Đánh giá ‘ông hoàng tốc độ’ của 20 năm về trước
Chuyên gia thử xe Andrew Frankel đã có cơ hội lái thử và đưa ra những nhận định về siêu xe Jaguar XJ220, ông hoàng tốc độ một thời trong thế giới siêu xe.
Năm 1988, Jaguar công bố một bản concept mới tại NEC Auto Show, tổ chức tại thành phố Birmingham, Anh. Đó là một nguyên mẫu đang được nghiên cứu phát triển cho một siêu xe trọng lượng nhẹ. Bản concept này được trang bị động cơ đặt giữa với mục tiêu cạnh tranh với Ferrari F40 và Porsche 959.
Trái tim của chiếc xe là khối động cơ V12 6.2 lít lấy từ chiếc xe đua XJR-9, kết hợp với hệ thống truyền động bốn bánh, thiết kế cửa cắt kéo và có tốc độ “mục tiêu” là 355 km/h. Chiếc xe sau đó được biết đến với tên XJ220.
Do nhu cầu lớn từ phía khách hàng, Jaguar đã kết hợp với Tom Walkinshaw để phát triển phiên bản sản xuất của siêu xe này, một chiếc xe mang phong cách thiết kế tuyệt vời cùng tính năng vận hành cao của một chiếc xe đua.
Phiên bản sản xuất của XJ220 được giới thiệu vào năm 1989, và mức giá được đưa ra khi đó là 361.000 bảng, số tiền khách hàng cần đặt trước để có thể sở hữu siêu xe này là 50.000 bảng. Ban đầu, Jaguar dự định chỉ sản xuất 350 chiếc XJ220, nhưng lượng đơn đặt hàng hãng nhận được lên tới 1.500 chiếc.
Sau đó, suy thoái kinh tế đã xảy ra vào năm 1992, và thị trường siêu xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng xe XJ220 dự định sản xuất lại giảm xuống 350 giống như con số ban đầu đưa ra.
Mặc dù giữ nguyên kiểu dáng của bản concept giới thiệu vào năm 1989, tuy nhiên một thay đổi lớn đã diễn ra với phiên bản sản xuất của siêu xe này. Jaguar đã thay thế động cơ V12 trên bản concept bằng khối động cơ V6 Twin-Turbo 3.5 lít, khối động cơ lấy từ chiếc xe đua Austin Metro 6R4, Jaguar XJR-10 và XJR-11. Cặp cửa cắt kéo và hệ thống truyền động bốn bánh cũng bị loại bỏ, thay vào đó là cặp cửa mở ngang thông thường và hệ thống truyền động bánh sau.
Những thay đổi này đã dẫn đến những lời chỉ trích nặng nề, và siêu xe của Jaguar chưa bao giờ có thể giành được nhiều tình cảm như các đối thủ của nó.
Khối động cơ V6 trên Jaguar XJ220 có công suất 550 mã lực, mô-men xoắn cực đại 645 Nm. Sức mạnh này giúp Jaguar XJ220 có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 3,8 giây và đạt tới tốc độ 350 km/h. Đây chính là “ông hoàng tốc độ” ở nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ 20.
Video đang HOT
Jaguar XJ220 đã chính thức vượt qua “kỷ lục gia tốc độ” khi đó là chiếc Ferrari F40 – mẫu siêu xe có tốc độ tối đa 340 km/h. Kỷ lục của XJ220 chỉ bị phá bởi McLaren F1, siêu xe nhanh nhất thế kỷ 20.
Dưới đây là những đánh giá của Andrew Frankel về “ông hoàng tốc độ” 20 tuổiJaguar XJ220.
Theo AutoPro
Ferrari F40 - "Ông hoàng tốc độ" một thời
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của Ferrari F40, cùng điểm lại lịch sử gắn liền với mẫu siêu xe huyền thoại một thời.
Có những mẫu xe sau khi ra đời đã thay đổi thế giới ôtô, lập những kỷ lục đáng nhớ hoặc đơn giản được coi là huyền thoại. Một trong số đó có Ferrari F40, mẫu siêu xe yêu thích của không ít người hâm mộ từ xưa đến nay.
Trở lại năm 1984 khi Ferrari 288 GTO được coi là mẫu xe thương mại nhanh nhất thế giới với vận tốc tối đa 302 km/h. Tuy nhiên, niềm vui của Ferrari 288 GTO ngắn chằng tày gang khi đến năm 1986, danh hiệu "ông hoàng tốc độ" đã thuộc về tay Porsche 959. Với thành tích 317 km/h, Porsche 959 nghiễm nhiên vượt mặt "ngựa chiến" đến từ Italia.
Trong suốt thời kỳ tồn tại, Porsche 959 đã được ca ngợi như mẫu siêu xe thể thao mang trên mình nhiều công nghệ tiên tiến nhất. Điển hình như hệ thống treo điều chỉnh tùy ý, hệ dẫn động 4 bánh thông minh truyền lực đến 2 cầu dựa trên độ bám đường của lốp và lực G sản sinh. "Trái tim" của Porsche 959 là khối động cơ 6 xylanh phẳng, tăng áp kép, dung tích 2,8 lít, sản sinh công suất 444 mã lực, kết hợp với hộp số sàn 6 cấp. Theo quan điểm của nhiều người, đây chính là mẫu xe thể thao tốt nhất thế giới trong mọi thời đại.
Chỉ có đúng 337 chiếc Porsche 959 được xuất xưởng với giá bán 225.000 USD tại thị trường Mỹ. Mặc dù đây là giá bán khá cao nhưng vẫn không ăn nhằm gì so với chi phí mà Porsche phải bỏ ra để hoàn thiện một chiếc 959. Được biết, hãng Porsche phải tốn đến 530.000 USD chỉ để lắp ráp 1 chiếc siêu xe 959. Cũng may, toàn bộ những chiếc 959 đều tìm thấy khách hàng ngay trong tuần đầu tiên có mặt trên thị trường.
Bước sang năm 1987, Ferrari lập tức có lời đáp trả dành cho Porsche, đó chính là siêu phẩm F40. Cung cấp năng lượng cho huyền thoại nhà Ferrari là khối động cơ V8, tăng áp kép, dung tích 2,9 lít, sản sinh công suất 478 mã lực. Sức mạnh ấy được truyền tới cầu sau thông qua hộp số sàn 5 cấp. Sự ra đời của Ferrari F40 cũng đồng thời là dấu chấm hết cho vị trí số 1 của Porsche 959 trong thế giới tốc độ. Động cơ mạnh mẽ cho phép Ferrari F40 đạt vận tốc tối đa 323 km/h.
Vấn đề nằm ở chỗ, người hâm mộ thường không hoàn toàn tin tưởng vào thông số hoạt động do các nhà sản xuất đưa ra. Do đó, cũng vào năm 1987, tạp chí Quattroruote đặt trụ sở tại Italia, đã quyết định thử nghiệm vận tốc tối đa của Ferrari F40. Kết quả, "ngựa chiến" nhà Ferrari đã đạt kỷ lục tốc độ 326 km/h. Nhờ đó, Ferrari trở lại vị trí quán quân trong làng sản xuất xe thương mại nhanh nhất thế giới.
Ban đầu, ông Enzo Ferrari và các cộng sự chế tạo F40 để kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nhãn hiệu "ngựa lồng". Người chịu trách nhiệm thiết kế F40 chính là huyền thoại Pininfarina. Khi thiết kế F40, ông Pininfarina chỉ tâm niệm đúng 1 điều, đó là kiểu dáng khí động học tối ưu. Với hệ số lực cản 0,34, Ferrari F40 hoạt động thực sự ổn định ở vận tốc cao.
Ứng dụng nhiều vật liệu nhẹ và cắt giảm tối đa các trang thiết bị hạng sang, Ferrari F40 chỉ nặng 1.100 kg. Rõ ràng, khi "nhào nặn" F40, Enzo Ferrari không muốn đánh mất "dòng máu" đua trong huyết quản mẫu siêu xe "cưng". Hệ thống treo tay đòn kép trước và sau của F40 vốn được bê từ 288 GTO sang nhưng đã trải qua quá trình nâng cấp. Tuy không quá sang trọng, tiện nghi và tiên tiến nhưng Ferrari F40 xứng đáng là mẫu siêu xe nhanh nhất vào thời điểm đó nhờ thiết kế, cơ cấu kỹ thuật cũng như động cơ.
Tất nhiên, thời của Ferrari F40 cũng nhanh chóng đi qua khi Jaguar XJ220 ra đời vào 5 năm sau. Kể từ đó đến nay, Ferrari chưa bao giờ giành lại danh hiệu "ông hoàng tốc độ" từ tay các nhãn hiệu khác. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là F40 đã đánh mất vị trí trong trái tim người hâm mộ siêu xe. Thay vào đó, ấn tượng về "ngựa chiến" nhà Ferrari vẫn còn in đậm trong tâm trí người hâm mộ nhãn hiệu Italia nói riêng và toàn cầu nói chung.
Ngay cả những người chuyên lái thử xe cho hãng Porsche cũng tỏ ra vô cùng phấn khích khi ngồi sau vô lăng Ferrari F40. Thậm chí, ông Chris Harris, tay lái thử xe của Porsche, còn đánh giá Ferrari F40 cao hơn cả 911 GT2 RS. Ngoài ra, Ferrari F40 còn được ca ngợi không ngớt trên chương trình Top Gearnổi tiếng của Anh. Người dẫn chương trình Richard Hammond của Top Gear vốn là một tín đồ dòng xe Porsche đã phải thừa nhận thích Ferrari F40 hơn cả 959.
Sau 25 năm trình làng, Ferrari F40 vẫn tiếp tục phục vụ không ít chủ nhân trên toàn thế giới bất chấp sự ra đời của hàng loạt mẫu siêu xe thể thao hiện đại ngày nay. Khi xuất xưởng vào năm 1987, Ferrari F40 là một siêu xe đáng ngưỡng mộ với khả năng tăng tốc từ 0-96 km/h trong 3,7 giây. Đến nay, F40 vẫn là tượng đài để nhiều mẫu siêu xe khác phải nhìn vào. Đặc biệt hơn, F40 còn là mẫu xe cuối cùng được chế tạo dưới sự giám sát trực tiếp của huyền thoại Enzo Ferrari.
Theo Autopro
Choáng ngợp với màn 'tụ tập' của hơn 100 siêu xe Ngoài những gương mặt đã khá quen thuộc trong làng xe thế giới, còn có những chiếc xế lạ tham gia sự kiện tại Anh hồi cuối tuần vừa qua. Những cuộc tề tựu đông đảo của hàng loạt siêu xe vốn đã không còn xa lạ với người hâm mộ trên toàn thế giới. Lâu nay, những sự kiện siêu xe như...