Đang yên đang lành tự nhiên lại… Tết
Dạo qua mạng xã hội, thỉnh thoảng lại bắt gặp những dòng trạng thái như thế: “Đang yên đàng lành, tự nhiên lại tết”. Hình như càng lớn, người ta càng bớt đi những háo hức mong chờ. Hình như càng ngày mọi người càng có chút e ngại khi tết đến.
Với nhiều chị em phụ nữ đã làm dâu, nói đến tết là nói đến nỗi ám ảnh bếp núc. Quê tôi ở miền trung, ngày tết chỉ làm một mâm cỗ đón giao thừa, hết tết chỉ làm một mâm cỗ đốt tết. Vậy nên năm đầu tiên làm dâu đất Bắc tôi cảm thấy phong tục đúng là mỗi nơi mỗi khác.
Suốt mấy ngày tết, sáng nào mẹ chồng cũng giục dậy sớm làm mâm cơm cúng, ngày nào cũng như ngày nào. Cỗ cúng xong rồi cả nhà ngồi ăn xong mới chia nhau đi chúc tết bà con.
Nhưng như nhà chồng tôi, mỗi ngày làm một mâm cỗ còn đỡ. Như bà chị dâu họ bên nhà chồng tôi mới là nỗi ám ảnh. Mồng một tết năm nào chúng tôi đến chúc tết cũng thấy chị đứng trong bếp. Chị thì ở dưới bếp, chồng chị thì ở trên nhà. Nhà chồng chị có truyền thống, mồng một khách đến nhà là cứ phải ăn cơm. Ai đến là dọn mâm, ai đến là phải ngồi xuống ăn một chút uống một chút mới được. Năm mới, gặp phải gia chủ nhiệt tình, không khách nào nỡ từ chối. Vậy là cả ngày hết đoàn khách này đến đoàn khách khác, mâm này chưa kịp thu dọn thì đã phải lo bày ra mâm khác.
Chị nói, “bảy năm làm dâu, mồng một tết năm nào chị cũng tất bật trong bếp từ sáng đến khuya, đến nỗi cứ nghĩ đến mồng một tết là sợ. Thôi thì cả năm có một ngày, cái lệ nhà chồng như thế thì cũng cố cho xong để mồng hai còn về tết ngoại”. Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi nếp. Là tôi nghĩ, ngày tết đến thăm anh em bà con mỗi nhà mỗi tý, chúc nhau lời chúc sức khỏe, ngồi hỏi han chuyện trò dăm ba câu, uống chén trà, ăn tý mứt là vui là khỏe. Mỗi lần đến nhà bác, thấy chị tất bật mâm bát, mình ăn vừa thấy phiền vừa thấy ngại. Rồi anh em rượu vào, cà kê có khi mất cả nửa buổi trời. Lúc đang tỉnh táo thì vui, có chút men vào người có khi nói lời thất thố khó nghe.
Tết đến, các cô gái lỡ thì, các chàng trai “quá băm” chưa có vợ thì ám ảnh nhất là về quê phải đối diện với câu hỏi “bao giờ thì lấy chồng/lấy vợ?”. Cô bạn tôi cũng “băm mấy nhát” rồi nhưng chưa chịu gật đầu một ai. Nàng ấy nói nhiều khi cảm giác tết không phải là về nhà để vui vầy sum họp mà là dịp để kiểm điểm và chấn chỉnh tình trạng hôn nhân. Về nhà người nhà hỏi, ra đường hàng xóm hỏi, lên mạng bạn bè hỏi, tựa như tết cũng chẳng có gì đáng nói hơn là chuyện chồng con, tựa như việc mình chưa lấy chồng làm cả thiên hạ thấy bất ổn vậy.
Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng có tết một lần chứ đâu phải bất thình lình là tết đâu. Vậy mà có nhiều người cứ hối hả vội vàng mỗi khi tết đến. Như thể tết bất ngờ đuổi ở đằng sau. Như thể ngày tháng đang bình yên rồi bỗng nhiên tết về gây xáo trộn. Nào là tết nội tết ngoại, nào là công việc trong ngoài, nào chợ búa sắm sanh rồi thì quà cáp lễ lạt. Nhiều người coi tết là dịp nghỉ ngơi, nhưng với nhiều người tết về thêm những bận rộn mệt mỏi, để đủ đầy trọn vẹn, để không bị trách móc xét nét từ việc nhỏ việc to.
Nhưng nói gì thì nói, tết vẫn là dịp để vui. Không phải bởi người đi làm có thêm tháng lương mười ba để mua áo quần cho lũ nhỏ, không phải bởi những quà cáp, tiệc tùng, mà bởi người đi xa có dịp để trở về nhà, bởi ánh mắt cha mẹ sáng bừng niềm vui ngày những cánh chim bay về tổ, bởi những nhọc nhằn hối hả sẽ được nhường chỗ cho những ấm áp sum vầy, để ai xa sẽ trở về gần, ai gần rồi thì gần nhau thêm chút nữa.
Tết vì thế, không chỉ là niềm háo hức cho lũ nhỏ, không chỉ niềm vui cho người già, Tết là để những người đã cứng cáp trưởng thành cảm giác như mình được quay về thời ấu dại. Còn gì tuyệt vời hơn được bên mẹ cha, bên gia đình, nói cười hân hoan mặc kệ những nỗi buồn đã qua, mặc kệ những buồn lo còn chực chờ phía trước.
Video đang HOT
Mi Mi
Theo dantri.com.vn
Tết nhạt vì bạn chưa trải qua cái "Tết đầu tiên"?
Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng Tết chính là một trong những dấu mốc thể hiện rõ nhất những thay đổi của cuộc đời bạn.
Người ta nói Tết giờ nhạt hơn Tết xưa nhiều, vì cùng với sự trưởng thành, kỳ nghỉ dài ấy trở thành thời gian ngủ bù cho những ngày làm việc căng thẳng cuối năm, rồi la cà trên mạng xã hội hay nằm dài xem hết bộ cung đấu này đến tuyển tập ngôn tình khác. Bánh chưng, vang và thịt thà chất đầy trong tủ, nhưng có gì khác đâu khi bây giờ những ngày bình thường cũng có thể mua được?
Thế nên người ta thích Tết và cũng "ngán" Tết. Tết lười biếng, Tết chẳng còn háo hức, Tết béo, Tết ngủ, Tết nhạt!
Nhưng....
Ai rồi cũng đến lúc có "Cái Tết đầu tiên"
Dù hôm nay của bạn vẫn giống rất nhiều ngày qua, nhưng cuộc sống vẫn luôn vận động và sẽ đưa bạn đến những bước ngoặt, bước vào một vai trò mới hay hoàn cảnh mới trong trang sách cuộc đời. Và một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi đó chính là cái Tết đầu tiên.
Có những cái Tết đầu tiên rất đáng mong chờ
Cái Tết đầu tiên đi làm - ba mẹ ơi, con đã lớn thật rồi
Tôi vẫn nhớ cảm giác tự hào khi chọn đồng tiền thật mới với số seri đẹp đổi mãi mới có, bỏ vào bao đỏ mừng tuổi ba mẹ đêm Giao thừa, những đồng tiền đầu tiên tự tay tôi làm ra sau thật nhiều nỗ lực của bản thân.
Chỉ đến lúc này chúng tôi mới hiểu rằng ba mẹ đã gác lại bao nhiêu muộn phiền mưu sinh ngoài cửa để gặp chúng ta mỗi tối, rằng có những vất vả vô hình đã đeo trên vai ba mẹ hai chục năm trời, đều đặn mỗi ngày...
Cái Tết đầu tiên có vợ - trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn
Tết đến, con trai có gì khác hơn ngày thường ngoài dư dả thời gian cho những bữa tụ tập? Cùng lắm là phụ ba mẹ dọn nhà, bê vác đồ, còn lại trong tủ có bao nhiêu chiếc bánh chưng cũng không cần quan tâm.
Ấy là khi chưa có vợ thôi, khi gia thất yên bề, người ta phải quan tâm sắm sửa cho gia đình, mua quà biếu nội ngoại hai bên, trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Tết năm nay nhà có thêm người cùng đón Giao thừa, cúng gia tiên, người ta đã nghĩ đến biếu ba mẹ vợ món đồ nào, qua mùng 1 phải đưa vợ về thăm gia đình cho em đỡ nhớ. Người ta không còn vô lo nữa mà đã phải nghĩ xa hơn cho chặng đường tới của gia đình nhỏ. "Vì anh đã có em, nên Tết ấm áp hơn và là khởi đầu của những điều anh rất mong đợi".
Nhưng cũng có những cái tết đầu tiên rất "đáng sợ"...
Cái Tết "lạ lẫm" của du học sinh lần đầu tiên xa nhà
Với du học sinh, những ngày khác trong năm, nỗi nhớ nhà có thể gạt qua một bên. Nhưng đến Tết cổ truyền, đứa nào cũng thèm về nhà. Mò lên Facebook, chỉ là ảnh cây đào cây quất, ảnh bạn bè kêu ca chuyện dọn nhà, ảnh mâm cơm Giao thừa có đủ bánh chưng, dưa hành, nem, thịt kho hột vịt đúng chuẩn "cơm mẹ nấu" mà cũng khiến lòng rưng rưng. Sau cuộc gọi dài về cho ba mẹ, hẳn nhiều đứa đã khóc, chỉ muốn nhảy vào màn hình điện thoại về ăn Tết với ba mẹ, vài ngày thôi cũng được
Những cảm xúc đó được thể hiện chân thành trong video "Cái tết đầu tiên"
Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, ở đây không có cảnh chen chúc mua sắm, không có mùi lá tắm ngày 30 của mẹ, mùi hương trầm trên bàn thờ tổ tiên, không được lì xì đêm giao thừa, không bánh chưng, thịt gà và mứt, bỗng dưng thèm những điều bình dị mà thân thương ấy thế.
Tuy vậy, Tết mãi là Tết!
Càng đi qua những cột mốc quan trọng của cuộc đời, chúng ta càng thấm thía những giá trị của sum vầy, của tình cảm gia đình. Và dù bạn đang chuẩn bị đón: "Cái Tết đầu tiên" nào, hay vẫn đang ăn những cái "Tết cũ" thì Tết vẫn mãi là Tết, vẫn háo hức, vẫn đầy mong đợi. Bởi Tết là sum vầy. Bởi Tết gắn liền với những kỉ niệm thân thương của gia đình, với biêt bao mường tương ngọt ngào về khoảng thời gian đầm ấm yêu thương, với mùi thơm của thịt thà kẹo mứt. Và cũng bởi tết là khởi đầu, gieo niềm tin về một năm mới tốt lành, may mắn.
Cái Tết đầu tiên nào rồi cũng sẽ trở thành cũ, nhưng những cảm xúc về cái Tết ấy đều rất đáng trân trọng. Đó là sự đánh dấu những thay đổi của cuộc đời, khẳng định chúng ta đang lớn lên, chúng ta không ngừng thay đổi, nỗ lực để tiến đến tương lai tốt đẹp hơn. Và nếu không trải qua những bước ngoặt, dù ngọt ngào hay khó khăn, người ta sẽ chẳng bao giờ biết trân quý những điều thân thương như Tết.
Quang Vũ
Theo guu.vn
Vợ đề nghị luân phiên ăn tết nội ngoại, chồng cho rằng vợ không biết cư xử Phụ nữ lấy chồng rồi nên ăn tết bên nội hay bên ngoại, quan điểm mỗi người mỗi khác, để xét quan điểm nào đúng hay sai là áp đặt, cực đoan. Tuy nhiên, chỉ vì con dâu lấy chồng lâu năm, muốn được về đón giao thừa với bố mẹ mình mà mẹ chồng nói "muốn đi thì cho đi luôn" là...