Đánh bom Bangkok: Thủ tướng Thái khuyên cảnh sát xem phim Mỹ để phá án
Trong khi các giả thiết về vụ đánh bom làm rung chuyển Bangkok đêm 17.8 đang trở nên “rối rắm”, làm khó cảnh sát Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã khuyên các nhà điều tra nên xem series phim hình sự Mỹ Blue Bloods để tìm kiếm những gợi ý, sáng kiến nhằm sớm phá án.
“Các nhà điều tra, cảnh sát, đặc biệt là Cảnh sát trưởng Quốc gia nên xem seri phim đó. Loạt phim sẽ cung cấp cho họ những gợi ý hoặc sáng kiến, có thể áp dụng vào vụ việc mà họ đang tìm cách giải quyết”, The Sydney Morning Herald dẫn lời ông Prayuth Chan-ocha.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu trước báo giới về vụ đánh bom Bangkok đêm 17.8
Blue Bloods (tạm dịch: Gia đình Cảnh sát) là loạt phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ kể về gia đình Reagan có ba thế hệ cùng làm cảnh sát tại New York do diễn viên Tom Selleck thủ vai chính. Phim thuộc thể loại điều tra hình sự, khai thác những kỳ công phá án của các thành viên nhà Reagan và có bình quân 13,8 triệu người xem mỗi tập cũng lọt top 10 bộ phim ăn khách ở Mỹ năm 2014.
Một cảnh trong bộ phim Blue Bloods, do diễn viên Tom Selleck (phải) thủ vai chính (vai cảnh sát trưởng Sở cảnh sát New York Frank Reagan)
Trước đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và chính quyền quân sự của ông đã tuyên bố cho rằng, vụ đánh bom Bangkok đêm 17.8 không liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế bất chấp cảnh sát nước này đã xác định được nghi can chính – người cài đặt bom tại đền Erawan là một người đàn ông nước ngoài thuộc một mạng lưới có ít nhất 10 người.
Chính phủ của ông Prayuth Chan-ocha tin rằng, vụ đánh bom Bangkok xuất phát từ các động cơ chính trị trong nước, do “những nhóm chống đối chính phủ ở đông bắc Thái Lan”, ám chỉ phong trào Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra “dàn dựng”.
Động thái trên khiến các chuyên gia phân tích an ninh đặt câu hỏi tại sao chính quyền quân sự Thái Lan lại nhanh chóng nhận định, vụ đánh bom liên quan đến chính trị trong nước trong khi các nhà điều tra dường như không tìm được bất cứ manh mối nào đáng tin cậy để củng cố giả thiết này.
Theo The Sydney Morning Herald, Thủ tướng Prayuth ban đầu loại trừ giải thuyết vụ đánh bom Bangkok là do người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Trung Quốc) thực hiện nhằm trả thù chính quyền Thái Lan trục xuất 109 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về nước.Tờ Bangkok Post của Thái Lan dẫn lời ông Ambika Ahuja, một chuyên gia chuyên theo dõi, phân tích tình hình Đông Nam Á bình luận rằng, mọi giả thuyết về vụ đánh bom Bangkok được đưa ra tính đến thời điểm này đều có lỗ hổng và mâu thuẫn mà các điều tra viên cũng như các nhà phân tích chưa thể lý giải thỏa đáng cũng như chưa tìm được chứng cứ đáng tin cậy để phá án.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, ông đính chính lại rằng, đó vẫn là một trong những giả thuyết mà các nhà điều tra Thái Lan đang theo đuổi, trong đó bao gồm giả thuyết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria đứng sau vụ đánh bom đẫm máu này.
Tính đến nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Trong khi đó, hôm qua (20.8), 2 người đàn ông bị cho là nghi phạm trong vụ đánh bom Bangkok đã ra trình diện cảnh sát. 2 người này khẳng định họ không liên quan đến vụ đánh bom. Một người tuyên bố là hướng dẫn viên du lịch, trong khi đó, người còn lại là một khách du lịch Trung Quốc đã trở về nước.
Hai người đàn ông bị nghi liên quan đến vụ đánh bom Bangkok (mặc áo thun hồng và trắng) đã ra trình diện cảnh sát để làm rõ việc họ không liên quan đến vụ việc này. Trong khi đó, nghi can chính vụ đánh bom (mặc áo thun vàng) vẫn “bặt vô âm tín”.
Trước đó, ngày 19.8 cảnh sát Thái Lan đã công bố hình ảnh ghi lại từ camera an ninh cho thấy, 2 người đàn ông bị tình nghi là nghi phạm liên quan đến vụ đánh bom có mặt tại đền Erawan ngay trước khi thảm kịch ra đêm 17.8.
Một người mặc áo thun đỏ còn người kia mặc áo thun trắng và đứng ngay cạnh nghi phạm chính mặc áo vàng, đã bỏ lại ba lô tại địa điểm mà chỉ sau đó vài phút một quả bom phát nổ cướp đi mạng sống của ít nhất 20 người và làm 125 người khác bị thương. Nghi phạm này đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường và cho đến nay, cảnh sát Thái Lan vẫn chưa có manh mối nào về người đàn ông này. Cảnh sát cũng không dám chắc nghi phạm chính của vụ đánh bom có còn ở Thái Lan hay không.
Cảnh sát Thái Lan tin rằng, nghi phạm này là người nước ngoài và thuộc một mạng lưới ít nhất 10 đã lên kế hoạch đánh bom Bangkok trong thời gian ít nhất là một tháng. Thái Lan công bố treo thưởng 1 triệu baht (tương đương 28.000 USD) cho bất cứ ai cung cấp thông tin để bắt giữ nghi phạm chính vụ đánh bom.
Cảnh sát Thái Lan dẫn theo chó nghiệp vụ lùng sục khắp nơi để tìm dấu vết của vụ đánh bom Bangkok
Ngoài khoản tiền thưởng của cảnh sát, một thủ lĩnh phe Áo Đỏ cũng đã treo thưởng 2 triệu Baht cho bất cứ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ nghi phạm này. Theo Bangkok Post, thủ lĩnh phe Áo Đỏ kể trên là ông Somwang Assarasee, một trong những lãnh đạo trụ cột của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), đồng thời là cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Thương mại Nattawut Saikuar (cũng là một lãnh đạo UDD). Ngoài ra, ông Somwang còn sở hữu một công ty thiết bị điện tử lớn tại Thái Lan.
Lãnh đạo phe Áo Đỏ nhấn mạnh vụ đánh bom tại Bangkok đã làm tổn thương nghiêm trọng đến Thái Lan. Do đó, ông muốn tặng thêm 2 triệu baht cho bất cứ ai có thể cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ kẻ đánh bom hoặc chủ mưu của vụ việc.
Ngoài ra, nhà vua và hoàng hậu Thái Lan hôm nay đã thông báo hỗ trợ hơn 2.500 USD cho mỗi gia đình nạn nhân thiệt mạng và trả chi phí y tế cho người bị thương trong vụ đánh bom Bangkok.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết thêm rằng, nhà vua đã chỉ đạo các đại sứ của Thái Lan ở các quốc gia có nạn nhân tử vong thay mặt ông chuyển vòng hoa và lời chia buồn tới gia quyến. Chính phủ Thái Lan cũng bồi thường cho mỗi gia đình người nước ngoài thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Bangkok hơn 8.400 USD.
Theo Danviet
Đánh bom đền thờ Erawan: Khi chủ nghĩa cực đoan "gõ cửa" Bangkok
Vụ đánh bom kinh hoàng ở đền thờ Erawan giữa trung tâm thủ đô Bangkok đêm 17/8 đang đặt các nhà chức trách Thái Lan trước một núi câu hỏi chưa có lời giải đáp. Những thông tin ban đầu cho thấy chủ nghĩa cực đoan dường như đã gõ cửa, chứ không còn chỉ là nỗi ám ảnh ở "xứ chùa vàng".
Cả đất nước Thái Lan vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ đánh bom kinh hoàng tối ngày 17/8 (Ảnh: AP)
Hiện có rất nhiều suy đoán về mục tiêu cũng như thủ phạm gây ra vụ đánh bom ở Bangkok .
Phần lớn thông tin ban đầu cho rằng mục tiêu đánh bom là nhằm phá hủy đền thờ Erawan, nơi có rất đông tín đồ đạo Hindu và đạo Phật đến lễ hàng ngày.
Các nguồn tin cũng nghi ngờ thủ phạm đánh bom là thành viên của Phong trào Áo Đỏ hoặc những phần tử ly khai ở miền Nam, vốn là những lực lượng chống đối chính phủ hiện nay.
Tuy nhiên, khi phân tích lại các diễn biến và tình tiết vụ việc, mọi phỏng đoán ban đầu dường như đều trật khấc. Vụ đánh bom được tiến hành theo phương thức và phạm vi vượt xa tất cả các vụ tấn công do phe Áo Đỏ hay lực lượng ly khai ở miền Nam từng thực hiện trước đây.
Vậy thế lực nào mới thực sự là thủ phạm?
Theo những thông tin mới nhất do nhà chức trách Thái Lan công bố, vụ đánh bom do một mạng lưới thực hiện và phải có ít nhất 10 người tham gia. Thậm chí vụ việc đã được lên kế hoạch tỉ mỉ trước đó cả tháng.
"Thủ phạm tiến hành đánh bom không thể hành động đơn lẻ mà phải có sự hỗ trợ của nhiều người và đã được lên kế hoạch ít nhất một tháng", Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan Somyot Poompanmuang đã khẳng định "như đinh đóng cột" trên truyền hình.
Ông cũng cho biết các cơ quan an ninh Thái Lan đang phối hợp với cơ quan tình báo nhiều nước tiến hành điều tra trên diện rộng, sau khi camera an ninh ghi lại hình ảnh một người đàn ông tình nghi là thủ phạm đã đặt một balô khả nghi trong đền thờ.
Người này có nước da sáng, tóc đen, để râu, mặc áo phông vàng và đeo kính. Dáng vẻ bề ngoài khá giống người nước ngoài, có thể là người châu Âu hoặc Trung Đông. Chính quyền Thái Lan đã treo thưởng lên tới 1 triệu bath (khoảng 28.000 USD) cho bất cứ ai cung cấp thông tin về nghi phạm.
Theo những thông báo và hình ảnh do các cơ quan an ninh Thái Lan cung cấp, nhiều khả năng vụ đánh bom có "yếu tố nước ngoài" xen vào. Nếu không phải do những thế lực bên ngoài trực tiếp thực hiện, thì ít nhất họ cũng đứng sau vụ việc được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ và vô cùng bài bản này.
Có nhiều dấu hiệu củng cố cho giả thuyết này.
Thứ nhất, vụ đánh bom dường như không nhằm vào các mục tiêu của Thái Lan mà hướng đến người nước ngoài, vì đền thờ Erawan là một trong những điểm thu hút nhiều du khách Trung Quốc nhất ở thủ đô Bangkok. Theo thống kê, trong số 22 người thiệt mạng có tới 10 người nước ngoài. Riêng Trung Quốc có 7 nạn nhân, gồm 5 người từ Đại lục và 2 người từ Đặc khu hành chính Hong Kong. Đây là một tình tiết rất đáng chú ý vì trước nay, du khách nước ngoài ở Thái Lan thường không bị nhắm tới.
Thứ hai, lâu nay ở Thái Lan chưa có vụ tấn công khủng bố nào có tầm cỡ và mức độ tàn bạo như vụ đánh bom lần này. Thủ phạm đã nhồi tới 3 kg thuốc nổ NTN vào trong một ống tuýp, đồng thời chọn địa điểm là nơi tập trung rất đông người, cho thấy thủ phạm chủ ý gây sát thương cao.
Thứ ba, việc thủ phạm chọn đền Erawan, môt điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng ở Bangkok, cho thấy nhiều khả năng kẻ chủ mưu không phải là người bản địa vì người dân "xứ chùa vàng" xưa nay nổi tiếng tôn trọng Phật giáo và các tín ngưỡng khác. Dù ở Thái Lan vẫn thường xảy ra đánh bom, nhất là ở miền Nam, nhưng chưa bao giờ các địa điểm tôn giáo hay thờ tự trở thành mục tiêu bị tấn công trực tiếp. Việc thủ phạm chọn đền Erawan không nằm ngoài chủ ý muốn gây tiếng vang càng lớn và reo giắc hoang mang trong cộng đồng khu vực cũng như thế giới.
Với những phân tích và số liệu như trên, hiện có không ít ý kiến nghi ngờ đây vụ tấn công do các phần tử cực đoan ngoại lai thực hiện. Giả thuyết này được củng bố bởi lập luận cho rằng vụ nổ bom tối 17/8 không giống bất cứ một phương thức hành động nào cho tới nay của phe Áo Đỏ cũng như phiến quân ly khai ở miền Nam, cho dù những năm gần đây làn sóng xung đột ở khu vực này có xu hướng bị "Hồi giáo hóa".
Tuy vậy, nghi ngờ vẫn chỉ là nghi ngờ. Mọi câu hỏi liên quan đến vụ việc sẽ chỉ được thực sự giải đáp sau khi các cơ quan chức năng Thái Lan tìm ra thủ phạm gây án và những thế lực đứng sau các đối tượng này. Tử nay đến lúc đó, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn để người dân "xứ chùa vàng" sẽ không phải chứng kiến thêm những sự việc đau lòng trong tương lai.
Đức Vũ
Theo Dantri
Nghi phạm đánh bom Bangkok được cho là từ phong trào Áo Đỏ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha ngày 18/8 cho biết cơ quan chức năng nước này đã xác định sơ bộ được nghi phạm gây ra vụ nổ bom kinh hoàng tại Bangkok tối 17/8 khiến 21 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hiện trường vụ đánh bom tại đền Erawan (Nguồn: CCTV) "Cơ quan chức năng đã khoanh được...