Đánh giá AMD Radeon RX 6800 XT: sắc đỏ ở phân khúc PC cao cấp chưa bao giờ đậm đà đến thế
Nếu là fan của “đội chị Su” hướng đến nhu cầu sử dụng cao cấp thì sự xuất hiện của GPU Radeon RX 6800 XT hứa hẹn sẽ “nhuộm đỏ” đầy phấn khích góc máy của bạn.
Một cái nhìn mới về card đồ họa AMD
Chiếc card đồ họa Radeon RX 6800 XT trong bài là phiên bản tham chiếu (reference card hay còn gọi là card ref), vốn mang thiết kế nguyên bản từ AMD. Hãng đã rũ bỏ thiết kế tản nhiệt dạng lồng sóc vốn tồn tại nhiều nhược điểm, thay vào đó là hệ thống ba quạt tản nhiệt hầm hố cải thiện đáng kể hiệu suất hoạt động vừa bắt mắt tương tự các sản phẩm card thương mại.
Những điểm cộng nhỏ nhưng cho thấy độ tinh tế của AMD như phần backplate đã được làm bằng kim loại chắc chắn, phần cổng cấp nguồn vẫn là loại 8 pin phổ biến thay vì loại 12 pin lạ lẫm như ở sản phẩm cùng cấp của đối thủ. Sự xuất hiện của USB-C bên cạnh hai cổng DisplayPort 1.4 và HDMI 2.0 là trang bị đáng tiền khác khi không chỉ xuất tín hiệu cho màn hình có kết nối này một cách dễ dàng mà còn sẵn sàng cho trải nghiệm hình ảnh đa chiều thông qua thiết bị kính thực tế ảo.
Những thay đổi tích cực và trang bị xịn sò ở phiên bản card tham chiếu của Radeon RX 6800 XT sẽ góp phần quan trọng để người dùng cuối có được mẫu card đồ họa chất lượng hơn. Sự chỉnh chu của mẫu card này giúp các hãng bên thứ ba sẽ phần nào giảm chi phí lẫn thời gian phát triển phiên bản thương mại. Từ đó bạn có thể mong chờ một mức giá dễ chịu hơn nữa, đặc biệt khi con số công bố của RX 6800 XT từ AMD vốn đã rẻ hơn đối thủ 50 USD.
Hàng loạt công nghệ mới
Là thế hệ thứ 2 của kiến trúc RDNA, AMD Radeon RX 6800 XT mang tới một loạt sự đổi mới ấn tượng. Vẫn được sản xuất dựa trên tiến trình 7nm nhưng ở RDNA2, xung nhịp xử lý có thể cao gấp 1,3 lần trong cùng mức tiêu thụ năng lượng, chỉ số performance/watt tăng tới 54% so với thế hệ đầu tiên.
Ngoài ra AMD còn đưa vào nhiều công nghệ mới để làm nên sự bùng nổ về hiệu năng lẫn trải nghiệm ở thế hệ GPU này. Đầu tiên chính là việc RX 6000 series đã chính thức hỗ trợ Ray Tracing ở cấp độ phần cứng. Bằng cách tích hợp thẳng vào mỗi đơn vị xử lý (CU) một đơn vị xử lý Ray Tracing, khả năng tính toán và xử lý hình ảnh theo thời gian thực hứa hẹn sẽ rất ấn tượng ở những ứng dụng/ game được tối ưu. Về đường dài, cách xử lý Ray Tracing này đem tới lợi thế tương tích cho người dùng “đội đỏ” khi các nhà làm game đưa công nghệ này vào các trò chơi đa nền tảng từ Xbox X, PS5 đến PC.
Bên cạnh đó, các cải tiến khác như Infinity Cache cung cấp bộ nhớ đệm dung lượng lớn giúp tăng hiệu quả tính toán của GPU , Variable Rate Shading (VRS) nâng cao khả năng dựng hình, FidelityFX Anti-Lag giảm độ trễ tín hiệu, … Hiện AMD đang phát triển Super Resolution nhằm nâng cao đáng kể hiệu năng ở game ray tracing và sẽ sớm cập nhật ở dòng GPU mới trong thời gian sắp tới.
Smart Access Memory (SAM) là trang bị “thửa riêng” người dùng GPU RX 6000 series trên hệ thống Ryzen 5000 series, bo mạch chủ X570/B550 khi gia tăng băng thông truy cập bộ nhớ VGA, giảm hiện tượng thắt cổ chai, qua đó có thể tăng hiệu năng tổng thể lên đến 11%.
Video đang HOT
Màu đỏ ở phân khúc hiệu năng cao “đậm” hơn bao giờ hết
Hào nhoáng về thông số và phấn khích ở trải nghiệm, đó chính xác là những gì bạn cảm nhận được ở mẫu card đồ họa cao cấp từ AMD. Tiếp đà sau “bom tấn” Ryzen 5000 series khiến giới mộ điệu phải trầm trồ, giờ đây bạn có thể sở hữu dàn máy cao cấp “đỏ nguyên cây” từ CPU đến GPU như bộ PC dùng để đánh giá trong bài. Cấu hình thử nghiệm bao gồm CPU Ryzen 7 5800X, GPU Radeon RX 6800 XT, 2×8GB RAM DDR4 3.200 MHz, 480GB SSD M2 và màn hình 2K.
Phần trình diễn của RX 6800 XT được nhiều người mong chờ nhất có lẽ nằm ở các tựa game. Để sản phẩm đủ đất diễn bung hết sức mạnh sẽ cần đến các game AAA như Assassin’s Creed: Valhalla, Dirt 5, Borderlands 3 với thiết lập đồ họa đặt ở mức tối đa cùng độ phân giải 2K.
Mặc định RX 6800 XT cho kết quả đủ làm mãn nhãn mọi game thủ khó tính khi mức khung hình trung bình có thể đạt từ 80 – 100fps. Độ ổn định cũng được thể hiện thuyết phục khi nhìn vào con số FPS 1% Lowest đều vượt xa mốc 60fps. Đặc biệt combo “full đỏ” được tăng lực thông với công nghệ Smart Access Memory. Ở cả ba trò chơi đều ghi nhận mức tăng đồng loạt ở cả chỉ số FPS trung bình và FPS 1% Lowest.
Sức mạnh của mẫu card đồ họa cao cấp từ AMD không chỉ hấp dẫn với game thủ mà còn đủ ấn tượng với người dùng chuyên nghiệp … Màn trở lại đầy mạnh mẽ của AMD trong vài năm đổ lại đây đang dần thay đổi quan niệm người dùng cũng như nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ các hãng làm phần mềm. Đơn cử như với ứng dụng Adobe Premiere Pro phiên bản 14.6 mới nhất, phép thử chuyên dụng PugetBench bao gồm các thao tác hậu kỳ, làm hiệu ứng, render trên nền clip 4K & 8K, cỗ máy mang sắc đỏ từ AMD cho điểm số tổng thể ngang ngửa với dàn PC dùng linh kiện đối thủ.
Điểm số tham chiếu với 2 dàn PC do chính Puget System đánh giá
Trong suốt quá trình đánh giá nhiều giờ liền ở căn phòng có nhiệt độ trung bình 30 độ C, nhiệt độ tối đa RX 6800 XT đạt ở mức loanh quanh mốc 90 độ C, một con số khá tốt đối với mẫu card tham chiếu. Độ ổn định của hệ thống còn được ghi nhận ở việc tương thích, chạy trơn tru mọi ứng dụng và trò chơi bản quyền đã được cập nhật lên phiên bản mới nhất. Có thể thấy nỗ lực thay đổi của AMD khi cố gắng cung cấp những bản driver chất lượng tới tay người dùng (sản phẩm trong bài sử dụng bản driver 25.20.14501.18003).
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi chúng ta được chứng kiến sự bùng nổ để trở lại dẫn đầu ở mảng CPU của AMD với vi xử lý Ryzen. Và nay điều tương tự đang diễn ra với dòng GPU RX 6000 series. Sự bức phá mạnh mẽ về hiệu năng, công nghệ cùng tính phổ biến trải dài trên nhiều nền tảng phần cứng của kiến trúc RNDA2 đem lại lợi thế không hề nhỏ cho thế hệ GPU mới của AMD, trong đó có RX 6800 XT. Sắc đỏ ở phân khúc PC cao cấp thời gian tới cũng vì thế sẽ đậm đà hơn bao giờ hết.
AMD Radeon RX 6000 chính thức lộ diện: Hiệu năng vượt mặt RTX 3000, giá rẻ bất ngờ, hỗ trợ cả Ray Tracing
Sau khi tung đòn 'trời giáng' với Intel ở mảng CPU, AMD tiếp tục tung ra một cú đấm đầy 'hóc hiểm' với NVIDIA ở mảng card đồ họa với 3 cái tên Radeon RX 6800, Radeon RX 6800 XT và Radeon RX 6900 XT.
Trái ngược với mảng CPU đang ngày càng khởi sắc, mảng kinh doanh card đồ họa của AMD chưa bao giờ ảm đạm đến vậy. Sự thắng thế của NVIDIA đã kéo dài suốt nhiều năm, với doanh số vượt trội hơn hẳn so với Đội đỏ. Thậm chí, kể từ thế hệ GTX 1000 cho đến RTX 2000, AMD không có nổi một mẫu card đồ họa đủ sức đối chọi với những cái tên như GTX 1080 Ti hay RTX 2080 Ti ở phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, với màn trình diễn trên cả tuyệt vời trên sân khấu vào tối 28/10, có thể khẳng định AMD đã thực sự trở lại đường đua!
CEO của AMD Lisa Su giới thiệu dòng RX 6000
Tăng hiệu năng chơi game khi kết hợp CPU Ryzen 5000 và RX 6000
3 cái tên vừa được AMD trình làng bao gồm RX 6800, RX 6800 XT và RX 6900 XT đều dựa trên kiến trúc RDNA 2 mới nhất của AMD, vốn cũng được trang bị trên PS5 và Xbox Series X. Đáng chú ý, dòng RX 6000 của AMD cũng lần đầu tiên hỗ trợ công nghệ đồ họa Ray Tracing, xóa bỏ thế 'độc quyền' của NVIDIA trong suốt vài năm qua.
Mặc dù dòng RX 6000 vẫn sử dụng chuẩn bộ nhớ GDDR6, AMD vẫn tìm ra cách cải thiện băng thông cực kỳ thông minh khi tích hợp công nghệ Infinity Cache từng xuất hiện trên dòng CPU Ryzen 5000 giờ. Nhờ 128MB cache tốc độ cực cao, băng thông bộ nhớ GDDR6 của dòng RX 6000 hoàn toàn vượt trội so với chuẩn bộ nhớ GDDR6X trang bị trên dòng card RTX 3000 của NVIDIA.
Song song đó, AMD cũng trình làng tính năng Smart Memory Access, vốn giúp người dùng 'song kiếm hợp bích' khi sử dụng kết hợp CPU Ryzen 5000 và dòng card đồ họa RX 6000. Cụ thể, khi bật tính năng này, CPU sẽ có quyền truy cập toàn diện vào bộ nhớ của card đồ họa, tăng cường tốc độ truyền dữ liệu giữa CPU và GPU, từ đó giúp tăng hiệu suất chơi game.
RX 6800 XT: Đấu sòng phẳng với RTX 3080, giá rẻ hơn, ít ngốn điện hơn
Trong số 3 cái tên được AMD giới thiệu, Radeon RX 6800 XT với giá bán 649 USD sẽ cạnh tranh trực tiếp với RTX 3080 của NVIDIA, hứa hẹn mang đến hiệu năng chơi game vượt qua đối thủ, trong khi giá bán lại rẻ hơn 50 USD. Cụ thể, RX 6800 XT trang bị bộ nhớ 16GB GDDR6, xung nhịp cơ bản 2015Mhz, xung boost 2250Mhz, hiệu suất GPU 20,74 teraflop, và 72 đơn vị tính toán (CU).
Theo kết quả benchmark giữa RX 6800 XT và RTX 3080 tại độ phân giải 1440p và 4K, hiệu năng của mẫu card đồ họa flagship mới nhất của AMD đã vượt mặt RTX 3080 tại một số tựa game bom tấn như Battlefield V, Borderlands 3, Call of Duty: Modern Warfare, Forza Horizon 4, v.v.
Kết quả benchmark của RX 6800 XT và RTX 3080 tại độ phân giải 4K
Với các tựa game như Shadow of the Tomb Raider, Gears 5 và Doom Eternal, RX 6800 XT cũng đấu ngang ngửa với RTX 3080. Điều này cho thấy, sau nhiều năm lép vế, AMD cuối cùng đã thực sự đuổi kịp được NVIDIA về mặt hiệu năng ở phân khúc cao cấp.
RX 6800: 'Đả bại' ông vua một thời RTX 2080 Ti
Nếu như RX 6800 XT đối chọi với NVIDIA ở phân khúc cao cấp, thì RX 6800 (giá bán $579) lại lãnh trách nhiệm đấu với RTX 3070 của Nvidia ở phân khúc tầm trung, cũng như cạnh tranh trực tiếp với flagship một thời của NVIDIA là RTX 2080 Ti. Với hiệu suất 16.17 teraflops, RX 6800 trang bị 60 đơn vị xử lý đồ họa (CU: compute unit), bộ nhớ 16GB GDDR6, cùng mức xung 1815Mhz và xung boost 2105Mhz.
Giống như RX 6800 XT, RX 6800 tiếp tục có màn trình diễn đầy ấn tượng trước RTX 2080Ti - mẫu card đồ họa suốt 2 năm nay luôn giữ ngôi vị 'đế vương' trong BXH các mẫu card đồ họa mạnh nhất của cả AMD và NVIDIA. Cụ thể, mức FPS mà RX 6800 đạt được đã đả bại RTX 2080 Ti tại một tựa game ở độ phân giải 1440p và 4K như BF5, COD:MW, Doom Eternal, Gears of War 5 .v.v.
Kết quả benchmark của RX 6800 và RTX 2080 Ti tại độ phân giải 4K
Mặc dù AMD chưa chia sẻ kết quả benchmark của RX 6800 so với RTX 3070, chúng ta có thể kỳ vọng mẫu card đồ họa của Đội đỏ sẽ đấu sòng phẳng với đối thủ từ NVIDIA. Điểm yếu duy nhất của RX 6800 chính là mức giá, vốn cao hơn tới 80 USD so với RTX 3070.
RX 6900 XT: 'Quái vật' mạnh mẽ nhất của AMD đã ra đời
Chứng kiến màn ra mắt hoành tráng của 'quái vật' RTX 3090 - mẫu card đồ họa mạnh mẽ nhất, đắt tiền của NVIDIA hiện tại, AMD đã lập tức đáp trả với cái tên RX 6900 XT. Xét về mặt thông số, RX 6900 XT vẫn giữ nguyên mức xung cơ bản / xung boost tương tự như RX 6800 XT, cùng dung lượng bộ nhớ 16GB chuẩn GDDR6, nhưng bổ sung thêm 10 đơn vị tính toán (80 CU so với 70 CU).
Kết quả, khi đối đầu trực diện với đối thủ cực mạnh như RTX 3090, hiệu năng RX 6900 XT hoàn toàn ngang ngửa, thậm chí đã vượt qua đại diện của NVIDIA tại một số tựa game, cho thấy sức mạnh của kiến trúc RDNA 2 cực kỳ đáng gờm thế nào. Chưa hết, bản thân giá bán của RX 6900 XT cũng cực kỳ hấp dẫn khi rẻ hơn RTX 3090 tới 500 USD (999 USD so với 1499 USD), trong khi hiệu năng lại tương đương.
Kết quả benchmark của RX 6900 XT và RTX 3090 tại độ phân giải 4K
Được biết, Radeon RX 6800 XT và RX 6800 sẽ được bán ra vào ngày 18 tháng 11, trong khi Radeon RX 6900 XT sẽ chính thức lên kệ vào ngày 8 tháng 12 tới đây.
Arm Cortex-A78C là vi xử lý mạnh cho laptop - Có thể chiến game Intel và AMD thống trị thị trường vi xử lý cho cả máy tính để bàn lẫn máy tính xách tay trong một thời gian rất dài, Arm - hãng có giấy phép sản xuất vi xử lý - cuối cùng cũng đã tham chiến. Để đặt chân vào mảnh đất béo bở - máy tính xách tay - Arm ra mắt vi...