Dành 30.000 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động khó khăn
UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho Chính phủ sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 (30.000 tỷ đồng) để hỗ trợ người lao động. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ về 0%.
Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của UB Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tham dự Phiên họp có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, lãnh đạo Bộ Tài chính, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,..
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của UB Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua chính sách quan trọng, sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn vì dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc Chính).
Theo tờ trình của Chính phủ, cơ quan điều hành đề nghị sử dụng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một lần bằng tiền.
Ngoài ra, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với quy mô khoảng 8.000 tỷ đồng.
Cả hai chính sách này đều chưa được quy định trong Luật Việc làm năm 2013, do đó, việc điều chỉnh chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, hồ sơ chính sách đề xuất được Chính phủ và UB Xã hội của Quốc hội chuẩn bị công phu, chặt chẽ, thống nhất. Các ý kiến thống nhất nhận định cần thiết ban hành hai chính sách này, phù hợp với thẩm quyền đã được Quốc hội giao cho UB Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận ủy quyền của Thủ tướng trình đề xuất chính sách của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội, (Ảnh: Quốc Chính).
Sau khi thảo luận, UB Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tỷ lệ tán thành 100%.
Theo đó, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (30.000 tỷ đồng). Thời gian hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021.
Người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Thời gian hoàn thành việc thực hiện giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động chậm nhất đến hết ngày 30/9/2022.
UB Thường vụ Quốc hội họp bất thường sau khi xem xét các đề xuất của Chính phủ, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này (Ảnh: Quốc Chính).
UB Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tình hình, triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, trong đó có quy định về bảo hiểm thất nghiệp trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết luận phiên họp, thay mặt UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách quan trọng này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hai chính sách này cũng bảo đảm không bị trùng lặp về đối tượng hưởng với các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. UB Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước giám sát, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết. MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia tuyên truyền, phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách này.
UB Thường vụ Quốc hội cũng sẽ báo cáo Quốc hội về chính sách này tại kỳ họp thứ hai, dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới đây.
Cuối giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 3/2021/NQ-UBTVQH15 để ban hành chính sách này, làm căn cứ để Chính phủ tổ chức thực hiện.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát, đại dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế – xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã. Dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, khác biệt để hỗ trợ, đã dành nhiều khoản ngân sách như 14.620 tỷ đồng nguồn cắt giảm chi năm 2021 cho hoạt động này nhưng vẫn cần tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực nữa với người lao động và người sử dụng lao động.
Ngay sau khi kết thúc phiên họp thứ 3, Tổ công tác của UB Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó, Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.
Tuyên Quang phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2% vào năm 2025
Ngày 20/9/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về việc thực hiện "Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.
Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, sử dụng hiệu quả thời gian lao động để nâng cao năng suất lao động; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững, giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 30% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 40%; 100% học viên tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các kỹ năng công nghệ thông tin.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông nghiệp khoảng 42% và tăng lên khoảng 35,5% vào năm 2030. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7%/năm
Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 45% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 60%; trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và chiếm khoảng 7,5% vào năm 2030.
Đến năm 2025 và năm 2030, có 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp. Năm 2025, có 25% và năm 2030 có 30% lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm có việc làm.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Tuyên Quang đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù. Đồng thời triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ, nông nghiệp thông minh.
Tỉnh cũng sẽ phối hợp triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích, khai thác và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Hà Nội: Nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, đối phó với dịch bệnh có thể kéo dài Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, có thể kéo dài nên việc mỗi người dân đều tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước nhất là trong việc chi trả khám chữa bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hướng tới mục tiêu bảo hiểm...