Đánh giá chi tiết tai nghe ‘hiện tượng giá rẻ’ Blon BL-03: Có tốt như lời đồn?
Cặp tai nghe chỉ khoảng 700 ngàn Đồng này có gì hay ho mà làm từ các diễn đàn âm thanh đến reviewer Youtube nào cũng phải nhắc tới?
Mặc dù được may mắn trải nghiệm những cặp tai nghe hiện đại hay đắt tiền nhất trên thị trường nhưng là một người có tài chính không quá nổi trội nên tôi thường chọn những sản phẩm ‘vừa túi tiền’, đủ dùng để dành tiền làm những công việc khác. Nhận thấy cặp tai nghe tặng trong hộp Galaxy S10 cũng không quá tệ, tôi sử dụng nó thay vì mua một cặp tai nghe nhét trong thay thế!
Cặp tai nghe AKG theo máy Samsung S10 của tôi đã ‘tã’ như thế này đây!
Nhưng có một thứ mà những cặp tai nghe được tặng kèm theo smartphone không bao giờ làm tốt: độ bền. Cặp AKG theo Galaxy S10 sau khoảng 1 năm sử dụng bắt đầu bong tróc phần nhựa trên tai đeo, dây cũng bắt đầu bục ra để lộ lõi đồng bên trong, tôi nhận ra đã đến lúc phải đi tìm thứ để thay thế rồi.
Blon BL-03 thời gian gần đây nổi ‘rần rần’ trên Youtube và các diễn đàn âm thanh
Trung Quốc trong những năm trở lại đây đã tạo ra được tiếng vang với những hãng âm thanh giá rẻ với sản phẩm chỉ dưới 1 triệu Đồng, mặc dù ‘bình dân’ nhưng lại đứng ngang hàng được với những đối thủ có giá trị gấp 2, 3 lần những hãng lớn. Tham khảo các diễn đàn âm thanh và cả cộng đồng Youtube, có một ‘ứng cử viên’ nổi trội đó là Blon BL-03 từ một hãng âm thanh mới được thành lập năm 2014.
Kết hợp cả nhu cầu phải nâng cấp cũng như sự tò mò về những sản phẩm “Chi-fi” giá rẻ, tôi đi tìm mua cặp Blon BL-03 để thử nghiệm. Giá của cặp tai nghe này chỉ giao động từ 600 – 750 ngàn Đồng từ các shop lớn tới trang thương mại điện tử cũng có, bao gồm cả bản có và không có microphone trên dây.
Và đây là sản phẩm của chúng ta, Blon BL-03 với phần bỏ hộp trong suốt để có thể thấy luôn được cặp tai nghe của chúng ta.
‘Đặc sản’ của những sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc là những khẩu hiệu tiếng Anh sai chính tả khá buồn cười: Tin tưởng – hãy để âm thanh cháy lên? – OPPOTY (không có nghĩa), không bao giờ bỏ cuộc; Dreams (giấc mơ) cũng thành “Driams” luôn. Có lẽ ta không mua những sản phẩm đến từ đất nước này để có được vỏ hộp đẹp hay tiếng Anh hoàn hảo, nên sẽ đập hộp luôn để xem có gì bên trong.
Phụ kiên của Blon BL-03 gồm có một túi vải thô, thắt nút bằng dây…
…4 bộ đệm tai thay thế ở những kích thước khác nhau…
…và một sợi dây. Và ta sẽ đến đáng nói đầu tiên của BL-03: khả năng thay thế được dây.
Thay vì sử dụng dây gắn liền, cặp tai nghe này có khả năng rút rời dây bằng chân kết nối 2-pin, một chuẩn khá phổ biến trên thị trường. Nhờ thiết kế này mà việc thay thế trong lúc hỏng hoặc nâng cấp dây trong thời gian sau sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dây được tặng kèm có chất lượng ở mức ổn, với các cổng kết nối được làm bằng chắc, riêng phần vòng tai (ear-hook) thì được làm hơi mềm, nếu cứng hơn thì sẽ tốt.
Phiên bản của tôi có thêm một chiếc microphone để đàm thoại, nhưng lại thiếu đi 2 nút điều chỉnh âm lượng. Không rõ tại sao hãng lại lược bỏ 2 nút này đi, vì đôi lúc ta cần điều chỉnh âm lượng nhanh nhưng lại phải lấy smartphone từ túi quần khá bất tiện.
Và đây là cặp tai nghe Blon BL-03 của chúng ta. Cặp tai nghe này gây ấn tượng mạnh ngay từ ‘ánh nhìn đầu tiên’ khi được hoàn thiện bằng kim loại mạ bóng loáng, có thể soi gương được luôn! Không rõ hãng tráng phủ bằng vật liệu gì, nhưng bề mặt của phần tai đeo này không hề để lại dấu vân tay nên dùng sẽ không bị bẩn, khá thú vị.
Video đang HOT
Chất lượng hoàn thiện là thứ phải được khen ngợi, nhưng về mặt thiết kế thì Blon BL-03 lại gặp một vài ‘vết gợn’. Đầu tiên, do được làm bằng kim loại nên cặp tai nghe này khá nặng, khi đã đeo lên tai rồi thì cũng không còn là vấn đề, nhưng sẽ gây bất tiện đôi chút trong lúc lấy ra từ túi và gỡ rối dây.
Thứ 2, phần ống âm được đặt chéo để đúng với khuôn tai của người nghe, nhưng lại được thiết kế khá ngắn. Chính vì vậy khi đeo, ống âm và đệm tai chưa đi sâu vào được ống tai, từ đó có thể dây tuột ra. Độ chặt khi đeo (fits) của Blon BL-03 từ đó phụ thuộc rất nhiều vào loại đệm mà người dùng sử dụng, nếu chọn sai kích thước thì sẽ tuột ra ngay lập tức.
Tôi tự hào có một ‘đôi tai quốc dân’ khi có thể đeo được mọi loại tai nghe nhét trong một cách dễ dàng, nhưng với Blon BL-03 thì cũng phải đi thử những loại đệm khác nhau để giúp nó bám chắc hơn trên tai, và có thể nói ‘tạm hài lòng’ với loại đệm 2 tầng để tăng độ dài cho ống âm. Đây là một điểm đáng nói, vì một cặp tai nghe nhét trong tốt phải đeo chắc chắn và thoải mái trong thời gian dài nhưng lại trở thành một điểm yếu của BL-03!
Bỏ qua yếu điểm này một bên, nếu như đã đeo vừa Blon BL-03 thì ta sẽ nhận lại chất âm như thế nào? Tổng thể âm thanh của BL-03 có thể miêu tả là sạch sẽ, khi không bị một dải âm nào ‘chiếm sóng’ toàn bộ, và khi đi vào từng dải âm thì lại được xử lý một cách khá ‘trưởng thành’ nên tạo nên một trải nghiệm tích cực.
Âm trầm có lượng nhiều hơn trung bình, nhưng chắc chắn là rất nhiều người sẽ không nhận ra trong lần nghe đầu tiên. Lý do cho điều này đó là phần trầm được kiểm soát tốt, với khả năng tạo kết cấu (texture) vượt mặt các sản phẩm cùng tầm giá nên chỉ nổi lên lúc cần thiết rồi ngừng ngay. Trống trong bài We’re all we need của nhóm Above and Beyond là một thử thách thực sự cho những cặp tai nghe có nhiều trầm, được Blon BL-03 thể hiện trọn vẹn, nhấn đủ để ta thấy được độ nặng, độ đậm nhưng không bao trùm toàn bộ lấy đầu người nghe. Tôi cho đây là một dải trầm đáng để lấy làm khuôn mẫu cho tầm giá dưới 1 triệu Đồng!
Chính nhờ có phần trầm được làm gọn gàng nên giọng ca sĩ có nhiều không gian để thể hiện hơn, không lo bị lấn. Âm trung của Blon BL-03 mang thiên hướng sáng nhẹ, tiến rất gần với người dùng. Có một số người sẽ bảo giọng ca sĩ qua cách thể hiện của cặp tai nghe này là hơi mỏng, cá nhân tôi lại cho là vừa đủ, nếu như làm đậm và ấm hơn thì những giọng ca sĩ nữ như Nataly Dawn trong bài Coffee Baby sẽ thiếu đi cá tính, sự cứng cáp cần có. Độ chi tiết trong dải âm này cũng được BL-03 thể hiện ở mức khá, vẫn chưa đủ để tách bạch mọi nhạc cụ trong bản nhạc hòa tấu phức tạp, song đủ để không biến các ban nhạc khoảng 5 – 6 người thành ‘1 cục’.
Một điểm yếu ‘nhẹ’ trong chất âm của BL-03 nằm ở dải cao, khi dải này có độ sáng ở mức tốt, mỗi khi nổi lên ta đều nhận thấy nhưng lại thiếu đi khả năng ngân vang (decay) để có thể để lại ấn tượng lâu dài. Tổng thể chất âm của cặp tai nghe này cũng đã khá sạch sẽ, nền âm trung tính nên không phải phụ thuộc quá nhiều vào dải cao để ‘kéo sáng’ bài nhạc lên, nên dải này có hơi yếu cũng không làm BL-03 trở nên khó nghe hay ‘tệ’, chỉ là khi để ý kỹ ta thấy nó vẫn có thể làm tốt hơn mà thôi.
Tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng tái tạo âm trường của một cặp tai nghe dưới 1 triệu Đồng như BL-03, và đúng là trên thực tế phần này chỉ được thể hiện ở mức trung bình khá mà thôi. Đa phần âm thanh được thể hiện ở trong đầu người nghe, không thể thể hiện ‘vượt tầm’ như những cặp tai Hi-end được. Ngược lại, việc có nền âm sạch và các dải âm ‘biết thân biết phận’ đứng đúng vị trí cũng làm không gian âm thanh của BL-03 thoáng đãng dù không có âm trường rộng.
Rất tốt nhưng chưa đủ tầm ‘vua’ hay ‘huyền thoại’
Qua sự tung hô của những diễn đàn, tôi đặt khá nhiều kỳ vọng vào Blon BL-03. Và đúng là trên thực tế nó có khá nhiều những ưu điểm như quảng cáo, bao gồm chất lượng hoàn thiện tốt, đầy đủ phụ kiện, một âm trầm dư lượng nhưng được kiểm soát ở mức vượt tầm giá và âm trung sạch sẽ. Phần âm cao không có nhiều năng lượng, nhưng ở tầm giá này ta cũng có thể dễ dàng bỏ qua được.
Ngược lại, điểm yếu lớn nhất để nó không trở thành ‘huyền thoại’ hay ‘vua giá rẻ’ lại nằm ở một điều rất cơ bản của một cặp tai nghe nhét trong: cảm giác đeo, vì có lẽ để trở thành cặp tai nghe dành cho tốt dành cho tất cả mọi người, thì nó phải có thể được đeo thoải mái trên tai của tất cả mọi người! Vậy nên kết luận của tôi với Blon BL-03 trở nên rất đơn giản: nó rất đáng tiền với những ai có thể đeo vừa nó, và đáng để… bỏ qua nếu ngược lại.
Ưu điểm
- Hoàn thiện cứng cáp bằng kim loại, không bám vân tay
- Dây có thể tháo rời và dùng chuẩn 2-pin thông dung
- Có microphone và nút điều khiển (mặc dù thiếu 2 nút chỉnh âm lượng)
- Âm trầm nhiều lượng nhưng cứng cáp, rõ texture
- Phần trung sạch, đặt đúng vị trí
Nhược điểm
- Thiết kế ống âm quá ngắn, có thể không vừa với những ai có ống tai ngắn
- Dải cao thiếu một chút độ ngân
Đánh giá tai nghe Sony WH-CH710N: Còn gì hấp dẫn ngoài giá rẻ và tích hợp chống ồn chủ động?
Một cặp tai nghe Over-ear với chống ồn chủ động và giá chỉ bằng 1/2 WH-1000xm3? Liệu có đáng mua hay không?
Chống ồn chủ động đang ngày càng rẻ, khi đây không còn là công nghệ 'độc quyền' của những sản phẩm cao cấp nữa. Giờ thay vì phải bỏ qua khoảng 8.5 triệu Đồng cho một cặp Sony WH-1000xm3 hay Bose QC35 II, ta hoàn toàn có thể sắm một cặp Sony WH-CH710N với mức giá chỉ bằng một nửa, nhưng vẫn có ANC 'xịn' của Sony.
Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện, khi một cặp tai nghe đâu chỉ được đánh giá bằng một tính năng? Chúng ta sẽ cùng 'mổ xẻ' cặp tai nghe này xem ở một mức giá khá 'mềm' nhưng những thứ đánh đổi có đủ nhỏ để ta bỏ tiền ra đầu tư hay không?
Hộp của cặp tai nghe này lớn nhưng lại khá mỏng, chứng tỏ nó có thể gập được phần đeo tai theo một góc 90 độ!
Thời gian gần đây Sony hay sử dụng bìa các-tông để đóng hộp, không cao cấp lắm nhưng cũng là một nỗ lực để bảo vệ môi trường.
Phụ kiện của chúng ta gồm có một dây sạc USB Type-C và dây 3.5mm để nghe nhạc cắm dây. Sợi dây này có chất lượng khá tốt, với các đầu cắm được gia cố chắc chắn, dây thì được xẻ rãnh, mà theo hãng giới thiệu thì để chống bám bụi bẩn.
Đây là cặp tai nghe của chúng ta! Nằm ở phân khúc tầm trung nên tất nhiên CH710N được hoàn thiện bằng nhựa rồi, hãng có vẻ cũng đã dùng chung loại nhựa với XB700. Những bạn đã đọc đánh giá cặp XB700 cũng biết được rằng tôi không thấy loại nhựa này cho cảm giác cao cấp, nhìn khá là rẻ. Ngược lại thì ta có một cặp tai nghe rất nhẹ, nhìn thì lớn nhưng CH710N nặng chỉ 218g, tạo cảm giác đeo nhẹ nhàng trong hàng giờ liền!
Rất may là phần khung của tai vẫn được làm bằng kim loại, phần đệm đầu cũng đã được hãng bọc 1 lớp đệm để tránh cấn đỉnh đầu.
Phần đeo tai của CH710N có cảm giác hơi nông nên khi đeo lên vành tai của tôi chạm vào phần đệm lót ở bên trong, không rộng rãi như cặp WH1000xm3. Tuy vậy với phần đệm được làm đủ dày dặn và không có phần nhựa hay kim loại nào chạm vào tai nên vẫn giữ cảm giác đeo thoải mái. Tôi đã thử nghiệm đeo cặp tai nghe này để xem một bộ phim dài 2 tiếng, mặc dù có hơi nóng (trời Hà Nội 40 độ thì có lẽ đeo cặp Over-ear nào cũng nóng mà thôi), nhưng không bị nặng đầu, mỏi tai, khá ấn tượng.
Những cặp In-ear của Sony trong năm nay đã lược bỏ NFC, nhưng trên CH710N thì ta vẫn có tính năng này. Không rõ còn bao nhiêu người sử dụng NFC để kết nối nhanh nhưng dù sao có vẫn hơn không!
Thời lượng của cặp tai nghe này theo như lời hãng quảng cáo là 35 tiếng, nhưng tôi theo dõi thì sử dụng được tới 40 tiếng! Trang Soundguys.com sử dụng cặp tai nghe này với chống ồn chủ động bật liên tục cũng có thời lượng lên tới 41 tiếng 30 phút trước khi phải sạc. Sony có lẽ đánh 'khiêm tốn' khi đánh giá thời lượng pin của CH710N, mặc dù 35 tiếng cũng đã là rất tốt rồi, với tần suất sử dụng nhiều đến 8 tiếng 1 ngày cũng phải qua được ngày thứ 4.
Cạnh dưới tai trái là cổng 3.5mm, cổng sạc và nút nguồn.
Bên còn lại sẽ là nút điều khiển âm lượng, chuyển và dừng / chơi bài hát, ngay bên cạnh đó là nút chuyển chế độ chống ồn chủ động, nghe ngóng môi trường.
Vậy chống ồn chủ động ANC của CH710N liệu có giống hệt với cặp WH1000xm3 cao cấp hơn hay không? Câu trả lời là không, khi WH1000xm3 cho khả năng chống những tính ồn môi trường (tiếng nói, tiếng gõ phím) tốt hơn CH710N. Biểu đồ ở dưới thể hiện rõ điều này, khi WH1000xm3 chống ồn được tới 27dB trong khoảng dải tần 500Hz - 800Hz, trong khi đó ở CH710N chỉ 'mấp mé' 10dB mà thôi.
Trên thực tế, khả năng chống ồn của CH710N vẫn có thể nói là tốt khi chặn tốt tạp âm trong không gian cà phê tầm trung, hay tiếng quạt khi sử dụng trong nhà. Chỉ là khi sử dụng ở những nơi động đúc, phố xá thì cặp tai nghe này mới tỏ ra 'đuối' so với cặp tai nghe cao cấp hơn mà thôi. Việc khả năng chống ồn có đủ cho nhu cầu của bạn hay không thì có lẽ phải đi thử nghiệm thực tế mới đưa ra câu trả lời chính xác được!
So sánh khả năng chống ồn ANC của CH710N và WH1000xm3
Một thứ nữa cũng đã bị cắt giảm nhiều từ WH1000xm3 đó là chất âm. Tổng thể chất âm của CH710N hơi tối giống với chiếc In-ear XB700, được nhấn nhiều vào phần trầm và trung. Ưu điểm của chất âm này đó là nghe rất 'êm', không có điểm nào gây khó chịu nên có thể ngồi nghe tới hàng giờ cũng không mỏi (khá giống với thiết kế), nhưng là một chất âm quá an toàn đến mức bị thiếu điểm nhấn.
Dải trầm có lượng dồi dào, chưa đủ để gọi đây là một cặp tai nghe eXtra Bass nhưng bạn cũng có thể nhận thấy dải này ngay từ lúc mới đặt lên tai nghe. Trầm được trải đều từ sub-bass tới mid-bass, từ đó không bị thiếu một thứ gì, ngược lại thì ta không nhìn thấy nó được nhấn vào đâu. Sub-bass cũng êm, mid-bass cũng mềm khiến mỗi tiếng contrabass trong bài Berimbass của Garcia-Fons, Renaud thiếu độ punchy, thiếu độ nổi khối cần có.
Dải trung như đã đề cập thì nhấn nhiều vào phần trung trầm (low-mid) nên thể hiện giọng ca sĩ nam sẽ có lực nhưng lại bị thiếu nhiều ở phần trung cao nên khá là yếu ở giọng nữ cao. Giọng Emily Loizeau trong bài Sur La Route không thoát được hẳn gọi tiếng piano làm nền phía sau. Ta cũng có thể làm phần này nổi bật hơn bằng EQ, tăng đôi chút phần giọng cao để nó trở nên tiến và thoát hơn, nhưng tôi cũng không phải là fan của việc EQ tai nghe cho lắm vì thường sẽ làm âm thanh tệ đi chứ không tốt lên.
Có thể bạn cũng đã đoán được, dải cao sẽ không phải là thế mạnh của CH710N khi những dải âm ở dưới đã được nhấn vào nhiều như vậy. Những tiếng cymbal, xúc xắc phải nói là rất hiền, cần phải có độ sáng cao hơn, cần phải máu lửa hơn nếu như muốn cân bằng lại được dải trầm và trung của cặp tai nghe này!
Nổi bật với chống ồn chủ động và thời lượng sử dụng, những thứ khác chỉ dừng lại ở mức 'ổn'
Có giá bán nhỉnh hơn cặp Sony XB700 chúng ta tìm hiểu hôm trước chỉ 500.000 vnđ mà lại là tai nghe Over-ear lớn, cộng thêm chống ồn chủ động nên tất nhiên WH-CH710N sẽ phải cắt giảm ở đâu đó rồi. Ta sẽ có một cặp tai nghe với thiết kế hơi kém sang, hoàn thiện không cho cảm giác chắc chắn và một cách tái tạo âm bị thiếu điểm nhấn, kém về chi tiết và sự tách bạch.
Nhìn về mặt tích cực, ta sẽ nhận lại được thời lượng sử dụng khá ấn tượng (35 tiếng), giữ lại NFC, kết nối chắc chắn nhờ Bluetooth 5.0 và cảm giác đeo cùng kiểu âm êm ái, thoải mái, có dùng hàng giờ cũng vẫn không gây mệt mỏi. Đây có lẽ sẽ thích hợp là một một cặp tai nghe đa chức năng, với những ai dùng cho cả xem phim và chơi game hơn là chỉ thuần nghe nhạc!
Ưu điểm
- Đeo thoải mái, rất nhẹ nhàng
- Thời lượng sử dụng 35 tiếng hoặc thậm chí có thể hơn
- Kết nối chắc chắn với Bluetooth 5.0, có NFC
- Chống ồn chủ động hiệu quả
- Âm thanh 'êm', thích hợp cho việc nghe nhạc và xem phim nhiều giờ
Nhược điểm
- Thiết kế không đẹp, hoàn thiện thiếu tính cao cấp
- Chất âm thiếu điểm nhấn, đặc biệt yếu ở dải trung-cao và cao
- Khả năng tách từng dải âm khá kém
Xiaomi ra mắt tai nghe không dây Redmi AirDots 2: Giá siêu rẻ, chỉ 250.000 đồng Đây có lẽ là chiếc tai nghe không dây có mức giá rẻ nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại, lại còn tới từ một thương hiệu nổi tiếng. Nâm ngoái, chiếc tai nghe không dây Redmi AirDots của Xiaomi đã nhận được nhiều sự chú ý của người dùng bởi mức giá siêu rẻ chỉ 99 tệ, tương đương hơn...