác biệt. Siêu xe trông đẹp hơn, xứng với giá bán đắt đỏ.
Bản prototype trông khá thô do vô lăng được thiết kế xấu cộng với bảng điều khiển dùng chủ yếu chất liệu nhựa.
Khu trung tâm và ốp cửa như từ những năm 90. Chính vì vậy, thay đổi khoang lái SSC Tuatara 2020 rất được mong chờ.
Bảng điều khiển vẫn giữ thiết kế cũ nhưng phần mặt trên bọc chất liệu Alcantara cao cấp và chỉ khâu tương phản. Khu trung tâm được trang trí bằng nhôm và sợi carbon.
Nội thất SSC Tuatara 2020 và prototype năm 2019.
Trang trí nội thất và chỉ khâu màu đỏ nhưng người mua có thể chọn màu khác. SSC bọc nhôm cho khe gió điều hòa kiểu động cơ phản lực ở trung tâm và góc bảng điều khiển.
Vô lăng trông ổn hơn nhiều với đáy phẳng và bọc chất liệu Alcantara xung quanh.
SSC Tuatara 2020 được trang bị cụm đồng hồ số cỡ lớn và màn hình khá lớn khu trung tâm, cho phép chỉnh thông số thiết bị và hệ thống giải trí. Người lái cũng có thể tiếp cận nhiều chế độ lái và kiểm soát hệ thống khí hậu trên xe.
Video đang HOT
Nhà sản xuất hứa hẹn cung cấp nhiều tùy chọn khác biệt đối thủ. Có vẻ SSC muốn Tuatara khác với Bugatti và Koenigsegg.
Động cơ và hiệu suất
Bản thương mại SSC Tuatara 2020 vẫn sử dụng động cơ V8 nhưng không phải loại dung tích 6.9L như mẫu concept.
Thay vào đó, SSC hợp tác với Tom Nelson của Nelson Racing Engines phát triển động cơ V8 5.9L có trục khuỷu đặt lệch nhau.
Động cơ tăng áp kép này đạt công suất ấn tượng 1.350 mã lực khi dùng nhiên liệu xăng 91 octane hoặc 1.750 mã lực khi dùng E85.
SSC Tuatara 2020 mạnh hơn bản mạnh nhất của siêu xe SSC Ultimate Aero. Chiếc TT ra mắt năm 2009 sử dụng động cơ V8 6.3L cho công suất 1.287 mã lực.
Như vậy, SSC Tuatara 2020 mạnh hơn 63 mã lực khi dùng xăng 91 hoặc 463 mã lực khi dùng nhiên liệu E85.
SSC Tuatara 2020 cũng rất ấn tượng khi so với các siêu xe trên 1.000 mã lực khác. Trong số này có Bugatti Chiron – 1.578 mã lực, Hennessey Venom F5 – 1.600 mã lực, và Koenigsegg Jesko – 1.281 mã lực (hoặc 1.603 mã lực nếu dùng E85).
Động cơ cực mạnh của SSC Tuatara 2020 được nối với hộp số tự động 7 cấp tiêu chuẩn. Ở chế độ đường đua (Track), thời gian sang số chưa tới 100 milli giây.
SSC chưa công bố thời gian tăng tốc 0-96 km/h nhưng chắc chưa tới 2,5 giây, tương đương đối thủ trong phân khúc.
SSC từng tự tin khẳng định siêu xe Tuatara mới có tốc độ tối đa trên 483 km/h (300 dặm/giờ), ngang ngửa Venom F5.
Tuyên bố này đưa ra trước thời điểm Chiron Super Sport 300 vượt mốc 483 km/h. Siêu xe Pháp đạt tốc độ tối đa 490 km/h trong thử nghiệm cuối năm 2019.
Tuy nhiên, đây là tốc độ chạy một chiều, chưa đủ tiêu chuẩn được sách kỷ lục Guinness công nhận.
Vì thế, nếu SSC Tuatara 2020 cán mốc 483 km/h, đó sẽ là kỷ lục tốc độ thế giới mới với siêu xe thương mại, hiện được Koenigsegg Agera RS nắm giữ (447 km/h).
Tăng tốc 0-96 km/h tính bằng giây.
Đây không phải lần đầu SSC nắm danh hiệu siêu xe thương mại nhanh nhất thế giới. Tháng 9/2007, Ultimate Aero cán mốc tốc độ 412 km/h, phá kỷ lục 408 km/h trước đó của Bugatti Veyron (năm 2005).
Kỷ lục tốc độ của SSC Ultimate Aero được duy trì tới tháng 7/2010 trước khi bị Bugatti Veyron Super Sport lật đổ (431 km/h).
Về hiệu suất, SSC Tuatara thực sự là bước tiến công nghệ nhờ trang bị rất nhiều công nghệ trợ lái.
Với hàng loạt hệ thống tự động, người lái có thể dễ dàng điều chỉnh hệ thống treo, chiều cao thân xe, cách thức xử lý, cơ cấu sang số và khả năng lái siêu xe.
Ở chế độ thể thao Sport – cấu hình mặc định, khoảng sáng gầm xe phía trước và sau được duy trì lần lượt ở 10,1 cm và 11,4 cm, hộp số dễ vận hành cho khả năng chuyển số trơn tru ở tốc độ thấp, chủ yếu đi trong phố.
Chế độ đường đua (Track Mode) hạ thấp chiều cao thân xe mặt trước và sau cách mặt đất lần lượt 6,9 cm và 8,2 cm, hệ thống treo được hiệu chỉnh cho đua xe.
Chế độ này rút ngắn tối đa thời gian đáp ứng của hộp số, điều chỉnh chiều cao thân xe sao cho tạo ra lực ép tối ưu nhất.
Khi phanh, cánh gió sau sẽ tự động mở ra, trợ giúp cho phanh và giúp xe cân bằng hơn. SSC Tuatara 2020 có thêm chế độ Front Lift, nâng hệ thống treo trước thêm 4 cm, tạo khoảng sáng gầm xe tốt hơn.
Giá bán
Giá bán SSC Tuatara 2020 chưa được tiết lộ. Siêu xe chỉ sản xuất 100 chiếc nên giá dự kiến sẽ ngang ngửa Chiron và Jesko.
Từng có thông tin mỗi chiếc SSC Tuatara 2020 sẽ có giá ít nhất 2 triệu USD (chưa tính option), tăng đáng kể so với mốc “hơn 1 triệu USD” mà SSC công bố năm 2011.
Đối thủ cạnh tranh
Cạnh tranh với SSC Tuatara 2020 là các đối thủ Bugatti Chiron Super Sport 300 , Koenigsegg Jesko, và Hennessey Venon F5.
Bugatti Chiron Super Sport 300
Super Sport 300 là phiên bản giới hạn của Chiron thường. Mặc dù chia sẻ phần lớn thiết kế với bản thường, Chiron Super Sport 300 được tùy chỉnh một số chi tiết để đạt tốc độ trên 483 km/h.
Chiron Super Sport 300 dài hơn 25,4 cm so với bản thường. Xe được gắn logo đặc biệt, hệ thống xả tùy chỉnh của Centodieci, và có động cơ cực mạnh.
Siêu xe Bugatti sử dụng động cơ W16 8.0L cho công suất 1.578 mã lực, hơn bản thường 99 mã lực.
Chiron Super Sport 300 bị giới hạn tốc độ 439 km/h, không thể đạt 490 km/h như từng được Bugatti thử nghiệm.
Siêu xe có giá khởi điểm 3,9 triệu USD, đắt hơn đối thủ Tuatara.
Koenigsegg Jesko
Siêu xe được sản xuất trong năm nay nhằm thay thế Koenigsegg Agera. Với thiết kế nội và ngoại thất hoàn toàn mới, Koenigsegg Jesko được kỳ vọng mang tới đột phá mọi mặt so với thế hệ cũ.
Koenigsegg Jesko trông thể thao hơn, khí động học tốt hơn và được trang bị động cơ V8 mạnh mẽ.
Động cơ tăng áp kép V8 5.0L của Koenigsegg Jesko cho công suất 1.281 mã lực khi sử dụng nhiên liệu thường và 1.603 mã lực với E85, mạnh gần bằng SSC Tuatara 2020.
Siêu xe sử dụng hộp số tự động 9 cấp nhẹ và nhỏ hơn đáng kể hộp số ly hợp kép thông thường. Đáng chú ý, hộp số có tới 7 ly hợp, đồng nghĩa với chuyển sang bất cứ số nào mà không ảnh hưởng tới tỉ số truyền.
Koenigsegg hứa hẹn siêu xe mới đạt tốc độ trên 483 km/h. Bản thương mại giới hạn 125 chiếc nhưng đã bán hết. Giá bán từ 3 triệu USD (chưa tính option).
Hennessey Venon F5
Cũng như Tuatara, Venom F5 thay thế cho siêu xe cực nhanh khác là Venom GT.
Năm 2014, Venom GT cán mốc tốc độ 435 km/h, nhanh hơn Veyron Super Sport nhưng không được sách kỷ lục Guinness công nhận bởi chỉ chạy một chiều.
Venom GT không được công nhận là siêu xe thương mại bởi nhà sản xuất chỉ bán ra 13 chiếc (chưa đủ 30 chiếc theo quy định). Vậy nên Venom GT đành mất cơ hội đánh bại siêu xe Bugatti.
Hennessey hy vọng Venom F5 sẽ giúp hãng phục thù. Siêu xe được sản xuất trong năm nay. Không như GT, F5 có thân xe được phát triển từ Lotus, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại.
Động cơ tăng áp kép V8 7.6L cho công suất 1.600 mã lực, mô-men xoắn 1.762 Nm đủ đảm bảo Venom F5 có thể vượt mốc 483 km/h.
Hãng xe Mỹ chỉ muốn sản xuất 24 chiếc với giá bán 1,6 triệu USD/chiếc.
Kết luận
SSC Tuatara có vẻ là siêu xe ấn tượng nhưng vấn đề ở chỗ nó đã có từ năm 2011. Sự khác biệt ở đây là cuối cùng SSC cũng đưa vào sản xuất thương mại.
Chúng ta hãy cùng chờ xem SSC Tuatara 2020 có thể vượt mốc 483 km/h như đã hứa hẹn hay không. Thông số kỹ thuật của siêu xe rất ấn tượng, thiết kế nội và ngoại thất đều đẹp.
SSC Tuatara 2020 là kết quả của hơn thập kỷ liên tục phát triển để tạo ra siêu xe mạnh nhất nhì thế giới. Rốt cuộc, có vẻ Bugatti và Koenigsegg cũng có thứ gì đó phải lo lắng.
Theo Zing
Siêu xe SSC Tuatara 2020 ra mắt sau 10 năm trì hoãn, mạnh 1.750 mã lực
Lộ diện cách đây gần thập kỷ, trải qua bao lần trì hoãn, siêu xe SSC Tuatara 2020 đã chính thức ra mắt người hâm mộ ngày 7/2.
Tại triển lãm Philadelphia Auto Show, SCC đã công bố mẫu siêu xe đầu tiên trong số 100 chiếc Tuatara.
SSC Tuatara được trang bị động cơ tăng áp kép V8 5.9L có trục khủy đặt song song (flat-plane-crank) cho công suất 1.750 mã lực khi sử dụng nhiên liệu E85, hay 1.350 mã lực khi sử dụng nhiên liệu octane 91.
Sức mạnh động cơ được truyền qua hộp số 7 cấp CIMA, có khả năng sang số dưới 100 milli giây.
Với trọng lượng khô 1.247 kg và hệ số cản 0.279, SSC Tuatara cho tốc độ khủng khiếp lên tới 483 km/h.
Ngoại thất SSC Tuatara sử dụng chất liệu sợi carbon. Kiểu cửa hai mặt có thiết kế độc đáo, các nút bấm vận hành bằng thủy lực cho độ chính xác tuyệt đối.
SSC Tuatara là sản phẩm hợp tác giữa SSC và Jason Castriota, người từng chấp bút cho các thiết kế của Ferrari và Maserati. Jason Castriota có đóng góp lớn cho thiết kế và khí động học của siêu xe 1.750 mã lực.
Khoang lái SSC Tuatara tiện nghi với hệ thống âm thanh cao cấp, hệ thống thông tin giải trí màn hình cảm ứng, kiểm soát khí hậu, cửa sổ điện, vô lăng có thể điều chỉnh góc và độ nghiêng.
Màn hình cảm ứng cho phép tiếp cận các chế độ lái, phân tích tình trạng xe, giải trí và nhiều tính năng khác.
Lẫy chuyển số sau vô lăng có đèn báo riêng. SSC cho biết một người cao 1,9 m có thể ngồi thoải mái ở vị trí ghế lái kể cả khi đội mũ bảo hiểm.
SSC sẽ chỉ sản xuất 100 siêu xe Tuatara. Hãng xe này không công bố giá bán, tuy nhiên trước đó (năm 2013) đã từng úp mở sẽ bán giá 1,3 triệu USD/chiếc.
Tuatara là siêu xe quan trọng của SSC và được coi là bản kế thừa của SSC Ultimate Aero, siêu xe từng lập kỷ lục tốc độ thế giới trước khi Bugatti Veyron Super Sport xuất hiện.
Theo Zing
Top 10 siêu xe thể thao đắt nhất thế giới: Aston Martin Valkyrie đầu bảng Theo thống kê của trang The Richest, Aston Martin Valkyrie chính là mẫu siêu xe thể thao đắt nhất thế giới hiện nay với giá lên tới 3,2 triệu USD. 1. Aston Martin Valkyrie (giá: 3,2 triệu USD). 2. Bugatti Chiron (giá: 2,9 triệu USD). 3. Koenigsegg Jesko (giá: 2,8 triệu USD). 4. Mercedes-AMG Project One (giá: 2,7 triệu USD). 5. Pininfarina Battista...