Đánh bắt mực còn đang “nhấp nháy” bơi lượn, khách chờ mua tận cảng
Khác với những tàu khai thác xa bờ, mực nháy được ngư dân Nghệ An đánh bắt gần bờ bằng nghề lưới chụp – là một trong những đặc sản có giá trị nhất hiện nay.
Để săn được loại này, ngư dân thường ra biển từ lúc chiều tối, khai thác trong đêm và sáng ngày hôm sau về cập cảng. Nhờ đó mà con mực chưa qua bảo quản đá lạnh nên vẫn còn tươi và có giá trị cao.
Ngư dân Nguyễn Văn Hưng làm việc trên tàu cá NA 0187TS cho biết, năm nay con mực nháy khó đánh bắt hơn các năm, tuy nhiên những hôm gặp may mỗi tàu đánh được khoảng 30 – 40 kg, còn ít cũng được từ 15 – 20 kg. Do khai thác sau một đêm là về bến nên con mực vẫn còn rất tươi, thương lái tranh mua bằng được.
Video đang HOT
“Chuyến đi về sáng nay tàu của tôi đánh được 20 kg mực nháy, trong đó khoảng 4 khay loại to giá 250.000 – 300.000 đồng/kg, còn 2 khay mực nhỏ giá 150.000 đồng/kg; tổng thu nhập từ bán mực khoảng hơn 6 triệu đồng. Ngoài ra, tàu cũng đánh bắt được nhiều loại cá biển khác với giá trị khoảng 3 triệu đồng nữa” – ông Hưng cho biết.
Xã Tiến Thủy có 328 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 157 tàu xa bờ, còn lại là tàu khai thác gần bờ với đa dạng loại đặc sản như cua, ghẹ, tôm tít, cá đục và đặc biệt là mực nháy. Theo ngư dân cho biết, sau khi ra biển cách đất khoảng 10 – 15 hải lý, chừng khoảng 7 giờ tối, ngư dân sẽ buông lưới để chụp mực. Khoảng 30 phút sau, khi quan sát thấy lưới đã nặng, ngư dân kéo lên và phân loại. Những con mực to cho vào khay, cá biển để riêng khi về bến dễ dàng vận chuyển.
Chị Nguyễn Thị Lý, một thương lái ở xã Tiến Thủy cho biết, khoảng 6 giờ sáng mọi người tập trung tại bến để thu mua mực. Do dịp này nghề đánh mực không thắng lợi như các năm nên giá thu mua cao gấp 2 lần so với trước. Hiện loại mực con to có trứng loại 1 giá 300.000 đồng/kg, loại 2 giá 270.000 đồng/kg, còn lại loại nhỏ giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
“Khi thu mua, những con mực đang nhấp nháy, còn sống thì thương lái đều tranh mua, và tên gọi “mực nháy” cũng bắt nguồn từ đó. Loại này được các nhà hàng du lịch ở bãi biển thu mua hết, giá mực năm nay đều cao gấp 2 lần so với năm ngoái” – chị Lý cho biết.
Với hơn 50 chiếc tàu thường xuyên làm nghề chụp mực, sau một đêm ngư dân xã Tiến Thủy đánh được từ 1,5 – 2 tấn mực nháy có giá trị; tất cả sẽ được thương lái thu mua và bán lẻ tại các điểm chợ trên địa bàn huyện.
Sau khi về cập bến nhập hải sản, ngư dân tiếp tục sửa sang lại ngư cụ, chuẩn bị nhu yếu phẩm để tiếp tục ra biển khai thác hải sản, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Theo Việt Hùng (Báo Nghệ An)
Cứu 14 ngư dân trên tàu cá bị phá nước ở Kiên Giang
Tàu cá bị sóng đánh vỡ, nước tràn vào trong khi đang ở vùng biển Tây Nam (gần quần đảo Hải Tặc) được bộ đội biên phòng cứu.
Thuyền trưởng tàu cá Phạm Văn Nghiệp cùng13 ngư phủ phát tín hiệu cầu cứu Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang rạng sáng 7/7. Họ cho biết tàu đang ở vùng biển Tây Nam (gần quần đảo Hải Tặc) thì bị sóng đánh vỡ phần hông, nước tràn vào trong.
Tàu chuyên dụng từ Hà Tiên được bộ đội biên phòng điều ra ứng cứu. Gần 3 giờ sau các chiến sĩ đã tiếp cận được tàu gặp nạn, tổ chức các biện pháp cứu hộ và lai dắt vào đảo Hòn Ụ khắc phục sự cố tạm thời, trước khi đưa về cảng An Thới, huyện Phú Quốc.
Sáng cùng ngày, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng cũng cứu hộ thành công tàu đánh cá cùng 3 ngư dân tỉnh Bến Tre, do thuyền trưởng Võ Minh Thức (32 tuổi) cầm lái bị mắc cạn. Tàu bị gãy bánh lái khi hoạt động trên biển (cách cửa biển Trần Đề, Sóc Trăng khoảng 17 hải lý).
Phúc Hưng
Theo VNE
Phát hiện loài cá bí ẩn nhất đại dương, dài 4m dạt vào bãi biển Sáng 4/7, tại bãi biển xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu, Nghệ An), người dân phát hiện một con cá hố rồng dài tới 4 mét đang dạt vào bãi biển. Chị Nguyễn Thị Khánh Linh ở xã Quỳnh Bá cho biết, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 4/7, chị đưa một số em nhỏ xuống biển Quỳnh Nghĩa để tắm. Khi ra bãi...