Đánh giá khả năng chiến tranh Trung Nhật?
Với 7 lý do sau đây, giới phân tích cho rằng Trung- Nhật khó có thể sa lầy vào chiến tranh, tờ Diplomat của Nhật vừa đưa tin.
Đánh giá khả năng chiến tranh Trung – Nhật?
1. Trung Quốc muốn khép lại “Một thế kỷ nhục nhã”
Theo đánh giá của giới phân tích, Trung Quốc có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Nhật, song thất bại cũng rất hiện hữu. Thấy trước được những điều này, Trung Quốc đã khép lại “Một thế kỷ nhục nhã” để hướng tới một kỷ nguyên tự hào hơn nhằm tránh những nỗi nhục cay đắng mà họ từng mắc phải với Nhật.
Chắc chắn lãnh đạo của Trung Quốc không muốn lặp lại lịch sử gây chiến với Nhật, nếu không “họa vô đơn chí” sự nghiệp chính trị của ông cũng không vẹn toàn, nhất là khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao ở cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.
Tuy là những nền kinh tế lớn, nhưng Nhật Bản và Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào nhau.
2. Kinh tế phụ thuộc vào nhau
Video đang HOT
Khác với nhận định của tờ Economist của Anh đưa ra gần đây: “Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đang trượt trên con đường chiến tranh”, các chuyên gia ở ĐH quốc gia Australia (ANU) lại cảnh báo: “Đừng quá ngây thơ tin rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ có chiến tranh với Trung Quốc”.
Trong chừng mực nào đó, nhận định này có phần đúng, song không chính xác bởi dù thắng hay thua thì cuộc chiến Trung – Nhật sẽ là thảm họa cho cả hai, bởi suy cho cùng mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng nhân dân bên đó đều bại. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng như hiện nay.
Ví dụ, Nhật đang huy động gói kích cầu lớn tới 117 tỷ $ nhưng gói kích cầu này sẽ ra sao nếu mất đi thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn như Trung Quốc?. Ngược lại, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao khi các công ty của Nhật rút đi?.
Người Trung Quốc sẽ mất ít nhất 5 triệu việc làm và như vậy, liệu kế hoạch tăng thu nhập lên gấp đôi vào năm 2020 mà chính phủ Trung Quốc đưa ra liệu có khả thi ?.
Xa hơn, chiến tranh xảy ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng, trong đó những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
3. Tính hiệu quả của PLA thấp
PLA (viết tắt Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc), đội quân khá đông, hiện đang được hiện đại hóa nhưng hiệu quả, sức chiến đấu nếu đưa vào tham chiến ngay so với các đội quân hiện đại khác, nhất là so với Nhật, một cường quốc mạnh về quân sự lại càng yếu.
Đề cập về vấn đề này, mới đây ông Xu Quliay, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã thừa nhận với tờ PLA Daily (Nhật báo quân đội) rằng, nếu chỉ diễn tập, biểu dương thì được chứ để bảo vệ quyền lợi quốc gia thì Trung Quốc phải thành lập thêm nhiều đội quân thiện chiến khác, còn ông Tập Cận Bình thì yêu cầu PLA phải cải tổ ngay, khắc phục những điểm yếu tồn tại, nhất là tệ tham nhũng thì mới giúp quân đội có đủ sức mạnh đối phó trong tình hình mới.
Quân đội Nhật Bản và quân đội PLA của Trung Quốc- ghép chung thành 1.
4. Những vướng mắc chính trị chưa được giải quyết
Theo Diplomat, sự bất ổn chính trị là vấn đề hiện hữu đang tồn tại ở quốc gia hơn tỷ người này. Theo đó, giới lãnh đạo dân sự và quân sự của Trung Quốc hiện nay còn đang trong giai đoạn chuyển tiếp nên chưa “ổn định xong tổ chức”.
Một khi yên vị thì họ lại không muốn đưa ra những chính sách phiền hà, nhất là đối ngoại, hơn nữa với Nhật Bản, một cường quốc đã từng có “đẳng cấp” đã được thế giới thừa nhận.
5. Sự can thiệp “không rõ ràng” của Mỹ
Không kém Mỹ về máy bay không người lái, Trung Quốc cũng có cả những loại máy bay hiện đại kiểu này như Dai Xu. Nhờ phương tiện này nhiều người cho rằng Mỹ sẽ không thay mặt Nhật can thiệp vào các cuộc xung đột ở châu Á hoặc vào bất kỳ khu vực nào thuộc khối đồng minh của Mỹ.
Ngộ nhận trên hoàn toàn thiếu căn cứ, Mỹ sẽ can thiệp đủ để chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc một khi có chiến tranh xảy ra, nhưng mức độ can thiệp nhiều ít, hay nhiều đến nay vẫn chưa rõ nét.
Chính sách của Mỹ về châu Á đến nay vẫn “không rõ ràng”.
6. Chính sách chống đối đầu của Trung Quốc
Từ lâu, Trung Quốc thường tuyên bố quan điểm của họ là ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tranh chấp và tổng thể Trung Quốc muốn áp dụng kiểu hành xử này.
Đặc biệt, Trung Quốc thường xuyên gửi các lực lượng phi vũ trang hoặc các trang thiết bị hàng hải hạng nhẹ tới những vùng tranh chấp chứ không phải tàu chiến hạng nặng. Nhưng họ cũng rất tích cực cổ vũ cho chính sách hiếu chiến thông qua các phương tiện cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc và qua các nhân vật quân sự có thế lực.
Gần đây, hải quân của Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc khiêu khích đối với Nhật Bản. Đây là một hành động leo thang đầy nguy hiểm nhưng Trung Quốc cũng biết điểm dừng của những hành động dọa dẫm này.
7. Trung Quốc dành nhiều thời gian cho công cuộc xử lý vấn đề trong nước
Trung Quốc phải giành nhiều thời gian cho công cuộc xã hội hóa và chống tham nhũng.
Hơn ai hết Trung Quốc thừa hiểu những việc họ cần làm trong nước, đặc biệt là chương trình hiện đại hóa đất nước và nâng cao mức sống cho người dân.
Nếu Trung Quốc gây hấn với Nhật thì các nước châu Á dứt khoát khó lòng ủng hộ Trung Quốc, nhất là thời gian gần đây Trung Quốc còn tranh chấp với rất nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á.
Đây cũng là tiêu chí quan trọng để giúp Trung Quốc thực hiện chính sách hiện đại hóa đất nước và an sinh xã hội bởi mức sống của người Trung Quốc so với người Nhật còn cách nhau một khoảng rất lớn.
(Theo Đất Việt)