Đánh giá Middle-Earth: Shadow of Mordor: Hấp dẫn đến bất ngờ
Ít ai ngờ một tựa game vay mượn và nhất là ăn theo như Middle Earth: Shadow of Mordor lại có chất lượng tốt đến như vậy.
Công bố hồi cuối năm 2013, ít ai nghĩ, hay đúng hơn là dám hy vọng rằng Middle-earth: Shadow of Mordor – tựa game với cốt truyện dựa trên tác phẩm The Lord of the Rings cùng lối chơi nhìn qua đã thấy “đặc sệt” Assassin’s Creed có thể đem lại điều gì đó mới mẻ cho làng game nhập vai hành động. Nhưng thật bất ngờ, sản phẩm của Monolith Productions sau khi phát hành đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các tạp chí game nổi tiếng trên thế giới. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vì sao mà Shadow of Mordor lại hấp dẫn như vậy.
Cốt truyện và gameplay
Với cái nhìn thoáng qua ban đầu, người chơi có thể cho rằng Shadow of Mordor không phải là một sản phẩm gì quá đặc biệt bởi nó vay mượn rất nhiều yếu tố hành động từ các bom tấn hành động khác, dễ thấy nhất là phong cách ẩn nấp và leo trèo của Assassin’s Creed đến từ Ubisoft, gameplay chiến đấu rất đã tay của series game Batman (cũng do Warner Bros phát hành).
Tuy nhiên, điểm gây thu hút thực sự của Shadow of Mordor lại ẩn giấu đằng sau những yếu tố gameplay quen thuộc trên, đó là cốt truyện tuyến tính hấp dẫn kết hợp cùng những diễn biến ngẫu nhiên sinh ra trong quá trình chơi nhưng vẫn duy trì được sự hợp lý và liền mạch.
Được đặt vào thời điểm giữa của các sự kiện xảy ra trong tác phẩm The Hobbit và The Lord of the Rings của tác giả J. R. R. Tolkien, Shadow of Mordor được khởi đầu một cách rất bi tráng. Nhân vật chính Talion là một chiến binh bảo vệ Black Gate – cánh cổng dẫn vào vùng đất đầy nguy hiểm Mordor. Trong cảnh đầu của game, trạm tiền tiêu của Talion đã bị san bằng bởi quân Orc, dẫn đến đồng đội cùng gia đình của anh đều bị sát hại tàn nhẫn. Talion cũng không thoát được số phận bất hạnh đó, tuy nhiên anh lại may mắn thấy mình được hồi sinh và được gắn chặt với một bóng ma Wraith – linh hồn có sức mạnh cực lớn.
Talion và bóng ma Wraith bí ẩn.
Talion bắt đầu game với hình tượng là một nhân vật nung nấu trả thù – mô-típ khá quen thuộc trong game hành động, nhưng anh ta dần biến chuyển và bộc lộ tính cách rất thu hút khi người chơi tiến sâu vào cốt truyện hơn. Bên cạnh đó, hồn ma đồng hành và một số nhân vật khác mà Talion gặp trong chuyến phiêu lưu được thiết kế tốt và hấp dẫn.
Điều bất ngờ nhất trong Shadow of Mordor chính là việc hãng phát triển đã đầu tư rất nhiều thời gian và tài nguyên để làm nổi bật lên tính cách của các con Orc (hay Uruk) trong game. Ở phần lớn các tựa game có bối cảnh thần thoại tương tự, kẻ thù thường không có tên và người chơi hoàn toàn sẽ không nhớ đến chúng sau khi đã hạ gục hàng tá kẻ địch giống nhau. Mặc dù Talion cũng hạ sát hàng trăm con Orc trong Shadow of Mordor, nhưng Monolith đã khéo léo tạo ra những tên Orc thông minh và có biểu hiện hoàn toàn riêng biệt.
Mỗi đối thủ sẽ có những điểm mạnh, yếu riêng biệt.
Đối thủ được thiết kế tốt như vậy là do Shadow of Mordor đã áp dụng một tính năng hoàn toàn mới và đầy đột phá đó chính là hệ thống Nemesis. Khi mới được giới thiệu trước công chúng ở các lần ra mắt trước khi phát hành, nhiều người hồ nghi về sự hiệu quả của chế độ này và cho rằng đây chỉ là một trò “lừa đảo” của hãng phát triển. Tuy nhiên, sau khi thật sự trải nghiệm trò chơi, chắc chắn người chơi sẽ nhận thấy được sức mạnh của hệ thống này khi nó đóng vai trò chủ lực trong quá trình xây dựng bối cảnh và thế giới trong game.
Thay vì bắt người chơi phải trực tiếp tham gia đầy đủ tất cả các trận đánh trùm đã được định trước, tựa game mô phỏng lại cơ cấu của quân đội dưới trướng chúa tể hắc ám Sauron, tạo ra những tên Orc có tên, sức mạnh, điểm yếu và tính cách ngầu nhiên và đặt vào những vị trí trong tổ chức quân đội này.
Hàng ngũ Orc (Uruk) của quân đội Sauron được bố trí ngẫu nhiên tạo giá trị chơi lại cao.
Khi bạn chạm chán những kẻ địch này và đánh bại chúng (chết hay bị thương), giữa bạn và chúng sẽ tạo ra một mối quan hệ. Người chơi sẽ dần có khả năng nhận ra những kẻ thù mà mình chưa tiêu diệt được trước đây và sẽ cảm thấy bất ngờ khi nhưng tên Orc này nhớ rất rõ những lần chạm trán trước. Tại một thời điểm, người viết đánh bại một tay đội trưởng Orc tên Norsko với một mũi tên xuyên vào một mắt của hắn. Lần chạm chán sau với Norsko, hắn giờ đây đã có một miếng bịt mắt bằng kim loại trên đúng bên mắt bị thương và thề sẽ trả thù Talion.
Sẽ không thiếu những màn khiêu khích khiến người chơi sôi máu như thế này.
Thoạt nhìn lúc đầu, người chơi sẽ cho rằng hệ thống Nemesis chỉ áp dụng cho một số lượng nhỏ kẻ địch có vị trí cộm cán của quân đội Sauron mà thôi. Nhưng trên thực tế, hệ thống này còn hoạt động chìm phía sau và tác động lên toàn bộ hàng ngũ địch. Nếu người chơi bị thua một trận giao tranh, kẻ địch vô danh tiểu tốt có công hạ gục bạn sẽ được cất nhắc lên một vị trí cao hơn và chắc chắn hắn sẽ không quên lải nhải về chiến tích của mình cho người chơi nghe mỗi lần gặp lại.
Video đang HOT
Sau khi dành nửa đầu của game để dần giới thiệu tộc Orc, Shadow of Mordor cho phép người chơi trực tiếp gây ảnh hưởng đến cốt truyện trong nửa sau của game. Người chơi sẽ có khả năng tẩy não Orc và ép chúng phải phục tùng dưới trướng của mình. Quyền năng này sẽ cho phép bạn chuyển hóa nhiều tên thủ lĩnh của địch chống lại nhau hoặc thiết lập một bộ máy quyền lực mà bạn nắm toàn quyền chi phối.
Đối với mỗi địch thủ, chúng sẽ có một ấn tượng riêng về Talion. Một số sẽ hoảng sợ khi nhìn thấy bóng của người chơi và bỏ chạy ngay lập tức. Một số khác lại nhanh chóng gọi cứu viện. Hầu hết mỗi loại kẻ thù sẽ có điểm yếu nào đó ví dụ như lãnh nhiều sát thương từ lửa hay các đòn đánh lén. Shadow of Mordor cố gắng hết sức để khiến cho mỗi lần người chơi chạm trán kẻ thù là một thời điểm đáng nhớ, đáng chuẩn bị và chờ đợi. Đương nhiên, nhiều khi các đối tượng của người chơi đột ngột thay đổi khiến họ phải thay đổi cách đánh một cách hợp lý để khắc chế.
Điểm ấn tượng nhất của chế độ Nemesis chính là việc hệ thống này hoàn toàn có khả năng tự tạo ra các ảnh hưởng lên trò chơi. Mặc dù xoay quanh nhân vật chính Talion nhưng ngay cả khi không có sự tác động của người chơi, bộ máy quyền lực của quân đội Orc sẽ vẫn thay đổi. Một tên lão tướng Orc đang trên đà thăng tiến sẽ dở những chiêu trò chính trị nhằm hãm hại cấp trên. Nếu tên Orc đầy tham vọng đó quá yếu, hắn hoàn toàn có thể thất bại và bị trừng phạt vì tội mưu phản và bỏ trống vị trí hiện tại cho những tên lính vô danh lên nắm giữ.
Bạn hoàn toàn có thể gây ra xích mích và những pha làm phản hấp dẫn trong hàng ngũ địch.
Chính vì hệ thống hấp dẫn này mà những khoảnh khắc trong game đều tạo ra cảm giác thỏa mãn cho người chơi. Talion bắt đầu game với 3 loại vũ khí – một cây cung để phục vụ chiến đấu từ xa, con dao găm để đánh lén đối thủ và một thanh gươm để cận chiến – và người chơi hoàn toàn có thể phát triển nhân vật của mình bằng cách sử dụng nhiều công cụ hay các đồ nâng cấp khác nhau và tạo ra khả năng đặc biệt cho vũ khí.
Khi nhân vật lên cấp, người chơi có thể mở ra các kỹ năng mới và dần biến Talion trở thành một vũ khí chết người với những chiêu thức hấp dẫn. Nếu bạn cảm thấy hạ gục đối thủ bằng cung không thực sự thỏa mãn, bạn có thể chọn kỹ năng dịch chuyển tức thời tới đối thủ bằng cách bắn tên vào mục tiêu. Như vậy, người chơi có thể rút ngắn khoảng cách và kết liểu những tên địch đang bỏ chạy ở xa. Danh sách các kỹ năng hữu dụng khác trong game còn dài và chúng đều rất dễ sử dụng khiến cho người chơi không mấy khi cảm thấy bất lực hoàn toàn ngay cả khi bị bao vây bởi số lượng lớn những con Orc hung hãn.
Vì Talion không thể nhặt và thay vũ khí hay áo giáp mới, Monolith đã áp dụng một hệ thống thông minh để thay thế chiến lợi phẩm bị rớt mà người chơi thường thấy trong các game RPG. Mỗi khi người chơi hạ gục một tên Orc có chức vụ cao, người chơi sẽ nhận được rune. Rune có thể được dùng để găn vào các vũ khí một cách riêng biệt và nâng cấp chỉ số nhân vật. Cơ chế này rất quan trọng đối với người chơi và sẽ giúp ngươi chơi vượt qua được những thử thách khó khăn.
Các ký tự Rune với kỹ năng đặc biệt được khảm lên vũ khí giúp người chơi chống trả lại hàng đàn Uruk hung hãn dễ dàng hơn.
Người chơi có thể gắn vào thanh gươm của mình một vài rune có tính năng hồi máu để giúp tăng khả năng sống sót của Talion trong những trận đánh dài hơi, hoặc phân tách Rune thành điểm để cộng vào các nâng cấp khác cần thiết hơn.
Là một tựa game thế giới mở, Shadow of Mordor sở hữu đầy đủ những yếu tố hấp dẫn cần có của các tựa game cùng thể loại. Với hai bản đồ lớn được thiết kế đẹp mắt, nhiều địa danh thú vị và nhiều điều để khám phá, các fan hâm mộ của Lord of the Rings chắc chắn sẽ rất quan tâm đến các item ẩn cung cấp những mẩu chuyện nhỏ liên quan đến thế giới Middle Earth. Thêm vào đó, hàng loạt các nhiệm vụ phụ và các thử thách sẽ kiểm tra kỹ năng của người chơi. Nếu chịu khó tìm hiểu các yếu tố hấp dẫn của game, Shadow of Mordor có khả năng sẽ ngốn khoảng 30 đến 40 giờ chơi một cách dễ dàng.
Đồ họa và âm thanh
Shadow of Mordor là một trò chơi có đồ họa đẹp nhưng không thực sự xuất sắc vượt trội so với các tựa game next-gen gần đây. Theo xu hướng hiện tại của nhiều tựa game được làm đa nền, Shadow of Mordor có cấu hình yêu cầu khá cao vì không được tối ưu trên PC.
Về phần âm thanh, Shadow of Mordor tỏ ra rất ấn tượng. Người chơi sẽ hoàn toàn cảm nhận được độ nặng của những cú ra đòn, tiếng nổ đanh và chắc nịch của các chiêu thức, tiếng gươm giáo va vào nhau hoặc cắt vào da thịt sắc đến lạnh người. Những con Uruk cũng như Talion được lồng tiếng rất biểu cảm. Giọng nói trong game lột tả được cảm xúc, tính cách hung hãn, hèn nhát, đểu cáng đều rất đặc trưng và rõ. Chỉ cần nghe giọng của những con Orc thôi cũng đủ để khiến bạn cảm thấy ghét những tên quái vật này.
Những bản nhạc nền trong game chắc chắn sẽ đôi lúc khiến người chơi phải dừng lại lắng nghe. Chúng được sử dụng rất đúng thời điểm, dù là dồn dập ở các trường đoạn cao trào kịch tính hay trở du dương để lột tả phong cảnh yên bình. Người chơi chắc chắn sẽ mong muốn tìm kiếm bộ nhạc nền của game và nghe đi nghe lại bởi nhạc nền trong game quá hoành tráng không thua kém gì trong các tập phim Lord of the Rings.
Kết
Shadow of Mordor sở hữu một nền tảng gameplay rất tiềm năng nhưng cũng khá mạo hiểm. Đa số các tựa game hiện nay được phát triển theo hai hướng rất rõ ràng đó là hoàn toàn tuyến tính hoặc hoàn toàn mở và cho phép người chơi tự tạo ra cốt truyện của riêng mình. Rất hiếm khi một tựa game “lai căng” như Shadow of Mordor có thể đạt được sự hài hòa giữa hai thái cực. Middle Earth: Shadow of Mordor không chỉ kể một câu chuyện lôi cuốn mà còn mang tới cho người chơi đầy đủ những công cụ cần thiết để khám phá thế giới thần thoại một cách đầy hào hứng và đáng nhớ.
Đánh giá: 9/10
Theo GameK
Thấy gì ở làng game sau E3 2014?
Những xu hướng của làng game trong tương lai được thể hiện tại kì hội chợ E3 2014 vừa qua.
Đều đặn hàng năm cứ đến tháng 6, chúng ta lại có dịp chiêm ngưỡng trước những sản phẩm trò chơi điện tử tuyệt vời được thai nghẽn bởi hàng trăm nhà sản xuất lớn nhỏ trên thế giới tụ họp tại hội chợ E3. Với màn hình lớn, âm nhạc hoành tráng, những đoạn demo hấp dẫn và các buổi họp báo quy mô, cộng đồng gamer thủ phần nào nhận ra được những xu hướng mới mà ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang nhắm tới.
Trong bài viết ngày hôm nay, GameK sẽ cùng bạn đọc điểm lại một số những sự thay đổi đáng chú ý mà hội chợ E3 năm nay đã thể hiện.
Chế độ chơi đơn được chú trọng trở lại
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng chơi mạng như Xbox Live và PlayStation Network đã khiến nhiều hãng phát hành lẫn phát triển game sản xuất ra hàng loạt những tựa game tập trung vào phần chơi mạng. Nhưng sau một thời gian, người tiêu dùng có vẻ như đã tỉnh ngộ và cảm thấy sự hiện diện quá thường xuyên và đôi lúc thiếu hợp lý của multiplayer khiến trò chơi nhanh chóng trở nên nhàm chán.
May mắn thay, các nhà phát triển cũng đang nhận thức được điều này. Chúng ta đang thấy một loạt các nhà phát triển đang bỏ quả hoàn toàn chế độ chơi mạng để tập trung vào nội dung chơi đơn nhằm biến nó trở thành một trải nghiệm đáng nhớ và sáng tạo hơn. Bethesda và 2K là hai nhà phát hành đã thể hiện điều này với The Evil Within và BioShock.
Bên cạnh đó, The Order: 1886 của Sony, Batman: Arkham Knight và Shadow of Mordor của Warner Bros và cuối cùng là Alien: Isolation của SEGA là những cái tên mới đáng chú ý khi không hề đả động đến multiplayer. Trong tương lai chúng ta chắc chắn còn thấy nhiều tựa game tập trung vào mảng chơi đơn hơn nữa.
Chơi mạng đi theo chiều hướng mới lạ
Trong thời kỳ của thế hệ console cũ, có lẽ chưa bao giờ chúng ta được nghe đến khái niệm "Các chế độ chơi mạng cơ bản" (đề cập đến Deathmatch, đấu đội, cướp cờ...). Giờ đây, các nhà phát triển đã dần phá vỡ những khuôn phép về chế độ chơi mạng với sức mạng của hệ thống console mới. Destiny của Bungie là một trong những sản phẩm tiên phong dám hòa trộn chơi đơn và chơi mạng để tạo ra cảm giác của một game MMOFPS thứ thiệt trên console.
No Man's Sky, Dead Island 2, The Division, Assassin's Creed Unity và Far Cry 4 cũng mang đến những sự sáng tạo riêng của mình với những trải nghiệm kết hợp chơi đơn và chơi mạng mà không ảnh hưởng tới cốt truyện.
Ngoài ra, E3 năm nay cũng có sự xuất hiện thêm của một chế độ chơi đối kháng không cân xứng về số lượng người chơi ở mỗi phe như ở Evolve và Fable Legends. Một nhóm người chơi sẽ phải chống lại một người chơi duy nhất sử dụng nhân vật phản diện mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trong Evolve, 4 thợ săn sẽ phải chiến đấu chống lại một con quái vật khổng lồ có khả năng tiến hóa xuyên suốt trận đấu.
Còn Fable Legends cũng có phương trâm thiết kế gần giống nhưng thay vì một nhân vật xuất hiện trên đấu trường, người chơi phe phản diện sẽ có khả năng đặt bẫy và quái vật sử dụng máy tính bảng để tìm cách ngăn cản đội chơi còn lại hoàn thành màn chơi.
Rainbow Six: Siege lại tiếp cận theo một phong cách khác khi cho phép hai đội có số lượng tương đương đấu với nhau nhưng đội cảnh sát và khủng bố được đặt ở những vị trí khác biệt. Tựa game này có tốc độ trận đấu khá nhanh và yêu cầu cả hai đội phải trao đổi liên tục để lên kế hoạch phòng thủ cũng như tấn công và cuối cùng thực hiện chiến thuật một cách nhuần nhuyễn.
Những trải nghiệm chơi mạng kiểu này sẽ gặp phải vấn đề cân bằng khá thường xuyên. Tuy nhiên, các nhà phát triển đã dũng cảm chấp nhận sự rủi ro này để thoát ra khỏi những chế độ chơi mạng cổ điển.
Công nghệ thực tế ảo vẫn chưa sẵn sàng
Sau hội chợ GDC tràn ngập những thông tin liên quan đến các sản phẩm headset thực tế ảo (Oculus Rift và Project Morpheus), các hãng sản xuất công nghệ này không phô trương quá rầm rộ như trước tại E3 2014. Bản demo của Oculus và Morpheus vẫn xuất hiện, tuy nhiên các hãng sản xuất nhấn mạnh về việc cần thời gian để phát triển thêm vì chúng vẫn chưa sẵn sàng để chính thức thương mại hóa.
Oculus nhận được hẫu thuẫn về tài chính từ Facebook trong thời gian gần đây và sẵn sàng đẩy nhanh quá trình thiết kế. Facebook cũng có những mối quan hệ rất khăng khít với các nhà sản xuất phần cứng, vì thế khả năng Oculus được sản xuất hàng loạt và có giá cả mềm hơn khi ra mắt là điều dễ xảy ra.
Mặc dù các sản phẩm của Sony và Oculus VR đều cho chất lượng trải nghiệm rất ấn tượng nhưng hai hãng đều đang kiên nhẫn chăm chút tỉ mỉ cho những "đứa con" mang tính chiến lược này. Có lẽ chúng ta sẽ phải đợi đến năm 2016 để có thể chính thức thưởng thức các trò chơi điện tử qua công nghệ thực tế ảo mang tính cách mạng này.
Game thế giới mở trở nên "mở" hơn
Những tựa game ở thế hệ console mới không chỉ được nâng cấp đồ họa mà còn được chăm chút rất nhiều đến chất lượng về cốt truyện và gameplay. Dragon Age: Inquisition, Middle-Earth: Shadow of Mordor và The Witcher 3 chính là những sản phẩm tiên phong trên hệ máy console mới này. Cả ba tựa game đều đem đến cho người chơi cơ chế hội thoại có nhiều quyết định khác nhau và ảnh hưởng rất lớn đến các sự kiện cũng như kết cục của game.
Shadow of Mordor có hệ thống Nemesis cho phép người chơi uy hiếp và thao túng hành động của kẻ địch và hoàn toàn có thể giúp người chơi tạo ra những sự kiện như thu thập thông tin tình báo, thương thuyết, ám sát hay đấu tranh quyền lực trong hàng ngũ địch. Chúng ta đã từng thấy tính năng này trong các tựa game chiến thuật như Civilization nhưng đây là lần đầu tiên game nhập vai hành động áp dụng công thức rất hấp dẫn này. Tính năng đột phá của Shadow of Mordor có thể sẽ được nhiều hãng phát triển bắt chước trong tương lai.
Bên cạnh Shadow of Mordor, chúng ta có The Witcher 3 và Dragon Age: Inquisition. Đây là hai tưa game đã quá nổi tiếng với cốt truyện mở và có nhiều kết cục. Tuy nhiên, CD Projekt RED và BioWare đều đang muốn nâng sự tự do lựa chọn và số lượng kết cục của các sản phẩm này lên một tầm cao mới.
Cốt truyện trong series The Witcher vốn phức tạp và được chia làm nhiều nhánh nhưng với việc mở rộng thế giới và nhiệm vụ thiết kế hoàn toàn thủ công, chắc chắn người chơi sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ trong game. Dragon Age: Inquisition cũng không hề chịu kém cạnh khi đã hứa hẹn hơn 40 kết cục khác nhau có thể xảy ra đối với người chơi.
Game kinh dị dần hồi sinh
Thể loại kinh dị đang dần trở lại với những tựa game bom tấn chứ không chỉ dừng ở những sản phẩm indie như năm ngoái. Cộng đồng gamer hiện đang rất trong đợi những sản phẩm có tiềm năng gây đau tim và chảy mồ hôi lạnh như The Evil Within và Alien: Isolation.
Sau thất bại thảm hại của Colonial Marines, người hâm mộ đã gần như mất hết hy vọng vào những tựa game ăn theo bộ phim Alien. Tuy nhiên, hãng phát triển Creative Assembly (nổi tiếng với những tựa game chiến thuật) lại gây bất ngờ rất lớn cho cả fan hâm mộ lẫn báo chí. Bất ngờ ở chỗ, một hãng làm game chưa bao giờ đụng đến game góc nhìn người thứ nhất và cả thể loại kinh dị lại đang chứng minh rằng Alien: Isolation sẽ mang đến đúng cảm giác kinh dị mà tất cả chúng ta vẫn luôn tìm kiếm.
The Evil Within lại không gặp được một khởi đầu suôn sẻ lắm khi bị hứng chịu một số luồng ý kiến phản hồi trái chiều khi được trình diễn tại PAX East. Chính vì những phản hổi không tốt này, Shinji Mikami và Tango Gameworks đã chính thức hoãn ngày phát hành của tựa game để có thể điều chỉnh lại cho phù hợp. Dựa vào những hình ảnh mới tại E3 năm nay, có vẻ như tựa game này đã nhận được một sự thay đổi hợp lý.
Một cái tên ít được nhắc đến hơn trong hội chợ đó là Hunt: Horrors of the Gilded Age. Đây là một tựa game kinh dị có bối cảnh thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Mỹ. Tựa game mang đến phong cách chơi khá giống với Left 4 Dead khi cho người chơi được phối hợp với nhau để săn lùng ma quỷ chỉ có trong những câu chuyện kể. Thế giới trong game khá u ám và được tạo ra một cách ngẫu nhiên sẽ cho người chơi những pha hù dọa rất chất lượng.
Các nhà phát triển Nhật Bản đang lấy lại vị thế
Trong vòng 20 năm qua, thị trường trò chơi điện tử đã có bước dịch chuyển khá mạnh khi các studio ở Nhật - một thời nổi tiếng với nhiều tựa game độc nhất vô nhị cộng với chất lượng tuyệt hảodần suy yếu trong khi các đồng nghiệp phương Tây trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhưng tại hội chợ E3 năm nay, chúng ta đã bắt đầu nhận thấy sự vươn lên của những cái tên đến từ đất nước mặt trời mọc như Tango Gameworks (The Evil Within), From Software (Bloodborne) và Kojima Productions (Metal Gear Solid V).
Những nhà phát triển nói trên đều có được những sự ủng hộ nhiệt liệt từ báo chí và fan hâm mộ tại hội chợ năm nay. Ngoài ra chúng ta cũng phải nhắc đến sự trở lại rất ấn tượng của Nintendo khi đặt ra một kế hoạch phát triển rất vững chắc trong năm 2015 cho Wii U với những tựa game độc quyền mới rất hấp dẫn.
Scalebound - Monster Hunter pha trộn với Devil May Cry.
Qua những bước tiến rất đáng hoan nghênh trên, các nhà phát triển Nhật đang dần lấy lại chỗ đứng của mình và chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong thời gian tới.
Theo VNE
Dạo chơi E3 2014 trước ngày khai mạc E3 2014 - hội chợ game lớn nhất năm chỉ còn cách chúng ta vài ngày nữa sẽ chính thức bắt đầu, và trong lúc này hãy cùng dạo một vòng quanh để xem quá trình chuẩn bị của một số nhà phát hành & phát triển cũng như các tựa game sẽ góp mặt tại sự kiện. Trước tiên, hãy cùng đến...