Đảng trí tuệ dẫn đường, giới trẻ phải có khát vọng để đất nước hùng cường
90 mùa xuân từ khi ra đời đến nay, vượt qua bao ghềnh thác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tạo lập được cơ đồ chưa từng có.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Đảng ta đã luôn thể hiện được trí tuệ và gương mẫu. Tin vào Đảng, mỗi người dân, nhất là giới trẻ hôm nay cần học tập và có khát vọng để tiếp tục đưa đất nước tiến lên cường thịnh.
Một Đảng có đạo đức và trí tuệ
- Phóng viên: Là một nhà nghiên cứu về lịch sử Đảng, PGS có thể phân tích rõ hơn về sứ mệnh và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi thắng lợi của cách mạng, của dân tộc ta suốt 90 năm qua?
- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Ngày 3-2 này, Đảng ta tròn 90 tuổi. 90 mùa xuân, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng khác nhau, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến giai đoạn đổi mới đất nước, những thành quả mà Việt Nam có được ngày hôm nay chính là minh chứng rõ nét nhất về đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không thể khẳng định được vai trò, sứ mệnh của mình, không thể được toàn dân tin yêu, gọi thân thương là “Đảng ta”, nếu như con thuyền cách mạng Việt Nam không đạt được những thắng lợi, những thành quả lớn lao.
Từ Cách mạng tháng Tám đến đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, và những thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới đem đến sự đổi đời cho dân tộc Việt Nam. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu cách đây 90 năm, đến nay chúng ta đã trở thành một nước đang phát triển năng động, có vai trò và vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế. Quan trọng hơn, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. An ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, một quốc gia “an toàn” nhất thế giới. Rồi chúng ta đã bước đầu thực hiện được những tiến bộ về công bằng xã hội, nói theo chủ trương của Đảng là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Và đúng như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”. Trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự thể hiện được là một Đảng có trí tuệ, có nền tảng lý luận, đó chính là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ – người sáng lập Đảng nói rằng, một Đảng mà không có trí tuệ thì như người không có trí khôn. Và chính nền tảng lý luận, trí tuệ đã giúp Đảng ta lãnh đạo cách mạng luôn tuân thủ những quy luật khách quan của lịch sử. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi.
Thứ hai, Đảng luôn luôn có cương lĩnh, đường lối đúng đắn, đồng thời luôn luôn chú ý đến việc hoàn thiện đường lối, chống nguy cơ sai lầm về đường lối. Thứ ba là trình độ, năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa, đưa cương lĩnh, đường lối vào cuộc sống. Quan trọng hơn cả, đây là Đảng có đạo đức, được rèn giũa phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi tình huống. Đội ngũ cán bộ, Đảng viên ở mọi thời kỳ nhìn chung đều là những chiến sĩ cộng sản tiên phong, gương mẫu, nêu cao trách nhiệm để dẫn dắt nhân dân.
Video đang HOT
Không ngừng chỉnh đốn và khát vọng vươn lên
- Nói tới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng không thể không nhắc đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo PGS, công tác này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
- Đội ngũ cán bộ, Đảng viên ta nhìn chung đều là những chiến sĩ cộng sản tiên phong, gương mẫu, nhưng cũng không tránh khỏi có những người suy thoái, biến chất. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Cũng vì thế, để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Đảng phải tự nghiêm khắc với các khuyết điểm, sai lầm của mình, phải luôn chỉnh đốn mình.
Trong suốt 90 năm qua, Đảng đã nhiều lần thẳng thắn nhận khuyết điểm, đánh giá đúng sự thật, thậm chí nhận lỗi trước dân để sửa chữa, đưa ra đường lối đổi mới. Những năm gần đây, chưa bao giờ công tác chấn chỉnh, kỷ luật Đảng được siết chặt và làm mạnh mẽ đến vậy. Hàng loạt vụ án, đại án tham nhũng được đưa ra xét xử. Hàng loạt cán bộ, Đảng viên, rất nhiều trong số đó là những lãnh đạo cao cấp dính vào vòng lao lý. Đó là điều chưa từng có trong lịch sử. Nhân dân luôn nhìn vào người đứng đầu, nhìn vào lãnh đạo, nên chỉ khi loại bỏ, xử lý nghiêm khắc những cán bộ lãnh đạo suy thoái, những Đảng viên biến chất thì mới củng cố được niềm tin của nhân dân. Và Đảng ta đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc làm trong sạch bộ máy.
- Năm 2020 là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng vào đầu năm 2021. PGS kỳ vọng gì vào kỳ đại hội tới đây và có niềm tin như thế nào về con đường cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo?
- Phải coi đại hội là dịp để tổng kết cả lý luận, thực tiễn giúp Đảng tiếp tục hoàn thiện đường lối cho giai đoạn tiếp theo. Chỉ có tổng kết thật đầy đủ, nghiêm túc, đánh giá đúng sự thật về nhiệm kỳ đã qua, thậm chí là giai đoạn 10, 20 năm đã qua thì mới giúp Đảng định hướng được đường lối lãnh đạo đúng đắn để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, dẫn dắt dân tộc Việt Nam tiếp tục đi đến thắng lợi mới. Công tác nhân sự, tất nhiên rất quan trọng, bởi đó là gốc của mọi công tác.
Để chọn được những cán bộ thực sự có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực để đưa vào cấp ủy, đứng vào đội ngũ lãnh đạo của Đảng ở nhiệm kỳ tới, điều quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền.
Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã thể hiện được khát vọng, trí tuệ, gương mẫu và không ngừng chỉnh đốn, hoàn thiện đường lối. Vì thế, mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay phải vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, phải không ngừng học tập, cả năng lực chuyên môn lẫn lý luận. Quan trọng nữa là phải có khát vọng, khát vọng đưa đất nước tiến lên cường thịnh.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Chọn cán bộ sai thì rất nguy hiểm
Quy định 205 của Bộ Chính trị nêu rất cụ thể việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng các cấp, và đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị có quy định rõ ràng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Theo tôi đây là văn bản có tính giá trị pháp lý rất cao, là cơ sở để đẩy mạnh hơn quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như phòng ngừa những tiêu cực trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trong đó có tiêu cực về công tác cán bộ. Trước đây chỉ nêu "kiểm soát quyền lực" nói chung;, nhưng lần này Quy định 205 nhấn mạnh đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Như vậy đáp ứng được yêu cầu thực tế, qua đó phòng ngừa việc lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền lực trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ. Cá nhân tôi đánh giá đây là bước phát triển quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ.
Đáng chú ý khi Quy định này đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản đó là các tổ chức đảng, cấp ủy và mỗi cán bộ đảng viên căn cứ vào đó để xử lý những vi phạm về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, "chạy chọt" trong công tác cán bộ là hiện tượng đã diễn ra trên thực tế và thời gian qua chúng ta đã phải xử lý nhiều vụ vi phạm. Quy định này của Bộ chính trị là để ngăn chặn những hiện tượng đã có, hướng tới phòng chống chạy chức chạy quyền, và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Nếu như đường lối, chính sách sai có thể sửa được, nhưng nếu chọn sai cán bộ thì rất nguy hiểm, có thể dẫn tới thất bại, thậm chí đổ vỡ.
Từ thực tế vừa qua, theo ông đâu là bài học kinh nghiệm chúng ta cần rút ra trong công tác cán bộ, để qua đó có cách làm tốt hơn?
- Qua các thời kỳ cách mạng, sở dĩ chúng ta thành công thắng lợi lớn đều do sự lựa chọn, bố trí sắp xếp cán bộ đúng, phát huy được vai trò của cán bộ trong mọi thời kỳ. Đó là bài học cho ngày nay về công tác lựa chọn cán bộ. Từ nhiều nhiệm kỳ nay, công tác cán bộ đã bắt đầu xuất hiện những tiêu cực cho nên Quy định lần này của Bộ Chính trị chính là để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, đặc biệt là hiện tượng chạy chức, chạy quyền, rồi sử dụng quyền lực trong công tác cán bộ.
Như vậy chúng ta cần phải chú trọng đến vai trò của các cấp ủy Đảng vì công tác cán bộ là việc của Đảng, bên cạnh đó cũng gắn với đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn, thưa ông?
- Chúng ta phải nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu. Trong lựa chọn cán bộ phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, nếu người đứng đầu không thực sự vì sự phát triển của tổ chức đảng sẽ dẫn tới chọn sai, bắt đầu từ khâu đánh giá cán bộ. Vì công tác cán bộ có 5 khâu gồm: Đánh giá; quy hoạch; đào tạo bồi dưỡng; xếp sắp bố trí; thực hiện hệ thống các chính sách cán bộ. Nếu làm đúng quy trình này, bước đầu tiên bao giờ cũng là đánh giá cán bộ, đánh giá đúng mới quy hoạch tốt, quy hoạch xong phải đào tạo tốt, từ đó mới xắp xếp bố trí và có chính sách hợp lý.
Trong bối cảnh hiện nay, sau ban hành Quy định, theo ông có thể ngăn chặn được tình trạng chạy chức chạy quyền hay không?
- Muốn thực thi Quy định 205 có hiệu quả trước thềm diễn ra Đại hội đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, các cấp ủy và trách nhiệm của người làm công tác cán bộ, công tác tổ chức và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên chúng ta mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, cộng với sự giám sát của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chúng ta mới có thể thực hiện được.
Thưa ông, Quy định 205 đã nêu rõ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Vậy theo ông làm sao có thể phát huy được vai trò của Mặt trận và nhân dân trong việc chống chạy chức, chạy quyền?
- Có hai cách giám sát. Một là giám sát trực tiếp, tức là bản thân người dân và các tổ chức quần chúng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thấy hiện tượng có thể phản ánh ngay với Đảng để xử lý kịp thời các vụ việc. Hai là giám sát thông qua đại diện như MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị với Đảng về công tác cán bộ. Theo tôi những kiến nghị chân thành đó, Đảng cần phải nghiêm túc xem xét, xử lý. Chúng ta cần coi trọng cả hai cách thức giám sát này. Các tổ chức cũng cần chú ý đến sự phản biện, hay những đề xuất của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác cán bộ. Lắng nghe để xử lý, nhưng quan trọng phải xử lý kịp thời, không để kéo dài vì công tác cán bộ tác động trực tiếp đến công việc lãnh đạo. Bên cạnh đó, chế độ tiếp dân của người đứng đầu đã được quy định, cho nên người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tiếp dân - đó cũng là kênh thông tin để lắng nghe ý kiến của người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.Vũ (thực hiện)
Theo ĐĐK
Chống chạy chức, chạy quyền: Cần công khai quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ Việc "chạy chức, chạy quyền", tệ tham nhũng đã chi phối nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch.. Lần đầu tiên, vấn đề kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền" đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký và ban hành trong...