Đang xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”
Trong vụ án này, 21 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để 515 lần nhận hối lộ 165 tỷ đồng khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tham gia tổ chức các “ chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng cộng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng.
Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. 54 bị cáo bị truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành phố.
Sáng sớm, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) mặc áo sơ mi cộc tay kẻ caro, đeo khẩu trang xanh được dẫn giải xuống từ xe cảnh sát cùng hai bị cáo khác đến phòng xử án. Các bị cáo khác cũng được xe cảnh sát dẫn giải đến tòa án sau đó và được đưa ngay vào phòng xử án để phục vụ cho công tác xét xử.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Tô Anh Dũng bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng, nhiều thứ 4 trong 21 bị cáo nhận hối lộ. 19 lần bị cáo Dũng nhận tiền trực tiếp tại phòng làm việc tại Bộ Ngoại giao, 15 lần tại các quán cà phê hạng sang tại trung tâm Hà Nội, 2 lần trước cổng trụ sở Bộ Ngoại giao và một lần nhờ vợ nhận hộ.
Bị cáo Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục lãnh sự – Bộ Ngoại giao, cũng là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đợt dịch COVID-19.
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Tô Anh Dũng có nhiệm vụ ký văn bản xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế, ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước. Trong quá trình tố tụng, bị cáo Tô Anh Dũng và gia đình đã nộp 16,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 3,1 tỷ đồng thông qua hai bị cáo cấp dưới là Vũ Anh Tuấn và Vũ Sỹ Cường. Tổng số tiền ba cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ trong vụ án là hơn 31 tỷ đồng.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trong 49 lần đưa hối lộ và nhận hối lộ, bị cáo Vũ Anh Tuấn trực tiếp đi nhận, nhưng chỉ báo cáo bị cáo Trần Văn Dự 7 lần. Quá trình tố tụng, bị cáo Trần Văn Dự đã nộp khắc phục 2 tỷ đồng.
Video đang HOT
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện các doanh nghiệp, tổng số tiền 25 tỷ đồng, nhiều thứ ba trong số các bị cáo nhận hối lộ. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhậm chức Cục trưởng từ tháng 7/2021 và bị cáo buộc đã bắt đầu nhận hối lộ từ tháng 12/2020, khi bị cáo còn là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao.
Trong công tác triển khai các chuyến bay giải cứu, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan ngoài phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, còn xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo Thứ trưởng Tô Anh Dũng duyệt ký các công văn về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay hồi hương. Hiện tại, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nộp khắc phục 900 triệu đồng.
Phiên tòa mở tại TAND TP Hà Nội dự kiến làm việc trong 30 ngày với lượng người được triệu tập nhiều nhất trong những đại án tham nhũng gần đây. Trong số này có đại diện 19 công ty thương mại du lịch, dịch vụ; 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan cùng 33 nhân chứng. Hơn 100 luật sư đăng ký bào chữa cho 54 bị cáo.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trong số 54 bị cáo, 21 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ; 24 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ; 4 bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 bị cáo bị truy tố về tội môi giới hối lộ.
Nhóm 21 bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ đều là các cựu cán bộ cao cấp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Nam. Các bị cáo bị xác định nhận hối lộ hơn 500 lượt, tổng cộng 165 tỷ đồng. Vụ án được xét xử sau 18 tháng kể từ khi những bị can đầu tiên là nhóm cán bộ thuộc Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao bị bắt ngày 28/1/2022.
Bị cáo Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ. Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố – nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải và Quốc phòng).
Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân đã nâng giá vé, “chế” nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, Viện kiểm sát còn xác định có nhóm bị cáo đã móc nối để “chạy án” cho doanh nghiệp. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bầu trời xanh).
Bị cáo Tuấn khai, trừ đi 400.000 USD giữ lại thì đã đưa hết 2,25 triệu USD cho bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng điều tra, Cục An ninh điều tra) theo từng lần bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng chuyển tiền đến.
Báo CAND sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên xử.
Ông Nguyễn Đức Chung lại bị truy tố vì liên quan vụ trồng mới cây xanh
Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến việc trực tiếp can thiệp, chỉ đạo việc trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh tại Hà Nội, gây thiệt hại hàng ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Đây là vụ án thứ 4, bị can Nguyễn Đức Chung bị xử lý trước pháp luật. Trước khi bị truy tố trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung đang thi hành tổng hình phạt 12 năm tù trong 3 vụ án: "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến vụ mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Đức Chung trong vụ án thứ 4, có 14 bị can khác bị truy tố về 4 tội: "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trước năm 2016, công tác trồng mới, thay thế cây xanh ở Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tháng 12/2015, khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị can Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo việc trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Từ chỉ đạo của bị can Nguyễn Đức Chung, toàn thành phố tạm dừng toàn bộ việc đấu thầu, chuyển sang đặt hàng từng quý.
Tại các cuộc họp với sở, ngành liên quan, bị can Nguyễn Đức Chung còn chỉ đạo miệng, áp đặt Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội phải đặt hàng trực tiếp của Công ty TNHH Sinh Thái Xanh. Công ty này thành lập năm 2016, khi Bùi Văn Mận (SN 1970, Giám đốc công ty) đang trốn nợ ở tỉnh Lâm Đồng thì được bị can Nguyễn Đức Chung gọi về làm dự án trồng cây. Bùi Văn Mận không góp vốn, nhưng đứng tên giám đốc công ty, còn mọi việc do bị can Hoàng Thị Kim Loan (SN 1970, Phó Giám đốc công ty) đảm nhận.
Thực hiện chỉ đạo của bị can Nguyễn Đức Chung, từ năm 2016 đến năm 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đầu thầu, nhưng Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng TP Hà Nội) lại ký hợp đồng đặt hàng. Đơn vị này giao Công ty TNHH MTV Công viên Cây Xanh (viết tắt là Công ty Cây Xanh, trực thuộc UBND TP Hà Nội) và Công ty TNHH Sinh Thái Xanh trồng cây trước rồi mới lập dự toán, thẩm định.
Cây chà là được Công ty TNHH Sinh Thái Xanh trồng dọc Đại Lộ Thăng Long.
Khi thực hiện 10 hợp đồng với Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị, Công ty Cây Xanh đã ký hợp đồng với thương lái trôi nổi trên thị trường để nâng khống giá đầu vào cây chà là, bàng lá nhỏ. Sau đó, Công ty Cây Xanh cùng cán bộ Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị cung cấp báo giá sai quy định, hợp thức chứng thư thẩm định giá để... đẩy giá cây lên cao.
Khi Công ty TNHH Sinh Thái Xanh ký 6 hợp đồng với Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị, bị can Bùi Văn Mận và bị can Hoàng Thị Kim Loan đã thông đồng, nâng khống giá cây chiêu liêu, keo, long não, sộp... để thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng.
Viện kiểm sát xác định, bị can Vũ Kiên Trung (SN 1976, cựu Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công viên Cây Xanh) cùng đồng phạm đã nâng khống giá cây và được thanh toán 17 tỷ đồng tiền chênh lệch. Số tiền chiếm hưởng này, Vũ Kiên Trung khai, đã trích 4,7 tỷ đồng cho một số nhân viên chủ chốt, còn lại Trung hưởng 1,5 tỷ đồng.
Vũ Trung Kiên còn khai, đã trích từ số tiền 17 tỷ đồng này đưa cho bị can Nguyễn Đức Chung 2,6 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết năm 2016-2018 để cám ơn bị can Nguyễn Đức Chung đã tạo điều kiện, chỉ đạo sở, ngành của thành phố Hà Nội đặt hàng công ty.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm giữa năm 2016, bị can Nguyễn Đức Chung nói rằng, bị can coi trọng vấn đề cây xanh từ khi chuẩn bị nhậm chức và mỗi ngày đều dành thời gian để cập nhật thông tin về trồng cây của thành phố.
Từ đó, dưới nhiệm kỳ Chủ tịch UBND TP Hà Nội của bị can Nguyễn Đức Chung, thành phố bắt đầu khởi động chương trình trồng mới một triệu cây xanh. Và để hiện thực hóa mục tiêu, thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty Cây Xanh cử các đoàn đi thăm quan học tập về trồng, chăm sóc, duy tu cây xanh tại Trung Quốc, Singapore. Tính chung giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội báo cáo đã trồng mới trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại.
Viện kiểm sát xác định, để xảy ra các sai phạm trên, bị can Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người đứng đầu thành phố để chỉ đạo cấp dưới đặt hàng trái quy định. Bị can Nguyễn Đức Chung vì động cơ cá nhân mà làm trái quy định pháp luật về đấu thầu, để cho các cá nhân có quan hệ thân thiết với mình hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Ngoài việc 2,6 tỷ đồng nhận từ bị can Vũ Kiên Trung, bị can Nguyễn Đức Chung còn được bị can Bùi Văn Mận chi 1,2 tỷ đồng dưới danh nghĩa trồng cây tài trợ. Tuy nhiên, theo Viện kiểm sát, bị can Nguyễn Đức Chung có nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen nên đề nghị giảm nhẹ khi xử phạt.
Một trong những đơn vị đầu mối thực hiện các hợp đồng là Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị nên Viện kiểm sát xác định, có trách nhiệm quản lý, giám sát của bị can Đỗ Anh Tuấn (SN 1967), cựu Giám đốc Ban duy tu các công trình kỹ thuật đô thị. Bị can Đỗ Anh Tuấn bị cáo buộc, đã thiếu giám sát để cấp dưới thông đồng nâng khống giá cây, gây thất thoát ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của bị can Đỗ Anh Tuấn thể hiện qua việc trực tiếp ký 18 văn bản gửi Sở Tài chính TP Hà Nội đề nghị hướng dẫn về xác định đơn giá nhưng không được trả lời.
Theo cáo trạng, trong số cây trồng ở Hà Nội, có nhiều cây chà là và bàng Đài Loan được nhập lập từ Trung Quốc. Bị can Hoàng Đình Văn (SN 1974, Giám đốc Công ty XNK Hoàng Anh Phát) khi được đặt vấn đề đã nhập lậu hơn 4.000 cây chà là và gần 2.000 cây bàng Đài Loan từ Trung Quốc theo đường sông Ka Long, thành phố Móng Cái rồi chuyển tới thành phố Hà Nội.
Để che giấu sự việc, bị can Hoàng Đình Văn đã chỉ đạo kế toán xóa hết dữ liệu trong máy tính nên cơ quan điều tra không thể trích xuất đầy đủ. Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Viện kiểm sát kết luận, bị can Hoàng Đình Văn đã buôn lậu cây để thu lời bất chính 1,6 tỷ đồng
Nguyên Phó chủ tịch UBND TP Mỹ Tho cùng 7 bị cáo lãnh án Ngày 28/6, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án đối với 8 bị cáo về các tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Công trình...