Đánh giá nhanh SUV điện Mercedes-Benz EQC vừa ra mắt: Xanh, sang, “xịn”
Mercedes-Benz EQC được coi là mẫu xe mở ra “bình minh của kỷ nguyên mới” cho thương hiệu ngôi sao 3 cánh trong tương lai xe điện.
Sau 2 năm “ẩn dật” kể từ lúc được ra mắt tại triển lãm ô tô Paris 2016 dưới dạng concept, mẫu SUV chạy điện hoàn toàn Mercedes-Benz EQC đã được vén màn, mở ra một kỷ nguyên mới cho thương hiệu ngôi sao 3 cánh. Thực tế, Mercedes-Benz EQC không phải là mẫu xe điện thương mại đầu tiên của hãng xe Đức. Trước đó, hãng cũng từng sản xuất và phân phối các phiên bản chạy điện Electric Drive của dòng B-Class và SLS AMG. Điều khiến EQC trở thành “bình minh của kỷ nguyên mới” theo như lời của ông Dieter Zetsche – CEO của Mercedes-Benz – tại sự kiện ra mắt hôm 4/9 chính là cơ sở gầm bệ.
SUV điện EQC được chính tay ông Dieter Zetsche – CEO của Mercedes-Benz vén màn ra mặt tại sự kiện diễn ra ở Thụy Điển 4/9 vừa qua
Mercedes-Benz đã phát triển một cơ sở gầm bệ riêng biệt cho EQC chứ không hề dựa trên bất kỳ dòng xe nào hiện tại của hãng. Lý do là bởi thương hiệu ngôi sao 3 cánh sẽ sử dụng cơ sở gầm bệ mới này để khai sinh series xe điện EQ mới với đa dạng kiểu dáng và phân khúc.
Thiết kế ngoại thất của Mercedes-Benz EQC
Thân xe được thiết kế theo ngôn ngữ Sensual Purity với những đường nét mềm mại, gọn gàng và thống nhất
Mercedes-Benz EQC lần đầu xuất hiện trước ánh mắt của công chúng thông qua Concept Generation EQ tại triển lãm ô tô Paris 2016. Sau 2 năm phát triển, bản thương mại của mẫu xe này sở hữu nhiều thay đổi so với Concept Generation EQ. Hình dáng cửa kính vẫn được giữ nguyên trong khi thân xe giờ đây được sửa đổi với những đường nét mềm mại và gọn gàng theo ngôn ngữ thiết kế Sensual Purity của Mercedes-Benz.
Khác với bản Concept Generation EQ, Mercedes-Benz EQC đã được trang bị thêm “bộ mặt giả” với kiểu dáng lưới tản nhiệt đang được áp dụng trên dòng Maybach mới
Tiếp đến là phần đầu xe, dù sử dụng hệ truyền động điện không còn cần đến động cơ đốt trong nữa nhưng Mercedes-Benz EQC vẫn trang bị lưới tản nhiệt với dạng nhiều thanh nan ngang chứ không “bóng loáng” như phiên bản concept. Chia sẻ về sự thay đổi này, ông Robert Lesnik – nhà thiết kế ngoại thất của Mercedes-Benz EQC – cho biết: “Chiếc xe cần một bộ mặt nên chúng tôi đã trang bị thêm mặt ca-lăng giả, tạo cảm giác thân thuộc”. Trong khi đó, ông Zetsche chia sẻ tại buổi ra mắt rằng lưới tản nhiệt này sẽ khiến EQC mang “chất Mercedes” thống nhất về mặt thương hiệu.
Đuôi sau ấn tượng với đèn hậu LED nối liền song song cùng các đường nét khác tạo độ hút về thị giác
Phía sau, Mercedes-Benz EQC gây ấn tượng với chi tiết đèn hậu LED nối liền nhau tạo thành một đường thẳng song song với đường gân phía dưới cùng cửa kính bên trên. Đây là một chi tiết thiết kế rất “mượt” đong đầy xúc cảm thỏa mãn về mặt thị giác. Có thể vẻ ngoài của EQC sẽ không táo bạo như Jaguar I-Pace hay sắc sảo như Audi e-tron nhưng bù lại, mẫu xe này sở hữu vẻ sang trọng và thông minh như những giá trị cốt lõi mà Mercedes-Benz thường nhắm tới.
Mercedes-Benz EQC có kích thước chỉ lớn hơn GLC một chút xíu
Về mặt kích thước, Mercedes-Benz EQC có chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 4.761 x 1.884 x 1.624 mm, lớn hơn một chút so với mẫu GLC đang được ưa chuộng ở nước ta nên đem lại khả năng di chuyển trong đô thị cũng không khác nhau là mấy. Thiết kế này cho phép Mercedes-Benz EQC giữ được tính thực dụng của một chiếc SUV đồng thời tận dụng tính khí động học với trần xe thấp xứng tầm với bộ truyền động điện mạnh mẽ của xe.
Nội thất của Mercedes-Benz EQC
Nổi bật khoang nội thất là giao diện điều khiển MBUX đang được áp dụng trên các dòng xe hiện đại của Mercedes-Benz
Bên trong khoang nội thất, đập vào mắt là giao diện điều khiển MBUX với bảng đồng hồ là một màn hình kĩ thuật số lớn nối liền cùng màn hình thông tin giải trí dạng cảm ứng. Thiết kế này đang được áp dụng trên dòng Mercedes-Benz S-Class, E-Class và A-Class mới nhất. Tuy nhiên, thay vì “khiêm tốn” nằm dưới táp-lô, thiết kế này khi áp dụng vào EQC lại được thiết kế “lộ thiên”, phối hợp với những đường nét thanh mảnh chạy dọc trong khoang nội thất tạo nên chất “xe xanh” mà Mercedes-Benz hướng tới.
Giao diện MBUX chiếm gần 1/2 táp lô và được để “lộ” tạo cảm giác hiện đại, công nghệ cao
Bên cạnh đó, Mercedes-Benz cho biết, hệ thống điều khiển của EQC có trí thông minh nhân tạo với khả năng học hỏi theo các thói quen của người lái, từ đó đưa ra các gợi ý và dự đoán khác nhau. Thậm chí, tài xế có thể “ra lệnh” cho xe hoàn toàn bằng giọng nói. Ngoài ra, các tính năng hỗ trợ người điều khiển tiên tiến của Mercedes-Benz cũng sẽ có mặt trên EQC, đem tới cho xe khả năng tự lái bán tự động.
Ghế được bọc da thể thao và người dùng có thể tùy chọn vật liệu nổi thất từ thiên nhiên, nhân tạo hoặc tái chế
Tập trung vào chủ đề “xe điện”, hãng xe Đức tiếp tục triển khai phong cách thiết kế nội thất của EQC xoay quanh tiêu chí này như cửa gió điều hòa sơn màu đồng lấy cảm ứng từ bảng mạch điện tử. Ghế ngồi được bọc da với kiểu dáng thể thao, đồng thời khách hàng có thể lựa chọn giữa các option vật liệu nội thất từ thiên nhiên, nhân tạo hoặc tái chế.
Bộ truyền động điện của Mercedes-Benz EQC
Mercedes-Benz EQC sử dụng 2 mô-tơ điện đặt ở 2 cầu trước sau kết hợp cùng hệ đẫn động 4 bánh
Với dòng chữ “4MATIC” xuất hiện trên xe, Mercedes-Benz EQC có hệ dẫn động 100% bằng điện phối hợp cùng hệ dẫn động 4 bánh thông qua 2 mô-tơ điện riêng biệt đặt ở cầu trước và cầu sau. Kết cấu này cũng đang được áp dụng trên hầu hết các mẫu xe điện dẫn động 4 bánh nhưng theo Mercedes-Benz, mô-tơ điện của EQC sẽ hoạt động theo một hướng khác biệt.
Mô-tơ điện ở cầu trước giúp xe vận hành hiệu quả ở mức tải thấp và trung còn động cơ điện ở cầu sau sẽ đem lại những trải nghiệm lái thể thao
Theo đó, mô-tơ điện ở cầu trước được tối ưu cho khả năng vận hành hiệu quả ở mức tải thấp và trung giúp xe tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, mô-tơ ở cầu sau sẽ chịu trách nhiệm giúp Mercedes-Benz EQC đem lại cho người lái những trải nghiệm lái thể thao. Tổng công suất của 2 mô-tơ điện này đạt tới 402 mã lực và mô-men xoắn cực khủng lên đến 765 Nm, giúp Mercedes-Benz EQC có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 5,1 giây. Đáng tiếc là tốc độ tối đa của xe lại chỉ có thể lên tới 180 km/h mà thôi, bù lại phạm vi hoạt động là hơn 450 km.
Theo Mercedes-Benz, EQC có khả năng sạc từ 10% lên 80% trong vòng 40 phút
Mercedes-Benz EQC cũng có nhiều chế độ lái khác nhau, bao gồm Comfot, Eco, Max Range (tối ưu phạm vi hoạt động), Sport và Individual. Năng lượng cho 2 mô-tơ và toàn bộ hệ thống điện của Mercedes-Benz EQC đến từ khối pin Lithium-ion 80 kWh làm mát bằng dung dịch, tổ hợp từ 384 pin đặt ở sàn xe giữa 2 trục. Đi kèm theo xe là bộ sạc điện làm mát bằng chất lỏng với công suất 7,4 kW giúp xe có khả năng sạc từ 10% lên 80% trong vòng 40 phút.
Mercedes-Benz EQC sẽ chính thức bán ra thị trường vào năm 2020
Mercedes-Benz EQC sẽ chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt tại nhà máy của hãng ở Bremen, Đức vào năm sau nhưng phải đến năm 2020 xe mới được bán ra chính thức tại Mỹ. Sau EQC, mẫu xe điện tiếp theo sẽ được Mercedes-Benz phát triển nhiều khả năng sẽ là sedan và rồi dần dần đa dạng phân khúc giúp thương hiệu ngôi sao 3 cánh có độ phủ trong tương lai xe điện.
Lâm chan
Theo tin xe
"Tất tần tật" về hypercar Bugatti Chiron Divo giá 135 tỷ
Vừa được ra mắt chính thức, Bugatti Chiron Divo không chỉ là một phiên bản hiệu năng cao của dòng hypercar Chiron - nó còn là một dấu mốc quan trọng với hãng siêu xe Pháp.
Được hé lộ liên tục trong thời gian vừa qua, Bugatti Chiron Divo đã chính thức "trình làng" trong khuôn khổ lễ hội xe quý tộc Pebble Beach Concours d'Elegance đang diễn ra tại Mỹ. Theo ông Stephan Winkelmann Giám đốc điều hành của Bugatti chia sẻ, Chiron Divo không chỉ đơn thuần là phiên bản hiệu năng cao của dòng hypercar Chiron - nó còn thể hiện ngôn ngữ thiết kế mới của Bugatti, cũng như đánh dấu sự trở lại của hãng xe Pháp với nghệ thuật chế tác thân xe (coachbuild) truyền thống.
Trong những năm đầu của ngành công nghiệp xe hơi, một chiếc xe được bán cho khách hàng sẽ bao gồm phần động cơ và chassis lăn bánh từ các hãng xe, trong khi thân xe sẽ được các hãng coachbuild như Pininfarina, Bertone... thiết kế và chế tạo theo đúng theo yêu cầu của khách hàng. Ở thời kỳ này, Bugatti là một trong những hãng xe hiếm hoi đảm nhận cả 2 công việc trên, khi người sáng lập hãng là Ettore Bugatti sẽ tạo ra khung sàn và con trai ông - Jean Bugatti đảm nhiệm việc thiết kế thân xe.
Do có thân xe được thiết kế cho từng khách hàng khác nhau, những chiếc xe hơi coachbuild cổ khó có thể bị "đụng hàng" với nhau - khác với hình thức sản xuất xe công nghiệp sau này. Trong khi đó, các sản phẩm của Bugatti ở thời kỳ coachbuild luôn được tôn vinh bởi thiết kế hấp dẫn của chúng - ngay cả thời điểm bây giờ nhiều mẫu xe của hãng vẫn luôn nằm trong các danh sách xe đẹp nhất Thế giới. Ngày nay, khái niệm coachbuild thường gắn liền với các mẫu xe "hàng thửa" được thiết kế lại hoàn toàn và sản xuất với số lượng nhỏ, dựa trên những dòng xe thương mại đang có sẵn trên thị trường.
Quay trở lại với Chiron Divo, siêu xe mới nhất của Bugatti hoàn toàn xứng đáng với khái niệm "coachbuild" hiện đại khi nó sở hữu thân xe hoàn toàn khác biệt so với chiếc Chiron quen thuộc. Ngoài hình dáng của những cửa kính, phần còn lại của chiếc xe đã được Bugatti thiết kế lại hoàn toàn, hướng tối đa tới hiệu năng khí động học. Giống như những xe đua chuyên nghiệp, Chiron Divo sở hữu các hốc hút gió "khổng lồ" ở phía trước, những vây khí động học nằm hai bên cửa, dọc theo nắp động cơ, cánh đuôi lớn phía sau và các cánh ốp bên dưới bodykit.
Không chỉ khiến chiếc xe trở nên độc đáo và khác biệt so với Chiron, các chi tiết khí động học còn khiến cho chiếc xe có độ ổn định và bám đường cao hơn, từ đó đạt tốc độ lớn hơn ở các khúc cua. Theo Bugatti, lực nén không khí xuống mặt đường đo được của Chiron Divo tăng thêm 90kg, trong khi lực gia tốc G cũng tăng 1,6g so với Chiron thường. Nhờ sử dụng nhiều sợi carbon hơn trong kết cấu, thay bộ mâm siêu nhẹ, cắt giảm các lớp cách âm cabin cùng nhiều biện pháp "ép cân" khác, chiếc xe cũng nhẹ hơn tới khoảng 35kg.
Trong khi sở hữu ngoại hình khác biệt hoàn toàn so với Chiron nguyên gốc, Chiron Divo vẫn chia sẻ chung phần lớn thiết kế nội thất với "người anh em" ra mắt trước. Tương tự, hệ động lực của chiếc xe vẫn được giữ nguyên. Nằm phía sau khoang lái của Chiron Divo vẫn tiếp tục là động cơ W16 4 tăng áp quen thuộc, cho công suất 1.500PS. Nhờ có trọng lượng nhẹ hơn, chiếc xe có thời gian tăng tốc từ 0-100km/h nhanh hơn 0,1 giây so với Chiron, chỉ mất 2,4 giây.
Tuy nhiên đổi lại, Chiron Divo mất đi chế độ lái Top Speed từng xuất hiện trên chiếc Chiron cũ, dẫn tới việc tốc độ tối đa bị giới hạn "chỉ" ở mức 380km/h. Nguyên nhân đứng sau sự suy giảm này không chỉ nằm ở lực nén khí động học và cản gió tới thân xe lớn hơn, mà còn do góc nghiêng bánh xe (camber) được gia tăng. Đổi lại, những cải tiến này cùng với hệ thống treo và tay lái được cân chỉnh đã khiến Chiron Divo trở nên tốc độ hơn nhiều ở các khúc cua, cũng như đem tới cảm giác lái ấn tượng hơn.
Ngay từ khi mới bắt đầu hé lộ về Chiron Divo, Bugatti đã tuyên bố sẽ chỉ giới hạn số lượng sản xuất của chiếc xe ở con số 40, cũng như "chốt giá" khởi điểm ở mức 5 triệu Euro (tương đương 135 tỷ đồng). Mức giá nêu trên đắt hơn tới gần gấp đôi so với chiếc Chiron Sport, khiến Chiron Divo trở thành chiếc xe có giá bán niêm yết đắt nhất trong lịch sử của Bugatti. Mặc dù đắt đỏ nhưng hiện tại, cả 40 chiếc Chiron Divo đều đã có khách hàng đặt cọc.
Theo Xedoisong
Siêu xe mui trần Ferrari 488 Pista Spider ra mắt toàn cầu Siêu xe Ferrari 488 Pista Spider thiết lập nên những chuẩn mực mới về xe mui trần hiệu suất cao. Đây là mẫu xe mui trần thứ 50 mà Ferrari đã chế tạo. Siêu xe mui trần Ferrari 488 Pista Spider đã chính thức ra mắt toàn cầu tại sự kiện lễ hội xe quý tộc nổi tiếng Concours d'Elegance đang diễn ra...