Đang trong thời gian cách ly phòng Covid-19, cô gái vẫn thi đấu bóng chuyền
Mặc dù đang cách ly tại nhà do trở về từ Hàn Quốc, nhưng chị Trang vẫn tham gia thi đấu giải bóng chuyền khiến nhiều người lo lắng Covid-19 lây lan.
Những ngày qua, nhiều người dân xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) rất lo lắng khi thấy chị Tạ Thị Trang (trú tại xóm Thuận Yên, xã Nghĩa Hoàn) vừa từ Hàn Quốc trở về, đang phải cách ly tại nhà nhưng vẫn tham gia thi đấu giải bóng chuyền chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3 ở địa phương.
Được biết, chị Tạ Thị Trang đi du học Hàn Quốc về đến Sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 29/2. Do chị Trang không phải trở về từ vùng dịch của Hàn Quốc nên chị Trang không phải cách ly tập trung, mà chỉ cách ly tại nhà 14 ngày.
Chị Trang (đứng thứ 3 trái sang) tham gia giải bóng chuyền chào mừng ngày 8/3 khi đang tự cách ly tại nhà, phòng chống Covid-19. (Ảnh: Facebook Tạ Trang)
Tuy nhiên, ngày 7/3, chị Trang lại xuất hiện trong đội hình bóng chuyền nữ, được tổ chức thi đấu tại huyện Tân Kỳ để chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3.
Tối 10/3, trả lời VTC News, ông Nguyễn Đình Hưng, quyền Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho biết: “Chị Trang đi du học từ Hàn Quốc về, không nằm trong vùng có dịch của Hàn Quốc nên chỉ cách ly tại nhà. Ngày 29/2, sau khi về đến nhà, chính quyền địa phương đã hướng dẫn cách ly tại nhà theo quy định và báo cáo lên huyện. Tuy nhiên, sau đó chị Trang có tham gia đánh bóng chuyền chào mừng ngày 8/3 ở thị trấn huyện Tân Kỳ.
Nguyên nhân là do Trang chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cách ly nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Ngay trong chiều 10/3 Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Tân Kỳ về kiểm tra thì thấy sức khỏe chị Trang bình thường”.
Liên quan tới vụ việc, ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Việc cách ly chúng tôi đã giao cho anh em, đã chỉ đạo cách ly rồi, có gì các anh liên hệ với Trung tâm y tế dự phòng huyện”.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để xảy ra sự việc trên trách nhiệm thuộc về địa phương, “chúng tôi sẽ làm rõ sự việc”.
Video: Vũ Khắc Tiệp đi cách ly sau 3 tiếng vận động
TRẦN LỘC
Theo vtc.vn
Nữ công nhân 20 năm bám trụ Sài thành với đôi chân "chấm phẩy"
20 năm bươn trải, vất vả bám trụ tại TP.HCM, chị Thanh vượt lên nỗi cô đơn, mặc cảm để làm việc, tự nuôi sống bản thân với đôi chân không được lành lặn như bao người.
Người phụ nữ giàu nghị lực ấy là chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1977), quê Nghệ An, đang làm việc tại Công Ty TNHH Sản suất Upgain (VN) Manufacturing ở Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM).
Người dân ở khu trọ công nhân gần chân cầu vượt Linh Xuân, trên quốc lộ 1K hướng về Bình Dương đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé trên chiếc xe 3 bánh, lăng lẽ sớm đi tối về một mình
Trong căn phòng nhỏ bài trí đơn giản và ngăn nắp, chị Thanh có vài ba bộ quần áo đi làm, mặc ở nhà và đi chơi, một chiếc giường, chiếc tivi nhỏ và đồ dùng nhà bếp... Bữa tối của chị cũng chỉ có chút trứng với rau cải thảo xào. Chị Thanh bảo, chị thích nấu ăn nhưng cuộc sống một mình nên nhiều khi qua loa cho xong bữa.
Chị Nguyễn Thị Thanh sống một mình trong căn nhà trọ với đôi chân teo tóp.
Chị chẳng thích kể lể về những khó khăn, bất hạnh trong cuộc đời. Dường như 20 năm đi làm với bên chân bị tật, tự nuôi mình trải qua bao vất vả của cuộc sống, rất khó để ai đó có thể khiến chị mở lòng, dốc bầu tâm sự.
Chị Thanh bảo, bây giờ rất nhiều người trẻ tìm đến TP.HCM như một miền đất hứa để lập nghiệp, để theo đuổi ước mơ, nhưng với chị đó đơn thuần là một lựa chọn bắt buộc.
Sinh trong gia đình thuần nông có đông anh chị em, từ nhỏ, chị Thanh đã phụ gia đình làm đồng áng. Trong một lần đi làm đồng, chị gặp tai nạn lúc cắt cỏ khiến chân bị teo, chân cao chân thấp. Bạn bè nhiều người vô tâm còn trêu chọc, hễ nhìn thấy từ xa là hét lên "chấm phẩy, chấm phẩy!" khiến bao lần chị ứa nước mắt. Cũng như bao thanh niên trong xã thời đó, hơn 20 tuổi, chị bắt tàu vào Nam, bắt đầu cuộc sống mưu sinh một mình.
Xa quê, bươn trải ở thành phố lớn, 20 năm qua chị Thanh đều tự lập trong mọi việc.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với một người con gái xa quê, không có bằng cấp lại tật nguyền. Tiền mang theo chỉ đủ để có một chỗ ngả lưng rách nát ở thành phố, chuỗi ngày chân cao chân thấp đi bộ tìm việc khó khăn vô cùng. Có thời điểm buồn quá, nhớ nhà, nhớ anh em nên chị về quê.
"Định rằng không đi nữa, ở nhà khoảng 1 năm, sau đó nghĩ ở nhà không làm ra tiền mà chân của mình như thế, ai nuôi nổi, tôi quyết định vào TP.HCM lần nữa. Lần này, tôi xin vào làm công nhân cho một công ty may tư nhân. Làm được khoảng 3 năm thì công ty phá sản, tôi thất nghiệp. Cuộc sống khó khăn vô cùng", chị Thanh nhớ lại.
Được một người quen giới thiệu việc làm tại khu chế xuất, chị Thanh mừng lắm. Lúc đó không có xe, trong người còn 3 triệu đồng, chị quyết định thuê một phòng trọ khoảng 900.000 đồng, một cái giá khá đắt bởi nơi này gần, chị có thể đi bộ đi làm. Nhưng thời gian đó, chị mất giấy tờ gốc, về quê làm lại rất mất thời gian mà kinh tế đang khó khăn. May thay em gái chị đã làm đơn bảo lãnh, kể rõ hoàn cảnh khó khăn của chị..., cuối cùng chị Thanh được công ty nhận vào làm từ giữa năm 2006.
6 năm nỗ lực, chăm chỉ làm việc với đôi chân tật nguyền, dành dụm được hơn 20 triệu đồng, chị Thanh quyết định mua xe máy và nhờ người gắn thêm hai bánh để chị có thể tự chạy. Tưởng rằng mọi việc sẽ dễ dàng hơn, nhưng bất hạnh lại ập đến khi tai nạn tới, cú ngã xe khiến chị gãy hẳn một bên xương vai. Chị buộc phải về quê tại Nghệ An để vợ chồng anh trai chăm sóc.
"Khi tôi bị ngã, gãy xương đòn, anh trai tôi mắng. Mặc dù biết anh trai rất thương mình nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào người thân, huống hồ anh trai tôi còn gia đình, vợ con và các cháu. Cho nên, sau 1 tháng cơ thể đã bình phục, tôi tiếp tục quay trở lại TP.HCM để làm việc", chị Thanh kể.
Buổi tối, sau khi đã làm xong hết mọi việc, chị Thanh thường sử dụng điện thoại để đọc tin tức.
Nhắc đến chuyện tình cảm, chị Thanh trầm hẳn. Bao nhiêu năm độc thân, một mình chị cũng cần tìm kiếm hạnh phúc và được quan tâm, chăm sóc.
Tôi hỏi chị có từng thích ai không, hay muốn có gia đình nhỏ của mình trong những năm tháng sau này, chị Thanh buồn bã nói: "Làm gì mình có quyền thích ai hả em. Mình như thế, ai thương. Chẳng ai muốn gắn bó cuộc đời với người không lành lặn cả".
Ngừng một lúc rồi chị nói tiếp: "Nhiều lúc nghĩ có ai góa vợ, hoặc chung hoàn cảnh với mình để mà cùng nhau nương tựa, chăm sóc nhau lúc ốm đau, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Một mình cũng được, nhưng những lúc ốm đau tủi lắm".
Như bao người phụ nữ, chị Thanh mong hạnh phúc đến với mình. Khát khao giản dị của chị chỉ đơn giản là có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Những ngày lễ trong năm, chị Thanh mong muốn nhận được một lời chúc hay bông hoa để biết mình được yêu thương, trân trọng.
Cuộc sống vất vả, khó khăn không làm chị đánh mất hi vọng. Chị chia sẻ, bản thân đã mạnh mẽ hơn, ai đó có trêu chân chị "chấm phẩy", chị vẫn có thể nở nụ cười chứ không "mít ướt" như ngày trước. Mỗi ngày, niềm vui và động lực sống của chị là công việc, là sau những ngày dài trong xưởng, trở về nhà được ngắm những đứa trẻ, cứ tíu tít chạy sang chơi mỗi khi thấy cửa mở.
Chị Thanh có ước mơ về hạnh phúc giản dị như bao người phụ nữ bình thường.
Sống ở thành phố tấp nập, khi mặt trời chiếu ánh nắng xuyên qua những tòa nhà cao tầng cũng là lúc người phụ nữ nhỏ bé hòa vào dòng người hối hả ngược xuôi đến công ty cho kịp giờ làm việc. Dù còn đó nhiều nỗi niềm, nhiều khó khăn nhưng chị Thanh vẫn tin cuộc sống còn nhiều niềm vui. Nếu có một món quà cho ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị chỉ mong ông trời cho mình sức khoẻ để đi làm và có vốn dành dụm sau này.
Theo danviet.vn
Ngày mới tốt lành: Đến thăm tủ sách miễn phí của "cô bé" Nga Bằng nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, Trần Thúy Nga đã vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, tự mình học tập và tạo dựng không gian đọc sách miễn phí để truyền lửa cho mọi người. Chị Trần Thúy Nga (sinh năm 1985, tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) từng là một cô...