Đánh giá Lumia 920: Đẳng cấp Windows Phone 8
Ở thời điểm hiện tại, loạt sản phẩm Windows Phone 8 đầu tiên đã được ra mắt với những cái tên nổi bật như Lumia 920, Lumia 820, Ativ S, HTC 8X, 8S. Điều này đang cho thấy những dấu hiệu tích cực dành cho nền tảng di động của Micrsoft khi mà các hãng sản xuất đã cố gắng ra mắt thêm nhiều sản phẩm điện thoại mới sử dụng nền tảng này. Đáng chú ý nhất trong số loạt smartphone Windows Phone 8 đình đám này có thể kể đến những chú dế đến từ các thương hiệu Nokia và HTC. Đó là Lumia 920, 820 và 8X, 8S với thiết kế nguyên khối đặc trưng hấp dẫn cùng tông màu sáng sủa đa dạng không chỉ là sắc đen và trắng.
Đáng chú ý nhất trong số loạt smartphone Windows Phone mới đó chính là siêu chiến binh Lumia 920 đến từ Nokia với triết lý thiết kế được thừa hưởng từ người tiền nhiệm Lumia 900 kết hợp với nền tảng Windows Phone 8 mạnh mẽ, nhiều tính năng của Microsoft. Liệu rằng Lumia 920 có thể giúp cho Nokia vượt khó ở thời điểm hiện tại hay không?
1. Thiết kế
Thiết kế của Lumia 920 khá to và nặng với bề dày 10,7mm cùng trọng lượng 185 gram. Màn hình của máy có kích thước 4,5 inch nhưng viền màn hình ở trên và dưới khá dày khiến cho Lumia 920 như bị dài ra với chiều dài 5,1 inch qua đó ảnh hưởng tới thiết kế tổng thể. Với kích thước khá bé bự như thế, rất có thể bạn sẽ cảm thấy cộm tay trong quá trình cầm nắm chiếc smartphone này.
Cũng giống như Lumia 900, Lumia 920 được thiết kế với kiểu dáng công nghiệp nguyên khối chất liệu polycarbonat cao cấp. Hai cạnh bên của máy được vuốt tròn đem đến cảm giác cầm nắm thoải mái trong khi hai đỉnh máy lại được gọt phẳng lỳ và nếu bạn có đặt dựng đứng chiếc smartphone này trên mặt bàn thì nó cũng có thể đứng được. Đỉnh trên của Lumia 920 là cổng cắm tai nghe còn cạnh dưới lại là cổng kết nối microUSB với hai loa ngoài. Loa ngoài của Lumia 920 được sắp đặt đối xứng thông qua cổng kết nối này.
Lumia 920 đi kèm với khá nhiều phiên bản màu sắc khác nhau khá sặc sỡ như đỏ hay vàng nhằm đáp ứng nhu cầu của những người trẻ thích sự nổi bật. Và dù màu sắc nào đi nữa thì Lumia 920 trông vẫn rất “bóng bẩy”. Về cân nặng, Lumia 920 khá nặng tay khi so sánh với những người đồng nghiệp khác do đó mà bạn sẽ cần một chút thời gian để làm quen với sự bất tiện này.
Thiết kế nguyên khối đem lại cho Lumia 920 sự chắc chắn. Các nút bấm cứng của máy đều được đặt ở bên phải bao gồm phím tăng giảm âm lượng, phím nguồn và nút chụp ảnh chuyên dụng. Việc đặt nút nguồn ở bên cạnh máy của Lumia 920 được cho là hợp lý bởi nếu đặt phím nguồn ở cạnh trên của máy thì chiều dài của máy sẽ khiến ngón tay của người dùng khó với tới nút bấm này hơn.
Mặt trước của Lumia 920 là màn hình kích thước lớn 4,5 inch được gia công bằng kính cường lực Gorilla Glass hơi cong lên một chút kết hợp khá hài hòa với thiết kế nguyên khối tổng thể của máy. Phía dưới màn hình là ba phím bấm cảm ứng của Windows Phone. Không có nhiều đặc biệt để nói về ba phím bấm này, kích thước to, khoảng cách hợp lý cùng với mã màu sáng tạo ra khá nhiều thuận tiện cho người dùng.
Nhìn chung thiết kế của Lumia 920 vẫn toát lên vẻ đặc trưng, đơn giản nhưng không hề đơn điệu. Với thiết kế như thế này, chắc chắn Lumia 920 sẽ phải có tên trong danh sách những chiếc smartphone có thiết kế đẹp nhất.
2. Màn hình
Màn hình của Lumia 920 có đôi chút khác biệt so với màn hình của người tiền nhiệm Lumia 900. Trước hết là về công nghệ màn hình, đàn anh Lumia 900 sử dụng công nghệ màn hình AMOLED trong khi với Lumia 920, hãng điện thoại Phần Lan lại sử dụng công nghệ IPS LCD để tạo nên màn hình của máy. Màn hình của Lumia 920 sử dụng công nghệ cảm ứng siêu nhạy cho phép người dùng có thể tương tác một cách dễ dàng mà không cần phải dùng tới tay trần. Và quả thật, bạn có thể sử dụng màn Lumia 920 một cách dễ dàng ngay cả khi đeo găng tay hay dùng một chiếc thìa. Về mặt lý thuyết, có lẽ đây kết hợp tốt nhất của màn hình cảm ứng điện trở và điện dung. Công nghệ này được phát triển bởi công ty Synaptics, nổi tiếng với các sản phẩm touchpad dành cho laptop.
Đặc điểm ấn tượng tiếp theo của màn hình Lumia 920 đó chính là công nghệ PureMotion HD cho phép màn hình đạt độ sáng khá cao khoảng 600 nits, cao hơn từ 20 đến 30% so với màn hình thông thường. Nokia còn cho biết thêm, màn hình hiển thị sẽ tự động chuyển sang chế độ sáng mạnh khi sử dụng trong điều kiện ánh sáng mặt trời trực tiếp và đây là độ sáng tối đa của tất cả các điện thoại di động có màn hình WXGA. Thậm chí, PureMotion có khả năng tự điều chỉnh tông màu và độ sáng dựa vào ánh sáng bên ngoài môi trường.
Mặt khác công nghệ PureMotion HD cũng đem tới cho màn hình của Lumia 920 tốc độ phản hồi và số khung hình cao hơn hẳn qua đó hình ảnh hiển thị tốc độ trên Lumia 920 khi người dùng xem phim hoặc lướt web được ổn định và không bị hiện tượng mờ như một số loại màn hình khác. Kết quả từ phòng thí nghiệm cho thấy tốc độ phản hồi của màn hình Lumia 920 chỉ ở mức dưới 9ms. Nhìn chung, màn hình của Lumia 920 đáp ứng trơn tru và mượt mà mọi thao tác với số khung hình ổn định.
Về chất lượng hiển thị, Lumia 920 sở hữu màn hình kích thước 4,5 inch cho độ phân giải 1280×768 pixel với mật độ điểm ảnh cao hơn một chút so với iPhone 5. Chính vì thế mà hình ảnh trên Lumia 920 sắc nét đến độ hoàn hảo nhất là khi sử dụng chiếc điện thoại này để lướt web bởi rất khó để có thể nhận ra những pixel trên màn hình của chiếc điện thoại này.
3. Camera
Trước khi công bố chính thức Lumia 920, Nokia đã từng gây sốt với giới công nghệ khi để lộ rằng camera của Lumia 920 sẽ được trang bị công nghệ PureView như trên chiếc smartphone siêu máy ảnh PureView 808. Vả quả thực PureView đã xuất hiện trên camera của 920 dù rằng không thể đạt được đến độ khủng khiếp như PureView 808.
Rõ ràng, độ phân giải cảm biến 8,7 MP trên Lumia 920 thua kém nhiều so với 41 MP của Nokia 808 PureView. Nhưng công nghệ xử lý hình ảnh trên Lumia 920 là bước đầu tiên của công nghệ PureView giai đoạn 2. Đó là công nghệ được tích hợp trên một chiếc smartphone cao cấp, chứ không phải thiết bị thích hợp đối với người đam mê chụp ảnh như 808 PureView. Do đó, các yêu cầu về mặt thiết kế cũng có sự khắt khe hơn. Người dùng mong muốn một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp và mỏng, trong khi một thiết bị cồng kềnh như 808 PureView sẽ không chiếm được cảm tình của đa số người dùng.
Về tổng quan công nghệ PureView mà Nokia đã trang bị cho camera của Lumia 920 đem lại hai ưu điểm nhất định đó là khả năng bắt sáng tốt và độ ổn định hình ảnh cao. Chúng đều gói gọn trong một công nghệ mà hãng điện thoại Phần Lan đã gọi bằng cái tên “công nghệ ống kính nổi”. Các kỹ sư của hãng điện thoại Phần Lan đã xây dựng một hệ thống các lò xo nhỏ được gọi là “floating lens” xung quanh camera của Lumia 920 nhằm tăng khả năng chống rung khi chụp ảnh. Đây là lý do chính làm cho ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu trên điện thoại dễ bị mờ. Tính năng ổn định hình ảnh quang học này hoàn toàn dựa trên sự xây dựng phần cứng do đó cho phép màn trập ở trạng thái mở lâu hơn. Vì vậy, bộ cảm biến nhận được nhiều ánh sáng trên bề mặt và chống rung tốt hơn giảm thiểu khả năng bị mờ.
Tuy rằng công nghệ trên không thể giúp cho camera của Lumia 920 có thể triệt tiêu hoàn toàn được hiện tượng mờ hình khi chụp nhưng những gì mà nó mang lại cũng rất đáng để ghi nhận. Thực tế những bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của Lumia 920 thường sáng hơn so với tác phẩm của những người đồng nghiệp khác và tỷ lệ chụp ảnh mờ cũng được giảm đi khá nhiều.
Video đang HOT
Cũng được hưởng sái từ công nghệ ổn định hình ảnh mà các khả năng quay phim của Lumia 920 cũng có những bước tiến đáng kể với tốc độ bắt hình nhanh và ổn định. Nước phim quay được không hề bị giật, lag.
Bên cạnh những trang bị về phần cứng thì Nokia cũng rất chu đáo khi trang bị các tính năng phần mềm nhằm nâng cao trải nghiệm chụp ảnh của người dùng. Có thể kể đến là Lenses cho phép khởi động camera từ bất kỳ một ứng dụng nào khác hay Smart Shoot cho phép chụp ảnh liên tục để người dùng có thể chọn ra một tấm ảnh ưng ý nhất.
4. Hiệu năng
Sự thay đổi lớn nhất của Windows Phone 8 trên Lumia 920 không đến từ bên ngoài mà lại diễn ra ở bên trong. Microsoft đã khéo léo lồng ghép những tính năng chia sẻ bên trong nền tảng này. Chính vì thế mà khi mới nhìn qua, chúng ta sẽ thấy rằng Windows Phone 8 không hề có nhiều khác biệt so với những phiên bản Windows Phone trước đó.
Ngoài sự hỗ trợ từ những tính năng mới đến từ Windows Phone 8 thì Lumia 920 còn được Nokia gia tăng thêm sức khỏe bằng vi xử lý lõi kép Snapdragon S4 tốc độ 1,5 Ghz. Chính vì thế mà đi sâu vào tìm hiểu hiệu năng trên Lumia 920 chúng ta sẽ thấy được nhiều thay đổi đáng chú ý. Đầu tiên chính là các thao tác cảm ứng. Có cảm giác như các thao tác vuốt, kéo màn hình trên Lumia 920 mượt hơn rất nhiều so với Lumia 900. Chắc rằng Microsoft đã thực hiện một số tinh chỉnh về hiệu ứng trên nền tảng này. Công bằng mà nói thì nếu xét về độ mượt trên Lumia 920 thì chiếc điện thoại này chẳng thua kém so với iPhone là bao.
Hiệu năng của Windows Phone 8 trên Lumia 920 dường như là sự pha trộn giữa chậm và nhanh. Bởi các ứng dụng trên chiếc smartphone này thường có tốc độ khởi động hơi chậm nhưng khi qua được bước này, tốc độ hoạt động lại được nâng cao đáng kể. Đây có lẽ là điểm mà Nokia cần phải khắc phục trên những lần cập nhật phần mềm hay ứng dụng cho chiếc điện thoại cao cấp của mình.
Về thời lượng pin, smartphone Windows Phone 8 của Nokia hoàn thành xuất sắc bài test một ngày hoạt động cho dù có bật cả kết nối LTE liên tục. Có được kết quả đó, không thể không kể đến thời lượng pin thuộc vào loại khá ở mức 2000mAh trên chiếc điện thoại này. Và dù chỉ nhiều hơn HTC 8X 200mAh nhưng như vậy thôi cũng đủ để Lumia 920 tạo nên sự khác biệt đáng kể về trải nghiệm người dùng.
5. Phần mềm
Sử dụng nền tảng Windows Phone 8 của Microsoft nhưng Nokia vẫn biết cách tạo những nét riêng cho chiếc điện thoại của mình bằng các phần mềm của chính mình. Có thể kể đến như ứng dụng Nokia Transit hay Nokia Drive cho phép người dùng tìm kiếm và điều hướng vị trí theo chế độ thời gian thực. Hoặc ứng dụng thực tế ảo Nokia City Lens cho phép người dùng tương tác với môi trường. Và cũng không thể kể đến Nokia Music.
Đáng chú ý nhất trong số các ứng dụng của Nokia tích hợp bên trong Lumia 920 đó là Nokia Maps với đầy đủ các tính năng mà một ứng dụng bản đồ phải có như điều hướng giọng nói, định vị và tìm kiếm địa điểm. Tuy rằng kho dữ liệu của Nokia Maps không được đầy đủ so với Google Maps nhưng nó cũng có thể đáp ứng được phần nào trải nghiệm của người dùng.
6. Kết
Với những gì mà Nokia đã mang đến cho Lumia 920, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai sáng sủa hơn dành cho hãng điện thoại Phần Lan nói riêng và nền tảng Windows Phone nói chung. Trở ngại duy nhất của Lumia 920 đến với người dùng chính là mức giá khá là chát chúa nhưng nói gì thì nói Lumia 920 vẫn xứng đáng là một chiếc smartphone mà bạn nên cân nhắc cho mùa mua sắm cuối năm nay.
Theo genk
Đánh giá Samsung ATIV S: Thành công nếu giá rẻ
Samsung ATIV S là chiếc điện thoại Windows Phone 8 được giới thiệu đầu tiên, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, trong khi HTC và Nokia đã lần lượt trình làng các sản phẩm của mình thì những thông tin về ATIV S còn khá "thưa thớt". Thậm chí, hãng điện tử Hàn Quốc còn chưa công bố chính thức giá bán cũng như thời điểm phát hành cho thiết bị di động của mình.
Nhiều người lo ngại rằng, liệu có phải Samsung chỉ tập trung cho điện thoại Android mà bỏ quên đứa con Windows Phone 8 hay ATIV S là sản phẩm chỉ sản xuất cho có. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận như vậy, do đó, chúng ta sẽ cùng khám phá về Samsung ATIV S để biết rằng chiếc điện thoại này có thực sự là đối thủ của Nokia Lumia 920 không. Sau đây sẽ là đánh giá tổng quan về điện thoại Samsung ATIV S (sử dụng phiên bản hệ điều hành OS 8.0.9900.568,Firmware 2424.12.09.7)
Thiết kế
Thoạt nhìn, ATIV S dường như là sự kết hợp của cả Omnia và Galaxy S III. Samsung vẫn rất ưa thích dùng chất liệu vỏ nhựa cho mặt sau của máy, nhưng bù lại nắp lưng màu bạc lại khiến nhiều người nhầm tưởng đó là nắp kim loại. Phía dưới đuôi máy, phần loa được thiết kế như 1 dải chạy ngang thân máy, một thiết kế theo tôi đánh giá là khá hấp dẫn. Có thể nói, mặt sau của ATIV S tạo ra một cảm giác khá sang. Không giống như mô-tuyp hiện đại, trẻ trung của Lumia 920, ATIV S sẽ thích hợp với những người dùng ưa phong thích cách lịch lãm.
Sở hữu màn hình lên tới 4,8 inch, lớn nhất trong số các điện thoại Windows Phone 8 hiện tại nên ATIV S có hình dáng khá giống với Galaxy S III nhưng máy dài hơn một chút xíu. Với kính chịu lực Gorrila Glass 2 do Corning sản xuất, giúp ATIV S có được độ mỏng đáng kể, cũng như tăng cường độ nhạy cảm ứng. Khi so sánh về độ mỏng thì Samsung ATIV S được đánh giá cao hơn các đối thủ là Lumia 920 (dày 10,7 mm) và HTC 8X (dày 10,1 mm). Máy có trọng lượng khá lý tưởng nên không gây ra cảm giác nặng nề khi cầm lâu trên tay.
Samsung thiết kế ATIV S với vòng benzel lớn bo tròn lấy thân máy, tạo cho ta cảm giác hài hòa. Ở mặt trước của ATIV S, có lẽ phím Home vật lý chính là một điểm nhấn đặc biệt được thiết kế tốt nhấn mạnh nét khác biệt so với các sản phẩm Windows Phone 8 khác. Màn hình của máy thực ra không hề phẳng mà được vuốt cong tại các góc như trên Galaxy S III nhằm làm tăng góc nhìn của người sử dụng.
Trên cạnh phải của máy được bố trí phím nguồn và phím camera, được làm hơi nhô lên giúp việc ấn nút tương đối dễ dàng. Samsung ATIV S sử dụng micro-SIM và hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD, cả 2 đều được đặt ở dưới nắp lưng. Jack cắm tai nghe 3.5 được đặt lệch ở cạnh trên trong khi cổng micro USB được Samsung bố trí ở chính giữa cạnh đáy.
Màn hình
ATIV S được trang bị màn hình 4,8 inch công nghệ Super AMOLED truyền thống của Samsung với độ phân giải 720x1.280 pixel và mật độ điểm ảnh 306 ppi nên khả năng hiển thị vô cùng sắc nét. Màu sắc của màn hình nghiêng một chút về gam màu lạnh.
Tuy nhiên, do độ sáng màn hình không cao khiến ATIV S hiển thị ngoài trời chưa tốt. Nhưng nếu khắc phục bằng cách chỉnh độ sáng tối đa (hoặc đặt chế độ tự động điều chỉnh) thì bạn hoàn toàn có thể đọc được các nội dung tin nhắn hay cập nhật Facebook không quá khó khăn. Một trong những ưu điểm của màn hình AMOLED là cho góc nhìn rất tốt. Ngay cả khi nghiêng máy, tôi vẫn có thể quan sát nội dung trên màn hình dễ dàng.
Giao diện
Giao diện của Windows Phone 8 tuy có sự đổi mới nhưng không gây cảm giác lạ lẫm nếu bạn đã từng sử dụng một sản phẩm điện thoại chạy Windows Phone 7. Ngoài ra, không giống như hệ điều hành Android khi giao diện người dùng của mỗi hãng đều có sự tùy biến khác nhau, Microsoft đã ràng buộc các nhà sản xuất chỉ sử dụng một loại giao diện duy nhất nên màn hình menu chính của ATIV S không khác biệt nhiều so với HTC 8X hay Lumia 920.
Vẫn sử dụng giao diện theo dạng Live Tiles như Windows Phone 7, nhưng giờ đây bạn có nhiều cơ hội tùy biến về kích thước mỗi "ô gạch" hơn. Với các ô gạch cỡ nhỏ ,vừa và lớn giúp màn hình hiển thị của ATIV S trông khá sinh động và bắt mắt. Đồng thời, khả năng hiển thị thông tin trên Live Tiles như cập nhật Facebook, email mới sẽ giúp người dùng nắm bắt một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, hạn chế trong khả năng đa nhiệm vẫn là điểm yếu cố hữu của dòng điện thoại Windows Phone. Khi di chuyển để lựa chọn cửa sổ ứng dụng đa nhiệm, tôi chỉ có thể xem và chọn từng cái một theo chiều ngang gây ra cảm giác khá bất tiện.
Nhắn tin
Sở hữu màn hình hiển thị lên đến 4,8 inch nên lúc đầu tôi nghĩ việc gõ văn bản theo chiều ngang sẽ rất dễ dàng, nhưng cách bố trí của Microsoft chưa cho thấy điều này. Giao diện bàn phím ảo của ATIV S nói riêng và các điện thoại Windows Phone 8 nói chung sẽ bị bó hẹp ở hai đầu khi sử dụng theo chiều ngang. Ở phía phải được dành cho các nút cảm ứng và mở cửa sổ ngữ cảnh. Và để đặt bàn phím vào vị trí trung tâm, Microsoft đã quyết định cũng "thụt" đầu bên trái vào khoảng cách như vậy để tạo sự cân xứng.
Điều đó, vô hình chung đã giảm không gian hiển thị của bàn phím ảo. Đối với một thiết bị có màn hình khá dài như ATIV S thì việc nhắn tin tương đối thoải mái và thanh thoát nhưng nếu sử dụng một chiếc điện thoại màn hình nhỏ 4 inch và ngón tay cái khá lớn như tôi thì chắc hẳn sẽ rất bực mình.
Cấu hình và bộ nhớ
ATIV S được trang bị một cấu hình khá "thừa thãi", máy sở hữu bị bộ vi xử lý Krait lõi kép tốc độ 1,5GHz với lựa chọn bộ nhớ trong 16GB hoặc 32GB và RAM 1GB. Mức cầu hình này tương đương so với Lumia 920 của Nokia, tuy nhiên Lumia 920 lại có lợi thế là sở hữu hàng loạt các công nghệ tiên tiến.
Đối với điện thoại Windows Phone, cấu hình phần cứng chưa bao giờ được đánh giá cao khi so sánh với nền tảng Android. Tuy nhiên, hệ điều hành Windows Phone đã được tối ưu và ATIV S đem lại trải nghiệm rất tốt. Việc chuyển đổi qua lại trên màn hình menu rất mượt mà, đồng thời khả năng mở ứng dụng cũng rất nhanh và hầu như không có độ trễ.
Trong tương lai, Windows Phone 8 sẽ được đầu tư nhiều game nặng và chất lượng hơn, vì vậy hi vọng nhân đồ họa Adreno 225 có thể đủ sức gánh vác và xử lý trơn tru. Ngoài ra, nếu dung lượng lưu trữ 16GB là chưa đủ dùng, bạn hoàn toàn có thể mở rộng bằng thẻ microSD hay đơn giản là tải dữ liệu lên SkyDrive.
Internet và kết nối
ATIV S sử dụng trình duyệt mặc định Internet Explorer 10 được Microsoft trang bị cho hệ điều hành Windows Phone 8. Hiệu suất tải trang của máy rất nhanh chóng chính là ưu điểm vô cùng đáng giá. Bạn có thể phóng to bất cứ thông tin nào trên màn hình duyệt web chỉ đơn giản bằng cách chạm 2 lần với độ chính xác cao. Tuy nhiên, có vẻ như Microsoft không còn mặn mà với Flash Player trên Windows Phone vì vậy cảm giác xem video bằng Flash trên ATIV S khá "ì ạch".
Việc mở đồng thời 2 tab cùng lúc trên chiếc điện thoại của Samsung cũng vẫn trơn tru và người dùng hoàn toàn có thể chuyển đổi qua lại giữa các tab với tốc độ nhanh. Ngoài ra, trình duyệt IE 10 trên ATIV S được hỗ trợ tính năng mà bản thân tôi cho là rất hữu dụng khi tự động tăng kích thước của phông chữ trên một trang web. Điều này có thể làm cho một bài báo trở nên dài hơn, nhưng bù lại tôi có thể đọc văn bản rõ hơn mà không cần phóng to. Đây là một tính năng đã có mặt trên rình duyệt Safari của iPhone và Windows Phone đã tận dụng để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, ATIV S được trang bị kết nối HSPA tốc độ cao, với tốc độ tải 42,2 Mbit / giây và tốc độ up 5,76 Mbit / giây. Vì vậy khả năng lướt web trên smartphone của Samsung không có nhiều điều đáng chê trách.
Camera
Samsung ATIV S sở hữu camera trước 1,9 MP và camera sau 8 MP có hỗ trợ đèn flash. Giao diện chụp ảnh trên ATIV S khá đơn giản với một loạt các tùy chỉnh cơ bản như chế độ lấy nét, chống rung, cân bằng trắng, ISO, độ tương phản, hiệu ứng và độ phân giải ảnh.
Ảnh chụp của ATIV S thực sự chỉ nằm ở mức chấp nhận được chứ không thể coi là xuất sắc. Tôi không đánh giá cao khả năng chụp ảnh của ATIV S do tông màu ngoại cảnh tối và có nhiều chi tiết bị mờ. Bên cạnh đó, trong điều kiện ánh sáng yếu, nước ảnh cũng trở nên khá xấu và nhợt nhạt. Có lẽ, đối với những người có thói quen chụp hình trên di động thì Lumia 920 và iPhone 5 là những lựa chọn đáng giá hơn.
Bù lại, ATIV S có khả năng quay video 1080p khá chi tiết. Video chạy tương đối trơn tru ở số khung hình 29 fps nhưng còn bị rung nhiều. Do đó, nhìn chung khả năng ổn định hình ảnh của camera trên ATIV S chưa tốt như Lumia 920.
Chất lượng cuộc gọi
Chất lượng cuộc gọi trên Samsung ATIV S hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dùng. Chất lượng âm thanh cuộc gọi đến không bị nhiễu và độ ồn thấp. Trong khi đó, mic nhận âm chưa thực sự xuất sắc nhưng được sự hỗ trợ của mic lọc âm nên cảm giác nhận cuộc gọi từ ATIV S gọi đến vẫn cho cảm giác tiếng ấm và trong.
Thời lượng pin
Samsung ATIV S được trang bị pin dung lượng 2.300 mAh. Trong thử nghiệm thực tế, mặc dù sở hữu màn hình lớn 4,8 inch và thiết lập độ sáng trung bình, nhưng ATIV S có thời lượng pin tốt. Với tần suất sử dụng vừa phải, smartphone này có thể trụ được 2 ngày trước khi cạn pin.
Kết luận
Samsung ATIV S được đánh giá là dòng điện thoại Windows Phone 8 cao cấp ngang hàng với HTC 8X và Nokia Lumia 920. Máy sở hữu màn hình lớn nhất và thời lượng pin cao hơn so với các đối thủ. Ngoài ra, tuy sử dụng thiết kế vỏ nhựa bóng nhưng kiểu dáng và màu sắc của ATIV S tạo được sự sang trọng và không có cảm giác "rẻ tiền.
Tuy nhiên, ATIV S lại không có được những công nghệ đỉnh cao giống như Lumia 920 như màn hình siêu nhạy, camera PureView hay âm thanh Audio Beats của HTC 8X. Vì vậy, nếu xác định giá bán quá cao, Samsung ATIV S sẽ khó có thể thành công như người anh em Galaxy S III hay Galaxy Note II.
Theo Genk
Q-Smart Miracle Pad: Smartphone lai tablet với màn hình 5 inch Vừa qua, Q-mobile tiếp tục trình làng chiếc smartphone tiếp theo thuộc dòng Miracle series của Q-Smart mang tên Q-Smart Miracle Pad. Sản phẩm có màn hình rộng và cấu hình mạnh mẽ hướng đến trải nghiệm giải trí toàn diện trên một chiếc smartphone như một bản nâng cấp về màn hình và camera của chiếc Tender ra mắt giữa tháng 10....