Đánh đổi sinh mạng bằng nghề nuôi rắn độc
Chưa kịp mở lồng, rắn đã phun phì phì. Lúc mở ra, rắn “phi thân” vào mặt hay “đớp tạm” vào đầu ngón tay một phát cho… “đỡ đói”. Nhẹ thì ngón tay biến dạng, phải tháo khớp, nặng thì tử vong.
“Ăn, ngủ” cùng rắn độc
Đi dọc thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thoạt nhìn không ai nghĩ đây là một làng nuôi rắn độc bởi nhà cửa mọc liền nhau san sát, xen kẽ những ngôi nhà cao tầng khang trang là những ngôi nhà mái rạ, tường gạch cổ kính. Hỏi ra mới biết hầu như nhà nào cũng nuôi rắn trong chính ngôi nhà của mình. Vì điều kiện đất đai chật hẹp nên đa phần các hộ gia đình đều xây dựng những lồng rắn nhân tạo ngay trong nhà.
Trên là giường ngủ, dưới sàn nhà là những chuồng rắn chia thành những ô nhỏ, hình chữ nhật, chiều dài ước chừng 0,5m, cao 0,4m, rộng 0,3m. Nhà nào rộng hơn một chút thì có thể làm hẳn một “phòng” riêng để xây chuồng cho rắn. Nhà nào giàu có thì lập thành trang trại, chăn nuôi từ a đến z, nghĩa là vừa nuôi vừa sinh sản, vừa cho ấp trứng kèm theo là một loạt những dịch vụ nhà hàng, ăn uống chuyên món rắn đặc sản.
Anh Hưng, một tay nuôi rắn có hạng trong làng cho biết: “Nhiều nhà chật chội, cả bố mẹ, ông bà, con cái đều ngủ chung một phòng, dưới nền nhà là chuồng rắn. Nơi người ngủ và hang rắn ở chỉ cách nhau chưa đầy một bước chân, không khí đặc quánh một thứ mùi gây gây, khăn khẳn, đêm ngủ còn nghe tiếng rắn kêu phè phè ngay bên cạnh, nhưng quen rồi, thấy bình thường thôi”.
Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có từ bao đời nay không ai rõ, chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên người dân đã được làm quen với rắn độc. Dù là loại hổ mang phì khiến nhiều người phải e dè, sợ sệt nhưng với người dân Vĩnh Sơn, chúng là một người bạn, đem lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Ngay cả những đứa trẻ con trong xóm cũng đều là những “cao thủ” tay không bắt rắn. Mỗi khi rắn “sổng chuồng” chạy trốn, lũ trẻ trong làng lại nhao nhao đi bắt rắn như những thợ săn rắn đích thực.
Anh Kiên tay không bắt rắn.
Cả xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 1.300 hộ với khoảng 5.700 nhân khẩu thì có tới 850 hộ nuôi rắn, nhà ít thì nuôi 100 con, nhà nuôi nhiều lên đến 2.000 con, chủ yếu là hổ mang phì và hổ trâu. Riêng thôn 3 cũng 60-70% hộ gia đình nuôi rắn.
Nuôi rắn cũng là một nghề khá công phu và tốn nhiều thời gian. Chị Lan, một hộ nuôi rắn trong thôn cho biết: “Chỉ tính riêng thời gian ấp trứng, đến thời gian trứng nở thành rắn con, rồi nuôi trưởng thành đến lúc xuất khẩu, nhanh thì cũng phải hai năm, còn lâu cũng phải mất ba năm. Thức ăn cho rắn tuy không cầu kì, chủ yếu là loại gà, vịt thải với giá thành rẻ, nhưng mỗi khi cho rắn ăn, vẫn phải vặt sạch lông, cắt thành từng miếng nhỏ. Riêng cóc thì phải mổ bỏ sạch phân. Rắn nhỏ thì ngày nào cũng phải cho ăn, đề phòng chúng đói nuốt chửng lẫn nhau. Rắn lớn thì 3-4 ngày mới phải cho ăn một lần”.
Cứ mỗi tuần, người nuôi rắn lại phải vệ sinh một lần. Chuồng nuôi rắn luôn phải đảm bảo đủ ánh sáng và không khí để cho rắn phát triển. Thường rắn sinh sản vào tháng 6, còn mùa đông là thời kỳ rắn nghỉ đông nên không phát triển, thậm chí còn hao hụt trọng lượng. Thời gian này, người nuôi phải đặc biệt chú trọng đến thời tiết, luôn phải sưởi ấm cho rắn tránh tình trạng nóng quá hoặc lạnh quá dễ làm rắn mắc bệnh khô da, hoặc viêm phổi.
Mất mạng vì “nuôi con đặc sản”
Theo chân anh Kiên, Trưởng thôn 3 vào thăm “phòng” nuôi rắn của gia đình anh, chúng tôi không khỏi rùng mình. Trong căn phòng chật chội chừng 10m2, những chuồng rắn nằm san sát ngay dưới nền nhà. Bước chân đi bên trên mà chúng tôi không khỏi giật mình ghê sợ khi nghe tiếng rắn phun phì phì bên dưới. Nhanh tay, mở chuồng rắn, anh Kiên lấy kẹp lôi dần con rắn hổ mang chừng gần 1kg ra rồi cẩn thận túm lấy cổ nó.
Video đang HOT
Dù có đôi găng tay dày làm bảo hộ lao động, nhưng hầu như những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đều không sử dụng bởi theo anh Kiên: “Dùng găng tay vừa dày vừa vướng víu, cầm con rắn không thật tay, rất dễ bắt trượt rắn. Khi ấy rắn lao vào cắn vào mặt, vào người, vào vai còn nguy hiểm hơn nên chúng tôi dùng tay không bắt rắn cho dễ. Vì thế mà tai nạn xảy ra như cơm bữa. Ai nuôi rắn chẳng một lần bị rắn cắn. Chỉ cần sơ sảy để răng rắn quệt qua là cũng phải tháo khớp ngón tay rồi. Nhất là những anh chuyên đi chợ bắt rắn giúp người dân chuyển hàng đi cửa khẩu xuất sang Trung Quốc thì 10 ngón tay chỉ còn còn 7-8 ngón. Có anh còn cụt cả 10 đốt ngón tay ấy chứ. Riêng loại rắn hổ mang phì, nếu không có thuốc giải độc thì chỉ 20 phút sau đã tử vong rồi”.
Cách đây chưa lâu, người trong thôn 3 xót xa trước sự ra đi của anh Phùng Văn Long vì bị rắn cắn. Trong lúc cho rắn ăn, anh Long sơ sảy bị rắn cắn vào tay, vì cơ thể sẵn dị ứng với nọc rắn nên anh Long không qua khỏi, dù đã dùng thuốc kịp thời, bỏ lại ba đứa con bơ vơ và bố mẹ già yếu cho người vợ trẻ. Một mình chị Yến, vợ anh Long, vẫn không từ bỏ nghề nuôi rắn, quyết tâm theo đuổi cái nghiệp đã gắn bó với gia đình từ lâu. Năm 2006, thôn 3 cũng có 1 trường hợp bị tử vong vì rắn cắn.
Bà Diên, một người có thâm niên nuôi rắn mấy chục năm nay cho biết: “Trước đây khi chưa có thuốc giải nọc độc rắn thì có nhiều trường hợp tử vong hơn. Bây giờ trong thôn đã có thuốc nên hầu như chỉ bị thương tật ở tay. Tuy nhiên thuốc chỉ có thể ngăn nọc độc chạy vào cơ thể, còn khi đã bị rối loạn đường hô hấp do rắn cắn thì bắt buộc phải có dụng cụ hô hấp và phương tiện cấp cứu. Nhưng ở trong thôn chúng tôi lại không hề có, nên đôi khi cũng rất nguy hiểm. Mới đây có trường hợp ông kế toán trên xã bị rắn cắn, may nhà có ôtô đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi án tử”. Khi tôi hỏi: Có cách nào để phòng tránh rắn cắn không thì bà chỉ cười: “Khó lắm, vì nghề này tiếp xúc với rắn thường xuyên, không cắn mới là chuyện lạ”. Nói rồi bà xòe bàn tay ngón cụt, ngón biến dạng với chi chít những vết rắn cắn ra cho chúng tôi xem.
Nghề nuôi rắn mang lại lợi nhuận khá cao cho người dân ở Vĩnh Sơn. Những năm “được mùa”, rắn bán được tới 1.2 triệu/kg, rẻ cũng phải 450.000 đồng/kg. Dù biết là nghề nguy hiểm nhưng người dân đã chấp nhận cái nghề này thì cũng đành mang lấy cái nghiệp. Làm riết, sống riết cùng rắn thành quen, giờ bảo bỏ nghề là điều cực khó với họ dù biết tính mạng luôn bị đe dọa.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Rắn "đẻ" ra vàng
Từ một nông dân vốn chỉ nhờ cậy vào cây cói, sau 10 năm vật lộn nuôi rắn hổ mang, anh đã trở nên giàu có. Tuy chưa nhiều tiền như những người bán vàng, hay buôn hàng ngoại quốc, nhưng đã có của ăn của để, của dành cho các con lúc lấy vợ gả chồng.
Trong khi dân làng say sưa với giấc ngủ, thì "chàng rái cá" bì bõm dưới ao hoặc cánh đồng cói để đổ ống lươn. Mùa đông trời rét căm căm, cái quần đùi không đủ che nửa thân người, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, bàn tay chai sần tím tái vì ngâm lâu trong nước, nhưng thà chịu khổ, rét mướt còn hơn để vợ con tắt bữa.
Đó là hình ảnh của "chàng rái cá" cách đây 27 năm về trước, còn bây giờ anh là ông chủ của đàn rắn "đẻ" ra vàng, anh là Nguyễn Đình Khôi ở xóm 2, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bát cơm chan đầy nước mắt
Làm cách nào để thoát nghèo khi trong tay không nghề nghiệp. 3 sào cói chỉ đủ cho "4 cái tàu há mồm" ăn học trong hai tháng, 10 tháng còn lại phải chạy vạy "buôn thúng bán mẹt" nhưng cháo vẫn không đủ ăn.
Không thể bó tay và để vợ con đói khổ, Khôi đã lập nghiệp nghề rắn bằng đi đặt ống lươn ở các ao hồ khắp 6 xã trồng cói. Đó là câu chuyện của "chàng rái cá" cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Giới thiệu rắn hổ mang trâu với khách.
Vượt qua cánh đồng cói và con đường ngoằn ngoèo liên thôn, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Đình Khôi ở xóm 2 xã Nga Liên (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Vợ anh - chị Lương Thị Nữ - nở nụ cười tươi rói trên môi: "Chúc mừng năm mới. Mời các chú vào nhà, đi cả giày vào".
- Năm nay được mùa rắn, thảo nào hai bác đón tết to là phải rồi?
- Chẳng giấu gì hai chú, tất cả công trình này đều nhờ vào rắn cả đấy. Ngày trước đói nghèo khổ sở, tết chẳng đủ gạo ăn, nay có tiền cũng phải sắm cái tết cho tươm tất chứ. Chị Nữ vui vẻ như cởi tấm lòng.
Nhìn dãy nhà ngói khang trang hình chữ U xây dựng khá vững chắc giữa cánh đồng cói, ít ai biết nơi này trước đây là ao hồ sình lầy. Người dân xã Nga Liên chỉ đến đây ban ngày, còn về đêm không ai bén bảng tới. Phần vì sợ rắn rết, trẻ con thì sợ ma vì quá hoang vu.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Khôi phân trần: "Căn nhà này tôi xây gần 5 năm rồi, tất cả từ tiền nuôi rắn. Trước đây cả vợ chồng con cái ở cái nhà lợp bổi. Mùa nắng không có chỗ mà chui, mùa mưa ngập nước. Lúc ấy, nhà mới có 4 cái "tàu há mồm", sắn khoai cũng không đủ. "Lúc đó gia đình tôi nghèo rớt mồng tơi, có thể nói nghèo nhất xã Nga Liên. Cả nhà chỉ có 1 cái giường bằng luồng, tôi nhường cho mẹ con nó còn mình nằm đất.
Ngày ấy tôi mới có hai đứa con chứ không phải 9 đứa như bây giờ. Quần áo chúng nó mặc chung. Như một vòng luẩn quẩn, đã nghèo lại đông con, vợ đẻ sòn sòn năm một. Làm gì để nuôi mình và vợ con khi cả nhà chỉ có ba sào ruộng, con thì ngày một lớn dần, trong khi tiền kiếm được từ bán cói khô không đủ mua gạo nấu cháo qua ngày. Bao đêm tôi suy nghĩ nát óc: Nghề cơ khí thích lắm nhưng mình không có trình độ, làm cói thì bán chẳng ai mua. Tôi bắt đầu đi bắt lươn từ sự mách bảo của người hàng xóm" - anh Khôi chia sẻ.
Tìm những ống nứa, ống tre cũ và học hỏi từ người đi trước, tự tay anh đan toi (ở Nga Sơn gọi nắp ống lươn là cái toi). Gà gáy canh ba, khi dân làng say sưa với giấc ngủ, thì "chàng rái cá" bì bõm dưới ao hoặc cánh đồng cói để đổ ống lươn.
Mùa đông trời rét căm căm, cái quần đùi không đủ che nửa thân người, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, bàn tay chai sần tím tái vì ngâm lâu trong nước, đôi mắt mờ đục vì nhiều đêm thức trắng và nhiễm khói từ vỏ lốp xe đạp, cái lưng gầy đét cúi rạp sát mặt nước để đổ ống lươn.
Sau những giờ mò mẫm trong giá rét, anh trở về cái túp lều lợp bổi của mình. Nhiều đêm chị Nữ - vợ anh - không ngủ yên, phần vì thương chồng vất vả, phần sợ chồng bị rắn cắn. Bưng bát cơm sắn nhiều hơn gạo vợ để dành phần hơn cho mình, anh rớt nước mắt. Chị Nữ đổ lươn ra khỏi ống nứa rồi đem đi chợ Hói Đào bán lấy tiền mua "sắn ngạc hưu" về nấu cháo, anh Khôi ở nhà trông con.
Ngày nối ngày, vợ chồng "chàng rái cá" đầu tắt mặt tối mà cũng chỉ đủ ngày 2 bữa cơm độn sắn. Cuộc sống của gia đình anh bắt đầu khởi sắc khi "chàng rái cá" giã từ những đêm một mình mò mẫm dưới ao hồ, chuyển nghề buôn rắn con, nuôi rắn thịt.
Anh Khôi dùng cần bắt rắn hổ mang ra khỏi chuồng
Rắn "đẻ" ra vàng
Anh Nguyễn Đình Khôi bây giờ không còn là "chàng rái cá" năm nào với bát cơm sắn nhiều hơn gạo nữa, mà là ông chủ luôn tất bật với công việc tính toán tiền nong, đếm trứng, giao hàng cho khách.
Giọng anh oang oang: "Tất cả nhà cửa, vật dụng trong nhà đều bằng tiền bán rắn. Chú biết không, trước đây gia đình tôi nghèo lắm. Nhà có 9 đứa con, chỉ kiếm tiền mua gạo cho chúng ăn đã bở hơi tai rồi chứ chưa nói tiền học hành. Từ ngày nuôi được con rắn, không những thoát nghèo, cho con ăn học mà còn mua được nhiều vật dụng đắt tiền".
Anh Khôi chia sẻ, nếu tính kinh tế thì trứng rắn là thu hoạch hiệu quả kinh tế cao nhất. Rắn cái sau khi giao phối, chúng mang bầu và bắt đầu sinh sản vào tháng 4 hằng năm. Mỗi ngày một con rắn cái đẻ khoảng 20 đến 30 quả trứng, đẻ liên tục trong 15 ngày. Trứng rắn hổ mang bành bán cho lái buôn tại nhà là 130.000 đồng/quả, trứng hổ mang trâu bán 270.000 đồng/quả.
Một ngày thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng từ trứng rắn là bình thường. Giá rắn thịt hiện nay cho lái buôn 700.000 đồng/kg đối với rắn hổ mang bành, hổ mang trâu có giá từ 1.000.000 đồng đến 1.200.000 đồng/kg.
Gia đình tôi nuôi 600 con, chủ yếu hai loài rắn độc hổ mang bành và hổ mang trâu, đây là loại bán chạy trên thị trường hiện nay. Năm nay tôi tiếp tục mở thêm chuồng trại và đầu tư nuôi thêm 500 con rắn giống nữa.
Sống chung với rắn độc
Anh Nguyễn Đình Khôi cầm đèn pin dẫn chúng tôi xuống căn nhà ngang bên trái. Hàng trăm ô vuông kết cấu theo hình "gác măng dê" chồng lên nhau ngay ngắn, đó là những chuồng rắn hổ mang độc được nhốt một cách cẩn thận.
Anh Khôi nhẹ nhàng mở cửa một chuồng rắn và soi đèn pin vào. Một con rắn hổ mang ngẩng cao đầu, thè lưỡi, mắt thao láo nhìn về phía trước. Anh cho biết "loại rắn hổ mang ưa sống trong bóng tối và hang hốc khô cằn. Đây là loài rắn độc nên phải nhốt riêng mỗi con một chuồng.
Có bao giờ anh bị rắn cắn không? - tôi hỏi. Anh Khôi chìa bàn tay có vết sẹo chạy dài nói với tôi: "Đây là vết tích của hàm răng con xà mang. Lần ấy, tôi dọn vệ sinh chuồng, vừa đưa xẻng vào hót phân, con xà mang ngoắt cổ lại đớp liền vào tay. Máu chảy lều hêu, tôi nhanh chóng uống thuốc giải độc và rửa sạch vết thương đến luôn bệnh xá. Lần đó tưởng bỏ mạng và không bao giờ nuôi rắn nữa. Thế nhưng do yêu nghề nghiệp nên lại mua rắn con về nuôi".
Theo kinh nghiệm của anh Khôi, khó khăn nhất là lúc dọn vệ sinh cho rắn và lúc lấy trứng rắn. Rắn cái khi đẻ rất hung dữ giữ trứng. Khi lấy trứng phải dùng cái cần hình phễu lấy nhẹ nhàng từng quả một và tránh đụng vào rốn rắn, vì đó là phần nhạy cảm dễ làm rắn nhột.
Khi bị nhột, rắn sẽ quay đầu lại đớp liền hoặc lao thẳng vào mắt mình. Để phòng rắn cắn, khi dọn chuồng, lấy trứng, phải đeo gang tay bảo hộ dài, dày, đeo kính và bịt kín mặt để tránh bị rắn phát hiện ra mắt của mình và tấn công.
Từ một nông dân quanh năm vốn chỉ nhờ cậy vào cây cói, sau 10 năm vật lộn với nghề nuôi rắn hổ mang, anh đã trở nên giàu có. Tuy chưa nhiều tiền như những người bán vàng, hay buôn hàng ngoại quốc, nhưng đã có của ăn của để, của dành cho các con lúc lấy vợ gả chồng. "Khách đến nhà nói đến nuôi rắn độc trong nhà ai cũng rùng mình, còn chúng tôi là bạn của rắn, từ rắn mà có cơm ăn áo mặc", anh Khôi nói chân thành.
Theo Dantri
Trải nghiệm ở làng... mãng xà Đến với làng rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), ngoài việc tham quan các khu nuôi rắn tự nhiên, du khách còn có dịp tìm hiểu cách rắn ăn, rắn ngủ, rắn đẻ... và tất nhiên không thể thiếu các món ăn liên quan tới rắn. Người Vĩnh Sơn không có cách chế biến bỗ bã mà đã được nâng lên hàng...