Đánh bom khách sạn có sứ quán Trung Quốc ở Somalia, nhiều người chết
Ít nhất 13 người chết trong một vụ đánh bom cảm tử bằng xe hơi ngày 26.7 do nhóm Hồi giáo al-Shabab thực hiện vào khách sạn Jazeera Palace, nơi đặt các cơ quan ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc.
Khách sạn Jazeera Palace ở thủ đô Mogadishu ( Somalia) bị hư hại sau vụ đánh bom bằng xe hơi ngày 26.7.2015 – Ảnh: AFP
Khách sạn Jazeera Palace tọa lạc ở thủ đô Mogadishu (Somalia), gần sân bay, là nơi đặt các đại sứ quán của Trung Quốc, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây cũng là nơi các quan chức chính phủ và nhà ngoại giao thường xuyên lui đến, theo AFP.
“Chúng tôi phát hiện khoảng 6 người thiệt mạng, đa số là nhân viên an ninh của khách sạn, và số người chết có thể tăng lên”, ông Mohamed Jama, một sĩ quan an ninh chính phủ Somalia, cho AFP biết.
Một nhân viên cứu thương cho Reuters biết:”Chúng tôi mang đi 13 người chết và 21 người khác bị thương khỏi hiện trường”.
Vụ nổ bom cài trong xe hơi này đã phá hoại một phần của khách sạn cao 6 tầng, AFP cho hay.
Nhiều văn phòng của Đại sứ quán Trung Quốc trong khách sạn bị hư hại, một nhân viên bảo vệ của sứ quán Trung Quốc thiệt mạng, Tân Hoa Xã sáng 27.7 đưa tin nhưng không công bố thêm chi tiết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm còn 3 người khác bị thương nhẹ.
Video đang HOT
Khói bốc lên từ vụ đánh bom xe hơi của al-Shabab ngày 26.7 vào khách sạn Jazeera Palace, nơi đặt các cơ quan ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Jazeera Palace từng là mục tiêu tấn công của al-Shabab trước đây, bao gồm vụ tấn công năm 2012 khi những kẻ đánh bom liều chết xông vào khách sạn lúc Tổng thống Somalia, Hassan Sheikh Mohamud đang ở bên trong.
Al-Shabab, có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom khách sạn ngày 26.7 nhằm trả đũa vụ lực lượng Liên hiệp châu Phi ở Somalia (AMISOM) tấn công các căn cứ của al-Shabab ở miền nam Somalia.
Tổng thống Mohamud ngày 26.7 lên án cuộc tấn công khủng bố hèn nhát của al-Shabab, trong Mỹ gọi đây là một vụ tấn công “ghê tởm”.
Al-Shabab muốn lật đổ chính quyền Somalia được phương Tây hậu thuẫn. Somalia đang được lực lượng AMISOM với 22.000 binh sĩ bảo vệ, theo AFP.
Trong chuyến thăm Kenya ngày 25.7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết al-Shabab bị suy yếu, nhưng vẫn còn là mối đe dọa an ninh ở Somalia và Đông Phi. Mỹ từng tiến hành những đợt không kích bằng máy bay không người lái nhắm vào al-Shabab, tiêu diệt một số thủ lĩnh cấp cao của lực lượng này.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Al Shabab - nhóm khủng bố sát hại 147 sinh viên Kenya đã phát triển như thế nào?
Kể từ khi thành lập năm 2003, tiền thân là một đơn vị ly khai của lực lượng vũ trang Hồi giáo Somali, al Shabab - tiếng Ả Rập là "thanh niên" - đã phát triển thành một trong những nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới, luôn tuyển dụng thành viên quốc tế, ngay cả những người Somali nhập cư ở Mỹ.
Cũng giống như A- Qeada, Al- Shabab không chỉ thực hiện nhiều cuộc tấn công chết người ngay trên quê hương mà còn ở các quốc gia láng giềng từng tham gia chống lại nhóm. Trong đó, bao gồm cuộc thảm sát đẫm máu hôm 2-4 vừa qua, khiến 147 Kito hữu thiệt mạng chủ yếu là sinh viên trường Đại học Garissa , Kenya và cuộc bao vây trung tâm mua sắm cao cấp năm 2013 bắn chết 60 người vô tội.
Al Shabab phát triển mạnh mẽ một phần là do điều kiện sống ảm đạm của Somalia, một đất nước khốn khổ sống trong nội chiến và nạn đói, cũng như tồn tại nhiều năm mà không có một chính quyền trung ương mạnh mẽ. Điều kiện này đã biến Somalia thành mảnh đất màu mỡ cho một số nhóm cực đoan, trong đó có Al-Itthiad Al-Islami, một tổ chức từng tìm cách xây dựng nhà nước Hồi giáo trong Somalia.
Hai chiến binh Al Shabab
Năm 2003, những thủ lĩnh cực đoan của nhóm này đã tách ra và thành lập Al Shabab, tiến hành một chiến dịch cai trị Hồi giáo trên khắp Somalia, hình thành một mạng lưới liên minh với các tòa án Hồi giáo để nắm quyền kiểm soát thủ đô Mogadishu vào năm 2006.
Sau khi quân đội nước láng giềng Ethiopia xâm lược Somalia và kiểm soát Mogadishu, Al Shabab đã rút về phía nam Somalia, làm bàn đạp vừa tấn công du kích lực lượng Ethiopia, vừa tiếp tục chiếm phần lớn lãnh thổ miền trung, miền nam đất nước để mở rộng lực lượng. Từ đó, thành viên của Al Shabab tăng lên con số hàng nghìn và liên kết với nhóm cực đoan khét tiếng Al-Qeada. Trong tháng 2-2008, Mỹ chính thức liệt Al Shabab là một tổ chức khủng bố nước ngoài.
Ethiopia rút khỏi Mogadishu vào năm 2009, để lại quyền kiểm soát thủ đô cho một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi, bao gồm quân đội của các nước Uganda và Kenya. Những năm sau đó, al Shabab đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên ở nước ngoài, với hàng loạt các vụ đánh bom tự sát ở Uganda. Kenya - nước láng giềng phía nam Somalia, đã cáo buộc Al Shabab tấn công trong phạm vi biên giới của mình, và bắt đầu một chiến dịch lâu dài lật đổ nhóm.
Al Shabab đã đáp trả ác liệt hơn bằng bạo lực. Cảnh sát Kenya cho biết 312 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Al Shabab từ giữa năm 2012 và năm 2014, bao gồm một cuộc tấn công tháng 9-2013 vào trung tâm mua sắm cao cấp Mall Westgate ở thủ đô Nairobi, khiến 60 người thiệt mạng. Trong một đoạn video tuyên truyền hồi tháng 2-2014, Al Shabab kêu gọi tấn công tương tự vào trung tâm Mall of America ở Minnesota, Mỹ nơi có lượng dân Somalia nhập cư lớn.
Nhiều người nhập cư Somali ở Minneapolis đã rời khỏi nhà để gia nhập Al Shabab trong những năm gần đây. Điều đó đã khiến một số quan chức tình báo Mỹ lo sợ gia tăng các cuộc tấn công ngay trên đất Mỹ.
Trong khi đó, Al Shabab dẫn đầu bởi Ahmed Umas, aka Abyu Ubaidah, đã phát triển một hoạt động gây quỹ hung hăng ngay tại quê hương mình bằng cách tống tiền, cướp bóc hàng viện trợ, tiền hỗ trợ quốc tế cho đất nước. Mỹ đã phản ứng với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Al Shabab bằng cách đào tạo, trang bị cho quân đội Liên minh châu Phi và tổ chức các hoạt động tấn công khác.
Tuy vậy, Al Shabab đã không ngập ngừng trước chiến dịch của Mỹ. Trong tháng 6-2014, nhóm tấn công một văn phòng của Liên Hợp Quốc ở Mogadishu, giết chết 22 người. Tháng 2-2015, Al Shabab cũng nhận trách nhiệm vụ tấn công một khách sạn Mogadishu, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
Mới nhất là vụ tấn công vào trường Đại học Garissa, bắn chết 147 sinh viên. Đây được coi là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Kenya kể từ vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Nairobi đã giết chết 213 người năm 1998. Điều đó đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trong các quan chức Mỹ rằng Al Shabab đang hướng tới các hoạt động quy mô lớn hơn.
Theo Hà Triệu/NBS
An ninh Thủ đô
Đánh bom liều chết gần căn cứ CIA tại Afghanistan làm 18 người thiệt mạng Ngày 12-7, một vụ đánh bom xe hơi liều chết đã xảy ra gần một căn cứ quân sự của Mỹ do Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vận hành tại Afghanistan, làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Căn cứ quân sự do CIA vận hành này là nơi đồn trú của nhiều binh lính Mỹ, NATO và Afghanistan ở...