Đang xây dựng đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương
Trong những ngày này, tại TP Huế đang triển khai xây dựng tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương với bề mặt lát bằng gỗ lim.
Đầu năm 2018, dự án “Mạng lưới kế nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” được chính thức khởi công. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) với tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng.
Tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương đang được triển khai. Đơn vị thi công xây lắp là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế
Quy mô dự án thí điểm gồm cầu đi bộ kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát gỗ lim, hệ thống thoát nước sàn gỗ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng… Đặc biệt hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông. Riêng mặt trên đường đi bộ lát bằng gỗ lim dày 5cm, với tổng diện tích 2.438m2có tổng chí phí trên 5,7 tỷ đồng.
Dư luận cho rằng gỗ lim dù tốt nhưng khi phơi giữa nắng mưa sẽ nhanh hư hỏng, việc thay thế, sửa chữa về sau làm nảy sinh thêm những tốn kém. Ngoài ra Huế hay xảy ra lũ lụt khiến gỗ lim nhanh mục, hỏng.
Theo Ban Quản lý dự án KOICA, dự án đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án thiết kế dự án. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu (sử dụng gỗ lim để lát sàn) có kết quả đồng ý 29/32 phiếu, tỷ lệ 90,62%.
Phối cảnh đường đi bộ ven sông Hương lát gỗ lim
Ban quản lý đã đề xuất các phương án sử dụng vật liệu khác như đá granit, gỗ tổng hợp trong nước và nhập khẩu để có sự phân tích, so sánh cụ thể. Trên có sở đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất chọn gỗ lim với một số lý do: đây là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết mộc (đinh, lim, sến, táu); ưu điểm nổi bật là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Ban Quản lý dự án KOICA, cho biết: phía tư vấn khẳng định gỗ lim là loại lâu nay thường dùng trong kiến trúc, xây dựng công trình thủy lợi, cầu cống, đóng tàu thuyền, làm ván sàn, tà vẹt. Việc dùng gỗ lim sẽ tạo nên màu sắc hài hòa cho công trình, thân thiện môi trường, cảnh quan, duy trì được cảm giác thoải mái trong sử dụng và tạo nét mỹ quan về lâu dài. Gỗ lim dùng lát đường đi bộ ven sông Hương là vật liệu nhập khẩu về từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của chính phủ Việt Nam.
Video đang HOT
Những hình ảnh thi công đường đi bộ ven sông Hương được PV ghi nhận ngày 5/3:
Các cọc đang được nhồi xuống mặt nước
Một phần tuyến đường đi bộ đang được thành hình
Tuyến đường sẽ đi qua dưới cầu Phú Xuân
Khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa năm 2018.
Tuyến đường đi bộ có chiều dài 400 mét, rộng 4 mét chạy song song với bờ nam sông Hương, dự kiến sẽ là một điểm nhấn đẹp và là điểm đến cho người dân và du khách khi thăm TP Huế.
Đại Dương
Theo Dantri
Đường lát gỗ hơn 60 tỷ ở Huế: Ý kiến phản biện không được tiếp thu?
Ý kiến của nhiều chuyên gia về việc nên chọn đá thay vì gỗ để lát cho tuyến đường đi bộ ven bờ Nam sông Hương ở TP.Huế không được chính quyền tiếp thu.
Liên quan đến vụ đường lát gỗ lim hơn 60 tỷ đồng ở Huế, sáng nay (28.2), PV Dân Việt đã trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin (nay là Sở Văn hóa- Thể thao) tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Ông Hoa cho biết, dự án đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương ở TP.Huế không gây ra thay đổi gì lớn đối với cảnh quan sông Hương. Ông Hoa nhận định, dự án đã được tính toán rất kỹ để hạn chế những tác động tiêu cực đến cảnh quan sông Hương, từ dòng chảy cho đến các yếu tố khác.
Cọc bê tông được đóng xuống sông Hương ở TP.Huế để làm tuyến đường đi bộ lát gỗ lim. Ảnh: Trần Hòe
"Dự án không ảnh hưởng gì đáng kể đến cảnh quan sông Hương vì được tính toán kỹ, phạm vi của dự án nhỏ, tuyến đường lại nằm dưới chân cầu nữa. Nếu làm tốt khâu chiếu sáng thì ban đêm đoạn sông này sẽ khá thú vị, thu hút nhiều du khách"- ông Hoa nói.
Theo ông Hoa, điều không hợp lý của dự án này ở chỗ tuyến đường được lát bằng gỗ lim. "Thời tiết ở Huế không nên sử dụng gỗ để lát đường, nhất là tuyến đường đi bộ này lại nằm dọc bờ sông. Ngoài chuyện mưa nắng khắc nghiệt, tuyến đường này còn bị tác động bởi lũ lụt hàng năm, nên nếu lát gỗ sẽ nhanh hỏng"- ông Hoa phân tích.
Ông Hoa cho hay, trước đây, trong một hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về tuyến đường này do TP.Huế tổ chức, ông và nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước việc chọn gỗ lim để lát đường. Tại hội nghị, ông Hoa và nhiều người cho rằng nên chọn đá để lát đường thay vì lát bằng gỗ.
Tuy nhiên, trước những ý kiến này, các đơn vị liên quan cho rằng đã có thử nghiệm và khẳng định việc lát gỗ lim có thể tồn tại 30-40 năm. "Sau đó thành phố kết luận là họ tôn trọng đề xuất của các chuyên gia nhưng vẫn quyết định sử dụng gỗ lim để lát đường"- nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết.
Phối cảnh dự án đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương.
Theo kiến trúc sư Trần Trung Phong (TP.Hồ Chí Minh), nhìn một cách tổng thể, dự án đường đi bộ ven bờ Nam sông Hương sẽ tô điểm thêm vẻ đẹp cho Huế. "Xem phối cảnh dự án có thể thấy tuyến đường này đẹp, tạo được điểm nhấn nhìn sang bờ Bắc sông Hương và sẽ thu hút nhiều du khách sau khi đưa vào sử dụng"- ông Phong đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, việc chi hàng chục tỷ đồng để lát gỗ lim cho 380m đường rất tốn kém trong khi công trình sẽ không bền vững. "Thời tiết ở Huế gần như năm nào cũng có mưa lũ nên gỗ lim dùng để lát sàn sẽ rất nhanh bị hư hỏng, gây lãng phí lớn. Chỉ cần lát loại đá hợp lý vừa ít tốn kém, vừa dễ vệ sinh nhưng vẫn tạo ra được con đường thơ mộng"- ông Phong nói.
Như tin đã đưa, những ngày gần đây, tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương ở TP.Huế chính thức được triển khai xây dựng. Hiện đơn vị thi công đã huy động phương tiện đóng hàng loạt cọc bê tông xuống sông Hương và tiến hành đổ dầm bê tông.
Tuyến đường đi bộ này sẽ được xây dựng với chiều dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng. Để làm tuyến đường này, lực lượng thi công đóng cọc bê tông xuống sông Hương sau đó đổ dầm bê tông, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4m, có hệ thống lan can bảo vệ.
Theo dự toán từng được công bố, công trình có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng. Việc thi công sàn gỗ sẽ tốn khoảng 3.518m2 gỗ lim. Với đơn giá 12 triệu đồng/m2, tổng kinh phí cho riêng việc lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng.
Công trình đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương là dự án thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương có kinh phí 6 triệu USD, thực hiện trên tổng chiều dài dự kiến 16km hai bờ sông Hương. Theo dự án này, hai bên bờ sông này sẽ được quy hoạch với chiều dài 15km, từ làng cổ Bao Vinh đến đồi Vọng Cảnh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên.Tổng diện tích quy hoạch gần 840ha, trong đó diện tích hai bên bờ sông là hơn 313ha và diện tích mặt nước là 485ha. Các công viên Lý Tự Trọng, Tứ Tượng nằm ở bờ Nam sông Hương sẽ được quy hoạch lại không gian, cây xanh.Dọc bờ sông Hương có không gian mở với các công trình biểu diễn ngoài trời, công trình thương mại, công viên, quảng trường đi bộ và điểm ngắm cảnh.
Theo Danviet
Huế làm đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương Cọc bê tông được đóng xuống sông Hương để thi công tuyến đường đi bộ dài 380m. Ngày 26.2, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết, địa phương bắt đầu xây dựng tuyến đường đi bộ ven bờ Nam sông Hương với chiều dài 380m, rộng 4m. "Đây là tuyến đường bê tông...