Đánh giá G.Skill Enki 360 – Tản nhiệt nước “cân kèo” những CPU mạnh mẽ hiện tại
Mặc dù mới bước chân vào làng tản nhiệt nước AIO nhưng G.Skill Enki 360 có chất lượng rất tốt, đủ để khiến các lão làng phải dè chừng.
Cái tên G.Skill thì không còn lạ lẫm gì với các game thủ Việt Nam với các kit RAM xịn sò có ngoại hình bắt mắt, thông số tốt và hiệu năng cao, vốn được nhiều người lựa chọn trong những bộ PC “khủng”. Tuy nhiên mới đây họ đã tung ra một sản phẩm vô cùng mới lạ chính là bộ tản nhiệt nước all in one (AIO) Enki 360 cũng rất đáng chú ý.
G.Skill Enki 360 có vỏ hộp gọn gàng đơn giản với hình ảnh bộ tản nhiệt nước này được in trực tiếp trên mặt trước với các tính năng được ghi rõ ràng bao gồm:
- RAD 360 với mật độ dày.
- Quạt 9 cánh có sức ép gió lớn.
- Quạt tản nhiệt siêu bền.
- Tấm tản nhiệt đồng với thiết kế đặc biệt.
- Có thể sync led chuẩn ARGB với mainboard đến từ nhiều hãng: ASUS, Gigabyte, MSI, ASRock.
Bên trong, chúng ta sẽ có bộ 3 quạt tản nhiệt màu đen, khá tiếc là không có đèn đóm gì mà chỉ đơn giản là một màu đen. Tiếp đó là RAD 360 liền với bơm cùng plate áp vào CPU tương tự như nhiều loại tản nhiệt nước AIO khác. Bộ gông, ốc cố định hỗ trợ toàn bộ các socket phổ biến cho nền tảng Intel lẫn AMD phổ biến hiện tại. Ngoài ra còn có thêm sách hướng dẫn sử dụng và hướng dẫn bảo hành của bộ tản nhiệt.
Một điểm cộng trong bộ đóng gói của Enki 360 chính là NSX đã tặng thêm một tuýp keo tản nhiệt nhỏ, rất tiện cho người dùng trong những lần vệ sinh máy tính sau này, không cần bỏ tiền ra mua nữa. Theo chia sẻ từ phía G.Skill thì loại keo tản nhiệt này thuộc dạng rất xịn sò và góp phần không nhỏ giúp nâng cao hiệu năng cho sản phẩm.
Tuy vậy, một điểm trừ nhỏ là bộ tản nhiệt nước Enki 360 không kèm theo bộ chia quạt nên người dùng sẽ phải tự kiếm thêm dây hoặc hub để cắm 3 quạt lại rồi kết nối với mainboard (với những bo mạch không hỗ trợ điều khiển bơm riêng thì cần nối tổng cộng là 4 đầu).
Khi lắp vào hệ thống và lên đèn, có thể thấy rằng hiệu ứng chuyển màu của Enki 360 rất mượt mà.
Video đang HOT
Tiếp đến sẽ là phần thử nghiệm hiệu năng tản nhiệt thực tế của Enki 360, cấu hình hệ thống như sau:
- CPU AMD Ryzen 7 1700X
- Mainboard ASUS CrossHair VI Hero (chipset X370)
- RAM HyperX Predator DDR4 2×16GB bus 3200
- Card đồ hoạ NVIDIA RTX 2080 Ti
- SSD Kingston KC2500 1TB
- Nguồn 750W 80 Gold
Bài thử nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ phòng 25 độ C, case mở nắp hông.
Đầu tiên sẽ là nhiệt độ khi CPU không tải nặng, nhiệt độ chỉ là 33 độ C mà thôi:
Tất nhiên khi full load thì hiệu năng của chiếc tản nhiệt Enki 360 mới thể hiện rõ. Và đây là kết quả khi CPU AMD Ryzen 7 1700X load 100% với bài stress test bằng Prime95, xung nhịp mặc định không turbo boost là 3.4 GHz.
Có thể thấy rằng mức xung này hoàn toàn không thấm tháp gì với khả năng giải nhiệt của Enki 360 cả khi chạy full load khoảng 15 phút mà nhiệt độ CPU vẫn chỉ ở mức 54 – 55 độ C mà thôi, phải nói là rất rất mát mẻ. Chính vì thế mà tôi đã quyết định overclock lên một chút ở mức xung nhịp 3,9 GHz để tăng thử thách thêm.
Với việc full load ở mức xung cao hơn, sau khoảng hơn 15 phút thì nhiệt độ CPU giao động ở mức 75 – 76 độ C, ổn áp cho việc hoạt động lâu dài.
Qua phần thử nghiệm này, có thể khẳng định rằng G.Skill Enki 360 sẽ cân tốt hầu hết các CPU cao cấp hiện tại cho nhu cầu chơi game hay làm việc hàng ngày. Chúng ta cũng có thể OC lên một chút mà nhiệt độ vẫn ổn định ở dưới 80 độ C. Tất nhiên nếu nâng cao xung quá mức thì cần kiếm loại quạt thổi gió mạnh hơn nữa.
Ngoài ra, với các bạn sử dụng mainboard không hỗ trợ chuẩn ARGB (như tôi) thì có thể mua thêm một bộ quạt ARGB khác gắn vào G.Skill Enki 360 để lên đèn đồng bộ cho đẹp, chúng ta sẽ đổi hiệu ứng bằng điều khiển từ xa. Tất nhiên hiệu năng sẽ sai lệch một chút so với quạt có sức gió lớn từ NSX nhưng bù lại thì nhìn đẹp hơn.
Tổng kết, G.Skill Enki 360 có hiệu năng ở mức khá, có thể đáp ứng tốt nhu cầu giải nhiệt của các CPU có TDP khoảng 100 – 150W, tương đương dòng Intel Core i7 hoặc AMD Ryzen 7 đổ lại và thích hợp cho các game thủ hoặc content creator với mức độ sử dụng thường xuyên. Bộ tản nhiệt này hơi làm khó người dùng một chút khi không kèm theo hub, dây chia quạt nhưng nhìn chung đây vẫn là màn chào sân khá ấn tượng của G.Skill trong làng tản nhiệt nước AIO.
Vì sao người ta thường lắp quạt trong case sao cho có áp suất dương?
Dù sử dụng PC hàng chục năm, các bạn đã bao giờ nghe thấy thuật ngữ "áp suất dương" khi lắp đặt case máy tính chưa?
Mấy bạn mới tìm hiểu về build PC rất dễ gặp phải thuật ngữ "áp suất dương", đây là trạng thái mà dân chuyên nghiệp thường hướng đến khi lắp quạt, tối ưu luồng khí cho case. Vậy thì "áp suất dương" là gì và vì sao người ta thường hướng đến áp suất dương? Mời các bạn cùng mình tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Áp suất dương là gì? Làm sao để case có áp suất dương?
Một cái case được gọi là có áp suất dương khi áp suất không khí trong case lớn hơn áp suất không khí bên ngoài. Nói nói cho đầy đủ thì điều kiện để một cái case sẽ đạt được áp suất dương là lưu lượng không khí bị quạt hút vào phải lớn hơn lượng không khí bị quạt thổi ra.
Tuy nhiên cái đó nghe phức tạp nên khó nhớ. Để cho đơn giản hơn thì bạn lắp quạt sao cho số quạt hút khí vào nhiều hơn số quạt thổi khí ra là đạt được áp suất dương rồi (với điều kiện là cùng loại quạt và quay cùng tốc độ nhé).
Ví dụ nhà mình có cái case và mình có 3 cái quạt, mình gắn 2 quạt hút khí vào mặt trước case và cái còn lại thì thổi khí ra ở mặt sau. Đơn giản thế là thùng máy mình có áp suất dương rồi. Ngoài ra bạn còn có thể tăng tốc độ quay của quạt hút khí vào và giảm tốc độ của quạt thổi khí ra để có mức chênh lệch áp suất lớn hơn.
Trái với áp suất dương thì chúng ta cũng có áp suất âm. Đó là khi áp suất trong case nhỏ hơn áp suất bên ngoài, mức lưu lượng khí theo quạt đi vào nhỏ hơn mức bị quạt thổi ra.
Thông tin thêm
Thật ra mức chênh lệch áp suất giữa không khí trong case và ngoài case rất nhỏ.
Mức áp suất chênh lệch tối đa trong case không thể vượt qua mức áp suất tĩnh mà quạt case có thể tạo ra. Trong khi đó một chiếc quạt thuộc hàng khủng như NF-A14 industrialPPC của Noctua cũng chỉ có thể tạo ra áp suất tĩnh khoảng trên 10mm H2O mà thôi, tức là tương đương với 1/1000 áp suất khí quyển (có thể xem như áp suất không khí bên ngoài case).
Từ đó suy ra một cái case gắn quạt NF-A14 industrialPPC không thể có áp suất chênh lệch quá 1/1000 so với áp suất môi trường.
Vì sao lại cần áp suất dương?
Khi áp suất dương thì sẽ đỡ bụi. Lý do là không khí sẽ chỉ vào case theo đường quạt hút và thoát ra theo mọi đường còn lại (ví dụ như khe PCIe và các kẽ hở của case). Đối với các mẫu thùng máy có tấm lọc bụi thì áp suất dương sẽ rất có lợi vì chúng ta có thể ráp một dàn quạt ngay vị trí tấm lọc bụi, ép không khí buộc phải đi qua tấm lọc này trước khi vào bên trong. Từ đó case sẽ lâu bị bẩn hơn, ít phải vệ sinh thường xuyên hơn và từ đó cũng sống thọ hơn. Đây là lý do mà người ta thường lắp quạt sao cho thùng máy có áp suất dương.
Đối với case có áp suất âm thì dù có tấm lọc bụi đi nữa, kiểu gì nó cũng mau bẩn hơn case áp suất dương. Lý do là vì không khí chỉ đi ra theo đường quạt hút và đi vào theo mọi đường khác nên tấm lọc bụi sẽ bị giảm tác dụng đi rất nhiều.
Đối với các mẫu case không có tấm lọc bụi thì mấy bạn cũng không cần quan tâm vụ áp suất âm hay dương gì đâu vì kiểu gì bụi cũng vào. Thay vào đó thì dọn dẹp để nhà cửa ngăn nắp ít bụi sẽ giúp case đỡ bẩn hơn.
Có một mẹo test áp suất case khá đơn giản là bạn có thể bật máy chạy rồi đốt một cây nhang, đưa vào sát chỗ khe PCIe, nếu khói bị hút vào thì là áp suất âm, nếu khói bị thổi ra là áp suất dương.
Một số anh em dân công nghệ có mách nhau là case áp suất âm thì không khí trong case sẽ mát hơn một chút so với case có áp suất dương. Tuy nhiên quan điểm này chỉ đúng khi bạn dùng tản nhiệt nước và cái rad nước chắn ngay đường hút khí thôi nhé. Khi đó thì nếu áp suất case dương, toàn bộ lượng khí muốn vào case của bạn sẽ phải đi qua cái rad nước nên sẽ nóng hơn. Nếu áp suất âm, không khí mát sẽ theo những đường khác vào trong case nên nhìn chung thì sẽ mát hơn.
Đối với case dùng tản khí thì nóng hay không nó phụ thuộc vào việc tốc độ trao đổi khí của case nhanh hay không. Case hút khí mát và thải khí nóng càng nhiều thì không khí trong case sẽ càng mát. Mà không khí càng mát thì tản nhiệt khí trong case làm việc càng hiệu quả, từ đó các linh kiện như CPU, GPU, RAM, SSD, chipset... cũng sẽ mát hơn.
Trên đây là bài viết về áp suất dương trong case PC và một số thông tin thú vị liên quan, hy vọng mấy bạn thấy hữu ích. Cảm ơn các bạn vì đã đọc.
Đặt viên nước đá lên CPU, hiện tượng xảy ra mới thấy CPU tản nhiệt cực "đỉnh" đến mức độ nào Cục nước đá tan nhanh với tốc độ siêu tưởng, thế mới biết CPU có khả năng tản nhiệt khủng đến bất ngờ. Một YouTuber đặt viên nước đá lên bề mặt CPU không hoạt động, kết quả là viên đá tan chảy với tốc độ nhanh như người yêu cũ trở mặt. Theo đó, YouTuber có tên là "mryeester" đã đăng tải...